Từ ngày 26.07 đến ngày 31.07.2021 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

26.07.2021

THỨ HAI TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Thánh Gioakim và thánh Anna,

Song thân Đức Maria

Mt 13,31-35

Lời Chúa:

“Nước Trời cũng giống như chuyện nấm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”. (Mt 13,33).

Câu chuyện minh họa:

Mục sư Martin Luther King, người đấu tranh giành tự do cho nô lệ da đen tại Hoa Kỳ bằng phương pháp bất bạo động đã kể lại một câu chuyện như sau:

Chúng tôi đã có dịp viếng thăm bang Kerela ở cực Nam Ấn Độ. Một buổi chiều cuối tuần, chúng toi đến bãi biển Cap-Comorin, thường được gọi là “nơi tận cùng của thế giới”, vì đây là mũi đất cuối cùng của lục địa Ấn Độ tiếp giáp Ấn Độ Dương.

Trước mắt chúng toi là đại dương mênh mông, với các đợt sóng nhấp nhô. Nơi đây được gọi là “điểm hẹn” của ba biển cả: Ấn Độ dương, Biển Ả Rập và vịnh Bengal. Ngồi trên tảng đá nhô ra trên mặt nước, chúng tôi cảm thấy mình bị cuốn hút vào biển cả mênh mông. Trong khi các đợt sóng dồn dập vào mỏm đá, tạo nên một bản nhạc nhịp nhàng, thì về phía tây, chúng tôi nhìn thấy mặt trời đỏ chói đang dần dần đi vào biển cả. Khi mặt trời gần khuất, vợ tôi đánh động tôi và nói: “Xem kìa, Martin, thật là tuyệt vời, phải không?” Tôi đưa mắt nhìn chung quanh và kìa mặt trăng đang từ từ lên khỏi lòng biển trong khi mặt trời chậm chạp đi xuống biển sâu. Khi mặt trời lặn, bóng tối bao trùm mặt đất, nhưng từ phía đông, mặt trăng mọc lên, rực rỡ, chói sáng.

Suy niệm:

Khi ánh mặt trời tắt lịm là lúc bóng tối bao trùm, nhưng chúng ta hãy nhìn về hướng đông, chúng ta sẽ thấy ánh sáng huy hoàng trong đêm tối, là lúc điều thiện đang vươn lên để xóa tan bóng đêm của tội lỗi, của sự dữ và cái ác. Ánh sáng ấy là Đức Kitô, Ngài luôn soi chiếu chúng ta, nhất là những lúc chúng ta gặp nguy nan, thử thách. Nấm men mà Chúa muốn nói đến trong dụ ngôn là đức tin của chúng ta.

Một chút men không đáng kể gì so với một thúng bột, nhưng sự khiêm tốn, thầm lặng ấy đã mang lại một hiệu quả kỳ diệu. Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận nấm men là đức tin, chúng ta có bổn phận làm cho nấm men ấy được lan rộng khắp nơi, trong môi trường sống, trong gia đình, nơi làm việc… Chính khi nấm men ấy được lan rộng là chúng ta làm trổ sinh những hạt giống Lời Chúa được gieo vãi trong tâm hồn. Tuy vậy, có những môi trường nấm men ấy không được đón nhận nhưng chúng ta cương quyết dấn thân, thì chắc chắn nơi ấy Chúa sẽ biến đổi lòng họ cho nên tốt hơn.

Lạy Chúa, Ngài đã đến trong trần gian này như một nấm men, chịu biến tan trong bột thế gian. Ngài đến trong thân phận con người khiêm tốn và thầm lặng. Thế nhưng Ngài đã làm dậy lên trần gian này khi hoàn thành sứ mạng, trở nên ơn cứu độ cho con người. Xin cho mỗi chúng con cũng chịu nghiền nát thân mình trong những hy sinh nhỏ mọn, để trở nên của lễ đẹp lòng Chúa.

 

 

 

27.07.2021

THỨ BA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Mt 13,36-43

Lời Chúa:

“Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”. (Mt 13,40).

Câu chuyện minh họa:

Ở Scotland, nghề canh nông đã được hiện đại hoá với kỹ thuật máy móc tối tân, nhưng còn một công việc cần phải được làm cẩn thận bởi bàn tay con người. Vài ngày trước khi mùa thu hoạch lúa mạch, bạn sẽ thấy một số đông dân chúng đi bộ băng qua cánh đồng lúa để nhổ những cây lúa dại. Lúa mạch là nguồn nông sản chính yếu cung cấp lương thực cho người dân Scotland. Một món ăn thông dụng được ưa thích khắp nơi trong nước làm từ lúa mạch là món cháo đặc, ở Mỹ gọi là oat meal, một món ăn điểm tâm vừa dễ nấu, vừa bổ dưỡng lành mạnh, không gây gia tăng chất béo, cholesterol, trong động mạch. Do đó mùa gặt lúa mạch là một sinh hoạt rất quan trọng.

Điều rất đơn giản mà những người nông dân phải làm là nhổ những cây lúa mạch dại ra khỏi ruộng lúa trước khi thu hoạch. Nếu để những cây lúa dại này trong lúc gặt, những hạt giống của nó sẽ rớt xuống và mọc lên tràn ngập cánh đồng trong mùa sắp tới. Sự khác biệt giữa lúa dại và lúa mạch thật rất tinh tế. Chỉ sau một hai ngày làm việc, bạn sẽ biết phân biệt rõ ràng. Điều lạ lùng là cây lúa dại thường lớn hơn và khoẻ mạnh hơn lúa thật làm bạn nghĩ rằng phải giữ chúng lại. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ lưỡng sẽ thấy rằng nhánh và hạt lúa dại dài hơn, nhưng lại lép. Điều này giúp ta hiểu tại sao những người nông dân phải chờ đợi cho đến khi mùa thu hoạch đến mới nhổ những cây lúa dại đi, vì chỉ khi đó bạn mới phân biệt được rõ ràng.

Suy niệm:

“Nhân vô thập toàn”, không ai hoàn hảo cả, bởi mỗi người là một pha trộn giữa lúa mì và cỏ lùng, giữa xấu và tốt, giữa tội lỗi và thánh thiện… Vì thế chúng ta đừng vội phán đoán về người khác, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền phán xét con người thôi.

Tội ác luôn tiềm ẩn trong con người chúng ta, nếu chúng ta không biết làm chủ bản thân mình thì có thể chúng ta sẽ trở thành kẻ giết người. Con người vốn dĩ hướng về điều thiện, nhưng ma quỷ xui khiến con người vào điều dữ. Vì thế, con người luôn bị giằng con giữa thiện và ác. Tuy nhiên, vì bản tính con người đã bị thương tích do tội nguyên tổ, nên phần nào chúng ta cũng dễ rơi vào cám dỗ tội lỗi. Do đó, chúng ta cần nhờ đến ơn Chúa, qua việc cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các bí tích.

Lạy Chúa, xin giúp con sáng suốt trước những cạm bẫy của thế gian, để tâm hồn con luôn thuộc về Chúa, và trung thành với tình yêu của Ngài.

 

28.07.2021

THỨ TƯ TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Mt 13,44-46

 

Lời Chúa:

“Tìm được viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt 13,46)

Câu chuyện minh họa:

Người ta kể rằng khi thư viện lớn nhất tại thành phố Alexandre bên Ai Cập bị đốt cháy, chỉ có một quyển sách còn nguyên vẹn. Nhìn bên ngoài thì đây chỉ là một quyển sách tầm thường như bao quyển sách khác. Nhưng có lẽ đây là quyển sách quí giá nhất thế giới, vì bìa lưng của nó chứa đựng bí mật về một viên đá quí. Viên đá này chạm đến đâu thì tất cả đều biến thành vàng. Hàng chữ viết trên bìa lưng của quyển sách cho biết thêm viên đá quí này nằm lẫn lộn trong muôn nghìn viên đá khác tại bờ Bắc Hải. Về hình thù nó giống như mọi viên đá khác. Chỉ khác có điều là trong khi những viên đá khác sờ vào thấy lạnh, thì viên đá quí này lại nóng. Một nông dân nghèo đã tình cờ mua được quyển sách và khám phá ra bí mật ấy. Ông ta bán tất cả tài sản và lên đường đi tìm cho bằng được viên đá quí. Ông cắm lều bên bờ biển Bắc Hải và ngày ngày ông nhặt từng viên đá lên xem. Cầm lên viên đá nào là ông ném xuống biển. Nguyên một năm ròng rã, mỗi ngày ông lặp đi lặp lại cùng một động tác ấy. Nhặt một viên đá rồi ném xuống biển. Nhưng ông vẫn chưa tìm được viên đá nóng. Viên đá nào cũng lạnh cả. Ông lại tiếp tục công việc ấy một năm nữa, nhưng vẫn chưa tìm được viên đá quí, thế rồi một buổi chiều nọ, bàn tay của ông bỗng rực nóng lên khi chạm đến viên đá. Nhưng thói quen nhặt đá để ném xuống biển đã trở thành một thứ bản năng, không chống lại nỗi nữa. Vì thế người nông dân cũng ném luôn viên đá ấy xuống biển. Ông đã để kho tàng tuột khỏi tay ông.

Suy niệm:

Kho tàng ở ngay trong tầm tay của chúng ta nếu chúng ta biết khám phá nó. Cuộc sống cũng vậy, nó là một chuỗi những chọn lựa. Nếu có chọn lựa thì sẽ có từ bỏ. Nước Trời như viên ngọc bị chôn vùi trong lòng đất khi gặp thì người kia sẵn sàng hy sinh tất cả những gì đang có để chiếm cho được kho tàng ấy. Một lúc nào đó, chúng ta sẽ tự hỏi, mình sống để làm gì? Cuộc sống này có ý nghĩa gì đối với tôi? Và câu trả lời của hầu hết mọi người là đi tìm hạnh phúc. Thật vậy, hạnh phúc là viên ngọc quý mà con người đi tìm kiếm nó. Có những người dành tất cả thời gian để chỉ đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc của chúng ta không ở đâu xa, là chính Chúa Giêsu. Ngài là kho tàng vĩnh cửu. Ngài mở lối cho chúng ta vào Nước của Ngài, thì chúng ta cũng phải biết đáp ứng những đòi hỏi của Nước Trời.

Chúng ta có dám từ bỏ những của cải vật chất mau qua để đạt được Nước Trời không?

Lạy Chúa, xin cho con ơn sáng suốt để biết nhận ra những giá trị và những đòi hỏi của Nước Trời để con cũng được vinh quang với Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu.

29.07.2021

THỨ NĂM TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Thánh nữ Martha

Lc 10,38-42

 

Lời Chúa:

“Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.” (Lc 10,39)

Câu chuyện minh họa:

Tổng Giám mục Anthony Bloom kể lại rằng người đầu tiên đến xin ngài một lời khuyên khi ngài đã được truyền chức thánh là một bà cụ, bà nói: “Thưa cha, con đã cầu nguyện hầu như không ngừng suốt mười bốn năm, và con chưa bao giờ có cảm giác gì về sự hiện diện của Thiên Chúa”.

“Con có để cho Thiên Chúa có cơ hội lên tiếng không?” ngài hỏi.

“Ồ không”, bà nói, “Con đã nói với Người suốt thời gian ấy. Như thế không phải là cầu nguyện sao?”.

“Không”, ngài nói. “Cha không nghĩ như thế. Bây giờ cha gợi ý thế này. Con hãy dành riêng mười lăm phút để chỉ ngồi trước mặt Thiên Chúa”.

Và bà đã làm như thế. Kết quả là gì? Không lâu sau, bà ta trở lại và nói: “Thật lạ lùng, khi con cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nói cách khác khi con nói với Người, con không thấy điều gì. Nhưng khi con ngồi thinh lặng, yên tĩnh mặt đối mặt với Người, con cảm thấy được bao trùm trong sự hiện diện của Người”.

Suy niệm:

Ngồi bên chân Chúa không phải là thời gian lãng phí như nhiều người suy nghĩ. Chỉ cần ngồi thinh lặng bên Chúa để cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa thôi, chúng ta có đủ động lực để sống. Thật không dễ để chúng ta gạt bỏ những công việc, những ưu tư, lo lắng để ngồi bên chân Chúa, bởi vì có rất nhiều thứ cám dỗ chúng ta: tiền bạc, công việc, cơm áo, gạo tiền, chăm sóc gia đình, người thân… Nhưng điều Chúa yêu thích lại là sự hiện diện của chúng ta trước mặt Chúa. Maria đã nhận ra điều đó, và ngồi lắng nghe lời Chúa dạy.

Nói như thế không phải chúng ta bác bỏ công việc phục vụ. Nhưng Chúa muốn chúng ta vừa là Maria vừa là Macta. Trong mọi công việc làm dù lớn bé, chúng ta kết hiệp liên lỉ với Chúa. Đồng thời chúng ta dâng lên Chúa những của lễ hy sinh trong đời sống hằng ngày, để những công việc làm của chúng ta trở thành của lễ nối dài trên bàn thờ.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tinh thần phục vụ tận tâm như Macta, yêu mến Chúa như Maria, để Chúa thánh hóa những công việc tầm thường, những hy sinh âm thầm của chúng con dệt nên hy lễ đẹp lòng Chúa.

30.07.2021

THỨ SÁU TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Mt 13,54-58

Lời Chúa:

“Người không làm nhiều phép lạ tại quê hương mình, vì họ không tin”. (Mt 13,58).

Câu chuyện minh họa:

Tại một vùng của nước Pháp, dân chúng có tập tục rất lạ. Đó là vào sáng sớm Chúa Nhật Phục sinh khi hồi chuông đầu tiên của nhà thờ vang lên, tất cả mọi người đều trổi dậy chạy ra giếng làng để rửa mắt với dòng nước mát lạnh.

Nhiều bạn trẻ không hiểu vì sao lại chạy ra giếng rửa mắt, trong khi ngày nay gia đình nào cũng có các vòi nước trong nhà.

Lúc ấy các vị bô lão mới giải thích: Đó là hình thức cầu nguyện bằng hành động, qua đó dân làng cầu xin Thiên Chúa ban cho họ đôi mắt đức tin mới, để họ thấy Đức Giêsu Phục sinh đang hiện diện sống động giữa họ.

Suy niệm:

Con mắt được xem là quan trọng, vì nó nhìn và điều khiển suy nghĩ của con người. Mc. Kenzie nói: “Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tỵ nhìn bằng kính hiển vi”.

Thói thường, những gì quá quen sẽ trở nên tầm thường, không có gì là quan trọng. Những người đồng hương với Chúa Giêsu đã có thành kiến với Ngài, vì họ biết được gốc gác, gia cảnh của Ngài: con bà Maria, con bác thợ mộc… Họ đã quá quen với quá khứ bình thường của Ngài. Vì thế, họ không nhận ra thiên tính của Ngài là Thiên Chúa, cho dẫu họ đã từng chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Chính sự kiêu ngạo, cố chấp mà dân Do Thái không nhận ra một Thiên Chúa đang sống cùng với họ. Thiên Chúa có đủ quyền năng nhưng Ngài không thể làm gì được nếu con người không có lòng tin. Và như thế Người không thể làm được phép lạ nào tại quê hương mình.

Lời Chúa hôm nay cũng chất vấn mỗi người chúng ta về thái độ của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta có thực sự để Chúa mở lòng chúng ta không hay chúng ta chỉ đóng khung Chúa trong một định kiến?

Lạy Chúa, Chúa đã làm biết bao phép lạ trong cuộc đời con, xin cho con nhận ra ơn lành Chúa ban mỗi ngày, xin ban thêm niềm tin cho con, để mỗi ngày con thêm vững mạnh hơn, và để Chúa tự do thực hiện những phép lạ trong cuộc đời con.

31.07.2021

THỨ BẢY TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN

Thánh Ignatiô Loyôla, linh mục

Mt 14,1-12

 

Lời Chúa:

Nhà vua lấy làm buồn nhưng đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô”. (Mt 14,9)

Câu chuyện minh họa:

Khi thấy hai con trai của mình đã lớn, người cha bảo chúng đi học nghề để tự lực cánh sinh. Ba cha con thu xếp rồi lên đường đến một ngôi làng nọ. Người anh chọn nghề thợ rèn rồi vui sống với nghề nghiệp của mình. Người cha và đứa em tiếp tục đi đến một ngôi làng khác. Một hôm, hai cha con đi ngang một cánh đồng và thấy một con bò đang gặp cỏ, người chăn ở đâu không thấy mà làng mạc thì xa. Đứa con nói với cha: “Con thích làm nghề ăn trộm vì công việc nhẹ nhàng mà thu hoạch lại lớn”. Người cha nhăn mặt nhưng vẫn gật đầu nói “Con hãy đợi cha ở ven rừng. Cha cần vào làng có công việc”.

Người cha vừa đi khuất thì người con đã vội lùa đàn bò về nhà trọ. Khi người cha về đến nhà hai cha con bắt tay vào việc làm thịt bò. Nhưng trước khi thưởng thức món thịt bò, người cha nói:

– “Ta hãy đoán xem ai trong chúng ta sẽ béo lên vì thịt bò này”.

Hai cha con phải mất nhiều ngày mới ăn hết thịt bò. Trong khi người cha cứ ăn thì người con cứ đứng lên ngồi xuống không yên, chốc chốc anh lại ra ngoài xem có ai theo dõi mình không. Sau một tuần lễ, hai cha con kiểm tra xem ai béo hơn ai. Quả thật, người cha đã lên cân thấy rõ, còn người con ngày một gầy thêm. Lúc bấy giờ người cha mới giải thích: “Con biết không, thịt bò con ăn là thịt bò ăn trộm, còn thịt bò cha ăn là thịt bò cha đã bỏ tiền ra mua hẳn hoi. Trong khi con ở ven rừng nhìn ngắm con bò thì cha đã vào làng thương lượng với chủ bò để mua nó. Con thấy chưa, của ăn trộm chẳng bao giờ để ta ăn ngon ngủ yên được”.

Suy niệm:

Trong cuộc sống có rất nhiều chọn lựa. Người ta có thể chọn lựa việc tốt để làm, có thể chọn việc xấu để đạt được mục đích gì đó, và cũng có khi là họ muốn làm việc tốt nhưng vì sự yếu đuối nên họ đã không thể làm việc tốt được. Và những chọn lựa đó, chúng ta sử dụng sao cho đúng và hợp lý.

Hêrôđê đã phân định rõ ràng việc làm sai trái của mình, và nghe những lời giải thích của Gioan Tẩy giả, nhưng chỉ vì một lời thề và vì danh dự mà ông đã hành động sai trái. Ông đã dùng tự do của mình không đúng lúc và không hợp lý. Còn Gioan đã sử dụng tự do của mình để nói lên công lý dù biết rằng điều đó có thể mất mạng, nhưng ông vẫn can đảm lên tiếng. Xét cho cùng, Hêrôđê sẽ phải ray rứt và áy náy vì đã làm một điều trái với lương tâm, còn Gioan Tẩy Giả dù là một tử tội nhưng lòng ông vẫn bình an vì Gioan đã làm theo đúng lương tâm mình.

Là những Kitô hữu, Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn can đảm làm chứng cho sự thật, cho sứ mạng và cho lời mời gọi của Chúa.

Vì thế, mang danh Kitô hữu, chúng ta có can đảm làm chứng cho Chúa để chống lại những bất công không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sử dụng tự do của mình để làm chứng cho sự thật trong môi trường sống của chúng con.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi