Thánh Giuse Trần Văn Tuấn, nông dân (1824-1862) – Ngày 07 Tháng 06

Dấu hiệu Đức Cậy.

Sự lạc quan trước những thử thách, đó là điều Thiên Chúa hằng mong đợi nơi mỗi người tín hữu. Chúng ta có thể gọi sự lạc quan ấy là Đức Cậy, vì dựa vào sức mạnh của Chúa và vững tin vào ngày mai tươi sáng. Nếu đã tin vào Đức Kitô, đấng đã chiến thắng các quyền lực sự ác, chúng ta thấy rằng không có gì có thể làm lay chuyển công trình Người thực hiện trên thế giới này. Đối với những thử thách lớn lao hơn như cuộc tử đạo, như những hình khổ, mà chỉ cần một hành vi chối đạo cũng đủ để thoát khỏ thì thái độ lạc quan kiên quyết của người tín hữu quả là một cuộc hiển dương Đức Cậy, như trường hợp Thánh Giuse Tuấn.

Sau một năm rưỡi đày cực khổ, các quan chỉ yêu cầu vị chứng nhân bước qua Thánh Giá để được tha về. Nhưng chẳng những người tôi tớ Chúa không tuân lệnh quan, lại còn quì gối trước Ảnh Chuộc Tội mắt hướng về trời cao mà cầu nguyện lớn tiếng rằng : “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ trước tình yêu bao la và lòng thương xót hải hà của Chúa. Chúa là sức mạnh đỡ nâng con”.

Người nông dân hiền lành.

Giuse Trần Văn Tuấn chào đời năm 1824 tại làng Nam Điền, một họ đạo xứ Phú Nhai, trong mái gia đình sinh sống nghề ruộng nhiều đời trên vùng đồng bằng sông Hồng thuộc tỉnh Nam Định (nay là Hà Nam Ninh). Cũng như hàng ngàn người nông dân Việt Nam, niềm vui của anh là con trâu, luống cày, để thu hoạch những bông lúa nặng trĩu do những giọt mồ hôi và công sức của mình.

Cùng với những giáo hữu đồng cảnh ngộ, cuộc đời anh Giuse Tuấn bỗng nổi cơn sóng gió vì những chiếu chỉ cấm đạo của nhà vua. Cuộc bách hại vào giai đoạn cao điểm này đã ảnh hưởng đến các phần tử nhỏ bé tầm thường nhất trong Giáo Hội Việt Nam. Năm 1860, anh tuấn bị bắt vào năm 36 tuổi, và bị giải tới phủ Xuân Trường cùng với một số giáo hữu khác. Về sau, anh lại bị phân sáp vào làng An Bái, Thuộc huyện Thụy Anh.

 

Máu đào minh chứng

Từ khi về làng An Bái, anh Giuse Tuấn bị giam trong ngục chật hẹp, cổ mang gông, chân mang cùm xiềng xích. Nhưng người chiến sĩ đức tin vẫn kiên trì chịu đựng trong nhẫn nại và vui vẻ. Theo chiếu chỉ phân sáp tháng 08-1861, quân lính nung đỏ thanh sắt, và khắc vào má của anh một bên chữ “Tả Đạo”, một bên là nguyên quán làng xã. Sau những ngày tháng tù tội cơ cực, sức khỏe anh Tuấn suy giảm rất nhiều, các quan tưởng anh sẽ nản chí bỏ cuộc, nên điều tra và yêu cầu anh bước qua Thánh Giá. Quan còn hứa ban tặng tiền bạc sau khi trả tự do cho anh.

Nhưng các quan đã thất bại chua cay, người nông dân tầm thường đó không dễ bị lung lạc thối chí. Ngược lại, anh còn thừa trung tín và can đảm biểu lộ niềm tin của mình. Vì tin vào Đấng Sáng Tạo yêu thương vô biên, và tin vào đấng cứu thế, nguồn trợ lực tâm hồn, anh Giuse Tuấn Thành kính trước ảnh Chuộc tội nói lên lời cảm tạ Thiên Chúa, Đấng mà chính anh đang cảm nghiệm được sự nâng đỡ của Ngài. Và anh đã phải trả giá cho niềm tin đó: Quan đã kết án tử hình người chiến sĩ Đức Kitô làng Nam Điền.

Ngày 07.06.1862, trên đường tới nơi xử trảm, anh Giuse Tuấn bình thản đi sau đám quân lính, vừa đi vừa sốt sắng đọc kinh Cầu Các Thánh. Tới nơi, lý hình đã vung gươm chém đầu vị chứng nhân, đang khi anh qùy gối, miệng vẫn liên tục kêu tên cực trọng Chúa Giesu. Người nông dân chất phác hiền hòa nhưng đạo đức, gan dạ, đã dùng chính mình thay vì ngôn từ, để làm chứng cho Đức Kitô, nguồn chân lý vĩnh cửu bất diệt. Hai năm sau, thi hài vị tử đạo được các giáo hữu cải táng và long trọng rước về chôn cất tại nhà thờ họ Nam Điền, quê quán của ngài.

Ngày 29.04.1951 cùng với 24 vị tử đạo khác tại Việt Nam, người nông dân nghèo thánh thiện, Giuse Trần Văn Tuấn, đã được Đức Piô XII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Ngày nay chúng ta không có hoàn cảnh như các ngài ở thế kỷ trước, nhưng với những khó khăn thử thách vẫn thường xảy đến, chớ gì chúng ta vẫn noi gương Đức Cậy của thánh Giuse Tuấn để mãi mãi ca tụng Thiên Chúa: “Lạy Chúa ! con hết lòng cảm tạ trước tình yêu bao la và lòng thương xót hải hà của Chúa. Chúa là sức mạnh nâng đỡ con”.

Lm. Đào Trung Hiệu, OP

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi