Suy niệm Lời Chúa hằng ngày (Mc 1, 7-11): Chúa Giê-su chịu phép rửa

Lời Chúa: Mc 1, 7-11

    Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.

Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

 Suy niệm:

Người Do-thái rất nhạy cảm về sự ô uế nơi thân xác.

Theo sách Lêvi, thân xác con người có thể bị ô uế bởi nhiều lý do.

Chạm vào xác chết hay vào người phong làm ta ra ô uế.

Người phụ nữ sinh con hay có phản ứng sinh lý bình thường

cũng trở thành ô uế và cần được thanh tẩy.

Lẽ ra người phụ nữ bị băng huyết không được chạm vào Đức Giêsu.

Đây không phải là sự ô uế do phạm tội về mặt đạo đức,

mà chỉ là sự ô uế khiến người ta không được phép dự các lễ nghi.

Để sạch trở lại, cần được thanh tẩy.

Nước là cách thanh tẩy dễ dàng nhất.

Sách Lêvi hay dùng câu: “lấy nước mà tắm rửa” (chương 14-17).

Nước dùng để thanh tẩy thường là nước nguồn, nước mưa.

Cho đến nay trong nhánh Do-thái giáo Chính Thống hay Bảo Thủ,

nơi thanh tẩy (mikvah) vẫn chiếm vị trí trung tâm của nhà cộng đoàn.

Chúng ta không lấy làm lạ khi Gioan Tẩy giả mời gọi dân chúng

đến với ông để chuẩn bị cho Đấng Mêsia đang gần tới.

Ông kêu gọi người ta hối cải, xưng thú tội lỗi mình,

rồi chịu phép rửa của ông ở dòng nước sông Giođan.

Đức Giêsu đã nghe tiếng kêu của Gioan và đã đến,

đã đứng chung với các tội nhân, chờ đến phiên mình,

đã dìm toàn thân mình dưới nước, và được Gioan ban phép rửa.

Lúc ấy Ngài đã trên ba mươi tuổi, làm thợ nhiều năm ở Nadarét,

đã lặng lẽ và bình an chờ đợi ngày Cha sai mình.

Nhận phép rửa của Gioan là làm một cử chỉ khiêm hạ.

Đức Giêsu không ngờ chính giây phút dìm mình ở con sông này

lại là giây phút Thiên Chúa ngỏ lời với Ngài,

vén mở cho Ngài biết Ngài là ai trong mắt của Thiên Chúa,

và kín đáo mời gọi Ngài rời Nadarét để lên đường.

“Con là Con yêu dấu của Cha !” đó là lời Thiên Chúa từ trời phán.

Như Isaac là con yêu dấu của Abraham (St 22,2),

Đức Giêsu là Con yêu dấu của Cha.

Ngài là Con như vị vua mới đăng quang thuộc dòng Đavít,

được Thiên Chúa tuyển chọn và bảo:

“Con là con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2,7).

Như Người Tôi trung được đầy Thánh Thần để làm sứ mạng,

Ngài được Thiên Chúa tuyên bố: “Cha hài lòng về Con” (Is 42,1).

Thiên Chúa Cha hài lòng về Đức Giêsu là người Con yêu dấu,

người đã vâng ý cha suốt bao năm ở Nadarét,

và sẽ còn vâng ý Cha cho đến nỗi hy sinh chính mạng sống mình.

Những gì xảy ra trên sông Giođan hôm nay

sẽ tiếp diễn mãi trong suốt đời của Đức Giêsu.

Ngài không chỉ xếp hàng với những người tội lỗi,

mà hơn nữa, “Đấng không hề biết đến tội, thì vì chúng ta,

Thiên Chúa đã làm Ngài thành thân tội” (2 Cr 5,21).

Thánh Thần đã xuống trên Ngài ở Giođan,

sau đó sẽ đưa Ngài vào hoang địa để chịu thử thách (Mc 1,12).

Đức Giêsu đã khiêm tốn chịu phép rửa bởi Gioan,

và Ngài sẽ còn đau đáu chờ một phép rửa khác nữa (Lc 12,50).

Ngài đã hỏi hai môn đệ xem họ có dám chịu phép rửa

mà Ngài sắp chịu không (Mc 10,38-39).

Phép rửa ấy không gì khác hơn là cái chết để phục vụ,

và hiến mạng làm giá chuộc cho muôn người (Mc 10,45).

Chúng ta đã được chịu Phép Rửa trong Thánh Thần,

nhân danh Chúa Giêsu, để được ơn tha tội (Cv 2,38).

Ước gì Chúa Cha cũng nói với từng người chúng ta:

“Con là con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về con.”

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

sám hối không phải là điều dễ dàng,

bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn

để nhận mình lầm lỗi.

 

Chúng con ngỡ ngàng

khi thấy Chúa là Đấng vô tội

mà lại đứng chung với các tội nhân,

chờ Gioan ban phép rửa.

 

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành

với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

 

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh

lối nghĩ và lối sống của mình,

tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,

thành thật để khỏi tự dối mình.

 

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,

dám đi đến những hành động cụ thể,

và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con

niềm vui của Gia kêu, 

hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi