23.11.2020
THỨ HAI TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,1-4
Lời Chúa:
“Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” (Lc 21,3)
Câu chuyện minh hoạ:
Ngày xưa, lâu lắm rồi, một ông vua ở Ấn Độ, nhân ngày lễ, mời Phật vào cung làm lễ. Hôm ấy vua cho đốt biết bao đèn dầu trong cung vị Phật ngự và suốt dọc hành lang từ cung vua đến cung Phật ở. Hôm ấy cũng có một bà cụ nghèo khó muốn dâng lên Phật ngọn đèn dầu, song bà chẳng còn đồng tiền nào. Bà đi ăn xin một ngày ròng, khắp kinh đô để đến tối mới được hai đồng. Bà lấy hai đồng tất tả ra phố mua dầu, đốt một đĩa đèn dâng lên Phật. Bà khấn: “Nếu đời sau con được thành đạo, thì xin ngọn đèn này sáng suốt đêm không tắt”.
Sáng hôm sau, khi một nhà sư lên cung Phật tắt đèn thì thấy mọi ngọn đèn của vua đã tắt tự bao giờ, riêng dĩa đèn của bà ăn xin vẫn tỏa sáng ngời ngợi, không làm cách nào tắt được. Nhà sư thấy sự lạ, lên thưa với Đức Phật. Người bảo: “Bà cụ tâm thành tu thân tích đức, về kiếp sau sẽ trở thành Phật Như Lai”.
Vua nghe chuyện, hỏi một vị quan trong triều, tại sao vua cúng đèn nhiều như sao sa vậy mà chẳng được như bà lão chỉ dâng có một đèn? Quan đáp: “Bởi vì bà của ít lòng nhiều, bà dâng có một dĩa đèn, nhưng tấm lòng bà thành kính thiết tha”.
Suy niệm:
Trong bối cảnh xã hội Do thái thời đó, người phụ nữ bị coi thường, thế nhưng Chúa lại nâng giá trị bà góa này, khi bà dâng cúng vào đền thờ hai đồng tiền kẽm: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” Chúa không nhìn ở bề ngoài về số lượng nhưng nhìn vào cách cho đi. Người giàu dâng cúng tuy nhiều, nhưng đối với họ đó chỉ là những đồng bạc dư thừa, còn bà góa nghèo này đã dâng cho Chúa tất cả những gì bà có để nuôi thân.
Thiên Chúa luôn quý mến và trân trọng những gì chúng ta dâng tặng cho Ngài. Lễ vật dù đơn sơ, nhỏ bé, nhưng với cái nhìn của Chúa thì đều có giá trị, cả những hy sinh, đau khổ chúng ta dâng cho Chúa, Ngài đón nhận như một của lễ đẹp lòng Ngài.
Xin cho chúng con ý thức rằng những gì chúng con có được là do Chúa ban, cả kiến thức, tài năng, sức khỏe… và xin cho chúng con biết dùng những gì Chúa ban để dâng lại cho Chúa trở nên như của lễ đẹp lòng Ngài.
24.11.2020
THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Mt 10,17-22
Lời Chúa:
“Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,20).
Câu chuyện minh hoạ:
Một viên sĩ quan trẻ trong quân đội Nga xin được nói chuyện riêng với vị mục sư người Hungary. Khi hai người ở trong một căn phòng đã đóng kín cửa, viên sĩ quan hung hãn chỉ lên cây thánh giá treo trên tường và nói với vị mục sư rằng:
– Ông biết không, cái đó là sự dối trá cho các ông bày đặt ra để làm mê hoặc dân chúng. Ở đây bây giờ chỉ có tôi và ông. Ông hãy thú nhận rằng: Ông không hề bao giờ tin rằng ông Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa.
Vị mục sư cười và trả lời:
– Này anh bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật.
Viên sĩ quan hét lên:
– Ông đừng có lừa dối tôi, đừng diễu cợt tôi.
Rồi anh rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào vị mục sư và hăm dọa:
– Nếu ông không nhận rằng đó là một sự dối trá thì tôi sẽ nổ súng.
Vị mục sư điềm tĩnh trả lời:
– Dù anh giết tôi, tôi cũng không thể nói điều anh muốn tôi nói. Đối với tôi, Đức Giêsu Kitô thật sự là Con Thiên Chúa.
Suy niệm:
Hôm nay Giáo hội Việt Nam long trọng cử hành lễ kính nhớ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Khi nhắc đến hai từ “Tử Đạo”, có nghĩa là chết vì đạo, là làm chứng cho đức tin vào Chúa Giêsu Phục sinh.
Các Thánh tử đạo đã làm chứng niềm tin của mình bằng cái chết với muôn hình phạt như: Bá đao, lăng trì, thiêu sống… với mục đích để trở nên giống Chúa Kitô, Đấng đã chấp nhận cái chết để cứu độ nhân loại. Ngày nay, mỗi chúng ta cũng tử đạo bằng chính cuộc sống của mình qua những bổn phận và công việc hằng ngày.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con noi gương Các thánh Tử đạo Việt Nam dám sống cho Tin Mừng và là chứng nhân của Chúa nơi mọi người chúng con gặp gỡ. Amen.
25.11.2020
THỨ TƯ TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,12-19
Lời Chúa:
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (Lc 21,17-18).
Câu chuyện minh hoạ:
Truyện kể về người Hồi giáo sống bằng nghề cầm đồ như sau: Ai cũng nghĩ rằng những người cầm đồ là những người bần tiện sống gian trá, bóp chẹt những người túng quẫn, nhưng trường hợp của người cầm đồ trong câu truyện này thì hoàn toàn ngược lại, ông lương thiện đến độ ai có lường gạt ông, ông cũng không màng chi. Đôi khi đồ vật mang đến cầm là đồ giả, và ông cũng nhận ra mình bị lường gạt, nhưng ông không nói một lời trách móc.
Lúc lìa đời ra trước toà Chúa, ông giơ tay lên cầu nguyện: “Lạy Chúa, con đã bị không biết bao nhiêu lần người ta lường gạt, nhưng con không hề trách móc và kết án ai cả. Vì con nghĩ rằng, họ không ý thức về việc họ làm cho con. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con và cho họ nữa”. Lúc bấy giờ Chúa mới nói: “Làm sao Ta có thể kết án một người mà cả đời không hề kết án người khác”.
Suy niệm:
Tòa án là nơi dành cho những kẻ phạm pháp. Thế nhưng, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy nơi toà án có cả người môn đệ của Chúa Giê-su. Đối với kẻ có tội, toà án là nơi để người ta luận tội và kết án cùng với kẻ bị luận tội là tâm trạng lo sợ, thất vọng… còn đối với người môn đệ của Chúa Giê-su, là nơi làm chứng cho Chúa, dù cho tính mạng bị đe dọa, người môn đệ của Chúa cũng sẵn sàng từ bỏ cốt để bảo vệ cho đức tin vào Chúa.
Chúng ta thấy được điều ấy qua tấm gương của Các thánh Tử đạo Việt Nam, dù gông cùm tù tội, các ngài vẫn quyết chí theo Chúa thà chết chứ không chối đạo. Mỗi người chúng ta có can đảm sống như vậy chưa khi những lợi ích và quyền lợi của chúng ta sẽ mất đi nếu chúng ta chọn Chúa?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn vững tin vào Chúa, nhất là những lúc khó khăn thử thách, con biết chọn Chúa là tất cả đời con.
26.11.2020
THỨ NĂM TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,20-28
Lời Chúa:
“Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này”. (Lc 21,23)
Câu chuyện minh hoạ:
Sau 75 năm tốn công tìm kiếm vất vả, mãi đến tháng 9 năm 1986, đoàn thám hiểm Mỹ-Pháp mới tìm ra xác của con tầu Titanic.
Như chúng ta biết, Titanic có nghĩa là khổng lồ.
Tầu Titanic là một du thuyền khổng lồ có 7 tầng lầu. Đây là một con tầu lớn nhất và sang trọng nhất của Anh Quốc thời bấy giờ. Nó được coi như là một lâu đài nổi khổng lồ không thể đắm được. Thế nhưng trớ trêu thay, lâu đài nổi đó đã bị đắm ngay trong hải trình đầu, sau khi rời bờ biển Anh Quốc được 5 ngày để đi đến New-York.
Tầu chở toàn những hành khách thuộc giới vương tôn công tử quyền quí, những mệnh phu nhân mỹ miều.
Sau khi đụng vào một tảng băng ngầm, tầu trải qua một cơn hấp hối hơn hai tiếng đồng hồ. Chúng ta thử tưởng tượng cảnh tưởng hãi hùng mà tất cả những người có mặt trên con tầu Titanic phải trải qua trong thời gian con tầu hấp hối.
Nhưng cho dù chúng ta có tưởng tượng thế nào đi chăng nữa thì có lẽ cũng không thể cảm nghiệm được sự hãi hùng mà những hành khách trên tầu Titanic phải đối diện. Chỉ có những người đã trải qua một hoàn cảnh tương tự, trong đó sự sống chỉ còn mong manh như sợi chỉ mành treo chuông, mới có thể cảm thông được mà thôi.
Suy niệm:
Vào năm 70, Giêrusalem bị đổ nát, đó là một kinh hoàng cho những người thời đó, vì Giêrusalem nguy nga, tráng lệ, kiên cố nhưng đã trở thành đống tro tàn. Thế nhưng trong sự đổ nát ấy, sự sống lại phát sinh: Giêrusalem điêu tàn, các môn đệ tản mác, nhờ đó Tin mừng được lan rộng. Nêu lên cảnh tượng ấy, Chúa mời gọi chúng ta hãy ngẩng đầu lên với niềm hy vọng vào Chúa. Niềm hy vọng được khơi lên và phát sinh từ trong những đau thương.
Vì thế, mỗi chúng ta đừng bao giờ thất vọng vì những thất bại, đau khổ trong cuộc đời này, vì chính những lúc đau thương quằn quại ấy lại là lúc Chúa hiện diện và mong muốn điều tốt lành khác sẽ xảy ra. Đừng buông xuôi tất cả, nhưng hãy ngẩng đầu lên, kể cả khi chúng ta tội lỗi, hãy nhìn vào lòng thương xót và lượng từ bi của Chúa, để chúng ta được Chúa đoái thương và ban ơn nâng đỡ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn đặt niềm hy vọng vào Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để tình yêu và lòng nhân hậu của Chúa luôn tỏa bóng trên cuộc đời con.
27.11.2020
THỨ SÁU TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,29-33
Lời Chúa:
“Khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 21,31).
Câu chuyện minh hoạ:
Nghe tiếng mẹ gọi dậy, tôi vội vùng khỏi chiếc chăn ấm… Sáng nào cũng vậy, cứ 05g00 sáng tôi phải dậy ra phụ giúp mẹ bán bánh. Mùa hè thì chẳng sao chứ mùa đông, quả là khó khăn. Một hôm, đang lúc bận rộn bán hàng, chợt có tiếng nói:
– Ô… kia con chó lấy ổ bánh mì!
Con chó kẻ cắp mồm ngoặm bánh đang chạy rất nhanh, có đuổi theo cũng không kịp. Đến giờ đi học, tôi vội tới trường và cũng quên luôn câu chuyện lúc sáng.
Nhưng mấy hôm nay, ngày nào cũng mất một chiếc bánh, tôi cho rằng thủ phạm chính là con chó lạ đó, phải cho nó một trận mới hả. Nhưng mẹ tôi lại bảo:
– Thôi con ạ! Chắc nó bị bỏ đói, ta cho nó vậy.
Tôi không đồng ý và quyết định cho con Vàng to khoẻ, đẹp mã và nổi tiếng khôn ngoan của tôi trừng trị. Quả nhiên sáng ấy đang lúc ngái ngủ bởi còn thưa khách hàng, tôi giật mình nghe tiếng sủa rất to của con Vàng và vút một cái nó xô tới con chó kẻ cắp đang tiến tới thùng bánh. Con chó lạ gầy nhom sợ quá quay đầu co cẳng chạy bạt mạng. Không hiểu sao, con Vàng đuổi theo một đoạn, sủa lên rất to rồi quay lại. Có lẽ nó thương hại.
Chủ nhật được nghỉ học, tôi nảy ra ý định theo dõi xem con chó đó của nhà ai. Tôi bắt đầu sốt ruột thì con chó lạ xuất hiện. Nó vội vàng lấy chiếc bánh. Tôi và con Vàng nhẹ nhàng bám theo. Qua một dãy phố đến chân cầu thang Bách hóa tổng hợp, con chó lạ dừng lại trước một thằng bé còm nhom rách rưới, vẻ mặt bơ phờ, đang run rẩy vì lạnh. Chỉ nhìn đã biết nó là ăn xin và đang bị ốm. Con chó lạ thả cái bánh vào tay chủ, đứa bé ăn một miếng lại bẻ một ít cho con chó. Mãi nhìn nên con Vàng chạy xô tới chỗ đó mà tôi không kịp giữ lại. Thấy con Vàng con chó lạ gầm gừ nhưng thằng bé quát im rồi bẻ miếng bánh cho con Vàng, Vàng ngửi ngửi, lưỡng lự, thằng bé lại tung miếng nữa và gắng mỉm cười:
– Ăn đi mày, tao chỉ có vậy thôi.
Thấy chủ tỏ ra thân thiện, con chó kẻ cắp cũng lại gần ngửi ngửi làm quen. Lát sau hai con chó đã vui vẻ tranh nhau những miếng bánh mà thằng bé tung lên. Chúng đã là bạn của nhau thật rồi. Trông cảnh tượng đó mắt tôi bỗng cay xè!
Suy niệm:
Sau khi cho các môn đệ biết về ngày thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ và loan báo về ngày cánh chung, Đức Giêsu dùng dụ ngôn cây vả để khuyên nhủ các môn đệ phải thức tỉnh và sẵn sàng đón Chúa. Chúa đã dùng hình ảnh sinh thái của cây vả và bất cứ cây gì để diễn tả giáo huấn xem dấu chỉ để biết thực tại. Bởi vì, chúng ta rất tài giỏi khi nhìn dấu chỉ bên ngoài để biết cái bên trong, hoặc nhìn thấy điềm báo trước, biết được những sự việc sắp xảy đến, nhưng chúng ta lại ít nhận ra những thực tại vô hình, không nhận ra thánh ý của Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta, như lời Thánh Vịnh nói: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa” (Tv 18).
Triều đại Thiên Chúa đến ngay trong cuộc sống của mỗi chúng ta, khi chúng ta biết quan tâm đến những nhu cầu của anh chị em mình. Nếu không có sự tò mò thì làm sao cô bé trong câu chuyện trên biết được lý do con chó đánh cắp miếng bánh mỗi ngày.
Lạy Chúa, giúp chúng con biết nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em mình, để con biết cộng tác vào công trình của Chúa để góp phần làm cho triều đại Chúa mau đến.
28.11.2020
THỨ BẢY TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,34-36
Lời Chúa:
“Anh em hãy tỉnh thức hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến” (Lc 21,36).
Câu chuyện minh hoạ:
Ngày xưa có một ông cụ già cố cứu kinh thành Sôđôm khỏi bị Chúa tiêu diệt bằng cách mỗi ngày đi gặp người dân trong thành để cảnh cáo và kêu gọi mọi người tin Chúa, thờ Chúa cho khỏi bị tiêu diệt. Không ai chịu nghe lời ông cụ mà còn chế giễu là mê tín dị đoan nữa. Ông cụ vẫn bền chí đi hết nhà này sang nhà nọ để kêu gọi họ thống hối ăn năn. Thấy chuyện vô tích sự của cụ, nên có người hỏi:
– Tại sao cụ nói cho họ biết làm gì cho mệt. Họ có nghe cụ và thay đổi gì đâu? Nói với họ cũng như nước đổ đầu vịt!
Ông cụ bình tĩnh đáp:
– Có lẽ tôi không thuyết phục nổi ai, cũng không thay đổi được ai đâu. Nhưng làm như thế cũng là giúp tôi, đừng lao vào cuộc sống sa đoạ như họ.
Suy niệm:
Sau khi Chúa Giê-su chỉ cho các môn đệ biết khi nào Nước trời đến, Chúa Giê-su tiếp tục dạy các môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện để đón Chúa đến trong giờ cánh chung của mỗi người cũng như của toàn thế giới này. Sống tỉnh thức và cầu nguyện là hai thái độ sống phải song hành với nhau, bằng việc chúng ta sống tốt trong đời sống cầu nguyện qua việc đọc kinh, tham dự các nghi lễ phụng vụ, tham gia các đoàn thể công giáo tiến hành,… tất cả những công việc đó là phương thế giúp chúng ta sống tỉnh thức và sẵn sàng.
Tỉnh thức không phải là điều ai cũng thực hiện được bởi có những người nghĩ mình khỏe mạnh thì biết bao giờ mới chết, mình đang giàu có thì hãy hưởng thụ, cuộc đời còn dài lo chi phải sám hối… Chính vì những ý nghĩ đó đã dẫn nhiều người đến sự chết đời đời.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con luôn sống trong tâm trạng tỉnh thức và cầu nguyện, để vượt qua những cám dỗ đang từng ngày rảo bước trong cuộc đời con, nhờ đó con xứng đáng được vào hưởng hạnh phúc với Chúa mãi mãi.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.