08.10.2018
THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 10,25-37
Lời Chúa:
“Ai là người thân cận của tôi” (Lc 10,29)
Câu chuyện minh hoạ:
Ngày 30.09.1978, một chuyến xe lửa đi Colombia bị trật đường rầy. Tai nạn là 10 người bị chết và nhiều người bị thương. Trong số hành khách có một linh mục bị gãy chân, một phần ruột lòi khỏi bụng. Nhận ra ngài, các y tá chạy đến ân cần săn sóc, nhưng cha ra hiệu bảo họ đi săn sóc các hành khách khác và ngài lấy khăn băng phần ruột. Nói xong, cha xin người ta đưa đến những nạn nhân bị thương nặng đang hấp hối để giải tội cho những ai muốn xưng tội. Làm xong công tác mục vụ, cha nói với các y tá: “Cám ơn Chúa đã cho tôi thi hành chức linh mục đến giây phút cuối cùng, giờ đây có thể mang xác tôi đi”. Người ta chở vội cha đến nhà thương, nhưng chỉ vài giờ sau, cha đã trút hơi thở cuối cùng khi tuổi đời chưa tròn 36.
Suy niệm:
Tin Mừng thánh Luca thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và người luật sĩ về đức ái và việc thực hành bác ái. Chúng ta thấy có sự bất đồng giữa Chúa Giêsu và nhóm luật sĩ. Thay vì chỉ đường cho người ta đến với Thiên Chúa thì những người luật sĩ lại đặt trên vai dân chúng ách hà khắc của lề luật. Với vai trò cứu thế của Chúa Giê-su, Người bẻ gẫy tất cả những gánh nặng của lề luật mà luật sĩ chất trên vai dân. Chúa Giêsu muốn cho họ biết rằng, tình thương, lòng bác ái còn quan trọng hơn lề luật. Hay nói đúng hơn, giữ luật không chỉ vì luật mà còn vì lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân.
Lạy Chúa, xin giúp con biết cảm thương anh em như Chúa đã yêu thương con, để con có thể giới thiệu Chúa cho người khác bằng chính đời sống yêu thương của con. Amen.
09.10.2018
THỨ BA TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 10,38-42
Lời Chúa:
“Macta, Macta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiếtv mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42)
Câu chuyện minh hoạ:
Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.
Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.
Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
– Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
– Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!
Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:
– Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?
Chàng sinh viên liền hỏi:
– Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:
– Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!
Chúa phán: “Marta, Marta! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. Phần tốt nhất ấy chính là ở bên cạnh Chúa, lắng nghe Chúa nói, và cầu nguyện với Chúa.
Suy niệm:
Hoạt động và cầu nguyện là hai trạng thái luôn đi đôi với nhau trong đời sống của người Kitô hữu. Đôi khi chúng ta cảm thấy thành công vì những hoạt động bên ngoài nhưng chúng ta quên đi điều vô cùng quan trọng là đời sống cầu nguyện. Chính những lúc đó chúng ta đang đi tìm chính mình. Để hoạt động có hiệu quả, chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa trong cầu nguyện. Chính những giây phút ấy, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh để dấn thân và hoạt động hăng say hơn. Chúa không chê trách Macta nhưng Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi bên Chúa, Người sẽ bổ sức cho.
Lạy Chúa, nơi Ngài con cảm nhận sự an bình hơn bao giờ hết. Xin Chúa cho con biết chạy đến Chúa trong mọi lúc, để tâm hồn con luôn an bình thư thái mà phục vụ Chúa.
10.10.2018
THỨ TƯ TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,1-4
Lời Chúa:
“Thưa Thầy, xin dạy cho chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1)
Câu chuyện minh hoạ:
Có một Giám mục trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm một bà lão. Người ta nói bà là tấm gương cho cả làng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám mục hỏi:
– Bà thường đọc sách đạo đức nào nhất?
– Thưa Đức Cha, con không biết đọc -bà cụ trả lời. Nghe thế vị Giám mục hỏi “Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?” Thấy vị Giám mục muốn biết bí quyết của mình, bà thật thà thưa:
– Thưa Đức Cha con chỉ biết tràng hạt thôi: Kinh Lạy Cha, kính mừng và kinh tin kính. Mỗi ngày con khởi sự đọc tới 10 lần, nhưng thường thì con không đọc xong.
– Tại sao thế? – Bà cụ thưa: “Tại vì khi bắt đầu đọc: Lạy cha chúng con… con không hiểu tại sao Chúa có thể tốt lành đến mức cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi ngài là cha. Điều đó làm con bật khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được”. Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị Giám Mục khuyến khích:
– À, này bà cụ, đó là lời cầu nguyện giá trị bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục cầu nguyện theo câu đó nhé!
Suy niệm:
Thánh sử Lu-ca thuật lại câu chuyện Chúa dạy các môn đệ cầu nguyện là: kinh lạy Cha. Qua đó, chúng ta thấy một điều rất quan trọng trong việc cầu nguyện, đó là: chúng ta được biến đổi và được hiệp thông trong mối tương quan thân tình Cha-con với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha, còn chúng ta là con của Ngài trong Đức Giêsu Kitô. Do đó, chúng ta hãy mạnh dạn năng chạy đến Chúa và sống hiệp thông với Ngài là Cha và với tha nhân là anh em.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn yêu thích cầu nguyện và cầu nguyện bằng chính lời kinh của Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ: “Kinh Lạy Cha”, để chúng con sống trọn vẹn tình Chúa là Cha và tình mến tha nhân là anh em. Amen.
11.10.2018
THỨ NĂM TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,5-13
Lời Chúa:
“Anh em cứ xin thì sẽ được” (Lc 11,9)
Câu chuyện minh hoạ:
Trong câu chuyện cổ Ali Baba và bốn mươi tên cướp, chàng Ali Baba nghèo khổ vào rừng kiếm củi kiếm sống qua ngày, vô tình phát hiện bốn mươi tên cướp mang tài sản cướp được về cất giấu trong kho tàng bí mật. Khi một người trong bọn đứng trước một tảng đá lớn đọc câu thần chú: “Vừng ơi! mở ra”, thì lạ lùng thay, một cánh cửa bí mật mở ra dẫn lối cho lũ cướp đem của cải cướp được vào kho báu nằm chìm trong hang.
Chờ cho bọn cướp ra đi, Ali Baba tiến lại khung cửa thần bí và đọc lại câu thần chú đó. Thật nhiệm mầu, tấm cửa đá nặng nề mở ra, đưa anh vào một kho tàng chứa đầy báu vật và nhờ đó, Ali Baba chiếm hữu được nhiều báu vật trong kho tàng.
Suy niệm:
Trong Tin Mừng thánh Luca hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ khi cầu nguyện, anh em phải có sự kiên trì và tin tưởng cầu xin. Bởi vì: cầu nguyện không chỉ để Chúa ban ơn, mà còn để chúng ta cảm nhận được lòng nhân hậu của Chúa đối với con người, như Chúa Giêsu đã nói: “nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11,13).
Khi khám phá ra kho tàng thần bí, Ali Baba đã tìm đến và chiếm hữu kho tàng chứa đầy báu vật. Vậy, mỗi Kitô hữu đã được mạc khải và được tỏ lộ một kho tàng vô cùng quý báu là bí tích Thánh Thể, chúng ta có khao khát và tìm đến để hưởng nếm kho tàng ấy chưa?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết kiên trì và tin tưởng Chúa trong lời cầu nguyện, để đời sống của chúng con là những chuỗi ngày của những lời cầu nguyện. Để nhờ ơn Chúa, chúng con sẽ vượt thắng nỗi khó khăn thử thách trong đời. Amen.
12.10.2018
THỨ SÁU TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,15-26
Lời Chúa:
“Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.”. (Lc 11,21)
Câu chuyện minh hoạ:
Trong Giáo hội thuộc lễ nghi Byzantin có câu chuyện điển hình về tiền bạc như sau:
Ngày kia Đức Tổng sứ thần Micae đi chu du khắp trái đất để quan sát cuộc sống của loài người. Đến đâu cũng thấy thiên hạ người cư lạc nghiệp, sống hòa thuận với nhau, Ngài lấy làm hài lòng. Sau đó Ngài đi qua vùng núi lửa Nam Mỹ thấy một đám quỉ đông vô số đang ngồi tán dóc với nhau. Quỉ đứng dậy chào.
– Ông đi đâu vậy?
– Tôi đi thăm loài người thấy chúng nó hòa thuận với nhau khó mà các anh thắng nổi.
Quỉ cười tỏ vẻ không tin:
– Chúng tôi chưa ra tay chớ không phải tại loài người tiến bộ tới mức độ sống hoà thuận. Mấy thế kỷ nay chúng tôi tập trung về đây để tìm kế hoạch mới.
– Đã tìm được chưa?
– Sẵn sàng rồi.
– Có thể cho biết được không? Tôi không bao giờ phá kế hoạch ấy, vì có như thế loài người mới có giá trị trong việc trung thành với Thiên Chúa, lòng đạo đức của họ mới được sáng tỏ.
– Kế hoạch của chúng ta rất hấp dẫn, nó có tính cách làm cho con người tham muốn, càng tìm kiếm càng khao khát không bao giờ thỏa mãn. Nó ở đâu thì có sự bất hòa, tranh giành ở đó.
– Nó là thứ gì mà các anh quảng cáo nghe hấp dẫn đến thế?
– Nó ở ngay trong cõi đời vật chất này. Nó là tiền bạc. Chúng tôi đã chế tạo nó như vầy: lấy các thứ vàng bạc, mồ hôi và các giọt sương khô, nước mắt và máu của người đang sống đem trộn chung lại với nhau. Phơi ngoài trời cho máu, mồ hôi thấm vào vàng. Phơi đúng 100 năm rồi đem vào lò lửa nung cho tan nát thành bụi. Mời ông xem đống tro bụi chúng tôi đã làm.
Quỉ chỉ cho Đức Micae coi một đống tro bụi như hòn núi có mầu xám đen đang lóng lánh. Chỉ đợi ngày quỉ vương đi xin phép Thiên Chúa về là thi hành kế hoạch. Sau đó, ít lâu quỉ vương về với phép của Thiên Chúa cho thử thách con người với điều kiện áp dụng nơi những nước văn minh thôi và thánh Micae không được tiết lộ. Bấy giờ các quỉ được lệnh mang tro đi gieo rắc khắp các sa mạc, rừng núi, sông biển… Vài trăm năm sau người ta phát minh ra tiền bạc để buôn bán trao đổi. Kẻ từ đó thế lực tiền bạc càng ngày càng bành trướng mau lẹ và càng ngày dân chúng càng gây nhiều cuộc chiến tranh giết hại. Các gia đình đua nhau làm giầu bóc lột lẫn nhau, đàn áp để tranh giành tiền bạc.
Đức Micae thấy con người tranh giành nhau như thế thì hỏi ma qủi:
– Tại sao chế tạo tiền bạc phải có vàng pha trộn với xương khô và mồ hôi.
– Tiền là động lực phá hoại, nếu muốn được ít thì phải đổ mồ hôi, muốn nhiều thì phải đổ máu và muốn chất kho đầy thì tốn rất nhiều bộ xuơng.
Đức Micae nói:
– Các anh rất giỏi nhờ chế tạo ra tiền bạc mà các anh sống chung được với loài người. Chừng nào con người biết giày đạp thì các anh sẽ bị xua đuổi ra khỏi thế giới cách xấu hổ. Nói rồi Đức Micae về trời.
Suy niệm:
Trước kia, Satan vốn được coi là kẻ mạnh để canh giữ vũ trụ này, nhưng Chúa Giêsu còn mạnh hơn thế nữa, Ngài trang bị đầy đủ nên đã chiến thắng Satan và làm chủ vũ trụ này. Hôm nay Chúa chữa người bị quỷ câm để bày tỏ uy quyền, và để giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Và qua đó, Chúa mời gọi những ai tin nhận và đi theo Chúa thì được hạnh phúc, còn những ai về phe ma quỷ thì sa hỏa ngục đời đời.
Trong cuộc sống với những khó khăn và thử thách, nhiều người đã ngã lòng, nghi ngờ về sự hiện hữu và quyền năng của Chúa. Vì thế, chúng ta cần phải dứt khoát với những chọn lựa của mình, dẫu biết rằng trong thế gian này đầy dẫy những gian tà, bạo lực, bất hạnh, đau khổ… nhưng chúng ta hãy trung thành với Thiên Chúa, và sống xứng với phẩm giá là con Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết dứt khoát chọn lựa giữa cái xấu và cái tốt, để con được thuộc trọn về Chúa.
13.10.2018
THỨ BẢY TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Lc 11,27-28
Lời Chúa:
“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28).
Câu chuyện minh hoạ:
Có một người theo thuyết hoài nghi hỏi một bà già Kitô hữu:
– Làm sao bà có thể chứng minh rằng Thánh kinh là lời Thiên Chúa?
– Vậy anh có thể chứng minh rằng có mặt trời trên không trung không?
– Được chứ! Vì mặt trời sưởi ấm cho tôi và tôi có thể thấy tia sáng mặt trời.
– Thì với tôi cũng thế! Thánh kinh là Lời Chúa. Vì Thánh kinh cũng sưởi ấm tâm hồn tôi và cho tôi ánh sáng trên đường đời.
Suy niệm:
Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu đang rao giảng giữa đám đông dân chúng thì có một phụ nữ, vì cảm phục trước việc Chúa trừ quỉ đã cất tiếng ngợi khen người đã sinh ra Chúa. Thế nhưng, ở đây Chúa Giê-su còn đi xa hơn khi mời gọi: kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Chúa thì có phúc hơn thế nữa. Bởi vì, lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa thì tâm hồn được bình an, hạnh phúc và không có hạnh phúc nào hơn cho bằng hạnh phúc là có được chính Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết tìm hạnh phúc nơi Chúa, để qua đời sống của chúng con, chính lời Chúa được rao giảng. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.