Trong Phúc âm theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã nói, “Đừng xưng hô ai dưới đất là “Cha” của anh em, vì Cha của anh em chỉ có một, Cha ở trên trời.” (Mt 23,9) Nghe qua, ta thấy lời này có vẻ mâu thuẫn với thói quen của người Công giáo thường gọi các linh mục là cha. Ngay cả như thế, câu này cũng có vẻ như bảo chúng ta đừng nên gọi bố mình là “cha” và chỉ có Chúa là người duy nhất chúng ta có thể gọi là cha.
Chúng ta phải hiểu như thế nào?
Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu đang nói về sự giả hình của các kinh sư và người Pharisiêu. Trong một bài báo trên Catholic Exchange, cha William Saunders đã giải thích về dụng ý của Chúa Giêsu:
Chúa Giêsu khiển trách họ vì đã không làm gương tốt, vì đã chất gánh nặng lên người khác bằng vô số quy định và luật lệ, vì ngạo mạn với cương vị của mình, và vì leo thang công danh, tìm kiếm sự trọng vọng và ăn mặc phô trương. Về căn bản, các kinh sư và người Pharisiêu đã quên mất rằng họ được kêu gọi phục vụ Thiên Chúa và những người được giao phó cho họ chăm lo.
Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu nói rằng đừng gọi ai trên đời này là “Rabbi,” là “cha” hay “thầy” với nghĩa là đừng để bất kỳ ai tự nhận cho mình thẩm quyền vốn của Thiên Chúa và quên mất những trách nhiệm khi nhận lấy cương vị của mình.
Chúa Giêsu đã nói ngoa dụ để cho các kinh sư và Pharisiêu thấy họ tội lỗi và kiêu ngạo đến thế nào khi không thấy Thiên Chúa là cội nguồn của mọi thẩm quyền, và thay vào đó lại nhận lấy cho mình những thẩm quyền tối cao, nhận mình là cha, là thầy của người khác.
Hiểu như thế sẽ hợp lý khi chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu dùng từ “cha” cho một số người chẳng hạn như “Tổ phụ Abraham” hay người cha của đứa con hoang đàng. Phải hiểu bối cảnh khi diễn giải những đoạn Kinh thánh khó.
Nhìn nhận như thế, nhưng chúng ta vẫn thắc mắc vì sao người Công giáo gọi linh mục là “cha”?
Các linh mục luôn được người Công giáo xem là những người cha tinh thần. Thánh Phaolô đã nói rõ điều này trong thư gởi tín hữu Corinthô, “Không phải để bêu nhục anh em mà tôi đã viết thế! Nhưng là để sửa dạy anh em như những con cái chí thiết. Vả chăng, cho dẫu quản giáo, anh em có từng vạn trong Ðức Kitô Yêsu, nhưng cha, thì không nhiều đâu: vì trong Ðức Kitô Yêsu, nhờ Tin mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4, 14-15
Ngay cả Đức Giáo hoàng trong tiếng La Tinh cũng là “papa” nghĩa là cha.
Từ này thể hiện vai trò làm cha tinh thần của các linh mục. Các cha nuôi dưỡng đức tin và chỉ bảo chúng ta như người cha chỉ bảo con cái. Đây là một trong những lý do mà Giáo hội vẫn muốn linh mục sống độc thân khiết tịnh, để các linh mục được tự do làm cha tinh thần cho đoàn chiên mà Chúa đã giao phó.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.