Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Con đã đọc huấn thị về việc chôn cất và hỏa táng. Có gì nói về việc chôn cất một người Công Giáo hiến xác cho nghiên cứu y học không? Làm thế nào việc “tưởng nhớ” người ấy có thể được giữ lại trong Giáo Hội? – F. D., Mumbai, Ấn Độ.
Đáp: Trước hết, tôi nghĩ rằng thật là cần thiết để bàn về tính hợp pháp của sự hiến xác như thế. Mặc dù trong thời gian trước kia đã có sự do dự về điểm này, Giáo Hội sau này đã cho phép người Công Giáo hiến xác cho nghiên cứu khoa học.
Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngày 14-5-1956, đã nói chuyện với một nhóm chuyên gia về mắt, và ngài đã gợi ý rằng “Công chúng phải được giáo dục. Công chúng cần phải được giải thích với trí thông minh và sự kính trọng, rằng việc đồng ý một cách minh nhiên hoặc âm thầm cho sự thiệt hại nghiêm trọng đến sự toàn vẹn của xác chết, vì lợi ích của các người đang đau khổ, là không hề vi phạm sự kính trọng đối với người chết”.
Lời nói ấy được lặp lại trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, vốn nói như sau trong số 2296:
“Việc ghép các bộ phận cơ thể phù hợp với luật luân lý nếu các nguy hiểm và rủi ro về thể xác và tâm lý nơi người cho, cân xứng với lợi ích của người nhận. Hiến các bộ phận sau khi chết là điều cao quí đáng khen thưởng, và phải được khuyến khích như một biểu lộ tình liên đới quảng đại. Về phương diện luân lý, không thể chấp nhận lấy bộ phận nếu người cho, hoặc những thân nhân có quyền, không minh thị đồng ý. Cũng vậy, về phương diện luân lý, không thể chấp nhận việc trực tiếp gây tàn phế hoặc cái chết cho một người, dù nhằm mục đích kéo dài đời sống của những người khác” (bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo lý TGP Sài Gòn).
Tương tự như vậy, Sách Giáo lý nói trong số 2301:
“Về phương diện luân lý, được phép mổ tử thi để điều tra pháp lý hoặc để nghiên cứu khoa học. Việc hiến các bộ phận cơ thể sau khi chết là việc hợp pháp và đáng khen. Hội Thánh cho phép hỏa táng nếu việc này không phương hại tới đức tin vào sự sống lại của thân xác” (bản dịch, như trên).
Trong thông điệp “Tin mừng sự sống” năm 1995, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi việc hiến tạng là một ví dụ về “chủ nghĩa anh hùng thường ngày”.
Một vài năm sau đó, ngài cũng nói rõ ràng về các giá trị của việc hiến xác của một người cho khoa học, khi ngài nói chuyện với các tham dự viên của Khóa họp thứ Chín của Hàn lâm viện Giáo Hoàng về Sự Sống ngày 24-2-2003.
Ngài nói: “Tất cả, các tín hữu và người không tin, đều thừa nhận và bày tỏ sự ủng hộ chân thành cho các nỗ lực trong khoa học y sinh học, vốn không chỉ được thiết kế để làm cho chúng ta quen với các sự kỳ diệu của cơ thể con người, nhưng còn khuyến khích các tiêu chuẩn xứng đáng của sức khỏe và đời sống cho các dân tộc trên hành tinh của chúng ta”.
Trong cùng một bài diễn văn này, ngài nói thêm: “Giáo Hội tôn trọng và hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khi nó có một định hướng thực sự cho con người, tránh bất kỳ hình thức công cụ hóa nào hoặc hủy diệt con người, và giữ mình khỏi ách nô lệ của lợi ích chính trị và kinh tế”.
Trong tháng 10-2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp Ủy ban cấy ghép nội tạng thuộc Hội đồng châu Âu, và gọi hành động hiến tạng là “một bằng chứng của tình yêu chúng ta đối với tha nhân”.
Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng thảo luận vấn đề “Hướng dẫn đạo đức và tôn giáo cho các dịch vụ chăm sóc y tế Công Giáo”.
Như vậy, nguyên tắc chung về tính hợp pháp của việc hiến tạng và hiến xác cho khoa học được thiết lập khá tốt.
Tuy nhiên, Giáo Hội cảnh báo rằng việc này phải luôn được coi là một món quà, và rằng thi hài con người không được sử dụng cho mục đích thương mại. Hơn nữa, Giáo Hội khẳng định rằng thi hài phải được đối xử với sự kính cẩn và kính trọng.
Tài liệu gần đây về việc hỏa táng tái khẳng định nguyên tắc đã được nêu trong một số tài liệu khác, rằng hài cốt hỏa táng nên được chôn cất cùng với sự tôn kính y như chôn cất các tín hữu qua đời. Vì vậy, thi hài, hoặc tro trong trường hợp hỏa táng, cần được chôn cất. Một số giáo phận thậm chí tặng mộ táng, và dịch vụ chôn cất cho các người hiến xác cho khoa học nữa.
Trong hầu hết các trường hợp, các cơ sở tiếp nhận hài cốt hiến tặng đã thiết lập các qui định, vốn tiên liệu việc người ta trả lại thi hài hoặc tro cốt để chôn cất, sau một thời gian qui định. Việc này là thường khoảng 12 tuần, mặc dù trong một số trường hợp đặc biệt, nó có thể là sau một hoặc hai năm.
Bởi vì thường là không thể có một tang lễ với thi hài ngay ít lâu sau khi chết, vì điều này sẽ làm cho thi thể không còn phù hợp cho mục đích nghiên cứu, một Thánh Lễ tưởng nhớ mà không có thi thể có thể được tổ chức, để phó thác linh hồn của người đã chết cho Thiên Chúa, và tạo dịp cho gia đình để cùng thương khóc người đã khuất.
Khi hài cốt được trả lại cho gia đình, một Thánh Lễ khác có thể được cử hành. Điều này có thể được lấy từ phần thứ ba của Thánh lễ cho người qua đời trong Sách Lễ Rôma: “Các tưởng nhớ khác nhau”.
Chữ đỏ của phần này nói: “Thánh lễ này có thể được cử hành, khi tin tức về cái chết được nhận đầu tiên, hoặc vào ngày chôn cất, ngay cả trong Tuần Bát nhật lễ Chúa Giáng sinh, vào những ngày khi có một Lễ Nhớ Buộc diễn ra, và vào các ngày trong tuần, trừ ra Thứ Tư Lễ Tro và các ngày trong Tuần Thánh”
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 24-1-2017)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.