Chúa Giêsu sinh ra ngày nào?

Tại sao Giáo hội mừng lễ Phục sinh vào ngày Chúa nhật mà không mừng lễ Giáng sinh vào ngày Chúa nhật cho tiện? Như vậy các tín hữu sẽ được nghỉ ngơi để tham dự Thánh lễ, chứ còn ngày 25 tháng chạp trùng vào ngày trong tuần, họ phải đi làm hay đi học. Có thể xê dịch lễ Chúa Giáng sinh sang ngày Chúa nhật được không?

Trên nguyên tắc, tôi nghĩ là Giáo hội có thể xê dịch được. Một cách cụ thể, ngày Chúa nhật hôm nay, các tín hữu tại Việt Nam cử hành lễ Hiển linh, đang khi mà tại Vatican và Italia, lễ Hiển linh được mừng vào ngày 6 tháng 1. Vì là một lễ trọng trong tuần, cho nên lịch phụng vụ cho dời lên ngày Chúa nhật tại những nơi nào mà ngày 6 tháng 1 không phải là lễ nghỉ dân sự. Có điều đáng để ý là ngày lễ Hiển linh đối với Giáo hội La-tinh là ngày kính nhớ việc Chúa tỏ mình cho Dân ngoại, nói nôm na là lễ Ba Vua đến thờ lạy Chúa; còn đối với các Giáo hội Đông phương là ngày mừng Chúa giáng sinh.

Tại sao lại có sự chênh lệch như vậy? Chúa Giêsu sinh ra vào ngày 25 tháng 12 hay là ngày 6 tháng giêng?

Các tài liệu của Tân ước không cung cấp cho ta một dữ kiện nào chắc chắn về ngày, tháng, năm sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng chẳng biết Chúa sinh vào ngày thứ mấy trong tuần. Đây là một điểm khác biệt giữa biến cố Giáng sinh và biến cố Phục sinh. Biến cố Phục sinh xảy ra vào ngày Chúa nhật. Các bản Phúc âm đều nói đến “sau ngày sabat, ngày thứ nhất trong tuần” (Mt 28,1; Mc 16,1-2; Lc 24,1; Ga 20,1). Vì thế mà ngay từ thời các thánh tông đồ, các tín hữu đã mừng lễ Chúa Phục sinh không những là hằng năm vào dịp lễ Vượt qua của người Do thái, mà còn hằng tuần, vào “ngày thứ nhất” mà họ gọi là ngày Chúa nhật, (ngày của Chúa), vào ngày mà nhiều dân tộc Âu châu gọi là ngày của mặt trời: dies solis trong tiếng La-tinh, Sunday theo tiếng Anh và Đức. Nhưng mà chúng ta không có một dấu chỉ nào nói về ngày Chúa sinh ra.

Vào những thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu mừng lễ Giáng sinh vào ngày nào?

Một điều gây cho các sử gia khá nhiều ngạc nhiên là trong các thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu không có cử hành lễ Chúa Giáng sinh. Đối với Hội thánh tiên khởi, lễ quan trọng hơn cả là lễ Phục sinh, mà các Kitô hữu cử hành theo lịch người Do thái dùng để tính lễ Vượt qua, tức là vào ngày trăng tròn của tháng Nisan, bắt đầu mùa Xuân. Trong 3 thế kỷ đầu, lịch phụng vụ không nói tới lễ Giáng sinh. Mãi đến cuối thế kỷ III, mới thầy có vài nơi mừng lễ Chúa ra đời.

Họ mừng vào ngày nào?

Đây là cả một chuyện tò mò thú vị cho các sử gia, bởi vì mỗi nơi mừng vào một ngày khác nhau. Dĩ nhiên là các sử gia phải tìm hiểu dựa trên cơ sở nào mà các tín hữu ấn định ngày lễ. Ông Clêmentê bên Alexanđria (Ai cập) kể lại rằng vào thời ấy (khoảng năm 200) có người đã bắt đầu tính toán ngày Chúa sinh ra, và xác định là ngày 25 tháng Pachon vào năm 28 của triều hoàng đế Augustô (Stromata I, XXXI, 145,6). Tính theo lịch hiện hành là ngày 20 tháng 5, năm thứ 4 trước công nguyên. Một tác phẩm khác -De pascha computus trước đây được gán cho thánh Cyprianô giám mục Cartagô (Bắc Phi) tử đạo năm 248, – long trọng tuyên bố rằng Chúa giáng sinh vào ngày 28 tháng 3, vào ngày thứ 4 trong tuần. Dựa vào đâu mà khẳng định như vậy? Có lẽ là lý do hoàn toàn thần học chứ không dựa trên bằng chứng lịch sử. Chúa Giêsu được ví như mặt trời công chính (từ ngữ lấy từ ngôn sứ Malaki 3,20). Sách Sáng thế nói đến mặt trời được dựng vào ngày thứ 4. Vì thế mà đặt lễ Giáng sinh vào ngày thứ 4 là hợp tình hợp lý rồi.

Nhưng mà tại sao lại đặt ngày Chúa sinh vào tháng 3 chứ không phải vào tháng 12 như hiện nay?

Thật khó mà biết được lý do chính xác, bởi vì người xưa không lý luận theo các dữ kiện quan sát khoa học như chúng ta, nhưng dựa vào truyện cổ tích hay truyền thống dân gian. Các học giả chỉ có thể đưa ra giả thuyết mà thôi. Một giả thuyết cho rằng người thượng cổ ấn định ngày tạo thiên lập địa vào 25 tháng 3. Vì thế mà đặt ngày Chúa giáng sinh kề với ngày đó là muốn nêu bật rằng biến cố Chúa Giáng sinh đánh dấu một cuộc tạo dựng mới. Một giả thuyết khác cho rằng các tín hữu cử hành lễ Vượt qua vào đầu mùa Xuân. Đầu mùa Xuân, tức là 25 tháng 3. Vì thế họ cũng muốn mừng lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 3, bởi vì họ nghĩ rằng Chúa chết khi đã đủ trọn ngày tháng: ngày sinh ngày chết trùng nhau. Nhưng mà thay vì mừng ngày Chúa nhật thì mừng ngày thứ 4, để tránh tam nhật chuẩn bị lễ Phục sinh.

Từ lúc nào lễ Chúa giáng sinh được dời từ tháng ba sang tháng chạp?

Câu chuyện không đơn giản như chị nghĩ đâu. Các Giáo hội bên Đông phương mừng lễ Giáng sinh vào tháng giêng chứ không phải vào tháng chạp. Và có thể nói rằng nhật kỳ này cổ điển hơn, tại vì nguồn gốc lễ Giáng sinh bắt đầu từ bên Đông phương, đặc biệt là tại Palestin, quê hương của Đức Giêsu. Vào cuối thế kỷ IV, ở Giêrusalem người ta mừng lễ Chúa giáng sinh vào ngày 6 tháng giêng. Ngày 6 tháng giêng dựa trên cơ sở nào? Hoàn toàn là lý do thần học chứ không phải là lý do lịch sử. Theo thánh Ephrem, lễ Chúa giáng sinh được mừng 13 ngày sau ngày đông chí. Ngày đông chí được ấn định vào 24 tháng 12. Cộng thêm 13 ngày thì thành ra 6 tháng giêng. Tại sao mà 13? Thánh Ephrem giải thích là để kính nhớ Chúa Giêsu mặt trời đánh tan đêm tối, cùng với 12 tông đồ của ngài.

Nhưng mà ngày 6 tháng 1 được gọi là lễ Hiển linh chứ đâu phải là lễ Chúa giáng sinh đâu?

Lịch sử đối chiếu các lịch phụng vụ cho thấy rằng nội dung của lễ Hiển linh rất là phong phú. Đối với lịch phụng vụ của Giáo hội La-tinh, thì trước đây người ta nhấn mạnh đến việc Ba Vua đến thờ lạy Chúa Hài nhi. Kỳ thực, các bản văn phụng vụ nói tới ba biến cố Hiển linh, nghĩa là Chúa tỏ mình ra. Một là tỏ mình cho các đạo sĩ Đông phương; hai là Chúa tỏ mình lúc lãnh phép rửa ở sông Hoà giang. Ba là Chúa tỏ mình ở tiệc cưới Cana. Còn lịch phụng vụ của các Giáo hội Đông phương thì mừng cả biến cố Chúa giáng sinh nữa. Nói cách khác, họ không có lễ mừng nào vào ngày 25 tháng chạp, nhưng dồn tất cả vào ngày 6 tháng giêng.

Dựa vào đâu mà mừng Chúa giáng sinh vào ngày 25 tháng chạp?

Cho đến nay, hầu hết các sử gia đều cho rằng việc gắn lễ Chúa giáng sinh vào ngày 25 tháng chạp dựa trên lý do thần học chứ không dựa trên lý do lịch sử. Tại Rôma, từ năm 274, người ta đã mừng lễ kính Mặt trời (Sol invictus), vào ngày đông chí. Giáo hội tại Rôma, sau khi đã được hưởng tự do tôn giáo, đã cử hành lễ Chúa Giáng sinh, mặt trời soi đàng công chính, thay thế cho lễ ngoại đạo. Có những chứng tích cho thấy rằng từ năm 336, lịch phụng vụ đã ghi ngày 25 tháng 12 là lễ Giáng sinh. Lúc đầu là một lễ địa phương của Giáo hội Rôma, dần dần lan sang Bắc Phi. Đến cuối thế kỷ IV, thì nhiều vùng bên Giáo hội Đông phương cũng mừng ngày Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng chạp, như chúng ta thấy các bài giảng của các giáo phụ Basiliô vào khoảng năm 375, Grêgôriô Nissa năm 380, Gioan kim khẩu năm 386. Đặc biệt là thánh Gioan kim khẩu, trong bài giảng nhân ngày 25 tháng 12 năm 386 tại Antiôkia đã giải thích lý do vì sao du nhập lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 thêm vào lễ 6 tháng giêng. Chị có thể tưởng tượng rằng trong Giáo hội của ngài có nhiều thành phần bảo thủ, không chấp nhận những canh tân, nhất là khi sự canh tân đến từ Tây phương. Thánh Gioan không đả động chi đến các nguồn gốc thần học của Giáo hội Rôma mà cố gắng thuyết phục cộng đoàn bằng lý do lịch sử. Thánh Luca nói rằng thiên sứ Gabriel hiện ra với ông Dacaria khi ông này vào đền thờ tiến hương. Thử hỏi xem ông ta vào đền thờ vào kỳ nào? Thưa vào dịp lễ xá tội, Yom Kippur, vào cuối tháng 9.

Sáu tháng sau, thiên thần hiện ra với Đức Mẹ Maria tại Nadarét. Như vậy là cuối tháng 3. Và, chín tháng sau đó, (cuối tháng 12) Chúa ra đời là đúng rồi. Do đó chúng ta hãy mừng lễ Chúa Giáng sinh vào cuối tháng 12 thì hợp lý hơn. Và rồi, vào ngày 6 tháng giêng, người ta không còn mừng lễ Chúa Giáng sinh nữa, nhưng chỉ còn mừng lễ Chúa tỏ mình ra. Cần nhắc lại rằng nội dung của việc tỏ mình được đánh giá khác nhau tùy nơi tùy thời. Có nơi nhấn mạnh đến việc tỏ mình cho dân ngoại qua việc ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy. Có nơi nhấn mạnh đến việc tỏ mình nơi sông Hoà giang, khi tiếng nói từ trời mặc khải thân thế và sứ vụ của Đức Giêsu như là Tôi tớ yêu dấu của Thiên Chúa. Đang khi mà phụng vụ bên Đông phương dành một ngày cho các biến cố vừa nói, thì lịch phụng vụ Rôma dành ra hai ngày khác nhau: một ngày để cử hành lễ tỏ mình cho dân ngoại, và một ngày để kính việc Chúa Giêsu chịu phép rửa. Cần phải thêm một lần tỏ mình thứ ba tại tiệc cưới Cana, được nhắc đến ở Chúa nhật thứ hai mùa Thường niên.

Như vậy, lễ Chúa Giáng sinh hiện nay dựa trên lý do thần học hơn là dựa trên lý do lích sử, phải vậy không?

Đúng như vậy. Chúng ta không rõ Chúa Giêsu sinh vào ngày nào, tháng nào. Chúng ta không biết Chúa sinh vào mùa đông lạnh lẽo, mùa xuân ấm áp hay mùa hè nóng bức. Lễ Chúa Giáng sinh được mừng vào ngày 25 tháng chạp để thay thế cho ngày lễ kính thần Mặt trời của dân Rôma. Tuy vậy cũng nên biết là trong các bài giảng nhân lễ Chúa Giáng sinh, thánh Lêô cả Giáo hoàng (vào cuối thế kỷ V) không còn khai triển đề tài mặt trời công chính cho bằng mầu nhiệm nhập thể: Ngôi Lời đã đến ở giữa chúng ta. Ngài chiếu sáng cho nhân loại, khi kêu mời con người đến thông phần bản tính Thiên Chúa. Nhưng mà cần phải có đức tin thì mới nhận ra ánh sáng đó, bởi vì Thiên Chúa đến với chúng ta không phải với cảnh huy hoàng rực rỡ nhưng trong thân phận khó nghèo khiêm tốn. Dù sao, thì vào năm 544, tu sĩ Điônixiô đã chấp nhận như là một chứng cớ lịch sử việc Chúa Giêsu sinh ra ngày 25 tháng 12. Dựa vào đó, ông ta xác định kỷ nguyên mới, năm thứ 1 kỷ nguyên Kitô giáo, hay cũng gọi là Công nguyên. Tiếc rằng ông đã tính lệch đi khoảng 5-6 năm.

 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi