Nếu việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng rơi vào Thứ Sáu Tuần Thánh, thì tính sao?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi đang cố gắng hết sức để hoàn tất tham dự 9 Thánh Lễ cho việc đạo đức 9 Thứ Sáu đầu tháng. Tháng Tư tới sẽ là tháng thứ tám của tôi, nhưng không có Thánh lễ vào ngày thứ sáu đầu tháng ấy – vì đó là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Tôi sẽ tham gia nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh và rước lễ. Điều này có ảnh hưởng đến việc đạo đức của tôi không? Liệu nó được tính là Thứ Sáu đầu tháng số 8, hay thứ Sáu đầu tháng Năm mới là số 8, hoặc liệu thứ Sáu đầu tháng Năm sẽ trở thành số 1 chăng, vì không có Thánh Lễ của thứ Sáu đầu tháng trong tháng Tư? – M. W.

Đáp: Bạn đọc này của chúng tôi chắc là đang nhắc tới lời hứa cuối cùng trong 12 lời hứa của Thánh Tâm Chúa với Thánh nữ Marguerite Marie Alacoque (1647-1690). 12 lời hứa là như sau:

”1. Cha sẽ ban cho các kẻ tôn sùng Thánh Tâm Cha tất cả những ơn cần thiết theo đấng bậc. 

2. Cha sẽ ban cho gia đình các con được bằng an. 

3. Cha sẽ an ủi con trong cơn gian khổ. 

4. Trái Tim Cha là nơi náu ẩn trọn đời cho các con, nhất là trong giờ các con lâm tử.

5. Cha sẽ chúc phúc tràn trề cho các công việc con làm. 

6. Kẻ có tội sẽ gặp nơi Trái Tim Cha một biển cả thương xót bao la.

7. Các linh hồn khô khan sẽ trở nên sốt sắng. 

8. Các linh hồn sốt sắng sẽ mau tiến tới đỉnh trọn lành.

9. Cha sẽ chúc lành cho các gia đình có trưng bày và tôn kính ảnh Thánh Tâm Cha. 

10. Cha sẽ ban cho các linh mục tài lay chuyển các tấm lòng chai đá nhất.

11. Tên kẻ truyền bá sự sùng kính Thánh Tâm sẽ được khắc vào Trái Tim Cha, không hề bị phai mờ. 

12. Bởi lòng lân tuất quá bội của Thánh Tâm, Cha hứa rằng tình yêu toàn năng của Thánh Tâm sẽ ân ban cho các kẻ rước lễ liên tiếp chín thứ Sáu đầu tháng, được ơn ăn năn trong giờ sau hết, không phải chết thất nghĩa cùng Cha, lại được lãnh nhận các bí tích vì Thánh Tâm Cha sẽ nên nơi náu ẩn vững vàng trong giờ ấy”. (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, Tổng giáo phận Huế).

Vì lời hứa số 12 đề cập đến việc rước lễ, chứ không nhắc đến việc tham dự thánh lễ, tôi nghĩ rằng thật là an toàn để nói rằng việc rước lễ trong nghi thức ngày Thứ Sáu tuần Thánh là quả đủ, để chu toàn các đòi hỏi của sự thực hành việc đạo đức của bạn. Đồng thời, khi tham dự thánh lễ các ngày thứ Sáu đầu tháng khác, bạn cần rước lễ nếu có thể được.

Theo việc đạo đức này, thứ Sáu đầu tháng của mỗi tháng được chính Chúa Giêsu chỉ định để tín hữu tôn thờ Thánh Tâm Chúa, gia tăng tình yêu của chúng ta đối với Chúa, và đền bù các xúc phạm quá khứ và hiện tại của chúng ta đối với tình yêu Chúa.

Đôi khi, danh sách 12 lời hứa là đối tượng của cuộc tranh luận nào đó. Trong các bút tích của thánh nữ Marguerite Marie Alacoque, không có danh sách 12 lời hứa rõ ràng, nhưng chúng nằm rải rác trong các bút tích ấy, trong các hình thức và ngày tháng khác nhau.

Danh sách này được trình bày lần đầu tiên trong một cuốn sách nhỏ, được xuất bản ở Pháp vào năm 1863. Năm 1882, ông Philip Kemper, một doanh nhân giàu có người Mỹ gốc Đức ở thành phố Dayton, bang Ohio (Mỹ), đã phổ biến danh sách này trên toàn thế giới, in một số lượng rất lớn tờ riêng gồm danh sách các lời hứa, với khoảng 238 ngôn ngữ.

Mặc dù ông Kemper nhận lời chúc lành cho công việc “đạo đức” và “hữu ích” này từ Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1895, nhưng không phải mọi người đều hoàn toàn đồng ý. Ví dụ, Đức Hồng Y Pháp Adolph Perraud (1828-1906) cho rằng lời hứa được in trong tờ riêng là khác với từ ngữ và cách diễn đạt, vốn được sử dụng bởi Thánh Marguerite Marie Alacoque, và muốn sử dụng các từ ngữ trong bản gốc hơn. Chẳng hạn, trong khi các lời hứa được in trong lối phát biểu trực tiếp, thánh nữ Marguerite Marie Alacoque luôn luôn dùng lối nói gián tiếp: “Chúa đã cho tôi biết rằng Chúa sẽ chúc lành cho các gia đình có trưng bày và tôn kính ảnh Thánh Tâm Chúa…” Lối phát biểu trực tiếp cho thấy rằng Chúa Giêsu đọc cho thánh nữ, nhưng thường không là như vậy.

Ngoài ra còn có một số trường hợp mà các từ đã được thay đổi. Ví dụ, lời hứa thứ 10 là “Cha sẽ ban cho các linh mục tài lay chuyển các tấm lòng chai đá nhất”. Trong thư cho linh mục Gioan Croiset (khoảng năm 1650-1738), cha linh hướng và người viết tiểu sử đầu tiên của thánh nữ, thánh nữ Alacoque đã viết: “Thầy chí thánh của con đã cho con biết rằng những ai lao nhọc cho việc cứu rỗi các linh hồn sẽ thành công trong công việc của họ, và sẽ có tài lay chuyển các tấm lòng chai đá nhất, nếu họ có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa, và nếu họ làm việc để truyền cảm hứng cho tất cả mọi người có lòng sùng kính, và thiết lập lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa ở khắp mọi nơi”.

Các lời phê bình dường như không làm thay đổi ý nghĩa cơ bản của các lời hứa, đặc biệt là lời hứa thứ 12, như nó xuất hiện trong tác phẩm của thánh nữ: “Vào ngày thứ Sáu, khi con rước lễ, Chúa nói với người nô lệ không xứng đáng của Chúa, nếu con không nhầm rằng: Bởi lòng lân tuất quá bội của Thánh Tâm, Cha hứa rằng tình yêu toàn năng của Thánh Tâm sẽ ân ban cho các kẻ rước lễ liên tiếp chín thứ Sáu đầu tháng, được ơn ăn năn trong giờ sau hết, không phải chết thất nghĩa cùng Cha, lại được lãnh nhận các bí tích vì Thánh Tâm Cha sẽ nên nơi náu ẩn vững vàng trong giờ ấy”.

Nói chung, các người cổ vũ việc đạo đức này đặt ra các điều kiện hoặc đề xuất sau đây, nhằm tránh cho việc thực hành thánh thiêng trở thành một cái gì đó tự động hoặc ma thuật:

(1) Chúa Giêsu yêu cầu rước lễ vào ngày đặc biệt do chính Ngài chọn;

(2) chín ngày thứ Sáu đầu tháng phải là liên tục với nhau;

(3) tín hữu phải thực hiện việc đạo đức ấy để tôn vinh Thánh Tâm Chúa, vốn có nghĩa rằng những ai làm việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng phải thực hành tốt, và phải có lòng yêu mến tuyệt vời đối với Chúa chúng ta;

(4) Chúa Giêsu không nói rằng những ai làm việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng được miễn bất kỳ nghĩa vụ nào của họ, hoặc thực hành sự cảnh giác cần thiết để có một đời sống tốt và vượt qua cám dỗ; thay vào đó, Chúa hứa một cách mặc nhiên hồng ân dồi dào cho những ai thực hiện việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng, để giúp họ thực hiện bổn phận và kiên tâm đến cùng;

(5) sự kiên trì cho việc rước lễ trong 9 thứ Sáu đầu tháng liên tiếp giúp tín hữu có thói quen rước lễ, mà Chúa rất mong muốn cho chúng ta;

(6) và sự thực hiện việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng là làm đẹp lòng Chúa, vì Chúa hứa ân thưởng lớn lao, và mọi người Công Giáo cần nỗ lực để thực hiện việc đạo đức 9 thứ Sáu đầu tháng như thế.

 

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 17-3-2015)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi