Mục vụ hôn nhân Công giáo cho bệnh nhân HIV/AIDS
Câu hỏi 1 – Linh mục chính xứ có thể từ chối chứng hôn cho một người vì họ mắc bệnh HIV/AIDS dương tính không?
Giáo Hội Công Giáo quan niệm: quyền kết hôn là một quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con người chiếu theo luật tự nhiên, theo thánh ý của Thiên Chúa Sáng Tạo; những ai không bị luật cấm đều có thể kết hôn (Gaudium et spes 26; GL 1058). Những trường hợp bị luật cấm kết hôn đều xuất phát từ luật tự nhiên và quy về hai loại: 1- tự bản thân người này không có khả năng kết hôn (chẳng hạn người mất trí); 2- việc kết hôn này gây nguy hại cho cộng đoàn nhân loại, trái luật tự nhiên (chẳng hạn hôn nhân loạn luân). “Chỉ có quyền bính tối cao trong Giáo Hội mới có quyền tuyên bố khi nào luật Thiên Chúa cấm kết hôn” (GL 1075); nhưng cho tới nay, Đức Giáo Hoàng hay Bộ Giáo Luật 1983 đều không cấm bệnh nhân AIDS kết hôn.
Tại VN, Luật Hôn Nhân và Gia Đình 1959 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cấm kết hôn đối với người phong hủi và hoa liễu (điều 10). Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân VN và người nước ngoài 15.12.1993, điều 06 khoản 1 cấm kết hôn tại VN đối với người nước ngoài mắc bệnh AIDS. Hiện nay luật dân sự VN, theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2000, đã bãi bỏ các lệnh cấm trên, chỉ còn cấm người mắc bệnh tâm thần (điều 10). Dù hồ sơ kết hôn với người nước ngoài vẫn còn buộc hai bên phải khám sức khỏe, nhưng cơ quan hộ tịch VN, trên lý thuyết, không có quyền dựa vào kết quả xét nghiệm có bệnh AIDS để từ chối việc họ đăng ký kết hôn.
Như vậy, giáo luật và dân luật hiện hành đều không cấm bệnh nhân AIDS kết hôn.
Kết luận: Linh mục chánh xứ không có quyền từ chối chứng hôn cho một người vì họ mắc bệnh HIV/AIDS dương tính. Dĩ nhiên, ngài có bổn phận khuyên họ cân nhắc cẩn thận việc kết hôn; hoặc ngài có thể từ chối chứng hôn vì một lý do chính đáng khác.
Câu hỏi 2- Nếu người vợ/chồng tương lai giấu việc mình mắc bệnh AIDS, hôn nhân có thành sự không?
Theo kiến thức y khoa hiện nay của nhân loại, không thể nói chắc chắn bệnh HIV/AIDS tự bản chất trực tiếp ngăn trở việc kết hôn thành sự; nên Giáo Hội không cấm người bệnh HIV/AIDS kết hôn. Giáo Luật chủ trương “hôn nhân được luật ưu đãi, vì thế khi hồ nghi, hôn nhân được coi là thành sự” (GL 1060). Như thế, nếu người vợ/chồng tương lai giấu việc mình mắc bệnh AIDS, hôn nhân vẫn thành sự.
Tuy nhiên, bệnh HIV/AIDS là một yếu tố nghiêm trọng có liên quan đến phẩm chất của người sắp kết hôn, vì bệnh trạng tâm sinh lý không thể phục hồi tạo ra một ảnh hưởng bền vững trên người bệnh. Phẩm chất này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hôn nhân, đến sức khoẻ và tương lai của người bạn đời và con cái. Nếu phẩm chất này bị cố tình giấu kín (dolus omissivus) hay cố tình nói dối khi bị hỏi (dolus affirmativus) để được người kia ưng thuận kết hôn, chúng ta có thể xem là trường hợp hôn nhân bất thành vì kết hôn do bị lừa gạt (GL 1098).
Ngoài ra, y khoa còn cho biết HIV/AIDS có thể tạo ra tình trạng bất thường về tâm sinh lý, nhất là khi bệnh đã phát triển sang các giai đoạn sau. Do đó, hôn nhân còn có thể bất thành, nếu bệnh nhân đã đến mức mất trí phán đoán, thiếu ý thức nghiêm trọng hay không còn khả năng đảm nhận những nghĩa vụ của hôn nhân (GL 1095).
Trong trường hợp này, người ngoài không được can thiệp vào hôn nhân đó. Việc khiếu nại về hôn nhân bất thành phải do người đã kết hôn hoặc vị Công tố viên giáo phận thực hiện. Người khiếu nại phải nộp đơn cho Toà án Hôn phối Giáo phận và phải trưng được các chứng cứ biện minh cho lập trường của mình.
Kết luận: nếu người vợ/chồng tương lai giấu việc mình mắc bệnh AIDS, hôn nhân vẫn được xem là thành sự. Người bị lừa dối có thể khiếu nại tại Toà án Hôn phối Giáo phận.
Câu hỏi 3- Linh mục chính xứ có bổn phận báo cho người sắp kết hôn việc người vợ/chồng tương lai của họ giấu chuyện mình mắc bệnh HIV/AIDS hay không?
Người sắp kết hôn phải có ý hướng “yêu thương và tôn trọng” người bạn đời của mình, nên có bổn phận luân lý phải cho người bạn đời biết về tình trạng bệnh của mình. Linh mục chính xứ và vị Thường Quyền Sở Tại cũng có bổn phận này. Giáo Hội buộc các ngài “trước khi cử hành hôn phối, phải biết chắc không có gì ngăn trở việc cử hành hôn phối thành sự và hợp pháp” (GL 1066). “Mọi tín hữu, nếu biết có ngăn trở nào, phải trình bày cho linh mục chính xứ hay vị Thường Quyền” (GL 1069). Như đã trình bày trên đây, việc lừa dối trong trường hợp này có thể là một ngăn trở làm cho hôn nhân bất thành.
Việc thông báo này là một bổn phận nên không đi ngược với lệnh cấm vi phạm thanh danh và đời tư của cá nhân (GL 220).
Kết luận: Linh mục chính xứ có bổn phận báo cho người sắp kết hôn việc người vợ/chồng tương lai của họ mắc bệnh HIV/AIDS.
Câu hỏi 4- Linh mục chính xứ có quyền buộc người sắp kết hôn phải đi xét nghiệm HIV/AIDS không?
Linh mục chính xứ và vị Thường Quyền Sở Tại có thể khuyên người sắp kết hôn đi xét nghiệm y khoa, trong trường hợp nghi ngờ HIV dương tính, nhưng không có quyền ép buộc.
Nếu người này không nghe lời khuyên để đi xét nghiệm, linh mục chính xứ không được từ chối chứng hôn. Ngài có thể đệ trình lên vị Thường Quyền Sở Tại, nếu xét thấy vấn đề nghiêm trọng. Vị Thường Quyền Sở Tại có quyền cấm kết hôn khi có lý do nghiêm trọng, nhưng chỉ cấm từng trường hợp đặc biệt, trong lãnh địa của ngài và trong một thời gian mà thôi (GL 1077).
Kết luận: Linh mục chính xứ không có quyền buộc người sắp kết hôn phải đi xét nghiệm HIV/AIDS
Câu hỏi 5- Một người sắp kết hôn có thể đặt điều kiện “tôi chỉ cưới anh, nếu anh không mắc bệnh HIV/AIDS” không?
Hôn nhân Kitô giáo là một quyết định tự do, một cam kết để chia sẻ cuộc sống gia đình trong yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Tự bản chất, lời cam kết hôn nhân bao hàm việc chấp nhận mọi nguy cơ và rủi ro trong đời sống vợ chồng, “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ”. Nếu chưa biết rõ về người bạn đời tương lai của mình, người sắp kết hôn phải tự tìm hiểu thêm và phải chịu trách nhiệm về quyết định kết hôn của mình. Bình thường chúng ta phải hiểu là một người Công giáo kết hôn vô điều kiện.
Trong một số trường hợp rất hiếm, Giáo hội cho phép kết hôn với điều kiện. “Những điều kiện… không thể đặt ra cách hợp pháp, trừ khi có phép bằng văn bản của vị Thường Quyền Sở Tại (GL 1102,3).
Kết luận: Nếu một người muốn kết hôn với điều kiện như trên, phải có phép bằng văn bản của vị Thường Quyền Sở Tại. Nếu không có văn bản này, phải xem là kết hôn không có điều kiện.
Toà Tổng Giám mục Giáo phận TPHCM ngày 02.01.2005
LM Gioan Bùi Thái Sơn
Đại diện Tư pháp Giáo phận
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.