Một số người không thích quyên tiền trong các thánh lễ Chúa nhật, vì việc ấy làm chia trí trong lúc cầu nguyện. Phải chăng đó là hành vi quá vật chất và trần tục trong khung cảnh hoàn toàn thiêng liêng?
Quyên tiền là một nghi thức rất cổ xưa và là cách thực hành đã có từ buổi đầu của Kitô giáo. Trong lá thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phaolô trách họ không biết chia sẻ thức ăn trong tình bác ái trong bữa tiệc của Chúa (1Cr 11,21).
Vào khoảng năm 150, thánh Justinô kêu gọi tín hữu như sau: “Những ai khá giả, và những ai muốn cho, hãy cho một cách tự do, mỗi người theo ý mình muốn. Những gì quyên góp được sẽ được trao cho vị chủ tế để ngài cứu trợ những kẻ mồ côi, quả phụ, đau yếu, bần cùng, bị cầm tù, lữ khách, nói tóm lại, ngài cứu giúp tất cả những ai đang túng thiếu” (I Apol. 67).
Lúc đầu, các tín hữu đem bánh và rượu đến để dâng thánh lễ. Các lễ vật này được rước kiệu lên bàn thờ, được chủ tế đón nhận để dâng lên Thiên Chúa. Đó là nguồn gốc của phần dâng lễ và lời nguyện tiến lễ (lời nguyện trên lễ vật).
Ngoài việc đem bánh và rượu dùng vào việc dâng thánh lễ, các tín hữu cũng đem các tặng vật khác cho người nghèo. Từ thế kỷ thứ IX, vì việc nhận lễ vật bằng tiền mặt có vẻ tiện lợi hơn, nên việc rước kiệu lễ vật được thay thế bằng việc quyên tiền. Việc quyên tiền này trong thánh lễ vừa là dấu chỉ sự tham dự tích cực của mọi tín hữu vào thánh lễ, vừa là lễ vật của mỗi người. Nghi thức kiệu lễ vật trong thánh lễ, hiện vẫn còn được thực hiện tại một vài miền và vào các dịp lễ lớn, giữ lại dấu vết của tục lệ cổ xưa này.
Ngay từ thời sơ khai, tình liên đới giữa các phần tử trong cộng đoàn Kitô được cổ vũ để cung cấp những nhu cầu của Giáo hội và của người nghèo. Việc quyên tiền là một phương cách hữu hiệu để thực hiện tình liên đới này.
(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.