Đức Maria là Mẹ của Lòng Thương Xót

Trong suốt tháng Năm, sẽ là một ân huệ lớn cho tâm hồn của chúng ta nếu chúng ta vun trồng lòng sùng kính Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót.

Trong kinh Salve Regina – kinh Lạy Nữ Vương, Mẹ Maria ngay tức khắc nhận được danh hiệu “Mẹ là Mẹ xót thương”. Rồi thì, trong lời kinh đó, chúng ta kêu cầu Mẹ, thừa nhận rằng chúng ta đang “khóc lóc, than thở với rên la, trong lũng đầy nước mắt”, và chúng ta cầu xin Mẹ “đưa mắt nhân từ, phía đoàn con ngoái lại”. Trong tháng Năm, chúng ta cần tăng cường lòng sùng kính của mình đối với Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, để Mẹ sẽ cầu bầu cho chúng ta với Người Con Yêu Dấu của Mẹ.

Có vẻ thích hợp để bắt đầu với một định nghĩa cơ bản về lòng thương xót. Merriam-Webster định nghĩa đó là “một phúc lành, một hành động của sự ưu ái hoặc lòng trắc ẩn của Thiên Chúa”, và “sự đối xử nhân hậu với những người đang gặp đau khổ”. Trong tiếng Do Thái, ý tưởng này được truyền tải bằng từ hesed, và từ ngữ đó cũng thường được dịch trong Cựu Ước là “tình yêu trước sau như một” hoặc “lòng nhân từ vững bền”.

Ngay từ thời kỳ đầu của mặc khải của Do Thái giáo – Kitô giáo, hesed đã được hiểu là phẩm tính vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Phẩm tính này hướng dẫn sự phát triển của Torah – Ngũ kinh. Ví dụ, Sách Xuất hành ca ngợi, “Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: Chúa! Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi” (Xh 34:6-7). Điệp khúc này vang lên trong các sứ điệp của các tiên tri. Ngôn sứ Giôna kêu lên: “Con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Gn 4:2). Ngôn sứ Mikha ca ngợi rằng Chúa là “Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài ? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa,” (Mk 7:18). Ý tưởng này thậm chí còn hướng dẫn nền văn hóa Israel trong thời kỳ hậu lưu đày. Khi nhắc nhở dân Istael về những tội lỗi chung của họ, ngôn sứ Nêhêmia cầu nguyện: “Nhưng Chúa là Thiên Chúa luôn sẵn sàng thứ tha, Ngài từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình thương, đã không bỏ rơi họ” (Nkm 9:17).

Tất nhiên, phẩm tính thánh thiêng này – thông điệp này – đã đạt đến sự viên mãn trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô, sự nhập thể của tình yêu thương xót và vững bền của Chúa Cha. Lời dạy về Đấng Mêsia của Chúa Giêsu đầy dẫy những ý tưởng, những chân lý, tạo nên chính định nghĩa về lòng thương xót. Ngài liên tục hành động theo những cách thể hiện sự chiếu cố và lòng trắc ẩn của Chúa, đặc biệt là đối với những người đau khổ. Đây chính xác là lý do tại sao Chúa chúng ta đã trích dẫn Isaia để vạch ra con đường Ngài sẽ thực hiện sứ mệnh của mình: “Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4:17-21).

Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã trao chính Mẹ của Ngài cho người môn đệ được yêu dấu, người đứng ra làm hình mẫu cho mỗi người chúng ta. Vậy thì chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giêsu và Cha Trên Trời của Người có ý định để Đức Maria phục vụ như là Mẹ của Lòng Thương Xót. Mẹ tham gia mật thiết vào việc tuôn đổ lòng thương xót, như là người cầu bầu và sứ giả, giống như mọi người mẹ tốt lành đối với con cái của mình.

Người Kitô hữu đã kêu cầu sự chuyển cầu và bảo trợ của Mẹ Maria trong cơn hoạn nạn ít nhất là từ giữa thế kỷ thứ ba (khoảng năm 250 sau Công nguyên). Có một lời kinh cổ xưa dâng lên Mẹ, ban đầu được sáng tác bằng tiếng Hy Lạp và thường được gọi trong tiếng Latin là Sub Tuum, tiếng Việt là Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời. Lời kinh này đặc biệt kêu cầu đến sự dịu dàng hoặc lòng thương xót của Mẹ giải thoát các môn đệ của Chúa khỏi nguy hiểm và khó khăn. Kinh Salve Regina – mà người Công giáo thường đọc khi kết thúc Kinh Mân Côi, hoặc vào lúc kết thúc Kinh tối của Giờ kinh Phụng vụ, và đôi khi vào cuối các Thánh lễ – được sáng tác và biên soạn vào khoảng đầu thế kỷ thứ mười hai. Kinh Mân Côi như chúng ta biết ngày nay bắt đầu ngay sau đó như một cách biểu lộ lòng sùng kính chung.

Trong thời đại hiện đại, khi lòng thương xót trở nên vô cùng cần thiết, Mẹ Maria đã mang đến một thông điệp thương xót cho thế giới thông qua các thị nhân. Năm 1830, Mẹ đã hiện ra tại Paris, tại Rue de Bac, với Sơ Catherine Labouré. Bản chất thông điệp của Mẹ trong những lần hiện ra này là sự cần thiết và lợi ích của việc chạy đến xin Mẹ chuyển cầu trong một giai đoạn lịch sử sẽ chứng kiến “toàn thế giới… chìm vào bóng tối”.

Gần ba thập kỷ sau, vào năm 1858, Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, ở dãy núi Pyrênê của Pháp, và phần đáng nhớ nhất trong thông điệp của Mẹ liên quan đến lòng thương xót và lòng trắc ẩn. Từ giữa thế kỷ XIX, những người bệnh và những người khuyết tật từ khắp nơi trên thế giới hành hương đến địa điểm Mẹ hiện ra, nơi đó một suối nước kỳ diệu chữa lành bệnh tật đã xuất hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là các phép lạ chữa lành đi kèm với lời kêu gọi hoán cải cá nhân.

Và vào năm 1917, Mẹ Maria hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha, và thông báo cho ba trẻ chăn chiên rằng khi hướng lòng về Chúa Giêsu với sự sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, người ta sẽ chiến thắng mọi điều ác vốn sẽ bao trùm thế giới trong thế kỷ XX. Mỗi lần Mẹ hiện ra như thế, Mẹ đều thông truyền trái tim nhân từ của Thiên Chúa tràn đầy sự dịu dàng vững bền dành cho những người phải đối mặt với các bệnh tật về thể xác và tinh thần. Cụ thể hơn, mỗi lần hiện ra như thế đều cho thấy Mẹ Maria là một người mẹ dịu dàng và nhân từ, muốn hướng con cái mình đến Trái Tim nhân từ và Thánh thiện của Người Con Thiên Chúa, và là Đấng cầu bầu cho thế giới có nhiều người đang phải chịu vô vàn đau khổ về thể xác và tinh thần.

Khi chúng ta suy ngẫm về thực tại tình yêu vững bền và lòng thương xót dịu dàng của Thiên Chúa, hai hình ảnh từ truyền thống nghệ thuật phong phú của Giáo hội hiện ra trong tâm trí. Đầu tiên là bức Mater Misericordiae – Mẹ Xót Thương, của Giovanni da Gaeta, được vẽ vào giữa thế kỷ XV.

Trong tác phẩm này, Mẹ Maria nhìn thẳng về phía người xem với “đôi mắt thương xót” của Mẹ. Hai thiên thần dâng lên cho Mẹ một vương miện, công nhận Mẹ là Nữ vương Thiên đàng. Hai thiên thần khác, đứng hai bên Mẹ, trải tấm áo choàng màu xanh của Mẹ lên một đám người tượng trưng cho “con cháu Evà, thân phận người lưu lạc”. Mẹ Maria dang tay trên toàn bộ nhóm người.

Hình ảnh còn lại là một tác phẩm trang trí bằng gạch ghép từ cuối thế kỷ XVI có tên là Virgen del Rosario, của Cristóbal de Augusta.

Một số chi tiết của tác phẩm bắt chước tác phẩm đầu tiên: Mẹ Maria ở giữa, và các thiên thần bên cạnh Mẹ trải rộng tấm áo choàng màu xanh của Mẹ cho một nhóm người. Tuy nhiên, tác phẩm ghép gạch này có điểm khác, mô tả Mẹ Maria bế Chúa Hài Đồng trên tay trái và một chuỗi Mân Côi trên tay phải dang rộng. Nhóm người bên dưới tấm áo choàng của Đức Mẹ là sáu vị thánh Đaminh. Rõ ràng, nghệ sĩ đã mô tả những vị thánh này cách đặc biệt vì Dòng Giảng thuyết là dòng đầu tiên thúc đẩy lòng sùng kính Mẹ Maria bằng Chuỗi Mân Côi, khí cụ nổi tiếng nhất trong lịch sử Công giáo để cầu xin sự chuyển cầu thương xót của Mẹ Maria: “. . . cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.”

Vì vậy, trong suốt tháng Năm, sẽ là một ân huệ lớn cho tâm hồn của chúng ta nếu chúng ta vun trồng lòng sùng kính Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót. Chúng ta nên đặt mình vào số những người được tấm áo choàng chuyển cầu đầy lòng thương xót của Mẹ che chở. Chúng ta nên lần chuỗi Mân Côi, một cách sốt sắng – thậm chí hằng ngày. Chúng ta nên tung hô Mẹ là Nữ Vương Thánh Thiện của chúng ta, như chúng ta kêu lên Mẹ khi bắt đầu lời kinh. Theo cách đó, trong suốt thời gian “khóc lóc, than thở với rên la, trong lũng đầy nước mắt” của chúng ta, Mẹ có thể thương xót chia sẻ với chúng ta sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của Mẹ, mà chúng ta chắc chắn cần đến.

Kinh Salve Regina – Lạy Nữ Vương

LATINH

Salve, Regina, Mater misericordiae,
vita, dulcedo, et spes nostra, salve.
ad te clamamus exsules filii Evae,

ad te suspiramus, gementes et flentes
in hac lacrimarum valle.

Eia, ergo, advocata nostra, illos tuos
misericordes oculos ad nos converte;
et Jesum, benedictum fructum ventris tui,
nobis post hoc exsilium ostende.
O clemens, O pia, O dulcis Virgo Maria.”

TIẾNG VIỆT

(Kinh Phụng Vụ – Kinh Tối)

Kính chào Đức Nữ Vương,
Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống,
Kính chào lẽ Cậy Trông.

Này con cháu E-và,
Thân phận người lưu lạc,
Chúng con ngửa trông Bà,
Kêu Bà mà khóc lóc,
Than thở với rên la
Trong lũng đầy nước mắt.

Bà là Nữ Trạng Sư,
Nguyện đưa mắt nhân từ
Phía đoàn con ngoái lại,
Và sau đời khổ ải,
Xin Bà khứng tỏ ra,
Cho đoàn con được thấy
Quả phúc bởi lòng Bà:
Đức Giê-su khả ái.

Ôi lượng cả khoan hồng,
Ôi tấm lòng xót thương,
Ôi dịu hiền nhân hậu,
Trinh Nữ Ma-ri-a.

(Bản phổ thông)

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.
Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và
ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;
Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.
Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.
Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,
Con lòng Bà gồm phúc lạ.
Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.

Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (09/5/2025)