Giáo hội Việt Nam 100 năm về trước

Giáo hội Việt Nam cách đây 100 năm về trước (năm 1925) đã có những sự kiện quan trọng và có hệ luận không nhỏ đối với hậu thế. Chúng tôi muốn nhắc đến hai sự kiện: 1/ Thứ nhất, vào ngày 28 tháng 4 năm 1925, Tòa Thánh cho phép kính chung các Chân phúc Tử đạo vào Chúa nhật đầu tháng Chín. 2/ Thứ hai, vào ngày 20 tháng 5 năm 1925, Tòa Thánh thiết lập Tòa Khâm mạng ở Việt Nam.

Chúng ta hãy tìm hiểu hai biến cố vừa kể, với thứ tự đảo ngược. Trước hết, chúng ta nhìn lại việc thiết lập Tòa Khâm mạng. Sau đó chúng ta sẽ bàn về lễ kính chung các Thánh Tử đạo. Dù sao, cần phải bắt đầu bằng một thỉnh nguyện do Thượng thư Nguyễn Hữu Bài. Nhân dịp thăm viếng Tòa Thánh ngày 07 tháng 8 năm 1922, ông đã đệ lên Đức Giáo Hoàng Piô XI thỉnh nguyện gồm bốn nội dung chủ yếu:

1) Xin thống nhất sách giáo lý và các kinh đọc.

2) Xin ấn định chung một ngày lễ kính các Chân phước Tử đạo Việt Nam.

3/ Xin cải tổ công việc huấn luyện trong các chủng viện.

4) Xin lập hàng giáo phẩm và cho hai người Việt Nam được học ở trưởng truyền giáo Rôma.

Tuy Tòa Thánh không trả lời trực tiếp, nhưng ta có thể ghi nhận vài kết quả khi theo dõi các sự kiện diễn ra trong những năm tháng tiếp theo.

1) Việc thiết lập Hội Đồng Kinh năm 1924. Thật ra, việc thống nhất các kinh đọc đã được nêu lên trong Công nghị Kẻ Sặt năm 1900. Nhưng mãi đến năm 1924, “Hội nhóm sửa kinh” mới được thành lập. Trong báo Nam ký địa phận, số 793, ngày 05/6/1924, trang 343-344, cha Hồ Ngọc Cẩn cho biết thông tin như sau: Hội đồng này gồm đại diện các địa phận Việt Miên Lào, với các thành viên: (1) Chabanon (Huế) là chủ tịch; (2) Moreno (Đaminh); (3) Hergott (Căm-bốt); (4) Dalaine (Nghệ An); (5) Bouilet (Phát Diệm); (6) Lalanne (Qui Nhơn); (7) Huy (Bùi Chu); (8) Tòng (Sàigòn); (9) Trí (Hưng Hóa). Hội đồng đã làm việc tại Tòa Giám mục Huế trong vòng 3 tuần lễ, từ ngày 28/4 đến 17/5.

2) Việc ấn định một ngày lễ kính chung các Chân phước Tử đạo sẽ được nói dưới đây.

3) Việc cải tổ chủng viện trở thành đề tài chính của hai cuộc kinh lý do Đức cha Henry Lécroart S.J. thực hiện từ ngày 04/11/1922 đến 30/6/1923, với đỉnh cao là hai cuộc Hội nghị các Giám mục: Đàng Ngoài, tại Phát Diệm với sự hiện diện của 11 giám mục, từ ngày 04 đến 09/2/1923; ở Đàng Trong, tại Sàigòn với sự hiện diện của 7 giám mục vào ngày 02/6/1923.

4) Phải chờ đến năm 1933 mới có một giáo sĩ người Việt được thụ phong giám mục. Dù sao, một kết quả trực tiếp của hai cuộc kinh lý vừa nói là đổi tên gọi các địa phận, và thiết lập tòa Khâm sứ. Ngày 03 tháng 12 năm 1924, Tòa thánh đổi tên các địa phận ở Việt Nam (xc. Acta Apostolicae Sedis 17, 1925, p. 25-26): Tên cũ dựa theo vùng, tên mới dựa theo trụ sở nơi đặt tòa Giám mục. Do đó, Đông Đàng Ngoài đổi thành Hải Phòng, Bắc Đàng Ngoài (Bắc Ninh), Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu), Thượng Đàng Ngoài (Hưng Hóa), Tây Đàng Ngoài (Hà Nội), Duyên Hải Đàng Ngoài (Phát Diệm), Nam Đàng Ngoài (Vinh), Bắc Đàng Trong (Huế), Đông Đàng Trong (Qui Nhơn), Tây Đàng Trong (Sài Gòn). Tên của Phủ Doãn Lạng Sơn và Cao Bằng không thay đổi. Bây giờ chúng ta bước sang việc thiết lập tòa Khâm mạng.

I. Thiết lập tòa Khâm mạng

Trước khi vào nội dung, xin lưu ý về vài từ ngữ chuyên môn.

1/ Có nhiều cấp bậc đại diện Tòa Thánh tại các Giáo hội địa phương.

– Kể từ năm 1659, Tòa thánh đã cử hai “Đại diện tông tòa” (vicaire apostolique) để điều khiển các giáo phận ở Việt Nam. Chức vụ này được duy trì cho đến khi thành lập hàng giáo phẩm ngày 24 tháng 11 năm 1960; kể từ đó, vị đứng đầu giáo phận mang danh là giám mục.

– Vào một vài hoàn cảnh đặc biệt, Tòa Thánh có thể cử một “Kinh lược tông tòa” (có khi dịch là: “Thanh tra tông tòa”, visiteur apostolique). Chức vụ này có tính cách tạm thời.

– Các đại diện Tòa Thánh được cử đến một quốc gia với tính cách thường trực được gọi là “Sứ thần Tòa thánh” (Nonce apostolique) nếu có quan hệ ngoại giao với Nhà nước; hoặc “Khâm sứ Tòa Thánh” (trước đây cũng được dịch là Khâm mạng: Délégué apostolique), nếu chỉ giới hạn vào hoạt động nội bộ của Giáo hội, khi giữa Việt Nam và Tòa Thánh chưa hề có quan hệ ngoại giao.

2/ Danh xưng lãnh thổ. Cách đây 100 năm, dưới khía cạnh hành chính, nước Việt Nam nằm trong Liên bang Đông Dương (Indochine) bao gồm: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine), Cao Miên (Cambodge), Ai Lao (Laos). Danh từ Indochine xuất hiện trong các công văn Tòa Thánh, không những trong việc xác định thẩm quyền của Tòa Khâm sứ mà còn trong việc kính các Chân phúc Tử đạo cũng như công đồng họp tại Hà Nội năm 1934.

AVăn kiện thiết lập

Ngày 20/5/1925, Đức Thánh cha Piô XI, đã ban hành Tự sắc Ex Officio Supremo, công bố việc thiết lập Tòa Khâm sứ Đông Dương, trụ sở đặt tại Việt Nam, bao gồm các vùng đất: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Chủng viện Pénang ở Malaysia. Sau đây là bản dịch tiếng Việt của Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng.

Do nhiệm vụ Tông đồ tối cao mà Thiên Chúa đã giao phó cho Ta, Ta đã suy nghĩ nhiều về việc quản trị một cách tốt đẹp hơn những công việc thánh thiện, nhất là trong những miền đất rất xa xôi đổi với trung tâm Công giáo chúng ta (Roma). Suy nghĩ như thế, nên Ta ước mong sứ vụ truyền giáo được phát triển thêm tại vùng đất Đông Dương (Indosinensis regio). Ta đã bàn tính với các Hồng y lãnh đạo của Thánh bộ Truyền giáo và vừa rồi đã có một cuộc thăm viếng có tính cách Tông tòa trong những miền đất này. Do cuộc thăm viếng này, Ta thấy rằng những nhu cầu thiêng liêng của sứ vụ truyền giáo này thật là đặc biệt, nên cần phải có một sự góp ý rộng rãi.

Vì vậy, cho dầu cuộc thăm viếng nói trên cho biết nhiều nhu cầu thiêng liêng, việc thăm dò ý kiến luôn tiếp tục. Để danh xưng Kitô giáo được loan báo cách tường tận trong sứ vụ truyền giáo rất phức tạp và khó khăn này, và được ghi khắc sâu đậm vào thế hệ tương lai, sau khi xin ý kiến các Hồng y lãnh đạo của Thánh bộ Truyền giáo, Ta nghĩ rằng đây là thời gian thích hợp để thành lập một Tòa Khâm sứ Tòa thánh trong những vùng đất này. Bởi thế, cho Danh Thiên Chúa cả sáng và cho phần rỗi của dân chúng Kitô giáo, do Tự sắc (Motu proprio), do sự hiểu biết và suy nghĩ cẩn thận, và dựa trên thẩm quyền Tông đồ mà Thiên Chúa ban cho Ta, Ta quyết định thành lập trên những vùng đất nói trên một Tòa Khâm sứ Tòa thánh mang tên Tòa Khâm sứ Tòa thánh Đông Dương; đồng thời, để điều hành Tòa Khâm sứ này, Ta cũng đề cử một Đức Khâm sứ Tòa thánh, có cương vị Giám mục. Ta quy định trong Tông thư này, và mong muốn nội dung của nó luôn được vững bền, hợp pháp, hiệu nghiệm và mang lại những kết quả đầy đủ và trọn vẹn. Đồng thời Ta cũng mong muốn rằng những ai mà Tông thư này có liên quan đến hay đã có thể có liên quan đến, đều chấp hành Tông thư này cách rộng rãi, giờ đây và trong tương lai; nếu sau này có điều gì xảy ra trái nghịch với Tông thư này, do bất cứ ai hay bất cứ thẩm quyền nào một cách ý thức hay vô thức, thì theo nguyên tắc, được xác định và vô giá trị. Tông thư này luôn có giá trị, không quy chế và phẩm trật Tông tòa nào khác hay những điều gì khác có thể đi trái nghịch với Tông thư này.

Làm tại Đền thờ Thánh Phêrô, với Ấn Ngư phủ, ngày 20/5/1925, năm thứ 4, triều đại Giáo hoàng của Ta.

B. Thực thi

Việc Tòa Thánh mở tòa Khâm sứ ở Việt Nam gặp nhiều phản ứng bất lợi từ phía chính phủ Pháp, mà chúng tôi không muốn đào sâu ở đây. Chúng tôi chỉ muốn theo dõi tiến trình thực thi quyết định.

Ngày 23/5/1925, Đức Piô XI bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Constantino Ayuti làm Khâm sứ thường trực đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam. Sau vài tháng do dự, Đức Khâm sứ đã quyết định đặt trụ sở tại Huế. Tòa nhà được xây cất nhờ sự quyên góp tiền của ông Nguyễn Hữu Bài.

Tính từ thời điểm năm 1925 đến 1975, đã có 9 vị Khâm sứ của Tòa thánh làm việc tại Việt Nam, ở ba địa chỉ khác nhau.

1) Lúc đầu ở Huế là Đức Cha Constantin Ayuti (1925-1928), Đức Cha Colomban Dreyer (1928-1936), Đức Cha Antonin Drapier (1936-1950).

2) Năm 1950, Tòa Khâm Sứ chuyển ra Hà Nội: Đức Cha John Dooley (1950-1959).

3) Từ 1956, Tòa Khâm Sứ đặt tại Sàigòn: Đức Cha Joseph Caprio (Kinh Lược từ năm 1956, sau đó nâng lên Đại Lý Khâm sứ: Régent Apostolique vào năm 1957); Đức Cha Mario Brini (1959-1961); Đức Cha Salvatore Asta (1962-1964); Đức Cha Angelo Palmas (1964-1969); Đức Cha Henri Lemaitre (1969-1975). Vị này rời Việt Nam ngày 19 tháng 12 năm 1975, chấm dứt 50 năm chức Khâm sứ Tòa Thánh.

II. Lễ kính các Chân phúc Tử đạo Việt Nam

Trước khi đi vào vấn đề, xin lưu ý là ở đây “Lễ” được hiểu là “Thánh lễ” (Missa) chứ không phải là toàn bộ kinh nguyện (Officium).

A. Những đợt phong chân phước

Trong số đông đảo các chứng nhân đức tin tại Việt Nam, một vài vị đã được tuyên phong “chân phúc” (beati, trước đây quen gọi là “á thánh”), vào ba dịp khác nhau.

1) Ngày 27/5/1900, do Tông thư (litterae apostolicae) Potissimum virorum, Đức Thánh cha Lêô XIII tuyên phong chân phước cho 77 vị tử đạo tại Trung Hoa và Việt Nam (theo ngôn ngữ thời ấy là Sinensis, Tonchinum, Concicinam); trong số này có 64 vị tử đạo tại Việt Nam. Đây là một lễ nghi rất đặc biệt, vì được cử hành nhân dịp Năm thánh, do bốn hội dòng đứng ra thỉnh nguyện: MEP, OP, OFM và CM (Vinh sơn).

2) Ngày 15/4/1906, do Tông thư Martyrum purpurata sanguine, Đức Thánh cha Piô X phong chân phước cho vị, tất cả thuộc dòng Đaminh. Đặc biệt trong số này chúng ta gặp thấy bốn vị niên trưởng (thuộc cuối thế kỷ XVIII): Francisco Gil de Federich và Mateo Alonso Leciniana (1745), Jacinto Castaneda, Vicentê Lê Quang Liêm (1773).

3) Ngày 11/4/1909, do Tông thư Martyrum purpurata sanguine, Đức Thánh cha Piô X phong chân phước cho 20 vị Việt Nam chung với nhiều vị Trung Hoa (đứng đầu là Francisco Capillas OP, vị tử đạo tiên khởi).

Sẽ còn một đợt phong chân phước nữa, vào ngày 29/4/1952 (25 vị thuộc giáo phận Bùi Chu). Dù sao vào thời điểm đang bàn, Giáo hội Việt Nam đã có 92 chân phước, thuộc 3 nhóm. Mỗi nhóm được mừng kính vào ngày tử đạo của trưởng nhóm. Thượng thư Nguyễn Hữu Bài xin cho kính chung tất cả vào một ngày.

B. Lễ kính chung vào đầu tháng 9

1/ Văn kiện

Chúng tôi không có bản gốc của quyết định của Tòa Thánh, mà chỉ có “bản sao”. Đó là nhân dịp Công đồng Đông Dương, các giám mục xin gia hạn đặc ân thêm 10 năm. Qua đó ta được biết là đặc ân này được cấp vào ngày 24/4/1925.

2/ Tại sao chọn ngày đầu tháng 9?

Không thấy ai giải thích lý do chọn ngày đầu tháng 9 đế kính các chân phúc tử đạo. Xin mạn phép đưa ra một giả thuyết. Ngày đầu tháng 9 đã được người Công giáo Việt Nam dành để kính các tổ tiên. Vì thế việc kính các “cha ông chúng ta trong đức tin” vào ngày đầu tháng 9 thật là chính đáng.

Từ hồi nào có chuyện dành đầu tháng 9 để kính tổ tiên? Theo Linh mục Trương Bá Cần, đây là sáng kiến do cha Francesco Buzomi S.J. đề xướng trong cuộc họp các thừa sai Dòng Tên vào cuối năm 1624: “Vì người không Công giáo rất hiếu thảo với người quá cố, nên người Công giáo cũng phải hơn người ngoại về điểm này. Nhưng lễ cầu cho người quá cố ngày 02 tháng 11 thường vào mùa lụt lội, nên đề nghị dời vào ngày 02 tháng 9 với những nghi lễ bên ngoài được chọn lọc để đánh động tất cả những người tham dự”. Nếu giả thuyết này đúng, thì năm nay là tròn 400 năm người Công giáo Việt nam dành một ngày để kính nhớ tổ tiên.

3/ Một trùng hợp “ngẫu nhiên”?

Năm nay kỷ niệm 80 năm Chủ tích Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945. Nhưng có lẽ ít người biết được hôm ấy là ngày Chúa nhật và trùng với lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam. Chúng ta hãy nghe Đức Cha Lê Đức Trọng kể lại hoàn cảnh buổi lễ.

Trước khi ấn định ngày tuyên bố độc lập, gọi là ngày Độc Lập, dư luận trong giới Công giáo là thế này: Có được độc lập là nhờ vào công lao những vị anh hùng. Nếu ngày độc lập lại được cử hành vào ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thì hay biết mấy, vì Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng là những vị anh hùng, trong một phạm vi khác, nhưng cũng là những người Việt Nam có tinh thần bất khuất. Lúc này cũng gần ngày kính lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Theo ấn định của Toà Thánh, thì lễ mừng chung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được cử hành trọng thể vào ngày Chúa Nhật đầu tháng chín. Vậy mà ngày Chúa Nhật đầu tháng chín năm nay, lại rơi vào ngày Mồng Hai Tháng Chín. Lúc ấy chưa có tinh thần chống việc tôn sùng các vị tử đạo, chỉ coi các ngài cũng là những anh hùng mang dòng máu Việt Nam. Thế mà ngày Độc Lập lại trùng vào ngày lễ Các Chân Phúc Tử Đạo, chắc không phải là sự ngẫu nhiên, mà phải có sự sắp xếp nào đó. Lực lượng Công giáo đó không lớn lắm, nhưng cũng có thể là chỗ dựa tốt cho ai cần sự nâng đõ, ủng hộ. (…)

Sáng hôm ngày 02 tháng 9, chúng tôi có mặt ở Nhà Thờ Lớn (Hà Nội) từ 8 giờ. Nhà thờ trang hoàng trọng thể, có cả một lá cờ đỏ sao vàng căng trên cung thánh (chưa mấy ai đặt vấn đề cộng sản), một chiếc ghế tựa lớn bọc nhung, quen dùng cho Toàn Quyền hay vị thượng khách nào đó.

Cha Nghiêm chính xứ cùng với mấy người, mặc áo dòng đứng cuối nhà thờ đón phái đoàn. Phái đoàn là mấy người thanh niên. Cha Nghiêm không biết ai là trưởng đoàn, nên hỏi: “Vị nào là trưởng đoàn?” Họ chỉ vào một thanh niên trạc 30 tuổi, đó là ông Võ Nguyên Giáp. Ông này đứng một vị trí rất cao trong các vị cách mạng, xem có vẻ chỉ đứng sau ông Hồ Chí Minh. Ông Giáp được đưa lên ngồi trên cung thánh. Ông tỏ vẻ rất đàng hoàng, cử chỉ như những người rất quen thuộc vói các lễ nghi. Ông cúi đầu chào bàn thờ, chào Đức Cha Thịnh, cúi chào hai hàng ghế các cha ở Cung Thánh, rồi quay xuống chào hai bên cử toạ. Bề ngoài sao mà lễ phép thế! Lễ cử hành rất long trọng. Không còn nhớ ai chủ lễ. Chỉ chú ý đến vị “thượng khách” mà quên các điều khác. Ông Giáp ngồi dự lễ rất nghiêm chỉnh. Lễ xong, cha Nghiêm lại đưa phái đoàn ra tận cửa nhà thờ. Lễ trong nhà thờ kết thúc tốt đẹp, qui tụ đạo đời, chính quyền, dân sự với niềm hân hoan phấn khởi Kính Mừng Các Đấng Anh Hùng Tử Đạo, gắn liền vào ngày trọng đại của lịch sử đất nước.

Chiều đến, từ 2 giờ, chúng tôi chuẩn bị đi mít tinh. Mặc áo dài như Đức cha cho phép. Đoàn 130 người đồng loạt áo thâm dài, trông cũng đồ sộ khá chứ! Thày Tông, sau là cha xứ Nhà Thờ Lớn, cha chính Địa phận, là người Hà Nội, trông “sạch sẽ hơn”, chúng tôi cử thày cầm cờ đi trước đoàn. Quân Nhật lúc đó, tuy đã đầu hàng, nhưng họ vẫn dữ lắm, phải cẩn thận một chút. Trên đường đi, tôi thấy có những đứa trẻ trèo lên cửa sổ nhà bên đường phố họ rút súng bắn rơi xuống ngay. Đoàn chúng tôi tiến ra từ đầu phố Ngọc Hà. Các đoàn thể khác cũng trật tự tiến về lễ đài. Lễ đài đặt ở vườn hoa trước cửa vào vườn bách thảo, trên một cái bồn hoa to ở giữa. Đoàn chúng tôi có vẻ đặc biệt, nên được xếp đứng ngay trước lễ đài cách mấy thước. Sát quanh lễ đài là một số bộ đội đứng quay mặt ra, súng cầm trên tay. Sau này mới biết họ lúc nào cũng cẩn thận, cảnh giác. Lễ đài phải cao và xa cách đám quần chúng mít tinh. Hôm nay đám đông không biết là bao nhiêu, có thể chừng ba bốn vạn người. Thời đó, chưa có mấy cuộc tập hợp lớn, nên chưa quen ước lượng. (…)

Sau này, ngày đó được gọi là ngày Quốc Khánh. Khởi đầu ngày đó, có đượm một ít tôn giáo. Mừng ngày độc lập trong ngày Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, hay ít ra ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo trùng vào ngày Độc Lập. Cuộc trùng phùng này sẽ không còn nữa xét về thời gian, về tinh thần. Sang năm sau, Chúa Nhật đầu tháng 9 không còn rơi vào mồng 2 tháng 9 nữa, và các năm khác cũng thế, hàng chục năm mới lại gặp nhau một lần. Bởi đó về thời gian dễ quên nhau. Sang các năm tiếp liền sau, ngày lễ Các Thánh Tử Đạo kém phần long trọng bề ngoài.

Sau Công đồng Vaticanô II, lễ được dời cố định vào ngày 01 tháng 9 (Phúc thư Bộ phụng tự ngày 8/11/1965, đăng trên nguyệt san Sacerdos số 55, tháng 7 năm 1966, trang 66 và 78). Thật ra, văn thư này cho phép hai điều: 1/ Chúa nhật đầu tháng 9, cử hành Thánh lễ trọng thể (Solemnitas) mừng các thánh tử đạo. 2/ Kinh nguyện phụng vụ được cử hành vào ngày 01 tháng 9, với bậc lễ Kính (festum).

4/ Lễ Các thánh tử đạo Việt Nam theo lịch hiện hành

Ngày 19/6/1988, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tuyên thánh cho 117 chân phước tử đạo Việt Nam. Sau đó, các giám mục Việt Nam đã đề nghị dời lễ các Thánh Tử đạo sang ngày 24 tháng 11 và đã được chấp thuận (Phúc thư của Bộ Phụng tự ngày 14/02/1990 Prot 797/89). Hơn thế nữa, ngày này còn được ghi vào lịch phổ quát với cấp lễ nhớ bắt buộc.

Tại sao chọn ngày 24 tháng 11? Có lẽ nhiều người nghĩ rằng để kỷ niệm ngày ký sắc chỉ thành lập phẩm trật Giáo hội ở Việt Nam (24/11/1960). Đúng rồi. Nhưng xin mạn phép hỏi thêm một câu nữa: Vì lý do gì, Đức Thánh cha Gioan XXIII ký sắc chỉ vào ngày đó? Xin thưa rằng bởi vì hôm ấy kính Đức cha Pierre Dumoulin Borie (+ 24/11/1838), đứng đầu các giám mục M.E.P. trong số những vị được phong chân phước năm 1900.

Chúng tôi xin kết thúc bài này với việc tưởng nhớ 90 năm cụ Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài từ trần ở Phủ Cam (ngày 28/7/1935), hưởng thọ 73 tuổi, một người đã có công rất lớn trong việc tôn kính các Thánh Tử đạo cũng như việc thiết lập hàng giám mục bản quốc.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.