
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.
Bài hai
THÁNH VỊNH 1
phần 2
Phúc thay người…
Hiện hữu của con người là một chọn lựa
Bây giờ, sau khi đã đọc đi đọc lại, chúng ta tự hỏi đâu là diễn luận về con người, nếu nói thánh vịnh này là một dẫn nhập về nhân loại học cho toàn bộ thánh vịnh: đích xác ai là người được gọi là công chính, ai là người được mệnh danh là ác nhân.
Xin lưu ý rằng diễn luận nhân loại học về con người của thánh vịnh phân biệt với mọi diễn luận thuần tiến hoá. Đó là một diễn luận đầy kịch tính, bởi vì đó là diễn luận của con người tiến đến điều tốt nhất; đó là một ngã tư, một chọn lựa, một diễn luận đạo đức, luân lý sâu sắc. Con người theo con đường này hoặc con đường khác; họ không ngừng chạm trán với những quyết định nghiêm trọng đưa đến những hệ quả đầy kịch tính cho họ, cho cuộc đời của họ và cho vận mệnh của thế giới.
Cuộc phiêu lưu của nhân loại không tiến từ kinh nghiệm này qua kinh nghiệm khác, nhưng đi từ quyết định này sang quyết định khác, và mọi quyết định đều đưa tương lai của con người vào cuộc. Thánh vịnh này mang một ý nghĩa xuyên suốt đầy kịch tính về hiện hữu của con người, xét như là một chọn lựa. Một chọn lựa có thể lầm lẫn và quyết định số phận đời người; một chọn lựa mà con người đem cả cuộc đời, tương lai, nhân tính của mình ra đặt cược. Con người thành người hay bị huỷ diệt bởi những quyết định của mình; họ chạm trán với những quyết định có tính xây dựng hay huỷ hoại cho họ và cho người khác; không ai thoát khỏi thực tế đầy kịch tính này.
Bởi vậy, ý nghĩa của diễn luận nhân loại học dẫn nhập cho toàn bộ thánh vịnh là như thế. Các thánh vịnh hiển nhiên được đánh dấu bởi thảm kịch của thiện và ác, của yêu thương và thù hận, của ánh sáng và bóng tối, của chân lý và dối trá, giữa những điều đó, con người luôn được mời gọi chọn lựa.
Sau khi nêu lên chiều kích đầy kịch tính của nhân loại học được hiểu ngầm trong thánh vịnh 1, chúng ta có thể tự hỏi ai là ác nhân, ai là người tội lỗi nói đến ở đây. Áp dụng thứ nhất có thể thuộc phạm vi luân lý: người công chính là người làm điều tốt; người tội lỗi là người trộm cắp, giết người, bạo lực, bóc lột tha nhân, gieo chia rẽ và hận thù; người công chính là người phục vụ anh em, tha thứ, yêu mến, nguyện cầu, thờ phượng. Như vậy, chúng ta có thể qui sự mô tả lưỡng diện vào phạm vi luân lý, Chắc chắn đó cũng là một phần trong quan điểm của thánh vịnh 1.
Nhưng, chúng ta đã thấy, trong mô tả của những câu đầu tiên, điểm qui chiếu cao xa hơn: con người không được mô tả trong mối tương quan với thái độ luân lý, nhưng với điều mà người ấy yêu thích.
Vậy, ai là người công chính? Đó là người sống Lời Chúa, người vì yêu mến chọn Lề Luật, Lề Luật đây là Torah, nghĩa là công bố Thiên Chúa là gì của con người và con người được kêu gọi là người thế nào trong Lời Chúa. Như vậy, thực sự, thánh vịnh 1 mô tả mối phúc của người hiểu rằng một nỗ lực đơn giản về hoàn thiện luân lý không đủ làm cho người ấy hoàn thành chính mình: phải qui chiếu về Lời Chúa, nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, chìm ngập trong Lời Chúa như những rễ cây trong nước. Sự qui chiếu về niềm vui của con người là khả năng suy gẫm Lời Chúa, khả năng được nuôi dưỡng bằng lời Chúa ngày đêm không ngừng. Lời Chúa bao trùm mọi kinh nghiệm của người ấy và người ấy biết rằng không một khía cạnh nào của kinh nghiệm xa lạ với Lời Chúa và với sứ điệp Lời Chúa.
Ở đây, người được gọi là hạnh phúc, thành công, chính là người hiểu rằng tự xây dựng mình, tự điều khiển mình sẽ không làm cho người ấy cảm thấy mình công chính và chân thật: phải đón nhận Lời tình yêu Chúa nói với mình. Lời này sẽ mặc khải cho chính tôi biết tôi là ai; tôi được kêu gọi làm gì; đâu là sự cao cả của ơn gọi của tôi; hy vọng mà cả cuộc đời tôi phó thác tin tưởng là gì; đâu là niềm hy vọng của thế giới này. Người nắm vững điều đó là người công chính, nghĩa là người sống một đời sống luân lý tốt đẹp. Như vậy, luân lý của người ấy gắn liền với khả năng để Lời Thiên Chúa cật vấn, Lời đã tạo dựng người ấy và Lời giải thích con người ấy tận nơi sâu thẳm nhất của chính nó.
Còn con người khác, người không-công-chính thì sao? Chính là người không nắm bắt được quyền tối cao của Lời, và là người không thấu hiểu những chân trời nào sẽ mở ra cho cuộc đời của mình nếu biết đón nhận Lời Chúa; người ấy không công chính vì điều này: từ chối Lời Chúa.
Dĩ nhiên, Lời Chúa có muôn ngàn cách thế để đi vào lòng người; kể cả những cách thế không phải là bề ngoài, nhưng kêu gọi con người đến với chân lý, đến với công chính, với sự tự hiến mình từ bên trong. Dù vậy, con người có phẩm chất luôn bằng vào khả năng của mình để vượt khỏi phạm vi khép kín của tính ích kỷ, và để đón nhận Lời Thiên Chúa mời gọi người ấy tự hiến ra ngoài bản thân. Như vậy, một người có phẩm chất không bởi đạo đức trong việc làm, mà bởi đạo đức trong thành quả, người ấy là “cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh”; đó không phải là người chỉ có những hành vi bên ngoài nhờ sự sẵn sàng nội tâm, nhưng là người triển nở và sinh hoa trái, nghĩa là người mà hành động là một sự mở rộng đầy yêu thương, phải lẽ và chân thật của chính mình.
Con người như vậy là con người hoàn toàn đích thực, và xã hội được thành hình bởi những người như vậy là xã hội đích thực, một xã hội trổ sinh hoa trái theo nghĩa nó không chỉ xây dựng những sự vật, nhưng kiến tạo những ứng xử, những cách thế hiện hữu tự bên trong.
Đó là đạo đức của con người lắng nghe Lời, đạo đức sinh hoa trái đúng mùa, nói cách khác, đạo đức làm con đường của người ấy chín muồi bền lâu, theo thời kỳ phát triển của nó, theo thực tại đi liền với sự hoà hợp của vũ trụ và sự hoà hợp nội tâm.
Đó là hình ảnh về con người và về đạo đức của con người mà thánh vịnh 1 đưa ra cho chúng ta.
Lời Chúa trong cuộc đời chúng ta
Giờ đây, chúng ta có thể đặt câu hỏi. Xin đề nghị hai câu để chúng ta vừa suy nghĩ vừa cầu xin Chúa soi sáng cho tất cả chúng ta bằng Lời của Ngài.
Câu hỏi thứ nhất: Tôi có thực sự sống Lời Chúa không? Nói cách khác, Lời Chúa có tràn ngập lòng tôi, nuôi dưỡng tôi, hay Lời Chúa còn xa lạ và hời hợt bên ngoài? Nếu chúng ta tự vấn cách sâu xa, chúng ta sẽ thấy rằng Lời Chúa rất gần chúng ta và cuộc đời chúng ta đến nỗi chúng ta không thể nói lên hoặc diễn tả điều đó ngay lập tức. Nhưng chúng ta hãy lưu ý đến câu hỏi: tôi có sống Lời Chúa không? Chúng ta không thể trả lời chung chung, phải cho một câu trả lời đặc biệt: trong cuộc đời tôi, thời gian tôi dành cho Lời Chúa như thế nào?
Xin nhắc lại, thánh vịnh 1 nói với chúng ta: “người ấy (người công chính) nhẩm đi nhẩm lại Lề Luật đêm ngày” ; hoặc, nếu tôi quan sát nhịp sống hằng ngày của tôi, ngày và đêm, đâu là thời gian tôi dành để lắng nghe Lời Chúa, và ngược lại, đâu là thời gian tôi dành cho những sự không đâu: “khác nào vỏ trấu gió thổi bay”, dành cho những sự chẳng ra gì? Chúng ta hãy nghiêm chỉnh tự hỏi bao nhiêu thời giờ chúng ta có thể rút được từ tất cả những gì chúng ta nghe, chúng ta nhìn, từ tivi, từ những việc không có mục đích rõ rệt, mà chẳng thiệt hại gì, để, trái lại, dành cho việc nghe và đọc Lời Chúa. Không có thời gian đó, hiển nhiên chúng ta không sống Lời Chúa, và như vậy, Lời Chúa không tạo nên sức mạnh trong chúng ta. Đâu là thời gian chúng ta muốn: buổi sáng, buổi tối, ngày và đêm, để đánh dấu nhịp sống của ngày, nhịp sống của đêm bằng sự nghe Lời Chúa?
Câu hỏi thứ hai: Đâu là những cử chỉ làm chúng ta sống Lời Chúa? Những cử chỉ là hoa trái, nghĩa là một diễn tả thực sự con người tôi trong mối tương quan với những người khác. Những cử chỉ như vậy làm chúng ta sống Lời Chúa. Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi đâu là những cử chỉ làm tôi sống Lời Chúa, đâu là những cử chỉ đánh dấu trong chúng ta sự hữu hiệu của Lời Chúa mà chúng ta đã lắng nghe: cử chỉ tha thứ, làm chủ tình cảm gia đình, làm chủ cảm xúc, làm chủ trí tưởng tượng, tinh thần, thân xác, làm chủ tất cả những gì có thể là cách phản ứng theo bản năng nơi tôi là hoa trái của Lời. Nói cách khác, tôi có diễn tả trong thân thể tôi rằng tôi được Lời Chúa nuôi dưỡng, và tôi sống bằng Lời Chúa không? Tóm lại: tôi có sống Lời Chúa không? Đâu là những cử chỉ làm tôi sống Lời Chúa?
Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội. Mẹ đã nghe Lời Chúa trong Mẹ, để Mẹ ban cho chúng ta kinh nghiệm sâu xa về niềm vui nội tâm từ đó thánh vịnh 1 ra đời. Xin cho thánh vịnh với những lời hết sức đơn sơ, cũng như bề ngoài rất ít chất thơ, xuất hiện cho chúng ta thấy nó là gì, một tiếng kêu của tâm hồn nơi những người đã hiểu rằng Lời Chúa – Thiên Chúa nói với chúng ta và mặc khải cho chúng ta – là toàn bộ cuộc sống của chúng ta và hôm nay, Lời Chúa vẫn còn có khả năng biến đổi cuộc sống ấy.
Linh mục Mỹ Sơn giáo phận Long Xuyên
[1] Chuyển ý từ Carlo Maria Martini, “Le désir de Dieu, Prier les psaumes”, Cerf, Paris, 2004. Nhóm dịch thuật.