Sống Lời Chúa trong môi trường quân ngũ

Hỡi các bạn trẻ, hãy luôn vững tin bước đi trên con đường mà Chúa đã dành cho từng người, mỗi người một vẻ, hãy luôn tin có Chúa luôn đồng hành. Trao niềm tin đó lan tỏa đến những người xung quanh, những nơi ta đến sống học tập và sinh hoạt. Có Chúa là có tất cả!

Ở độ tuổi mười tám, nói thật thì tôi không phải cậu trai hiền lành gì đâu, tôi cũng có tuổi thơ dữ dội, cũng kết bạn kết bè phá làng phá xóm. Nhưng khi học xong lớp 12, bản tính của tôi trầm hẳn, cũng biết suy nghĩ giữa quyết định nên học tiếp hay đi làm.

Thì… tôi nhận được lệnh nhập ngũ. Khi đó trong đầu là một mớ hỗn loạn, bao nhiêu dự định chưa làm đến nơi đến chốn… đột nhiên đứt quãng, dành hai năm trời để nhập ngũ??? Khó khăn ghê…

Cầm trên tay tờ giấy thông báo lệnh nhập ngũ đã được chính mình ký tên: Phạm Hải Vinh. Trong đầu lại là một trận rối não, khó tả, một cảm giác trước đây chưa từng có. Nhập ngũ chính là một dấu mốc quan trọng, in sâu trong cuộc đời tôi đến tận bây giờ.

Đêm trước khi nhập ngũ, tuy còn được ngủ ở nhà nhưng tôi vẫn trằn trọc. Nhớ đến lúc chia tay… đột nhiên tôi sợ hãi, sợ ngày mới đến gần, sợ bình minh ló dạng… tôi sẽ phải đi đến nơi nào đó mà tôi còn chưa rõ, có chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi phải làm gì?… không có hồi đáp.

Rồi cũng đến lúc đó thôi. Vừa 5 giờ sáng, đã có tiếng gọi ngoài cửa: “Anh Phạm Hải Vinh ơi! Chuẩn bị lên phường tập trung để làm lễ tiễn quân”. Má tôi đáp lời: “Để bác gọi em nó dậy”…

Tôi mới nhận ra, đâu phải chỉ mình tôi thức trắng đêm… mà còn có cả ba và má. Họ đều không thể ngủ được… chợt thấy sao mình vô tâm quá, vì sao đêm đó tôi lại chỉ nhớ đến bạn gái? Anh chàng choai choai đột nhiên muốn khóc.

Bước xuống nhà với trang phục bộ đội, tự nhiên thấy bản thân trưởng thành hơn, khác hẳn với những ngày áo trắng học sinh ngồi trên ghế nhà trường.

Ôm chào tạm biệt ba và má, tôi an ủi rằng: “Con đi đây! Ba má giữ gìn sức khỏe, con đi 2 năm rồi về thôi”. Tôi vừa dứt lời, má òa khóc ôm chặt tôi, làm tôi cũng nghẹn ngào vỡ tan sự kìm nén trong lòng, nói không rõ lời. Ba thì mạnh mẽ hơn, ba nhìn tôi và má đang ôm nhau khóc, an ủi tôi: “Đi lính thôi mà, 2 năm rồi về, đâu có gì mà khóc, đi cho kịp giờ tập trung”.

Má nghe ba nói thì kìm nước mắt, đẩy nhẹ tôi: “Đi đi con, lên đó nhớ ngoan, vâng lời cấp trên, hôm nào đơn vị tổ chức cho lên thăm thì ba má sẽ lên”. Sau đó ba im lặng nhìn tôi, đôi mắt nặng trĩu, tôi cảm nhận được qua ánh mắt của ba, trong đó có sự lo lắng và tình thương ông dành cho tôi.

Tôi lên xe, vẫy tay chào tạm biệt ba má và những người bạn thân hôm đó cũng dậy sớm tiễn tôi. Cố gắng mạnh mẽ, tôi không dám quay lại nhìn nữa, thẳng lưng nhìn về phía trước. Tôi thầm cầu nguyện xin Chúa gìn giữ gia đình tôi, xin cho tôi có sức mạnh để vượt qua thử thách này.

Đơn vị tôi đóng ở trên một đỉnh đồi ở Long Bình: Trung đoàn 31, tiểu đoàn 8, đại đội 7. Đó là những gì tôi được học ngay sau ngày đầu tiên trên đường về nơi đóng quân.

Tôi được biên chế cùng phòng chung với các đơn vị Long Khánh, Bình Thuận, Quận 3 và Quận 10. Ngay khi xe vừa tới đơn vị, bước xuống nhìn nhau, ai cũng đang nhìn quanh lạ lẫm, tập làm quen với môi trường mới.

Sau đó có tiếng còi vang lên, mọi người tập trung tại sân banh, cũng là nơi duyệt binh trong các ngày lễ kỷ niệm lớn trong năm.

Nghi thức bàn giao địa phương với đơn vị đóng quân kết thúc, chụp vài tấm hình lưu niệm, nghe bài phát biểu động viên: “Cố lên các đồng chí thanh niên, nơi quê nhà rất tự hào, các đồng chí là niềm vinh dự lớn lao của đất nước…”. Anh tiểu đội trưởng dẫn chúng tôi về căn phòng rộng tầm 50mvới 10 chiếc giường tầng, dành cho 2 tiểu đội.

Chúng tôi được phép nghỉ ngơi trước giờ ăn trưa. Quân phục đã ướt đẫm mồ hôi, nhưng không ai dám cởi áo ra mà vẫn mặc y nguyên để tranh thủ chợp mắt vì sáng phải dậy sớm và có tiếng còi là phải đi liền không có thời gian mặc áo nữa.

“Tít tít tít…” tiếng còi tiểu đội trưởng vang lên ở khắp các dãy phòng. Mọi người đều bật dậy nghe theo hiệu lệnh của chỉ huy xếp thành hàng điểm danh rồi đi đến nhà bếp.

Bụng ai nấy đều kêu réo, đói lắm rồi, bụng dán vào lưng. Chúng tôi kháo nhau rằng muốn xem và ăn thử cơm lính ra sao, loại cơm mà trước giờ chỉ được nghe nói trên TV.

Bày ra trước mặt là khẩu phần ăn tạm gọi là đẩy đủ các món của 1 bữa cơm gia đình bình thường: thịt kho, rau cải luộc, chả lụa, thố cơm trắng và thố canh.

“Ê! Trời sao ăn được mày??? Vậy sao ăn???” đó là câu hỏi của mấy cậu trai ở Sài Gòn. Ở đây không phải sự phân biệt vùng miền, chỉ là sự ngạc nhiên khi thấy khẩu phần ăn hơi đơn giản quá so với sự đủ đầy ở thành phố lớn. Một người trong bàn ăn lên tiếng: “Tụi bay lo ăn đi, không là không có sức đâu, tao nghe có người ngất xỉu ngay ngày đầu tiên”. Có người tiếp lời: “Đi lính sao như ở nhà được, tụi bay ăn đi, hết giờ là khỏi được ăn nữa đó”.

Cái nết ăn của tôi là phải nhai kỹ nuốt chậm, ăn nhanh quá lại không nuốt được, thành ra khi tôi mới ăn được nửa chén thì mọi người đã xong và về phòng hết rồi.

Thôi cũng ráng nhai nhanh miếng chả lụa rồi về phòng, chứ có ngồi thêm cũng nuốt không trôi.

Xong bữa trưa, chúng tôi được nghỉ ngơi, chiều sẽ dậy học điều lệnh và sắp xếp nội vụ.

Đâu rồi những ngày được ngủ nướng ở nhà? Đâu rồi những chiếc chăn mền vo nhanh vứt vào góc tường?… Tất cả đều thay đổi khi vào môi trường quân đội. Mọi việc đã thay đổi theo chiều hướng bắt buộc phải thích nghi chỉ sau 1 tuần.

Môi trường quân đội đã rèn luyện cho chúng tôi về tính kỷ luật giờ giấc, ăn ngủ có nề nếp.

Buổi tối hôm đó, như những ngày khác, sau khi thao luyện thì đến bữa cơm chiều, chúng tôi ngồi vui thảo luận với nhau theo từng nhóm. Một bạn trong nhóm bảo: “Hôm nay là Chủ nhật rồi đó, tụi mình mới đi lính được có 1 tuần. Không biết tụi mày có nhớ nhà không chứ ngoài giờ sinh hoạt đơn vị thì rảnh xíu tao cũng nhớ nhà, nhớ Sài Gòn”. Cả bọn hùa vào gật đầu lia lịa.

Sau đó, bọn nó hỏi tôi: “Còn mày thì sao? Chủ nhật mày đi đâu chơi ở quận 10?”

Tôi trả lời: “Chiều Chúa nhật là đi lễ nhà thờ, sau đó về nhà ăn cơm vui chơi với gia đình, có tuần thì đi ăn ngoài với bạn bè…”

Rồi có một người chung nhóm chúng tôi lên tiếng: “Ở đây có ai theo đạo???”

Một cánh tay giơ lên, hai rồi ba cánh tay tiếp theo, đến tôi là bốn người. Bốn người theo đạo Công giáo trong một nhóm. Bỗng nhiên, câu chuyện trở nên sôi động hơn khi các bạn kể ra mình sinh hoạt, đi lễ ở nhà thờ nào. Có 2 người ở giáo xứ Vườn Xoài, 1 người ở giáo xứ Thanh Đa, tôi thuộc giáo xứ Đồng Tiến. Dường như sau buổi nói chuyện trên, biết nhau cùng theo đạo Công giáo, chúng tôi cởi mở và thân thiết hơn.

Chúng tôi tạo thành một nhóm cầu nguyện vào chiều Chúa nhật, 4 người cùng họp nhau mở Tân Ước ra đọc một đoạn để thay cho Thánh lễ Chúa nhật. Đây là chủ ý của một anh tên Thắng, sinh năm 1983, giáo lý viên của giáo xứ Vườn Xoài.

Sau khi nhất trí, chúng tôi lại nhận ra một điều. Lỡ điều này là không được phép trong quân ngũ??? Liệu chúng tôi đọc Lời Chúa ở đây thì có bị phạt hay không???

Tự nhiên sợ và có ý định rút lui… vì vài người bạn ngoại đạo cũng khuyên: “Thôi bỏ đi, trong này không được phép đâu”.

Nhưng ơn Chúa soi sáng, tối hôm đó, trước khi đi ngủ. 4 người chúng tôi làm dấu đọc kinh và cầu nguyện. Anh Thắng mở cuốn Tân Ước ra đọc, bên kia là anh Tân giáo xứ Thanh Đa cũng cầm dây chuyền Thánh Giá trên tay để cùng đọc kinh. Bên này có tôi… tôi đọc kinh thì ít mà cầu nguyện thì nhiều, chủ yếu là cầu xin Chúa ban ơn.

Một tháng tân binh trôi qua, anh em trong trung đội quen thân với nhau, những nề nếp sinh hoạt của đơn vị đã dần quen. 4 anh em chúng tôi cũng bớt lo lắng và sợ hãi khi đọc Tân Ước.

Ngày Chúa nhật hôm đó, chúng tôi cũng tụ họp lại cùng nói chuyện sinh hoạt với nhau. Anh Thắng lấy quyển Tân Ước ra và nói rằng: “Ê! Mấy đứa đọc một đoạn bất kỳ đi, anh ra ngoài ngồi canh, thấy chỉ huy tới anh báo liền”.

Và cứ thế, hằng tuần chúng tôi thay phiên nhau đọc một đoạn Lời Chúa ngẫu nhiên, rồi cùng nhau chia sẻ, trao đổi kể chuyện rất vui. Trong nhóm có những người không có đạo, nhưng họ vẫn thích nghe những câu chuyện của chúng tôi.

Sức sống của Lời Chúa đã kết nối anh em chúng tôi lại vào các buổi chiều Chúa nhật. Niềm vui đó kết nối thêm 2 người khác từ tỉnh Long Khánh. Rồi kết nối thêm vài bạn bên giáo phận Xuân Lộc thành một nhóm khoảng 10 người.

Cũng chính từ lúc đó, nhóm chúng tôi đã được chỉ huy trung đội để ý đến.

Ngày hôm ấy, như thường lệ, chúng tôi cũng lấy ghế ngồi thành vòng tròn để đọc Lời Chúa thì đồng chí trung đội trưởng đi lại nói lớn tiếng: “Các anh đang làm gì đó??”

Như một phản xạ tự nhiên, ai nấy đều giật mình… từ một nhóm 10 người tản đi hết chỉ còn lại 4 người chúng tôi. Anh Thắng đứng lên giải thích: “Dạ tụi em chỉ đọc Lời Chúa thay cho đi lễ ngày Chúa nhật thôi anh ạ”.

Anh chỉ huy nhìn thấy cuốn Tân Ước màu nâu anh Thắng đang cầm trên tay: “Đồng chí đưa tôi xem”. Anh trung đội trưởng lật vài trang đầu, rồi lật lướt qua nhanh chóng, sau đó trả sách lại cho chúng tôi và nói giải tán nhóm. Anh bảo rằng trong đơn vị không được tụ tập tạo nhóm tuyên truyền, không được đem sách này vào đây.

Tôi tức giận vội đứng lên phản ứng lại: “Tụi em là người Công giáo, tụi em không tuyên truyền bậy bạ gì hết, đây là đức tin Công giáo…”.

Anh trung đội trưởng nghiêm mặt nhìn tôi. Anh Thắng vốn rất hiền lành đã cản tôi lại, khuyên tôi không nên nói tiếp vì sợ câu chuyện đi xa hơn thì không hay chút nào cho chúng tôi nói riêng và với những người Công giáo đi nhập ngũ nói chung.

Anh Thắng nhẹ giọng nói với anh trung đội trưởng: “Dạ tụi em không tụ tập đông như vậy nữa, nhưng chia sẻ Lời Chúa vào ngày Chúa nhật thì vẫn được chứ ạ? Tụi em không làm ảnh hưởng đến giờ sinh hoạt của đơn vị đâu.”

Anh trung đội trưởng vẫn nhất định không đồng ý: “Anh nói dẹp là dẹp, tuần sau ai mà đem thêm cuốn này ra là tịch thu”. Nói xong thì anh ta bỏ đi.

Mọi ánh mắt đổ dồn vào chúng tôi, có người nhìn với vẻ đồng cảm nhưng cũng có người cười nói: “Tao biết ngay mà, kiểu nào cũng có ngày này, ở đây làm gì mà được như vậy…”

Buổi chia sẻ hôm đó kết thúc trong sự ấm ức và khó chịu. Nhưng một phần tôi cũng lo sợ không biết có bị kỷ luật không, vì trong quân đội sẽ dùng kỷ luật thép, không thể có chuyện cấp dưới cãi lệnh cấp trên được.

Tối hôm đó nằm trên giường tôi nhớ lại đoạn Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ”. Tôi thầm cầu nguyện: “Chúa ơi! Xin ở cùng con và các bạn, phải làm sao để tiếp tục được đọc Lời Chúa vào các chiều Chúa nhật??? Xin soi sáng cho con”. Sau đó tôi chìm vào giấc ngủ.

Tuần mới lại bắt đầu, 3 tháng tân binh trôi qua được 2/3 chặng đường, như mọi tuần trong đơn vị: Học tập, thao trường, tăng gia, sinh hoạt văn nghệ. Thời gian trong giai đoạn này bắt đầu trôi qua nhanh hơn lúc mới bỡ ngỡ vì chúng tôi đã dần quen với chế độ ở quân ngũ.

Ngày cuối tuần lại đến, chúng tôi lại tiếp tục ngồi lại, hỏi nhau rằng có nên tiếp tục không? Tuần trước đã bị sếp cảnh cáo rồi. Sau khi hội ý với nhau, chúng tôi quyết định thử lại một lần nữa. Nhưng chỉ 4 người chúng tôi và 2 bạn ở Long Khánh thôi chứ không dám tụ tập đông như lần trước.

Tân Ước được mở ra một lần nữa, anh Thắng xung phong đọc, anh chọn đoạn Lời Chúa phù hợp với hoàn cảnh của chúng tôi, để tâm hồn chúng tôi bình yên một chút. À đây rồi!!! Đoạn Matthêu 10, 28-32: “Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn… ai tuyên xưng Thầy tước mặt người đời thì Thầy sẽ tuyên xưng họ trước mặt Cha Thầy”.

Tôi cảm thán, ngưỡng mộ anh Thắng. Nghĩ trong đầu rằng anh đúng là giáo lý viên dạy giáo lý cho thiếu nhi có khác, anh sử dụng Kinh Thánh rất thành thạo, thường xuyên hơn tôi – một kẻ cũng gọi là hơi khô khan, nguội lạnh dù mang danh con cái Chúa nhưng lại rất ít khi cầm đến cuốn Kinh Thánh. Đi lễ ngày Chúa nhật cũng là cho tròn bổn phận, sợ ba má mắng, sợ vướng tội trọng.

Nhìn anh em trong đơn vị với đức tin mạnh mẽ, tôi học được rất nhiều từ họ, họ đã bù đắp cho phần thiếu khuyết trong tâm hồn tôi, củng cố đức tin của tôi.

Tân, một người bạn trong nhóm. Buổi tối nào cũng vậy, trước khi ngủ anh chàng sẽ lần chuỗi Mân côi. Cầm trên tay là chuỗi tràng hạt mà tôi từng thắc mắc là ai tặng vì thấy anh bạn lúc nào cũng trên cổ dù đang thao luyện vất vả. Tân kể rằng đó là quà tặng của người yêu tặng trước khi nhập ngũ. Người yêu của anh cũng có một chuỗi y như vậy.

Trao nhau tín vật là chuỗi tràng hạt để mỗi lần đọc kinh lại nhớ và cầu nguyện cho nhau là một việc rất chân thành và bình yên lạ thường, giống như chỉ cần cầm trên tay chuỗi tràng hạt, thông qua việc đọc kinh Mân côi với Đức Mẹ sẽ được tiếp thêm năng lượng để đôi lứa mạnh mẽ hơn, yêu thương hơn, vượt qua khó khăn khoảng cách để đến với nhau.

Đây cũng là cặp đôi mà sau khi ra quân, họ đã cưới nhau như lời ước hẹn. và tôi cũng hân hạnh được mời tham dự buổi tiệc cưới đầy xúc động của họ.

Quay trở lại câu chuyện đọc Lời Chúa hôm Chúa nhật đó, anh trung đội trưởng lại xuất hiện, anh tức giận: “Anh nói mà tụi bay không nghe hả??? Không biết sợ phải không? Đưa cái sách đó đây…”

Chúng tôi nhìn nhau thầm nghĩ: “Thôi tiêu đời, xong rồi”. Anh trung đội trưởng giật Tân Ước khỏi tay anh Thắng và bỏ đi vào phòng.

Chúng tôi lại nhìn nhau… tôi cảm nhận được ánh mắt sợ hãi trên khuôn mặt từng người, trong đó có tôi. Lần này có vẻ không ổn lắm…

Suy nghĩ một lúc, tôi lên tiếng: “Thôi không sao đâu, không có sách thì anh em mình đọc kinh rồi ngồi nói chuyện cũng được”.

Cả nhóm gật đầu đồng ý. Ai nấy đều vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra.

Tối hôm đó trước giờ ngủ, anh Tâm trung đội trưởng gọi tôi và anh Thắng lên phòng trung đội có việc. Hai đứa tôi lo lắm, hay là bị phạt trực đêm, hay bị phạt gì đó…??? Trên đường đi chúng tôi cũng trấn an nhau, chuẩn bị tinh thần chịu kỷ luật.

Lên đến phòng trung đội trưởng, anh ấy lại không la mắng gì, cũng không có hình phạt kỷ luật gì, mà chỉ đưa lại cho hai đứa tôi quyển Tân Ước kèm lời nhắn: “Nè! Đem sách về, lần sau có sử dụng thì cũng hạn chế tụ tập đông nhé. Tôi không cấm các anh giữ đạo, đạo là các anh giữ trong lòng chứ đừng có lôi kéo người khác, chỉ huy cấp trên mà phát hiện nữa thì ảnh hưởng đến tôi lắm, nói vậy hai ông tụ hiểu đi”.

Tôi phản ứng lại: “Tụi em đâu có lôi kéo ai làm mất trật tự đâu anh. Anh em thấy vui thì đem ghế qua giao lưu, rồi nghe kể chuyện gia đình mỗi người, cuộc sống trước khi vào lính, động viên nhau, đó cũng là điều tốt mà”.

Anh Thắng cướp lời, cản không cho tôi nói tiếp: “Dạ tụi em hiểu rồi. Em sẽ cố gắng không ảnh hưởng đến anh ạ, tụi em cảm ơn anh”.

Đem cuốn Tân Ước về phòng, anh Thắng cất ngay vào balô, anh tạ ơn Chúa, đọc kinh cầu nguyện rồi đi ngủ.

Sau hôm đó, anh em chúng tôi lại tiếp tục duy trì đọc Lời Chúa các chiều Chúa nhật cho đến hết 3 tháng tân binh.

Sau khi được biên chế, mỗi người về nhận nhiệm vụ mới tại một đơn vị khác nhau.

Tôi thì được chia về đơn vị hậu cần, gọi là anh nuôi.

Dù không còn được ở cùng một đơn vị, nhưng tôi tin qua các đơn vị mới các anh vẫn giữ vững đức tin của mình và có thể lan toả đem Chúa đến cho mọi người. Bằng việc làm cụ thể để tuyên xưng đức tin như làm dấu trước khi dùng bữa, đọc kinh cầu nguyện trước khi ngủ.

Sau hai năm ra quân, nhóm chúng tôi cũng ít liên lạc vì thời điểm năm 2006 để có được một chiếc điện thoại di động thật sự không đơn giản.

Thầm tạ ơn Chúa vì những người bạn Chúa gởi đến cho tôi, cũng là bước ngoặt thay đổi tôi sau khi ra quân. Tôi quyết định rồi. Trước đây tôi từng hứa với ba rằng sẽ quay lại tham gia sinh hoạt trong nhà thờ, không lêu lổng chơi bời bạn bè bên ngoài nữa.

Tôi… một anh chàng hai mươi tuổi… da ngăm đen… quả đầu đinh ngày ra quân khác hẳn hình dáng cậu nhóc mười tám của 2 năm trước.

Tôi đến giáo xứ nơi tôi thuộc về, đăng ký học tiếp chương trình giáo lý Bao Đồng mà lúc trước khi vừa Thêm sức xong thì bỏ dở giữa chừng.

Trong lớp Bao Đồng 2, khoảng cách tuổi tác lớn hơn nhiều so với các em Bao Đồng lúc bấy giờ, tận 7 -8 tuổi đã phần nào khiến tôi mặc cảm, có đôi lần muốn từ bỏ thêm lần nữa.

Nhưng Chúa vẫn dõi theo, đem đến cho tôi thêm những người bạn mới trong môi trường nhà thờ. Sự mặc cảm và tự ti đã phần nào tan biến, thay vào đó là những giờ sinh hoạt tham gia hoạt động phục vụ thật nhiều niềm vui và năng lượng tốt.

Sau đó, tôi tham gia vào ca đoàn Thiếu Nhi.

Sau đó nữa, tôi trở thành một giáo lý viên giống như anh Thắng.

Tôi hoạt động sôi nổi trong giáo xứ sở tại và gắn bó cho đến nhiều năm sau.

Tất cả là hồng ân Chúa ban.

Hỡi các bạn trẻ, hãy luôn vững tin bước đi trên con đường mà Chúa đã dành cho từng người, mỗi người một vẻ, hãy luôn tin có Chúa luôn đồng hành.

Trao niềm tin đó lan tỏa đến những người xung quanh, những nơi ta đến sống học tập và sinh hoạt.

Có Chúa là có tất cả.

Để kết lại phần chia sẻ về hành trình đức tin của mình, tôi xin mượn lời bài hát Khúc Cảm Tạ của nhạc sĩ Thiên Ân, bài hát mà tôi rất thích: “Đời con là những nốt nhạc thiêng, Chúa thêu dệt nên thành khúc ca tuyệt vời…”

Tạ ơn Chúa.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024)