Khám phá lịch sử Đền Thánh Phêrô qua mô hình 3D ứng dụng AI của Microsoft

Vatican và Microsoft đã hợp tác để tạo ra mô hình kỹ thuật số 3D của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất, nhằm mang đến một cách thức mới để trải nghiệm lịch sử gần 2.000 năm của ngôi mộ Thánh Phêrô.

Thông qua nền tảng miễn phí, có thể truy cập tại virtual.basilicasanpietro.va, bất kỳ ai trên thế giới đều có thể “tham quan” mô hình 3D của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, được tạo ra từ hơn 400.000 hình ảnh độ phân giải cao được chụp bằng máy bay không người lái sử dụng kỹ thuật quang trắc tiên tiến.

Chủ tịch Microsoft, ông Brad Smith, đã công bố “bản sao kỹ thuật số” này tại một buổi họp báo diễn ra tại Vatican trong tuần qua.

“Đây thực sự là một trong những dự án tiên tiến và phức tạp nhất từng được thực hiện,” ông Smith chia sẻ.

Nền tảng kỹ thuật số này mở ra cơ hội cho những người chưa bao giờ có dịp hành hương đến Vatican, giờ đây có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp, lịch sử và ý nghĩa linh thiêng của một trong những ngôi thánh đường quan trọng nhất thế giới.

Hình ảnh được chụp trong chuyến tham quan báo chí triển lãm “Pétros ení” tại Vatican, thuộc dự án Microsoft La Basilica Di San Pietro: Trải nghiệm nâng cao nhờ AI, một mô hình 3D ảo của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô được tạo ra bằng công nghệ AI từ hơn 400.000 hình ảnh độ phân giải cao của vương cung thánh đường, chụp bằng máy bay không người lái với kỹ thuật đo ảnh tiên tiến.Nguồn ảnh: Courtney Mares/CNA

Mô hình này giúp người xem “thấy được Đền thánh theo cách mà chưa thế hệ nào từng thấy trước đây,” ông Smith nói thêm.

Ngoài ra, ông Smith cũng công bố một trò chơi Minecraft giáo dục về Đền thánh Phêrô dự kiến ra mắt vào tháng 1 năm 2025 và một triển lãm tương tác mới ngay trên sân thượng của vương cung thánh đường, được tổ chức nhân dịp Năm Thánh của Giáo hội Công giáo.

Nhìn lại “Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô cổ”

Trải nghiệm thực tế ảo này không chỉ dừng lại ở việc trình bày vẻ đẹp baroque của Đền thánh Phêrô ngày nay, mà còn sử dụng công nghệ để đưa người xem quay ngược thời gian, trở về nguồn gốc cổ xưa của địa danh này từ Rạp xiếc Nero đến Vương Cung Thánh Đường cổ được xây dựng bởi Hoàng đế Constantine.

Hành trình bắt đầu từ rạp xiếc được Hoàng đế Caligula xây dựng vào thế kỷ thứ nhất trên Đồi Vatican, nơi đặt một tháp đá obelisk của Ai Cập ở trung tâm. Tháp đá này, hiện nay đứng tại Quảng Trường Thánh Phêrô, đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử — từ những cuộc bách hại đẫm máu của đế quốc La Mã nhắm vào Kitô hữu, cuộc tử đạo của Thánh Phêrô, cho đến các Thánh lễ quy tụ hàng chục ngàn tín hữu hành hương ngày nay.

“Như bạn sẽ thấy khi tham quan triển lãm hoặc xem trang web, toàn bộ câu chuyện được trình bày qua ba chương,” ông Smith giải thích. “Chương đầu tiên bắt đầu chính xác tại nơi mà nó nên bắt đầu — chúng ta ở đây vì Thánh Phêrô đã ở đây cách đây 2.000 năm.”

Tái hiện kỹ thuật số địa điểm ngôi mộ Thánh Phêrô như hiện trạng vào năm 67 sau Công Nguyên, từ buổi giới thiệu triển lãm “Pétros ení,” thuộc dự án La Basilica Di San Pietro: Trải nghiệm nâng cao bằng AI của Microsoft. Nguồn: Courtney Mares/CNA

“Chương đầu tiên kể về cuộc đời ngài, câu chuyện được ghi lại trong các sách Tin Mừng.”

Chương thứ hai nói về sự biến đổi của nơi an nghỉ của Thánh Phêrô qua gần 2.000 năm, từ nơi mai táng ban đầu, việc xây dựng nhà thờ, cho đến khi nơi đây trở thành trung tâm hành hương Kitô giáo.

Tái hiện kỹ thuật số Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô nguyên bản do Hoàng đế Constantine xây dựng vào thế kỷ thứ tư, được trích từ buổi họp báo triển lãm “Pétros ení” – một phần của dự án La Basilica Di San Pietro: Trải nghiệm nâng cao bằng AI do Microsoft thực hiện. Nguồn: Courtney Mares/CNA.

Khoảng năm 160 sau Công nguyên, một đài tưởng niệm nhỏ gọi là “Trophy of Gaius” được xây dựng trên ngôi mộ Thánh Phêrô, trở thành địa điểm hành hương. Khi Hoàng đế Constantine hợp pháp hóa Kitô giáo vào thế kỷ thứ tư, ông ra lệnh xây dựng một vương cung thánh đường lớn trên ngôi mộ này, san bằng nghĩa trang bên dưới.

Hình ảnh kỹ thuật số của một bức tranh khảm bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô nguyên bản do Hoàng đế Constantine xây dựng, được giới thiệu trong chuyến tham quan triển lãm Pétros ení, thuộc dự án La Basilica Di San Pietro: AI-Enhanced Experience của Microsoft. Nguồn: Courtney Mares/CNA.

Chuyến tham quan ảo này cho phép người xem hình dung được cảm giác khi đến thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô cổ xưa do Hoàng đế Constantine xây dựng, một trong những đền thánh quan trọng nhất của thế giới cổ đại. Eusebius thành Caesarea đã mô tả vào thế kỷ thứ tư rằng đây là “một lăng mộ huy hoàng … nơi mà vô số người từ khắp mọi miền của Đế quốc La Mã tìm đến.”

Mô phỏng kỹ thuật số tái hiện Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô như cách mà các tín hữu hành hương đã chiêm ngưỡng vào thế kỷ 15, từ buổi giới thiệu triển lãm “Pétros ení” – một phần trong dự án La Basilica Di San Pietro: AI-Enhanced Experience của Microsoft. Nguồn: Courtney Mares/CNA.

Hơn 1.175 năm sau khi hoàn thành Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô nguyên bản, Đức Giáo Hoàng Julius II đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Vatican mới vào năm 1506. Công trình của Đền Thánh Phêrô hiện tại kéo dài hơn một thế kỷ, truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ như Bramante, Michelangelo và Bernini. Đền Thánh Phêrô sẽ kỷ niệm 400 năm ngày thánh hiến vào năm 2026.

Nguồn tài nguyên giáo dục trực tuyến

Một trong những điểm đặc biệt của mô hình kỹ thuật số 3D này là mang đến cơ hội cho những người không có điều kiện đến Vatican có thể chiêm ngưỡng và trải nghiệm Đền Thánh Phêrô , ông Smith giải thích.

“Chúng tôi đang mang câu chuyện này đến với toàn thế giới,” ông nói.

Hình ảnh mái vòm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Nguồn: Microsoft – La Basilica Di San Pietro: Trải Nghiệm Tăng Cường Bằng AI.

Nền tảng trực tuyến mới này đóng vai trò là một tài nguyên giáo dục, giúp mang Đền Thánh Phêrô đến với học sinh, giáo viên và các nhà sử học trên toàn cầu, với các công cụ tương tác và hướng dẫn âm thanh bằng nhiều ngôn ngữ.

Hình ảnh cỗ quan tài bằng đá cẩm thạch được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Nguồn: Microsoft – La Basilica Di San Pietro: Trải Nghiệm Tăng Cường Bằng AI.

Qua các chuyến tham quan 3D sống động, người xem trực tuyến có thể khám phá các bức tranh khảm, mái vòm, khu hầm mộ dưới lòng đất và ngôi mộ Thánh Phêrô. Mô hình kỹ thuật số này, hay còn gọi là “bản sao kỹ thuật số” (digital twin), hé lộ các khu vực thường không mở cửa cho du khách, mang đến cái nhìn chi tiết về nghệ thuật, kiến trúc và lịch sử của Đền Thánh Phêrô.

Khái niệm “bản sao kỹ thuật số” — một bản sao kỹ thuật số của một đối tượng vật lý — thường được sử dụng trong ngành công nghiệp chế tạo. Tuy nhiên, với Đền Thánh Phêrô, đây là cách để mở rộng sự hiểu biết của nhân loại thông qua việc ghi lại và chia sẻ di sản văn hóa.

Hình ảnh Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ban đêm được tạo bởi trí tuệ nhân tạo. Nguồn: Microsoft – La Basilica Di San Pietro: Trải Nghiệm Tăng Cường Bằng AI.

“Khi nghĩ về sự hợp tác này, tôi thấy nó kỳ diệu như chính dự án vậy, vì nó kết hợp một trong những tổ chức lâu đời và quan trọng nhất thế giới với công nghệ mới nhất mà nhân loại đã tạo ra,” ông Smith chia sẻ.

‘Pétros ení’: Triển lãm tương tác dành cho khách hành hương Năm Thánh

Vatican sẽ sớm mở cửa một triển lãm mới có tên “Pétros ení” (nghĩa là “Thánh Phêrô hiện diện”), sử dụng mô hình 3D do Microsoft và công ty Iconem phát triển. Trải nghiệm tương tác này, được thiết kế đặc biệt cho Năm Thánh, sẽ đưa khách tham quan vào hành trình khám phá lịch sử của Đền Thánh Phêrô.

Lối vào triển lãm “Pétros ení” trên sân thượng của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Nguồn ảnh: Daniel Ibañez/CNA

Triển lãm bắt đầu trên sân thượng Đền Thánh Phêrô, phía sau mái vòm đồ sộ do Michelangelo thiết kế, và tiếp tục đi vào các hành lang trên cao ít được ghé thăm của Đền thánh, nơi du khách có thể nhìn xuống bàn thờ Thánh Micae phía dưới.

Triển lãm “Pétros ení” tại sân thượng Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ảnh: Daniel Ibañez/CNA

Các màn hình kỹ thuật số tương tác của triển lãm cho phép chiêm ngưỡng các chi tiết tinh xảo bên trong mái vòm nhà thờ Thánh Phêrô ở cự ly gần, và hai nhà hát tròn sẽ đưa khách tham quan vào trải nghiệm như thể đang thăm Đền Thánh Phêrô qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Một trong những vòm chiếu trong triển lãm “Pétros ení” về Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ảnh: Daniel Ibañez/CNA

Trò chơi điện tử Minecraft phiên bản Đền Thánh Phêrô

Vào tháng 1 năm 2025, Microsoft sẽ phát hành trò chơi điện tử phiên bản Minecraft giáo dục về Đền thánh Phêrô nhằm tiếp cận giới trẻ. Trong mô hình kỹ thuật số này, học sinh có thể khám phá kiến trúc và lịch sử của nhà thờ qua môi trường tương tác của Minecraft.

Phiên bản này sẽ cho phép học sinh “đi bộ” qua Đền thánh Phêrô với nhân vật của mình và khám phá các chi tiết như một phần của trò chơi.

“Nhiều trường học hiện nay sử dụng Minecraft để giảng dạy nhiều kỹ năng hoặc năng lực,” ông Smith nói, bày tỏ hy vọng rằng phiên bản game Minecraft của Đền thánh Phêrô sẽ trở thành một tài nguyên độc đáo cho các trường Công giáo và ngoài Công giáo, mang đến những cách tiếp cận mới mẻ với lịch sử và nghệ thuật.

Công nghệ AI hỗ trợ công tác bảo tồn

“Bản sao kỹ thuật số” cũng cung cấp cho Vatican các công cụ bảo tồn mới. Sử dụng các thuật toán tiên tiến từ phòng thí nghiệm AI for Good của Microsoft, mô hình này đã phát hiện ra các vết nứt, các viên gạch khảm bị mất và các dấu hiệu xuống cấp khác, giúp những người phụ trách bảo tồn chăm sóc vương cung thánh đường hiệu quả hơn.

“Phòng thí nghiệm AI của chúng tôi đã phát triển một thuật toán AI đặc biệt để quét các hình ảnh này và xác định, chẳng hạn, một vết nứt trên tường,” ông Smith giải thích.

Hình ảnh cận cảnh bức tranh khảm trên đỉnh cao nhất của mái vòm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Nguồn: Microsoft – La Basilica Di San Pietro: Trải Nghiệm Tăng Cường Bằng AI.

Những người bảo tồn “chịu trách nhiệm giữ gìn công trình đặc biệt này, những người làm việc trong việc phục chế, giờ đây có tất cả dữ liệu này và sức mạnh của AI để làm việc tốt hơn nữa,” ông nói thêm.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được xem trước mô hình kỹ thuật số mới này trong một buổi gặp gỡ với đội ngũ Microsoft và tổ chức Fabric of St. Peter, tổ chức phụ trách việc bảo tồn và duy trì Đền thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được xem trước mô hình kỹ thuật số mới của Đền Thánh Phêrô trong buổi gặp gỡ với đội ngũ Microsoft và tổ chức Fabric of St. Peter vào ngày 11 tháng 11 năm 2024. Nguồn: Vatican Media.

Đức Thánh Cha khuyến khích những người phụ trách Đền thánh áp dụng các công nghệ “không chỉ khuyến khích sự tham gia tương tác của mọi người, mà đặc biệt là nâng cao nhận thức về nơi thánh thiêng này, một không gian cầu nguyện và suy niệm.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các công cụ công nghệ đòi hỏi sự sáng tạo và trách nhiệm để được điều hành và sử dụng một cách có ý nghĩa.

“Ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc này đã được trao phó cho chúng ta bởi những người đi trước trong đức tin và thừa tác vụ tông đồ,” Đức Thánh Cha nói về Đền thánh Phêrô. “Do đó, đây là một món quà và một nhiệm vụ cần được chăm sóc, cả về mặt thiêng liêng lẫn vật chất, ngay cả qua những công nghệ mới nhất.”

Chuyển ngữ: Hạo Nhiên