Hiệp hành là lắng nghe, và lắng nghe làm phong phú đặc sủng Giảng thuyết

“Hiệp hành là lắng nghe, và lắng nghe sẽ làm phong phú đặc sủng giảng thuyết. Nếu thiếu một tinh thần lắng nghe, mọi nỗ lực thi hành đặc sủng giảng thuyết có thể dễ biến chúng ta thành những nhà tư tưởng khô khan và ồn ào. Giảng thuyết đích thực là việc nói về Thiên Chúa sau khi đã lắng nghe Thiên Chúa. Dòng của chúng ta, theo phương châm đã được xác định, không chỉ là một sự phản chiếu mà còn là ký ức sống động của Giáo Hội, với giá trị chứng tá được hình thành và nuôi dưỡng từ chiều sâu của sự chiêm niệm,” đó là điều mà người anh em Anthony Akinwale, OP, đã khẳng định trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Dòng Giảng Thuyết. Theo lời mời của Hội đồng Giám mục Nigeria, anh Anthony Akinwale tham dự Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, với vai trò chuyên viên của các giám mục Nigeria tham dự Thượng Hội đồng.

1. Kinh nghiệm cá nhân của cha về Thượng Hội Đồng như thế nào?

Tôi chỉ có thể chia sẻ về “kinh nghiệm cá nhân” của mình tại Thượng Hội Đồng theo một cách thức rất tế nhị. Tôi không phải là một đại biểu chính thức của Thượng Hội Đồng, cũng không phải là chuyên viên được Ban Thư Ký Thượng Hội đồng mời tham dự. Thay vào đó, tôi được Hội Đồng Giám Mục Nigeria mời đến với tư cách là chuyên viên cho các giám mục Nigeria tham dự Thượng Hội Đồng. Do đó, những gì tôi chia sẻ khá là hạn chế. Có những phiên họp mà các cuộc thảo luận được công khai qua các phương tiện truyền thông, và tôi đã có cơ hội lắng nghe những gì đang diễn ra. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tham gia các cuộc trao đổi với các nhà thần học khác, những người quan tâm đến diễn biến của Thượng Hội Đồng, và tôi đã có dịp chia sẻ suy nghĩ của mình với các giám mục. Dù từ góc độ hạn chế ấy, tôi tin rằng những gì đang diễn ra cần được liên hệ với Công Đồng Vatican II. Công Đồng này sẽ mãi mãi là một điểm tham chiếu không thể thay thế, một phong trào của Chúa Thánh Thần, luôn làm cho Giáo Hội trẻ trung, nhưng vẫn trung thành với cội nguồn tông đồ, được bảo tồn qua cuộc đối thoại không ngừng với truyền thống. Một Giáo Hội hiệp hành cần phải song hành cùng quá khứ và hiện tại để hướng tới tương lai, và trong hành trình đó, Công Đồng Vatican II chính là kim chỉ nam không thể thiếu. Những Giáo huấn quý báu của Công Đồng sẽ nuôi dưỡng lương tâm Giáo hội khi chúng ta suy tư về một Giáo Hội mang tính hiệp hành.

Tôi đặc biệt nghĩ đến những nhận định vô cùng phong phú trong bốn hiến chế công đồng: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), Hiến chế Tín Lý về Giáo hội (Lumen Gentium), Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Thiên Chúa (Dei Verbum), và Hiến Chế Mục Vụ (Gaudium et Spes). Bốn hiến chế quý báu này tóm lược cho chúng ta thấy một Giáo Hội hiệp hành nên là gì và sứ mạng của giáo hội trong thế giới phải ra sao.

– Khái niệm về tính hiệp hành đã được khắc họa rõ nét trong chương bảy của Lumen Gentium, chương mô tả Giáo Hội như một Giáo Hội lữ hành. Từ đó, chúng ta hiểu rằng Giáo Hội lữ hành (hay Giáo hội hiệp hành), là một cộng đoàn dân Chúa, được kêu gọi trong Đức Kitô, ánh sáng cho muôn dân, trở thành dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp nhất giữa con người với nhau. Tất cả mọi người, bằng cách này hay cách khác, đều thuộc về hoặc có liên hệ với dân Chúa – một cộng đoàn bao dung và rộng mở. Do đó, toàn bộ Hiến chế Lumen Gentium, chứ không chỉ riêng chương bảy, thực chất là một giáo huấn về tính hiệp hành.

– Cộng đoàn dân Chúa, theo như Sacrosanctum Concilium dạy, được triệu tập để thờ phượng Thiên Chúa; như Dei Verbum chỉ dẫn, để lắng nghe Lời Chúa; và sau khi cử hành phụng vụ, như Gaudium et Spes nhấn mạnh, được mời gọi ra đi thi hành sứ mạng truyền giáo cho thế giới. Giáo Hội phải lắng nghe Thiên Chúa qua việc thờ phượng chiêm niệm để làm giàu thêm sứ mạng làm chứng Tin Mừng. Và chỉ khi chúng ta lắng nghe nhau, chúng ta mới có thể lắng nghe được Thiên Chúa.

Như tôi đã chia sẻ với các anh chị em Đa Minh tại Hội Nghị thượng đỉnh Liên Phi của Dòng Giảng Thuyết năm 2017 ở Ibadan, chúng ta, những người Đa Minh, không thể là Dòng Giảng Thuyết nếu chúng ta không biết lắng nghe: lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe anh chị em mình, lắng nghe sâu thẳm trong lòng mình và lắng nghe cả thế giới tạo thành. Nếu không biết lắng nghe, chúng ta sẽ không thể thực thi sứ mạng ngôn sứ, để nói: “Đức Chúa phán thế này”. Những giáo huấn cao quý về bản chất và sứ mạng của Giáo Hội mà Công Đồng Vatican II đã để lại không nên bị chìm khuất trong những tranh cãi trước, trong, và sau Thượng Hội Đồng.

2. Là chuyên viên về thần học hệ thống, cha có thể cho biết những yếu tố thần học nào mang đậm bản sắc châu Phi có thể đóng góp cho hành trình hiệp hành của Giáo hội hoàn vũ?

Tại Thượng Hội Đồng năm 1994 về Giáo hội châu Phi, một cách hiểu tự thân của người châu Phi về Giáo hội như là gia đình Thiên Chúa đã được khẳng định. Hình ảnh này thể hiện cách mà người châu Phi tiếp nhận giáo lý của Công đồng Vatican II, khẳng định một giáo lý về sự hiệp thông trong sự đa dạng. Đây không phải là sự xóa bỏ các khác biệt, mà là sự hòa hợp giữa những khác biệt, một sự hiệp thông ngay trong chính sự khác biệt. Nó phản ánh hình ảnh của Giáo hội tại châu Phi, một lục địa với vẻ đẹp đa dạng vô cùng. Ở châu Phi, nơi giới tinh hoa chính trị thường lợi dụng sự đa dạng sắc tộc để giành lấy quyền lực và tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, Giáo hội – từ hàng giáo sĩ, giáo dân cho đến những người sống đời thánh hiến – phải đóng vai trò như một ngôn sứ, lên tiếng cảnh tỉnh trước những cám dỗ của chia rẽ, cục bộ, chủ nghĩa sắc tộc và phân biệt chủng tộc. Giáo hội phải là một cộng đoàn ngôn sứ, nơi quy tụ những con người từ các sắc tộc khác nhau. Vượt qua những định kiến sắc tộc hẹp hòi và nỗi sợ hãi người ngoại, Giáo hội, như Công đồng Vatican II đã dạy, phải trở thành dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất giữa con người. Như lời cố Tổng Giám mục Albert Obiefuna từng nói, nước rửa tội phải sâu nặng hơn máu huyết của sắc tộc. Điều này cũng gửi gắm một thông điệp đến toàn thể Giáo hội hoàn vũ: với châu Phi, đó là lời khẳng định dứt khoát chống lại chủ nghĩa sắc tộc; với Giáo hội hoàn vũ, đó là sự bác bỏ phân biệt chủng tộc. Chủ nghĩa sắc tộc và phân biệt chủng tộc như thể hai mặt song sinh. Giáo hội, khi lên tiếng chống lại chủ nghĩa sắc tộc ở châu Phi, cũng phải mạnh mẽ tuyên bố chống lại phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới. Giáo hội trong Đức Kitô là một cộng đoàn hiệp thông, nơi không ai bị loại trừ. Bí tích Rửa Tội đưa chúng ta vào gia đình của Thiên Chúa, và trong gia đình ấy, phẩm giá của từng thành viên đều được trân quý như nhau. Trong Giáo hội – gia đình của Thiên Chúa – những người mạnh và yếu, giàu và nghèo, đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều có chung một phẩm giá nhờ phép Rửa. Mỗi người đều có điều gì đó để trao tặng và điều gì đó để đón nhận, khi chúng ta cùng nhau tìm hiểu và làm chứng cho đức tin giữa đời. Sự loại trừ tất cả cách dễ dàng sẽ dẫn đến một “tinh thần bao dung” hời hợt, bỏ qua đòi hỏi cốt lõi của sự sám hối – điều kiện tiên quyết của hành trình làm môn đệ. Một người chỉ thực sự trở thành môn đệ khi họ được biến đổi, và họ chỉ thực sự được biến đổi khi trở thành môn đệ. Tin Mừng – tin vui về Con Thiên Chúa – chính là tin vui rằng Người đã đưa chúng ta vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, đòi hỏi nơi chúng ta một sự biến đổi sâu sắc cả về tâm trí lẫn tâm hồn.

3. Theo cha, mối liên hệ giữa chủ đề hiệp hành và đặc sủng của Dòng là gì?

Chúng ta là Dòng Giảng Thuyết. Tuy nhiên, như tôi đã từng nhấn mạnh, chúng ta không thể là một Dòng Giảng Thuyết nếu chưa trở thành một Dòng lắng nghe. Trong thời đại ngày nay, lắng nghe trở thành một thách thức lớn. Những tiếng loa phóng thanh và các phương tiện truyền thông mạnh mẽ không ngừng tìm cách thu hút sự chú ý, dẫn đến một tiếng ồn hỗn độn gây ra xung đột. Mặc dù chúng ta sở hữu những phương tiện giao tiếp ngày càng tinh vi, nhưng thực tế là giao tiếp lại trở nên khan hiếm. Bởi lẽ, giao tiếp không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt thông tin; nó còn là một hành động yêu thương, nơi mà, theo phương châm của Thánh John Newman, “trái tim nói với trái tim” (cor ad cor loquitur). Nếu chúng ta chỉ chăm chú vào kỹ thuật giao tiếp mà không để ý đến nội dung của việc giao tiếp, thì chúng ta vẫn chưa thực sự giao tiếp. Để trái tim có thể nói với trái tim, trước tiên, nó cần phải lắng nghe.

Hiệp hành chính là lắng nghe, và lắng nghe sẽ làm phong phú đặc sủng chúng ta. Nếu thiếu một tinh thần lắng nghe, mọi nỗ lực trong việc thi hành đặc sủng giảng thuyết có thể dễ dàng biến chúng ta thành những nhà tư tưởng khô khan và ồn ào. Giảng thuyết đích thực là nói về Thiên Chúa sau khi đã lắng nghe Thiên Chúa. Dòng của chúng ta, theo phương châm đã được xác định, không chỉ là một sự phản chiếu mà còn là ký ức sống động của Giáo Hội, với giá trị chứng tá được hình thành và nuôi dưỡng từ sự chiêm niệm.

4. Một người Đa Minh có thể đóng góp thế nào vào việc xây dựng hòa bình trên thế giới?

Việc đóng góp này bắt nguồn từ chính bản chất của chúng ta. Chúng ta là Dòng Giảng Thuyết. Vì thế, đóng góp lớn nhất mà một người Đa Minh có thể làm để xây dựng hòa bình toàn cầu, chính là rao giảng Tin Mừng. Trong bối cảnh này, rao giảng không chỉ đơn thuần là nghệ thuật hùng biện hay những câu từ được sắp xếp cẩn thận, mà còn là khả năng trình bày mạch lạc và thuyết phục. Dĩ nhiên, lý lẽ và khả năng diễn đạt có vai trò cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, rao giảng chính là một sự làm chứng sống động cho Tin Mừng: rằng trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã thiết lập hòa bình với thế giới và ban tặng hòa bình cho nhân loại. Hòa bình mà thế giới khao khát chính là món quà từ Thiên Chúa. Chúng ta có thể tiếp nhận món quà ấy khi chúng ta sẵn lòng hành động một cách công bằng. Sự sẵn sàng cho công lý và hòa bình chỉ có thể đến khi chúng ta mở lòng đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô. Công lý là việc phục hồi các mối quan hệ: với Thiên Chúa, với người khác, với thụ tạo, và với chính mình. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng tối thượng của việc lắng nghe. Sự từ chối lắng nghe không chỉ là mối đe dọa cho sứ mạng rao giảng của chúng ta, mà còn là nguy cơ đối với hòa bình. Nó phản ánh một tâm hồn bất an, gây xáo trộn cho những tâm hồn khác.

5. Cha có muốn thêm điều gì không?

Tôi xin được chia sẻ một số suy nghĩ của mình về các đại biểu châu Phi trong phiên họp tháng 10 năm 2024 của Thượng Hội Đồng về Hiệp Hành, diễn ra tại Nairobi, Kenya, vào tháng 4 vừa qua. Giáo hội, trong hành trình hiệp hành của mình, mang dấu ấn của tính tông đồ và tính phổ quát. Tính tông đồ này được thể hiện qua sự trung thành với truyền thống tông đồ. Tuy nhiên, sự trung thành này không nên bị nhầm lẫn với tâm thế hoài niệm về quá khứ. Anh Jean-Marie Tillard, OP, đã nhấn mạnh rằng sự trung thành với truyền thống trong sứ mạng của Giáo hội là một “cuộc cập nhật dũng cảm” nội dung ký ức – ký ức về những gì Đức Kitô đã dạy, một ký ức mang tính chất tông đồ mà Giáo hội phải gìn giữ, tôn trọng, thách thức và truyền đạt trong mọi bối cảnh và nền văn hóa. Chúng ta cần để Chúa Thánh Thần dẫn dắt Giáo hội hướng tới việc ghi nhớ không ngừng về Đức Kitô “trong sự mới mẻ liên tục của các nền văn hóa, bối cảnh và những diễn biến của lịch sử,” qua đó “Giáo hội luôn là chính mình, nhưng không bao giờ đồng hóa (semper ipsa, nunquam idem).”

Để làm rõ rằng sự trung thành với truyền thống tông đồ không chỉ đơn thuần là một sự gắn bó với quá khứ hay sự bám chấp vào hiện tại, mà còn là một cách bảo vệ chống lại việc gán ghép Giáo hội vào những ý thức hệ cánh hữu hay cánh tả. Anh Tillard nói: “Truyền thống từ chối sự phản bác quá khứ và sự chuyển động hướng tới tương lai. Đó không phải là sự trở về nô lệ với một quá khứ cứng nhắc. Nó biết rằng cái cũ không nhất thiết phải đúng hay tốt hơn. Tuy nhiên, nó tiếp tục bám rễ trong tất cả những gì mà Giáo hội đã ‘nhận được’ như chính thức, và làm như vậy để trở thành chính mình, hôm nay như hôm qua.” Một phần trong mệnh lệnh của sự trung thành với tính tông đồ là việc phải chú ý đến cả quá khứ lẫn hiện tại. Trong bối cảnh hiện nay, khi phải đối mặt với một thế giới thù địch và những tư tưởng phản đối, Giáo hội không nên e ngại khi làm chứng cho Tin Mừng. Đối thoại là một điều thiết yếu, nhưng không thể thay thế cho việc loan báo. Những Kitô hữu tiên khởi đã dũng cảm làm chứng trước một thế giới thù địch. Họ có thể đã tìm kiếm sự an ủi trong việc thuận theo, nhưng họ đã không làm như vậy. Họ sẵn sàng hy sinh mạng sống và chết vì Tin Mừng.

Thế hệ chúng ta không phải là thế hệ đầu tiên truyền giáo; nhiều người đã truyền giáo trước chúng ta. Sự trung thành dũng cảm của họ với Tin Mừng, ngay cả khi phải đối mặt với hiểm nguy, đã chuẩn bị và truyền cảm hứng cho chúng ta trong sứ mạng truyền giáo của mình. Giáo hội cần nhớ đến những nhân chứng của các thời đại trước, những người nam và người nữ của đức tin, mà trong tinh thần hiệp hành, chúng ta cần lắng nghe. Hơn nữa, còn có những nhân chứng của thời đại hôm nay, những Kitô hữu có tinh thần truyền giáo anh dũng, sống ở những nơi mà việc là Kitô hữu trở nên nguy hiểm, nơi mà việc làm chứng cho Tin Mừng là điều mạo hiểm. Hiện nay, Giáo hội tại châu Phi có những vị tử đạo của riêng mình, những người bị bách hại vì niềm tin tôn giáo, sống ở những vùng như miền Bắc Nigeria, nơi mà việc là Kitô hữu không an toàn; và ở những người bị tước đoạt quyền con người và quyền công dân cơ bản chỉ vì họ đã đứng lên chống lại các tệ nạn chính trị và đạo đức của xã hội. Các vị tử đạo ở châu Phi là những người làm chứng cho Tin Mừng của Nước Thiên Chúa, mặc dù họ đang sống trong cảnh khổ sở tại những quốc gia châu Phi nổi tiếng với sự bất công và tham nhũng, nỗi đau khổ và đàn áp, nơi mà nhà nước đã bị cá nhân hóa bởi những người lãnh đạo xuất thân từ những quy trình bầu cử đáng ngờ, những quốc gia có hiến pháp yếu kém và thể chế thiếu vững vàng, không thể đảm bảo an ninh cho đất nước và nhân dân.

Tin Mừng mà chúng ta cần rao giảng chính là memoria passionis Christi. Đó là ký ức về Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã cứu chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Kỷ niệm về cuộc khổ nạn của Ngài được cử hành trong bí tích Thánh Thể, ngay cả khi nó được thể hiện qua những đau khổ mà những người yếu thế phải chịu, hay nói chính xác hơn, những người bị tổn thương. Là một người châu Phi, sự bất công lớn mà người châu Phi phải gánh chịu, “bị kẹt” giữa những người ngoại quốc và những nhà lãnh đạo bản địa, luôn nhắc nhở tôi rằng, ngày nay, với tư cách là những người giảng thuyết, chúng ta phải làm chứng cho Tin Mừng trước những kẻ cầm quyền và những người không quyền, trước những người bị áp bức và những kẻ áp bức, trước những người bị bóc lột và những kẻ bóc lột, trước những người giàu và những người nghèo. Người dân của chúng ta rất đa dạng. Trong tất cả những điều này, chúng ta phải công bố tin mừng rằng Nước Thiên Chúa đã bắt đầu. Ngay cả giữa những cơn khốn khó, tình yêu của Thiên Chúa vẫn hiện diện và hoạt động. Điều này mang lại cho chúng ta hy vọng, một niềm hy vọng mà chúng ta phải chia sẻ với anh chị em của mình.

Giuse Hoàng Sỹ Bình, O.P.

Chuyển ngữ từ: op.org

Nguồn: daminhvn.net