Hôm 21/8/2023, Đức Phanxicô tiếp kiến phái đoán luật sư của các nước thành viên của Hội đồng Châu Âu, những người đã ký Bản kêu gọi Vienna vào năm 2022. Đức Thánh Cha đã cảm ơn họ vì sự đóng góp quan trọng của họ vào việc thúc đẩy nền dân chủ và tôn trọng quyền tự do và nhân phẩm trong một Nhà nước pháp quyền.
Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha:
Thưa quý Bà, quý Ông!
Tôi rất vui được đón tiếp quý vị, các luật sư đến từ nhiều nước thành viên của Hội đồng Châu Âu. Vào ngày 11 tháng 6 năm 2022, quý vị đã ký Bản kêu gọi Vienna mời các Quốc gia thành viên của Hội đồng cam kết bảo vệ Nhà nước pháp quyền và sự độc lập của tư pháp. Bản kêu gọi này được đặt trong bối cảnh hiện tại, khó khăn về nhiều mặt, mà châu Âu đang trải qua, do – trong số những thứ khác – cuộc chiến vô nghĩa ở Ukraine. Tôi cảm ơn quý vị vì sự đóng góp quan trọng của quý vị vào việc thúc đẩy dân chủ, tự do và nhân phẩm. Thời kỳ khủng hoảng xã hội, kinh tế, an ninh và căn tính thách thức các nền dân chủ phương Tây phản ứng một cách hiệu quả, nhưng đồng thời luôn trung thành với các nguyên tắc của mình; những nguyên tắc không ngừng được tái khôi phục và việc bảo vệ chúng đòi hỏi sự cảnh giác cao độ. Nỗi sợ hãi về tình trạng bất ổn và bạo lực, viễn cảnh phá vỡ những sự cân bằng đã ổn định, nhu cầu hành động hiệu quả khi đối mặt với tình huống khẩn cấp có thể đưa đến cám dỗ tạo ra một ngoại lệ, lẩn tránh – dù chỉ là tạm thời – Nhà nước pháp quyền để tìm kiếm giải pháp dễ dàng và tức thời. Thế nhưng, đối với tôi, điều quan trọng là quý vị yêu cầu, trong một trong những đề xuất của mình, rằng “Nhà nước pháp quyền không bao giờ phải là đối tượng của một ngoại lệ nhỏ nhất, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng” (Bản kêu gọi Vienna, số 7). Lý do là Nhà nước pháp quyền nhằm phục vụ nhân vị và nhằm mục đích bảo vệ phẩm giá của họ, vốn không bao giờ phải chịu bất kỳ ngoại lệ nào. Đó là một nguyên tắc.
Tuy nhiên, không chỉ các cuộc khủng hoảng mới là nguồn gốc của các mối đe dọa đối với các quyền tự do và Nhà nước pháp quyền trong chính các nền dân chủ. Quả thế, một quan niệm sai lầm về bản tính con người và nhân vị đang ngày càng lan rộng, một quan niệm làm suy yếu chính sự bảo vệ của nó và dần dần dẫn đến những lạm dụng nghiêm trọng dưới chiêu bài điều thiện.
Cần phải nhớ rằng nền tảng của phẩm giá nhân vị được tìm thấy trong nguồn gốc siêu việt của nó, do đó nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm nó; và sự siêu việt này đòi hỏi rằng, trong mọi hoạt động của con người, nhân vị phải được đặt ở trung tâm và không thấy mình bị lệ phó mặc các kiểu cách và quyền lực nhất thời (x. Bài phát biểu trước Nghị viện Châu Âu, 25/11/2014). “Một Châu Âu không còn khả năng mở ra cho chiều kích siêu việt của sự sống là một Châu Âu đang dần dần có nguy cơ đánh mất linh hồn cũng như tinh thần nhân bản mà nó vẫn yêu mến và bảo vệ” (Ibid.).
Việc tôn trọng nhân quyền chỉ có thể được đảm bảo, và một Nhà nước pháp quyền chỉ có thể có được sự vững chắc trong chừng mực các dân tộc vẫn trung thành với cội nguồn của mình, vốn được nuôi dưỡng bởi sự thật, là nhựa sống của bất kỳ xã hội nào mong muốn trở thành thực sự tự do, nhân bản và đoàn kết (x. Diễn văn trước Hội đồng Châu Âu, 25/11/14). Nếu không tìm kiếm sự thật về con người, theo kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi người sẽ trở thành thước đo cho chính mình và cho hành động của riêng mình. Tuy nhiên, trên thực tế, ngày nay có xu hướng đòi hỏi các quyền cá nhân chủ nghĩa ngày càng lớn hơn, không còn tính đến việc mỗi con người đều gắn liền với một bối cảnh xã hội trong đó các quyền và nghĩa vụ của mình gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ của người khác và với công ích của chính xã hội (xem Bài phát biểu trước Nghị viện Châu Âu).
Một sự hiểu lầm về khái niệm nhân quyền, và sự lạm dụng nghịch lý của chúng, có thể bỏ mặc các dân tộc “cho những thứ chủ nghĩa tinh tuyền thiên thần, sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa chính thống phi lịch sử, những nền đạo đức không có lòng nhân từ và chủ nghĩa duy trí tuệ không có sự khôn ngoan” (Evangelii Gaudium, số 231) nơi mà Nhà nước pháp quyền sẽ chỉ phục vụ một nhân vị bị bóp méo và thao túng, trở thành đồ chơi của các quyền lực và ý thức hệ phi phổ quát.
Quý luật sư thân mến, trong Bản kêu gọi của quý vị, trong số những điểm cảnh giác liên quan đến nghề nghiệp của quý vị, tôi hoan nghênh lời nhắc nhở về nguyên tắc cơ bản của bí mật nghề nghiệp mà quý vị lấy làm tiếc về sự vi phạm ở một số Quốc gia thành viên. Tôi hiểu và chia sẻ mối quan tâm của quý vị và khuyến khích quý vị hành động. Điều cần thiết là xã hội của chúng ta phải bảo vệ không gian tin cậy, nơi mọi người có thể thể hiện bản thân và trút bỏ gánh nặng. Cái này rất quan trọng. Trong Giáo hội, chúng tôi có bí mật Tòa giải tội; quý vị cũng có không gian này, nơi một người có thể nói sự thật với luật sư của mình để luật sư giúp anh ta…
Cuối cùng, tôi rất cảm thông với mối quan tâm của quý vị đối với ngôi nhà chung và cam kết của quý vị trong việc tham gia vào việc xây dựng một khuôn khổ chuẩn mực cho việc bảo vệ môi trường. Chúng ta không bao giờ được quên rằng các thế hệ trẻ có quyền được chúng ta để lại cho họ một thế giới tươi đẹp và có thể sống được, điều này tạo ra cho chúng ta những nghĩa vụ nghiêm túc đối với công trình sáng tạo mà chúng ta đã nhận được một cách quảng đại từ bàn tay của Thiên Chúa. Cảm ơn quý vị vì sự đóng góp này. Tôi đang viết phần thứ hai của Laudato si’ để cập nhật những vấn đề hiện tại.
Tôi lặp lại tất cả những lời khuyến khích của tôi đối với quý vị là hãy kiên trì thực hiện nghề nghiệp tốt đẹp của mình, hoàn toàn hướng tới việc phục vụ sự thật và công lý, vốn cần thiết cho việc thiết lập hòa bình trên thế giới và sự hài hòa của các xã hội chúng ta. Xin Đức Trinh Nữ Maria và thánh Yves bảo vệ và gìn giữ quý vị. Và tôi hết lòng chúc lành cho quý vị và xin quý vị cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn quý vị.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo vatican.va (21.08.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (22.08.2023)