Trước ngưỡng cửa chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hungary

Đức Thánh Cha đến Budapest, Hungary (12/9/2021)  (ANSA)

Chỉ còn gần 2 tuần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du thứ 41 kể từ khi được bầu làm Giáo Hoàng cách đây 10 năm: ngài sẽ chính thức viếng thăm Hungary từ ngày 28 đến 30/4/2023. Cuộc viếng thăm mang lại nhiều hy vọng cho các tín hữu Công Giáo tại nước này.

Bối cảnh cuộc viếng thăm

Đây sẽ là lần thứ hai, trong vòng 18 tháng, Đức Thánh Cha Phanxicô đặt chân lên đất Hungary và cụ thể là tại thủ đô Budapest.

Lần đầu tiên diễn ra vào Chúa Nhật 12/9/2021. Đó không phải là một cuộc viếng thăm nhưng chỉ là một chặng dừng dài hơn 6 tiếng đồng hồ: từ 7 giờ 45 sáng đến 2 giờ chiều, với chủ đích chính là cử hành Thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 52, được tiến hành tại đây từ 1 tuần lễ trước đó. Điều này làm cho Giáo Hội và nhân dân Hungary hơi thất vọng vì liền sau chặng dừng chớp nhoáng đó, Đức Thánh Cha bay sang Cộng hòa Slovakia láng giềng để viếng thăm trong 3 ngày, đến chiều 15/9/2021.

Về điểm này, trong cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 3 vừa qua, Đức Cha András Veres, Giám Mục giáo phận Gyor, Chủ tịch HĐGM Hungary, nói: “Có lẽ chúng tôi có thể nói rằng có một sự hơi thất vọng vì Đức Thánh Cha chỉ trải qua một thời gian ngắn ngủi với chúng tôi. Với hai cuộc viếng thăm ở Hungary, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ở lại lâu hơn. Vì thế, hiển nhiên là sau cuộc viếng thăm ngắn ngủi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Hungary hồi năm 2021, các tín hữu Hungary thực sự chờ đợi ngài. Thực vậy, trong lời giã từ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói là ngài thích trở lại để viếng thăm chính thức và tất cả chúng tôi đều vui mừng khi nghe điều đó”.

Đức Cha Veres nói thêm rằng: “Tôi nghĩ kinh nghiệm đáng nhớ với các đông đảo các tín hữu nhiệt thành trong Đại Hội Thánh Thể quốc tế đã giữ một vai trò quan trọng trong quyết định của Đức Thánh Cha trở lại thăm Hungary. Chúng tôi có thể nói ngài rất vui mừng khi ở đây. Và ngài cũng đã từng gần gũi các nữ tu Hungary ở Buenos Aires, Argentina, các chị đã giúp đỡ ngài trong sứ vụ. Một cách nào đó ngài có một liên hệ đặc biệt với đất nước chúng tôi”.

Hy vọng của Hungary

Một điều được Đức Cha Chủ tịch HĐGM Hungary đặc biệt nói tới trong cuộc phỏng vấn, là ngài hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ giúp thế giới biết đến Giáo Hội tại đất nước này nhiều hơn, và đánh tan nhiều ngộ nhận cũng như thành kiến đối với Hungary.

Đức Cha nói: “Đại Hội Thánh Thể quốc tế đã góp phần làm cho Hungary được thế giới biết đến nhiều hơn. Cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha cũng sẽ làm cho Giáo Hội tại quốc gia này được các nơi khác trên trái đất biết đến. Cuộc viếng thăm gồm một loạt các cuộc gặp gỡ, trong đó toàn thể Giáo Hội Công Giáo tại Hungary sẽ được trình bày với Đức Thánh Cha. Chính ngài đã yêu cầu được biết phần lớn các nơi trong Giáo Hội.”

Chương trình được thích ứng

Trong ý hướng đó, hồi tháng 11 năm ngoái sau khi được biết Đức Thánh Cha quyết định trở lại Hungary, các Giám mục nước này nghĩ rằng ngài có thể đến nhiều nơi trong nước ngoài thủ đô Budapest, trong đó có những địa điểm nổi tiếng như Đền Thánh quốc gia Đức Mẹ Mariapocs, hoặc Đan viện Biển Đức Pannonhalma có từ thế kỷ thứ 10. Nhưng rồi có tin tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha không cho phép ngài thực hiện nhiều cuộc di chuyển nên mọi sinh hoạt đều diễn ra ở thủ đô Budapest.

Đức cha Veres nói: “Vì thế, chúng tôi cố gắng tổ chức làm sao để các tín hữu từ các nơi trong nước có thể đến gặp gỡ Đức Thánh Cha. Những địa điểm được chọn trong chương trình viếng thăm là để đáp ứng mục đích đó. Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Vương cung Thánh đường Thánh Vương Stephano và Nhà thờ kính thánh nữ Hoàng hậu Elizabeth, là hai địa điểm biểu tượng. Thánh nữ Elizabeth là nhân vật Hungary rất được biết đến vì trọn đời đã tận tụy và quảng đại giúp đỡ người nghèo”.

“Sân vận động ở Budapest được chọn làm nơi gặp gỡ của Đức Thánh Cha với giới trẻ. Và chúng tôi cũng chọn Quảng trường Kossuth là nơi Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ vì chúng tôi muốn một địa điểm có thể đón tiếp đông đảo dân chúng, và muốn nơi khác với Quảng trường Anh Hùng, nơi đã diễn ra Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể quốc tế ngày 12/9 cách đây 2 năm (…). Chúng tôi hy vọng tất cả những địa điểm này có một mục đích biểu tượng cho thấy chúng tôi là ai và sự nồng nhiệt của chúng tôi khi đón tiếp Đức Thánh Cha đến viếng thăm”.

Tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Hungary

Hungary rộng 93 ngàn cây số vuông, hơn một phần tư Việt Nam, với gần 9 triệu 800 ngàn dân cư trong đó có gần 6 triệu tín hữu Công Giáo, tương đương với 61% dân số, và thuộc 17 giáo phận.

Những năm dài dưới chế độ cộng sản đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến đời sống Giáo Hội Công Giáo tại Hungary, khiến cho tỷ lệ hành đạo tại nước này rất thấp và ơn gọi khan hiếm.

Đức Cha Chủ tịch HĐGM Hungary giải thích thêm rằng: “Chúng tôi phải nhìn nhận Giáo Hội đang cảm nghiệm một thời kỳ khó khăn tại Hungary. Đối với chúng tôi điều hiển nhiên là cách thức giáo dục người trẻ theo chủ nghĩa vô thần từ vườn trẻ cho tới đại học đang tạo nên nền giáo dục phi Kitô. Nhưng dầu sao, dù dưới thời cộng sản, các gia đình vẫn có thể giáo dục con cái tại gia và dạy dỗ chúng trong đức tin Công Giáo. Ngoài ý thức hệ của nhà nước, vẫn có cơ hội cho Kitô giáo sống còn.”

“Nhưng ngày nay, chúng tôi đang gặp nhiều thế hệ không hề nhận được một nền giáo dục Kitô, trong khuôn khổ một gia đình Kitô, và họ lớn lên như những người vô thần. Từ tây phương, lối sống duy khoái lạc tràn tới làm cho tình trạng không tín ngưỡng tại Hungary mạnh mẽ hơn. Giữa hai sức ép đó, Giáo Hội Công Giáo tại Hungary đang cố gắng hết sức để loan báo Tin Mừng. Chúng tôi có số tín hữu Công Giáo ít hơn vì có ít gia đình Kitô dấn thân. Kết quả là chúng tôi có ít ơn gọi linh mục và tu sĩ. Với một nhóm nhỏ, việc loan báo Tin Mừng trở nên khó khăn hơn”.

Đức Cha Veres nói thêm rằng: “Dầu sao chúng tôi cũng có thể nói có một dấu hiệu nhỏ đáng kể về sự củng cố đức tin Kitô ở Hungary. Mới đây tôi nói chuyện với một giám mục, cũng là bạn cũ của tôi, Đức cha ấy nói: ‘Đừng nghĩ rằng cách đây nhiều thập niên đã có nhiều tín hữu Kitô dấn thân hơn ngày nay’. Cộng đoàn Kitô nhỏ, nhiều người trong họ được dẫn tới đức tin không phải nhờ gia đình, nhưng nhờ các phong trào và cộng đồng tâm linh khác nhau, họ đang là những người tiếp tục chiếu sáng. Chúng tôi thấy rằng có một số kết quả đang xuất phát từ điều đó.

“Chúng tôi đặc biệt nhận thấy tình trạng này khi gặp gỡ những người trẻ và tổ chức những sinh hoạt như cuộc gặp gỡ thường niên giới trẻ Công Giáo Hungary, gọi là Forrássont, có liên hệ tới Hội nghị Thánh Thể. Điều này chứng tỏ nhiều người trẻ vốn không được giáo dục về tôn giáo, nhưng nay họ quan tâm tới đức tin qua trường học hoặc các nhóm bạn hữu của họ và họ có thể cởi mở đối với Công Giáo.”

Hungary trong bối cảnh Âu Châu

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hungary chắc chắn cũng sẽ có ảnh hưởng đối với vị trí của nước này trong bối cảnh Âu Châu và chiến tranh tại Ucraina. Hungary vốn bị dư luận các nước khác trong Liên hiệp Âu Châu coi là nước bảo thủ và họ mạnh mẽ phê bình về điều này. Nhưng lập trường của Hungary cũng được một số nước khác ca ngợi và coi đây là một sự gợi ý cho những nước muốn bảo vệ các truyền thống địa phương của họ và các căn cội Kitô. Ví dụ trong Liên hiệp Âu Châu có 15 nước đã lên án Hungary vì đã ban hành luật cấm dạy lý thuyết về giống, về đồng tính luyến ái ở trường học. Tuy nhiên, chính phủ cánh hữu của nước Ý đã bênh Hungary và không ủng hộ lập trường của 15 nước kia. Phe tả ở Ý tố cáo chính phủ là “theo bè của Orban, thủ tướng Hungary”.

Trước hiện tượng này, Đức Cha Veres kể lại rằng:

“Khi du hành qua các nước Âu Châu, tôi cũng thấy điều này: vì báo chí, truyền thông, nhiều người có xu hướng nhận thức tiêu cực về Hungary. Tôi có nhiều Linh Mục và Giám Mục thân hữu ở vùng nói tiếng Đức, mà tôi đã học chung ở Roma, họ hỏi tôi: ‘Điều gì đang xảy ra ở Hungary vậy?’. Tôi đáp: ‘Hãy đến Hungary mà xem tận mắt’. Khi những người bạn đó đến và thăm tôi, họ nhận thấy có nhiều thông tin sai được phổ biến trên báo chí về Hungary”.

“Về việc Giáo Hội hoặc chính phủ Hungary bị gán cho nhãn hiệu ‘bảo thủ’, đối với tôi, đó là một lời khen ngợi hơn là một sự lăng mạ. Nếu bạn nhìn những điều mà người ta phê bình chúng tôi, những điều cơ bản nhất, như sự kiện chính phủ Hungary từ chối cho giảng dạy ý thức hệ về giống (Gender) tại trường học chẳng hạn, các tín hữu đồng ý về biện pháp này. Vấn đề không phải là xu hướng tính dục nơi cá nhân. Vấn đề là chúng ta, như một xã hội tân tiến, đang tạo ra một môi trường để một ý thức hệ có thể được áp đặt cho trẻ em, tìm cách để thử và ảnh hưởng trên chúng. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa đã tạo nên con người có nam có nữ, và đó là quy luật. Nói khác đi là sai lầm.”

“Về vấn đề di cư, ai nói rằng Hungary không đón tiếp di dân, thì đó là điều không đúng. Nhưng từ năm 2015, chúng tôi từ chối không nhận những người di dân bất hợp pháp vào Hungary. Có đầy người di dân tại Hungary. Đúng vậy, hôm qua tôi đã gặp một đôi vợ chồng di dân từ Syria, họ đang chờ sinh đứa con đầu lòng. Và họ xin tôi giúp tìm một nơi ở. Đặc biệt chính phủ Hungary đang cố gắng giúp đỡ các tín hữu Kitô tại Trung Đông. Từ Ucraina, chúng tôi đã đón tiếp hơn 1 triệu người tị nạn. Phần lớn trong số họ muốn đi nước khác sau đó, nhưng một số lớn khác đang ở lại Hungary và chúng tôi giúp đỡ họ.”

“Đó là những vấn đề bị Liên hiệp Âu Châu và một số nhà chính trị mạnh mẽ phê bình Hungary. Nhưng tôi nghĩ đó là những điều hoàn toàn bình thường và hợp lý như tại đất nước chúng tôi hiện nay.”

Giuse Trần Đức Anh, O.P.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi