Nữ tu Helen Alford, OP (Hình: Robert Duncan/CNS.)
Elise Ann Allen
Hôm 01.04 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm nữ tu Helen Alford, OP người Anh, 59 tuổi, đứng đầu Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội và sẽ chính thức nhận sứ vụ vào ngày 01.05.2023.
Tốt nghiệp tiến sĩ về Kỹ thuật Quản lý, Sơ Alford là chuyên gia quốc tế về Đạo đức Kinh doanh, và là thành viên của hội đồng khoa học của một số tạp chí khoa học. Hiện nay, Sơ là giáo sư chính thức của Khoa Khoa học Xã hội và là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo hoàng Angelicum ở Roma.
Từ năm 2020, Sơ Alford là thành viên thường trực của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội và đã là Cố vấn của Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình.
Dưới đây là phần một của cuộc phỏng vấn Sơ Helen Alford, dành cho trang mạng Crux.
Crux: Sơ thấy vai trò hiện nay của Hàn lâm viện như thế nào?
Sơ Alford: Nếu nhìn vào các quy chế của Hàn lâm viện, chúng ta thấy rằng mục đích của Viện là thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển các ngành khoa học xã hội, ‘thông qua một cuộc đối thoại thích hợp’. Tôi nghĩ rằng hai điều quan trọng này mang lại cho Giáo hội những yếu tố mà Giáo hội có thể sử dụng trong việc phát triển học thuyết xã hội, và sau đó suy tư về việc áp dụng học thuyết vào xã hội đương đại.
Chúng tôi có 2 phương diện đó là hướng nội, và hướng ngoại. Nhìn vào giáo hội, chúng tôi phải làm gì để giúp giáo huấn xã hội hoàn thiện hơn, sinh động hơn. Nói chung, theo hướng này, chúng tôi lắng nghe Đức Thánh Cha Phanxicô và cố gắng bổ sung thêm vào một số ý tưởng tuyệt vời mà ngài đề ra. Đồng thời, nhìn ra bên ngoài, chúng tôi cố gắng xem làm sao để có thể tương tác tốt hơn với các ngành khoa học xã hội, nhờ đó, hai bên có thể tiếp thu những điều hữu ích lẫn nhau. Sau cùng, làm sao để đưa giáo huấn xã hội vào thực tế nhiều hơn. Không chỉ ở cấp độ cá nhân, mà còn trên bình diện lý thuyết.
Đây là một nhiệm vụ lớn. Sơ có ý tưởng hoặc sáng kiến cụ thể nào muốn đưa vào hành động không?
Điều đầu tiên tôi cần làm là lắng nghe. Trước hết, lắng nghe Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi chưa có cơ hội gặp ngài, nhưng bao nhiêu có thể, lắng nghe những gì ngài cho là quan trọng, bởi vì điều đó cũng thực sự quan trọng đối với chúng tôi. Đồng thời, lắng nghe các học giả khác, và cả lắng nghe bất kỳ ai muốn nói điều gì đó với tôi.
Ngoài ra, cũng cần có sự phân định thực sự… chúng tôi phải tìm ra đâu là những điểm cốt lõi, đâu là những biện pháp can thiệp mấu chốt, và làm thế nào chúng tôi có thể là chất xúc tác để mang lại những tiến trình thay đổi mà sau đó sẽ có động lực riêng, có thể ở trong xã hội rộng lớn hơn hoặc trong phạm vi Giáo hội, bằng việc sử dụng hai khía cạnh này.
(Hình: Vatican Media)
Đức Phanxicô có một chương trình nghị sự xã hội rất rõ ràng. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ Latinh, và ngài có những ưu tiên lớn về mặt xã hội. Sơ có nghĩ rằng điều đó làm thay đổi bản chất của Viện Hàn lâm và những gì Viện thực hiện không?
Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội còn khá trẻ so với Hàn lâm viện Khoa học, vốn đã hàng trăm năm tuổi. Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội chỉ mới được thành lập vào năm 1994, vì vậy theo một cách nào đó, tôi nghĩ rằng Viện vẫn đang tự định hình liên quan đến những vấn đề lớn mà chúng ta phải giải quyết.
Tôi muốn nói rằng tất cả các Đức giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II, người đã thành lập Viện, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô, đều đã có những đóng góp thực sự quan trọng. Đức Phanxicô đã có đóng góp của riêng ngài, nhưng tôi nghĩ Đức Gioan Phaolô II thực sự đã mang giáo huấn xã hội đến với giáo hội rộng lớn hơn, và ở một mức độ nào đó… ngài là một học giả thực thụ, nên mọi người thường không thực sự hiểu. Mọi người cần được giúp đỡ để hiểu.
Đức Bênêđictô có một số ý tưởng thực sự hấp dẫn, chẳng hạn như đưa tính vô vị lợi (gratuitousness) vào trong kinh tế. Ngài thách thức nền kinh tế suy nghĩ về những ý tưởng mới. Sau đó, Đức Phanxicô đã mạnh mẽ đưa miền Nam toàn cầu vào cuộc thảo luận và tập trung vào các nhóm bị thiệt thòi nhất, các nhóm bị loại trừ nhất. Đó là những nhóm mà, theo bước Đức Kitô, Chúa chúng ta, bạn cần đặt năng lực của mình vào hơn cả.
Cả 3 vị giáo hoàng đã có những đóng góp thực sự to lớn trong việc xác định căn tính này, điều mà tôi nghĩ vẫn đang trong tiến trình, đang trên đường, đang được xác định, và Đức Phanxicô đã có một đóng góp hết sức quan trọng trong tiến trình này.
Tôi rất vui vì Sơ đề cập đến những đóng góp của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Bênêđictô, vì không phải lúc nào các ngài cũng gắn kết với công bằng xã hội. Liệu Sơ sẽ mô tả sự phát triển của học thuyết xã hội của Giáo hội trong những thập kỷ gần đây, bao gồm cả ba triều đại giáo hoàng vừa qua như thế nào?
Một trong những điều thú vị là bạn thường nghe cụm từ này, ‘Giáo huấn xã hội Công giáo là bí mật được giữ kín nhất của Giáo hội‘. Tôi đã cố gắng tìm hiểu cụm từ này bắt nguồn từ đâu. Tôi có thể sai, nhưng theo như tôi được biết, thì vào năm 1976, cụm từ này đã được sử dụng trong một tài liệu của Trung tâm về vấn đề quan tâm (the Center of Concern) của Dòng Tên ở Hoa Kỳ.
Điều này thực sự thú vị vì Vatican II là một thời điểm khá quan tâm tới giáo huấn xã hội của Giáo hội. Công đồng Vatican II có tài liệu tuyệt vời này là Hiến chế Gaudium et Spes, nhưng cũng có Tuyên ngôn Dignitatis Humanae và Tuyên ngôn Nostra Aetate… là những tài liệu liên quan đến tự do tôn giáo và tầm quan trọng của các tôn giáo khác, và những điều cũng rất quan trọng đối với giáo huấn xã hội. Nhưng, thuật ngữ giáo huấn xã hội hiện nay bị rơi vào khủng hoảng vào thời Công đồng Vatican II… thuật ngữ này bị coi là một loại thuật ngữ trưởng giả và không thực sự liên quan đến các nhóm thực sự cần nó. Vì vậy, thuật ngữ này bị loại bỏ rất nhanh sau đó và 10 sau, chúng ta có cụm từ này, ‘đó là bí mật được giữ kín nhất của Giáo hội Công giáo’.
Một trong những điều cốt yếu mà Đức Gioan Phaolô II đã làm là đưa giáo huấn xã hội Công giáo trở lại chương trình nghị sự để mang lại cho nó một căn tính. Ngài coi giáo huấn xã hội là một phần của thần học luân lý. Khoa Khoa học Xã hội mà tôi đang phụ trách tại Angelicum, được thành lập khi Đức Piô XII đến Angelicum, và ngài cũng làm điều tương tự tại Gregorian. Đức Piô XII đến hai trường đại học này và ngài nói rằng, xin hãy bắt đầu dạy các chủng sinh về những vấn đề xã hội hiện đại. Vì vậy, ở cả 2 trường, các khóa học này khởi sự được bắt đầu trong khoa triết học… Và sau này, Đức Gioan Phaolô II đề nghị đó là một phần của môn thần học luân lý.
Theo tôi, Đức Gioan Phaolô II làm như vậy nhằm nói lên rằng, đó là một phần quan trọng trong giáo huấn của Giáo hội. Không chỉ là điều hữu ích để biết về những vấn đề xã hội trên cơ sở chúng ta có thể dạy đức tin, nhưng nó thực sự là một phần của đức tin, là một phần của lời rao giảng mà Giáo hội cần thực hiện.
Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn chưa thực sự nắm bắt được điều này. Ví dụ, nếu bạn nghĩ về vị trí của giáo huấn xã hội Công giáo trong các chương trình giáo lý, thì đúng là nó thường không có nhiều chỗ đứng, ngay cả trong các chủng viện, nó cũng không lớn lắm. Giáo huấn xã hội thường không được nhìn thấy nhưng tôi nghĩ đó là một phần quan trọng của việc Phúc âm hoá. Đó cũng là về việc sống một đời người tốt đẹp, đối thoại với những người không tin, và giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng đó cũng là về việc loan báo Tin Mừng, cho thấy những gì Tin Mừng đang thực hiện trong xã hội.
Chúng ta nghĩ về những gì nghiệp đoàn Liên đới ở Ba Lan đã làm, cách thức mà tổ chức này thành công trong việc hạ bệ một hệ thống quá bất công. Tất nhiên, là có sự góp phần của những yếu tố khác nữa, nó không phải là yếu tố duy nhất, nhưng là một yếu tố cốt lõi. Đó là sự liên đới ở cấp độ toàn cầu giữa tất cả các bên đang cố gắng cải thiện tình hình. Vì vậy, khi bạn nhìn thấy một điều gì đó giống như thế, nó sẽ thay đổi thế giới. Đó là ân sủng trong hành động, là đời sống của Giáo hội trong hành động.
Sau đó, Đức Bênêđictô đã có những ý tưởng hấp dẫn này. Ngài là người có ý tưởng cuốn hút nhất, và có lẽ cũng là người trừu tượng nhất, và thực, đôi khi những người có lập trường trừu tượng lại có những ý tưởng tuyệt vời. Chính Đức Bênêđictô có ý tưởng về sự vô vị lợi cần phải đi vào nền kinh tế như thế nào. Nhà kinh tế học bình thường thực sự lúng túng chẳng hiểu đó là gì cả. Tôi nghĩ, 15-20 năm sau, với doanh nghiệp xã hội, với một số cách thức mọi thứ đang diễn ra xét về mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta có thể thấy nhiều điều hơn nữa.
Tiếp đến, Đức Phanxicô là người rất quan trọng trong việc làm cho giáo huấn xã hội trở thành một phần cốt lõi trong di sản của Giáo hội. Tôi nhớ khi ngài được bầu chọn làm giáo hoàng, một người ngoài Công giáo mà tôi biết, đã nói là Đức Phanxicô đã cách mạng hóa Giáo hội Công giáo! Nhưng tôi thì nói rằng, tôi không nghĩ là Đức Phanxicô đã cách mạng hóa Giáo hội Công giáo, mà là bạn đang nhìn thấy khuôn mặt của Giáo hội Công giáo mà bạn chưa từng thấy trước đây.
Điều này hết sức quan trọng, ngoài thực tế là Đức Phanxicô đã làm cho hoàn cảnh của những khu vực nghèo hơn trên thế giới trở nên hiện thực hơn, cấp bách hơn rất nhiều. Và cách nói của ngài rất kết nối với mọi người… Theo một cách nào đó, với nhãn quan của tôi về những gì tôi đang làm việc với, tôi nghĩ Đức Phanxicô là người tuyệt vời. Tiếp bước Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô, Đức Phanxicô có thể thêm vào một số điều mà 2 vị tiền nhiệm chưa thể thêm nhưng theo một cách thức rất phù hợp với những gì các vị đã thực hiện.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: cruxnow.com (11.04.2023)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.