Chúa Nhật 3 Mùa Chay A (12.3.2023) – Cơn khát của Thiên Chúa

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 12/3/2023, Đức Thánh Cha suy tư về cơn khát của Thiên Chúa về tình yêu của chúng ta và cơn khát của tha nhân và trái đất. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tái khám phá cơn khát Thiên Chúa của chúng ta và làm dịu cơn khát của tha nhân bằng sự gần gũi và lắng nghe.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, dựa trên bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay năm A, thuật lại việc Chúa Giêsu khát nước và xin người phụ nữ Samaria cho Người nước uống. Đức Thánh Cha giải thích Chúa cũng khát khao tình yêu của chúng ta như thế nào khi Người hứa ban cho chúng ta nước hằng sống, nước sẽ làm cho sự sống vĩnh cửu tràn đầy trong chúng ta.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Chúa Nhật này, Tin Mừng trình bày với chúng ta một trong những cuộc gặp gỡ đẹp đẽ và hấp dẫn nhất của Chúa Giêsu; đó là cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samaria (x. Ga 4,5-42). Chúa Giêsu và các môn đệ của Người dừng lại nghỉ ngơi gần một giếng nước ở Samaria. Một người phụ nữ đến và Chúa Giêsu nói với bà: “Xin cho tôi nước uống” (c. 8). Tôi muốn tập trung cách cụ thể vào câu nói này: Xin cho tôi nước uống.

Sự hạ mình của Thiên Chúa

Cảnh này mô tả Chúa Giêsu khát nước và mệt mỏi. Một phụ nữ Samaria gặp thấy Người vào giờ nóng nhất, giữa trưa, và Người đang xin nước uống như một người hành khất. Đó là hình ảnh về sự hạ mình của Thiên Chúa; nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa hạ mình để cứu độ chúng ta, để đến với chúng ta. Chính qua sự hạ mình của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta; Người khát như chúng ta. Người chịu cùng cơn khát của chúng ta. Nghĩ đến cảnh này, mỗi người chúng ta có thể nói: Lạy Chúa, lạy Thầy, Đấng đang xin con nước uống. Do đó, có phải Người cũng khát như con? Có phải Người cũng có cơn khát của con? Chúa thực sự gần gũi với con, lạy Chúa! Chúa kết nối với sự nghèo khó của con… nhưng con không thể tin được điều này…  Chúa đã nắm lấy con khi con ở dưới thấp, từ nơi thấp nhất của bản thân con, nơi không ai đến với con. Chúa đã đến với con, ở dưới thấp và đã gặp con từ nơi đó, bởi vì Chúa khao khát con (P. MAZZOLARI, La Samaritana, Bologna 2022, 55-56).

Cơn khát tình yêu của chúng ta

Thật vậy, cơn khát của Chúa Giêsu không chỉ là về thể lý. Nó diễn tả cơn khát sâu xa nhất trong cuộc sống của chúng ta và trên hết, đó là cơn khát tình yêu của chúng ta. Còn hơn là một người hành khất, Chúa là một người “khát” tình yêu của chúng ta. Và điều này sẽ xuất hiện trong giờ cao điểm của cuộc khổ nạn, trên thập giá; ở đó, trước khi chết, Chúa Giêsu sẽ nói: “Ta khát” (Ga 19,28), Người đã mang nỗi khát tình yêu đó bước xuống trần gian, hạ mình trở thành một người trong chúng ta.

Chúa Giêsu làm dịu cơn khát của chúng ta bằng tình yêu

Nhưng Đức Chúa, người xin nước uống, chính là Đấng cho uống. Gặp gỡ người phụ nữ Samaria, Chúa nói với bà về nước hằng sống của Chúa Thánh Thần. Và từ thập giá, máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người (x. Ga 19,34). Khát khao tình yêu, Chúa Giêsu làm dịu cơn khát của chúng ta bằng tình yêu. Và Người làm với chúng ta điều Người đã làm với người phụ nữ Samaria – Người đến gặp chúng ta trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, Người chia sẻ cơn khát của chúng ta, Người hứa ban cho chúng ta nước hằng sống, thứ làm cho sự sống vĩnh cửu tràn đầy trong chúng ta.

Xin cho tôi nước uống – một tiếng kêu

Xin cho tôi nước uống. Câu này có một khía cạnh thứ hai. Những lời này không chỉ là một lời yêu cầu của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Samaria, mà còn là một tiếng kêu – đôi khi thầm lặng – gặp gỡ chúng ta mỗi ngày và yêu cầu chúng ta làm dịu cơn khát của người khác. Có bao nhiêu người nói với chúng ta xin cho tôi uống – trong gia đình của chúng ta, tại nơi làm việc, ở những nơi khác mà chúng ta có mặt. Họ khao khát được gần gũi, được chú ý, được lắng nghe. Những người nói điều đó là những người khao khát Lời Chúa và cần tìm một ốc đảo trong Giáo hội nơi họ có thể uống. Xin cho tôi uống là tiếng kêu từ xã hội của chúng ta, nơi mà tốc độ điên cuồng, sự vội vàng tiêu thụ, và nhất là sự thờ ơ, nền văn hoá dửng dưng, tạo ra sự khô khan và trống rỗng nội tâm. Và – chúng ta đừng quên điều này – xin cho tôi uống là tiếng kêu cứu của nhiều anh chị em thiếu nước sinh hoạt, trong khi ngôi nhà chung của chúng ta tiếp tục bị ô nhiễm và biến chất. Cả nó cũng kiệt sức và khô héo, nó “khát”.

Làm dịu cơn khát của tha nhân

Trước những thách đố đó, bài Tin Mừng hôm nay ban nước hằng sống cho mỗi người chúng ta, những người có thể trở nên nguồn suối mát lành cho tha nhân. Và như thế, giống như người phụ nữ Samaria, người đã bỏ vò bên giếng và đi gọi những người trong làng của mình (x. câu 28), chúng ta cũng sẽ không còn chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn cơn khát của chính mình, cả cơn khát vật chất, trí tuệ và văn hoá của chúng ta, nhưng với niềm vui từ việc gặp Chúa, chúng ta sẽ làm dịu cơn khát của người khác, mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của người khác, không như những ông chủ, nhưng như những người phục vụ Lời của Thiên Chúa, Đấng khác chúng ta. Chúng ta sẽ thấu hiểu nỗi khát khao của họ và chia sẻ tình yêu mà Người đã trao cho chúng ta. Tôi nghĩ đến việc đặt câu hỏi, cho tôi và cho anh chị em: Chúng ta có khả năng hiểu cơn khát của người khác không? Cơn khát của dân chúng, của nhiều người trong gia đình, trong khu phố của tôi không? Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có khát Thiên Chúa không? Tôi có muốn nhận ra rằng tôi cần tình yêu của Người như cần nước để sống không? Và rồi, tôi là người đang khát, tôi có quan tâm đến cơn khát của người khác không? Cơn khát tinh thần, cơn khát vật chất?

Xin Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta trên hành trình của chúng ta.

“24 giờ cho Chúa”

Sau khi đọc kinh, Đức Thánh Cha chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài cũng nhắc rằng vào thứ Sáu ngày 17 và thứ Bảy 18/3, toàn Giáo hội sẽ lại cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa”. Ngài nói rằng đây là thời gian dành riêng cho việc cầu nguyện, chầu Thánh Thể và lãnh nhận bí tích Hòa giải.

Đức Thánh Cha cũng cho biết, “Vào chiều thứ Sáu, tôi sẽ đến một giáo xứ Rôma để cử hành việc sám hối. Cách đây một năm, trong bối cảnh này, chúng ta đã cử hành nghi thức trọng thể Thánh Hiến cho Trái Tim vẹn sạch Mẹ Maria, để cầu xin ơn hòa bình. Sự tin tưởng của chúng ta không suy giảm, hy vọng của chúng ta không dao động! Thiên Chúa luôn lắng nghe những lời khẩn cầu của dân Người nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tiếp tục hiệp nhất trong đức tin và tình liên đới với những anh chị em đang đau khổ vì chiến tranh. Đặc biệt, ngài nói: “Xin đừng quên dân tộc Ucraina bị giày xéo!

Hồng Thủy

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi