Logo chuyến viếng thăm Cộng hòa Dân Chủ Congo của Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2023
Giuse Trần Đức Anh, O.P.
Sáng thứ Ba ngày 31/1/2023 Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khởi sự chuyến tông du thứ 40 của ngài tại nước ngoài với hai chặng dừng: trước tiên tại Cộng hòa Dân Chủ Congo cho đến sáng ngày 3/2/2023, và tiếp đó là tại Nam Sudan, cho đến ngày 5/2/2023. Cuộc viếng thăm tuy ngắn ngủi nhưng khẩn trương. Giáo Hội và xã hội tại 2 nước đều nồng nhiệt mong đợi cuộc viếng thăm này của Đức Thánh Cha. Nhưng đâu là những thách đố đang được đề ra cho chuyến đi của ngài?
Cộng hoà dân chủ Congo cũng như Nam Sudan đều phải đương đầu với những xung đột và bạo lực, nhân dân khao khát hòa bình từ lâu. Họ hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ là một tác nhân góp phần quan trọng vào việc bình ổn đất nước của họ.
Công Giáo tại Cộng hòa dân chủ Congo
Giáo Hội tại Congo thuộc vào số những Giáo Hội kỳ cựu nhất tại Phi châu nam Sahara, có từ cuối thế kỷ 15 với cuộc trở lại của nhà vua và hoàng gia nhờ các thừa sai Bồ Đào Nha vào năm 1491. Trải qua bao thăng trầm, ngày nay Giáo Hội tại Cộng hoà dân chủ Congo tiếp tục là một trong những Giáo Hội sinh động nhất ở Phi châu. Số tín hữu tiếp tục gia tăng: trong số gần 106 triệu dân cư tại đây, có 49% là tín hữu Công Giáo, tức là 52 triệu 200 ngàn người thuộc 48 giáo phận do 62 Giám Mục coi sóc, với sự cộng tác của hơn 6.100 linh mục triều và dòng. Có hơn 1.300 tu huynh và 10.500 nữ tu. Số đại chủng sinh là 4.100 thầy. Nhiều linh mục Congo đang phục vụ Giáo Hội tại các nước Phi châu khác, Âu và Mỹ châu theo diện “Fidei Donum”, Hồng ân đức tin.
Một đặc điểm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo Congo là sự dấn thân tích cực của giáo dân, qua nhiều hội đoàn và phong trào giáo dân, họp thành Hội đồng Tông đồ giáo dân. Gần 77 ngàn giáo lý viên hoạt động trong các lãnh vực khác nhau. Trong lãnh vực truyền thông, Giáo Hội Congo có hơn 30 đài phát thanh, nhiều kênh truyền hình giáo phận và sách báo Công Giáo.
Mặt khác, Giáo Hội Công Giáo Congo cũng phải đương đầu với nhiều thách đố: nạn mê tín, phù thủy và ma thuật vẫn còn lan rộng trong cả các cộng đoàn Công Giáo. Ngoài ra, những giáo phái độc lập mệnh danh là Kitô cũng đang lan tràn tại nước này. Thêm vào đó có vấn đề làm sao phòng ngừa người trẻ đừng tham gia vào các băng đảng bạo lực, và các nhóm dân quân nhất là tại miền Đông Congo.
Thảm trạng xung đột tại Đông Congo
Thực vậy, từ gần 30 năm nay, miền Đông Cộng hoà dân chủ Congo sống trong tình trạng khủng hoảng và trong năm qua càng gia tăng cường độ đến độ giai đoạn chót là thành phố Goma, dự kiến trong chuyến viếng hồi tháng 7 năm ngoái của Đức Thánh Cha, đã bị hủy bỏ trong chương trình viếng thăm sắp tới đây, chủ yếu vì lý do an ninh.
Goma ngày nay là biểu tượng một cuộc xung đột nội địa và liên miên, với sự can dự của 120 nhóm võ trang ở tỉnh bắc và nam Kivu, cùng với tỉnh Ituri. Trong số các lực lượng đó, có Lực lượng liên minh dân chủ (Allied Democratic Forces, Adf), một phong trào Hồi giáo gốc Uganda, hoạt động đặc biệt tại vùng Beni-Butembo, và Phong trào M23 được Ruanda láng giềng ủng hộ. Nhóm này chiếm được một vùng rộng bằng nước Bỉ, bao quanh và đe dọa Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu. Giáo phận Goma bị chia làm đôi, vì có 32 giáo xứ thuộc vùng do lực lượng phiến quân M23 chiếm đóng.
Nhóm M23 có tổ chức và vũ trang hùng hậu hơn cả quân đội chính quy Congo và cả lực lượng bảo hòa Monusco của Liên Hiệp Quốc. Hoạt động của nhóm này đã làm gia tăng số thường dân bị thiệt mạng và gần 400 ngàn người phải di tản, theo con số của Liên Hiệp Quốc, không kể con số 5 triệu 600 ngàn người tản cư tại nước này.
Các cuộc tấn công của nhóm M23 đang gây căng thẳng lớn giữa Cộng hòa dân chủ Congo và Ruanda. Quốc gia này bị Congo tố cáo là ủng hộ các phiến quân tại đây, còn Ruanda thì tố cáo Congo trợ giúp Lực lượng dân chủ giải phóng Ruanda, một nhóm phiến quân có căn cứ tại miền bắc Kivu.
Chương trình của Đức Thánh Cha tại Congo
Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh Cha sẽ đến thủ đô Kinshasa chiều ngày 31/1 và sẽ có 11 sinh hoạt diễn ra tại 6 địa điểm. Đặc biệt ngài sẽ cử hành thánh lễ ngày thứ Tư, 1/2 tại phi trường Ndolo với hơn 1 triệu tín hữu. Ban chiều cùng ngày này, tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh, ngài sẽ gặp đại diện của các nạn nhân bạo lực ở miền Đông Congo.
Sáng ngày 2/2, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ Congo tại Sân vận động các vị tử đạo và ban chiều, ngài đến Nhà thờ chính tòa Kinshasa để gặp các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, chủng sinh. Sau cùng sáng ngày 3/2, Đức Thánh Cha sẽ gặp các Giám Mục Congo trước khi lên đường sang thăm Nam Sudan.
Hành hương đại kết tại Nam Sudan
Cuộc viếng thăm tại Nam Sudan được gọi là “Cuộc hành hương đại kết hòa bình nơi đất nước và nhân dân Nam Sudan”, vì có sự tham dự của hai vị thủ lãnh Liên hiệp Anh giáo và Giáo Hội Scotland là 2 Cộng đoàn Kitô có đông tín hữu tại nước này.
Đất nước và Giáo hội tại Nam Sudan
Nam Sudan rộng gấp đôi Việt Nam với hơn 654 ngàn cây số vuông, nhưng dân số chỉ có 13 triệu 800 ngàn người thuộc nhiều bộ tộc khác nhau, trong đó 7 triệu 200 ngàn người là tín hữu Công Giáo, chiếm 52% dân số, và thuộc 7 giáo phận do 10 Giám mục coi sóc, với sự cộng tác của 300 linh mục triều và dòng. Có 35 tu huynh và 218 nữ tu.
Nam Sudan được độc lập năm 2011, nhưng chỉ 2 năm sau thì xảy ra nội chiến. Tính đến năm 2018, là năm có hiệp định đình chiến đầu tiên, đã có khoảng 400 ngàn người chết và hàng triệu người di tản. Ngày nay, hai nhân vật đối thủ vốn cạnh tranh nhau, Salva Kiir Mayardit và Riek Machar đang làm tổng thống và phó tổng thống trong chính phủ thống nhất quốc gia. Dựa trên căn bản “Tuyên ngôn Roma” hồi năm 2020, các cuộc thương thuyết vẫn tiếp tục với những nhóm phiến quân không ký vào hiệp định hòa bình năm 2018. Trong hiệp định này, chính phủ và phiến quân nhìn nhận các vị lãnh đạo Công Giáo, Anh giáo và Tin Lành Trưởng Lão đã không ngừng kêu gọi cho hòa bình, hòa giải và tình huynh đệ.
Viếng thăm
Theo chương trình, khi đến thủ đô Juba chiều thứ Bảy 4/2, Đức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Chúa nhật hôm sau, 3 vị lãnh đạo sẽ gặp riêng các Giám mục, linh mục và các chức sắc thuộc Giáo Hội liên hệ. Ban chiều 3 vị gặp gỡ và lắng nghe những người di tản nội địa, trước khi đến lăng John Garang, vị lập quốc, để cử hành buổi cầu nguyện đại kết vào lúc 6 giờ. Sáng Chúa nhật 5/2, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại khu vực lăng này trước khi lên đường trở về Roma.
Tầm quan trọng về đại kết
Một chuyên gia về Nam Sudan, ông John Ashworth, một thừa sai Công Giáo tại Nam Sudan trong 40 năm, đặc biệt nhấn mạnh đặc tính đại kết trong chuyến đi của Đức Thánh Cha tại Nam Sudan.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức KNA, truyền đi ngày 12/1 vừa qua, ông Ashworth nhận định rằng, nói đúng ra, đây không phải là một cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, nhưng là một cuộc “hành hương” chung với Đức Giáo Chủ liên hiệp Anh giáo Justin Welby và vị thủ lãnh Giáo Hội Trưởng Lão xứ Scotland, Mục Sư Iain Greenshields.
Ông Ashworth cho biết các Giáo Hội Kitô tại Nam Sudan có tinh thần đại kết rất cao. Chuyến đi chung của các vị lãnh đạo của 3 Giáo Hội Kitô không phải chỉ là một biểu tượng. Sự kiện các vị đã cùng nhau hoạt động cho hòa bình tại Nam Sudan từ nhiều năm nay là điều rất có ý nghĩa. Điều bây giờ là chờ xem 3 vị lãnh đạo Kitô có thể khơi lên một sự thay đổi thêm trong tâm hồn giới lãnh đạo chính trị của Nam Sudan trong cuộc viếng thăm sắp tới hay không. “Dầu sao chuyến đi này sẽ là một cuộc viếng thăm quan trọng, đẩy mạnh tình liên đới đối với các Giáo Hội và nhân dân Nam Sudan”.
Mặt khác, trong một bản tin truyền đi hôm 26/1 vừa qua, Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève, Thụy Sĩ, cho biết có sự gia tăng hy vọng, hồi hộp và chờ mong tại Nam Sudan trước cuộc hành hương đại kết của ĐGH và 2 vị thủ lãnh Anh giáo và Tin Lành tại nước này.
Mục sư Thomas Tut Puot Mut, thủ lãnh Giáo Hội Tin Lành trưởng lão Nam Sudan nói rằng: “Dân chúng ý thức về cuộc viếng thăm và họ rất phấn khởi. Họ đã thất vọng vì việc hủy bỏ chuyến viếng thăm của 3 vị lãnh đạo hồi tháng 7 năm ngoái, nhưng nay họ vui mừng và sẵn sàng… Thật là một đặc ân cho Giáo Hội Nam Sudan được đón các vị lãnh đạo sắp tới”.
Mục sư Joseph Alhag Lo Abel thuộc Anh giáo ở thủ đô Juba, nói rằng Giáo Hội và các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương rất lạc quan về kết quả cuộc viếng thăm này vì các vị lãnh đạo thế giới đang đến gặp gỡ nhân dân Nam Sudan tại đất nước của họ. “Khi dân chúng thấy các vị lãnh đạo đến, họ hy vọng rằng đất nước của họ có thể ra khỏi tình trạng chiến tranh hiện nay. Không thể tìm được một giải pháp nếu không có sáng kiến”. Cụ thể Mục sư Lo Abel hy vọng cuộc hòa đàm bế tắc sẽ được mở lại giữa các vị thủ lãnh các phe mà Vatican đã khởi sự. (oikumene.org 26-1-2023)
Nguồn: vaticannews.va/vi
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.