Sáng ngày 14. 01. 2023, Đức Thánh Cha đã dành cho ban giám đốc, linh mục, chủng sinh và nhân viên của Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ ở Roma buổi tiếp kiến tại Hội trường Clementine.
Dưới đây là nội dung bài Diễn từ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Tôi thân ái chào mừng tất cả anh chị em, các linh mục, phó tế, chủng sinh và nhân viên của Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ. Tôi cũng cảm ơn Đức ông Powers, giám đốc Học viện, vì những lời tốt đẹp dành cho tôi. Tôi nhớ lần đến thăm Học viện vào tháng 5. 2015 và cử hành Thánh Lễ trong Nhà Nguyện.
Anh chị em thân mến, thời gian này của anh chị em ở Rôma trùng hợp với tiến trình Hiệp hành mà toàn thể Giáo hội đang thực hiện, một cuộc hành trình gắn liền với việc lắng nghe Chúa Thánh Thần, lắng nghe nhau, đồng thời phân định làm thế nào để giúp Dân Thánh Chúa sống hồng ân hiệp thông và trở thành môn đệ truyền giáo. Đây cũng là thách thức và nhiệm vụ mà anh chị em được kêu gọi đảm nhận khi cùng nhau bước đi trên lộ trình dẫn đến việc thụ phong linh mục và phục vụ mục vụ.
Về vấn đề này, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số suy tư ngắn gọn về ba yếu tố mà tôi cho là thiết yếu đối với việc đào tạo linh mục: Đối thoại, Hiệp thông và Sứ vụ. Chúng ta có thể thấy những yếu tố này trong đoạn Tin Mừng thánh Gioan kể về sự kiện Anrê và một môn đệ khác của Gioan Tẩy Giả đến gặp Đức Giêsu, ở lại với Người một thời gian, và sau đó, dẫn những người khác, cụ thể là Simon Phêrô, đến với Đức Giêsu (x. Ga 1, 35 -42).
Trước hết, Đối thoại. Khi thấy các môn đệ đi theo mình, Đức Giêsu hỏi họ tìm gì. Khi họ hỏi Đức Giêsu về nơi ở, Người mời họ: “Hãy đến mà xem” (c. 38-39). Trong suốt cuộc đời của anh em, và nhất là trong thời gian đào tạo chủng viện này, Thiên Chúa bước vào cuộc đối thoại cá nhân với anh em, hỏi anh em đang tìm kiếm điều gì và mời gọi anh em “Hãy đến mà xem”, để tâm sự với Người bằng cách mở lòng ra, và trao phó bản thân cho Người với niềm tín thác và yêu mến. Làm như vậy bao hàm việc vun đắp mối tương quan hằng ngày với Đức Giêsu, được nuôi dưỡng trên hết bằng việc cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, đồng hành thiêng liêng, và thinh lặng lắng nghe trước Nhà Tạm. Đừng bao giờ quên điều này: lắng nghe trong thinh lặng trước Nhà Tạm. Thật vậy, chính trong những khoảnh khắc của mối tương quan thân mật với Thiên Chúa, chúng ta có thể nghe rõ tiếng của Người và khám phá ra cách phục vụ Người và dân Chúa cách quảng đại và tận tâm.
Thánh Gioan cho biết, hôm đó các môn đệ “ở lại với” Đức Giêsu (c. 39). Đây là yếu tố thiết yếu thứ hai: Hiệp thông. Khi ở lại với Đức Giêsu, các môn đệ bắt đầu học biết, từ lời nói, cử chỉ và cả ánh mắt của Người, những gì thực sự quan trọng đối với Người và những gì Chúa Cha đã sai Người để loan báo. Tương tự như vậy, hành trình đào tạo linh mục đòi hỏi sự hiệp thông liên lỉ: trước hết là với Thiên Chúa, nhưng đồng thời với những người hiệp nhất với nhau trong nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo hội. Trong thời gian ở Rôma, tôi mời gọi anh em hãy để mắt đến mầu nhiệm hiệp nhất của Giáo hội, được biểu lộ trong sự đa dạng hợp pháp nhưng được sống trong sự hiệp nhất của đức tin, và chứng tá ngôn sứ về đức ái mà Giáo hội, cụ thể là ở ngay tại Rôma, thể hiện qua những hành động thiết thực là chia sẻ và giúp đỡ những người túng thiếu. Tôi hy vọng rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp anh em phát triển tình yêu huynh đệ, có khả năng nhìn thấy sự cao quý của người thân cận, thấy mọi người nơi Thiên Chúa, biết chịu đựng những phiền toái của cuộc sống chung (x. Evangelii Gaudium, 92).
Cuối cùng, Sứ vụ. Sau khi ở lại với Đức Giêsu, Anrê đã đi tìm người anh em mình là Simon và đưa Simon đến với Người (x. c. 40-41). Ở đây chúng ta thấy chứng tá được phát sinh từ cuộc đối thoại và hiệp thông với Đức Kitô trở thành sứ mạng như thế nào: các môn đệ, ngay khi được kêu gọi, tiếp tục thu hút người khác bằng chứng tá của mình. Bất cứ khi nào kêu gọi những người nam nữ, Đức Giêsu luôn luôn sai họ đi, để đến với những người dễ bị tổn thương nhất, và những người bên lề xã hội, họ là những người mà chúng ta không chỉ được kêu gọi để phục vụ, mà còn có thể học được nhiều điều từ họ. Con người ngày nay cần chúng ta lắng nghe những vấn nạn, lo lắng, và ước mơ của họ để có thể đồng hành với họ tốt hơn và dẫn họ đến với Thiên Chúa, Đấng thắp lên niềm hy vọng và đổi mới cuộc đời con người. Tôi tin rằng, khi thực hiện những hành vi thương xót về tinh thần và thể xác thông qua những hoạt động tông đồ giáo dục và bác ái mà anh em tham gia, anh em sẽ luôn là dấu chỉ của một Giáo hội biết ra đi và gặp gỡ (x. Evangelii Gaudium, 20), chia sẻ sự hiện diện, lòng trắc ẩn, và tình yêu của Đức Giêsu với người khác.
Anh chị em thân mến: Tôi cầu nguyện xin cho kinh nghiệm học tập của anh chị em ở Rôma và sự đào tạo của anh chị em tại Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ sẽ giúp anh chị em lớn lên trong tình yêu trung thành với Thiên Chúa và khiêm nhường phục vụ tha nhân. Khi phó thác anh chị em cho sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội, Đấng Bảo trợ của Học viện và của đất nước Hoa Kỳ, tôi đảm bảo với anh chị em về lời cầu nguyện của tôi cho anh chị em, cho gia đình, và cho các Giáo hội địa phương của anh chị em. Tôi ưu ái ban phép lành cho tất cả anh chị em và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (14. 01. 2023)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.