Bí tích Thánh Thể là trọng tâm của đời sống Giáo hội, như Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo mô tả, “là bản toát yếu và tổng luận của đức tin” (Số 1327), và như Hiến chế Tín lý về Giáo hội khẳng định, “là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu” (Lumen Gentium, số 11). Do đó, việc Giáo Hội cử hành lễ Corpus Christi, mà chúng ta gọi là lễ Mình Máu Chúa Kitô rất quan trọng và ý nghĩa. Nhưng để dẫn tới việc Phụng vụ mừng ngày lễ trọng này hằng năm như hiện nay, là một tiến trình trải qua nhiều thế kỷ.
Bối cảnh lịch sử
Thánh Juliana of Liege, một nữ tu sống tại tu viện gần Liege, Bỉ, đã dành phần lớn cuộc đời của mình để cổ vũ cho việc thiết lập một ngày lễ dành tôn vinh sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Từ khi 16 tuổi, Juliana đã trải qua một loạt thị kiến, trong đó có cảnh tượng về mặt trăng tròn bị che khuất bởi một đốm đen. Chúa Giêsu đã cho Juliana hiểu ý nghĩa của thị kiến: Mặt trăng biểu thị cho Giáo hội, và khoảng đốm đen tượng trưng sự thiếu vắng một ngày lễ mà Người mong muốn, đó là Bí tích Thánh Thể, ngoài việc được cử hành hằng ngày, cần được chú trọng đặc biệt với ngày lễ riêng.
Trong thời gian đầu, Juliana giữ kín về những thị kiến tuy chị vẫn trung thành dành thời gian cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, và lôi kéo người khác đến với tình yêu của Thánh Thể.
Hai mươi năm sau, Juliana trình bày với Đức cha Robert de Thorete, là giám mục địa phương, về những thị kiến của mình. Mặc dù ý tưởng ban đầu gặp một số do dự, nhưng vào năm 1246, Giám mục Thorete ra lệnh cử hành lễ Mình Máu Chúa Kitô trên toàn giáo phận của mình.
Sau khi Juliana qua đời, năm 1264, Đức Giáo hoàng Urban IV ban hành sắc lệnh Transiturus de hoc mundo thiết lập Lễ Mình Máu Thánh cho toàn thể Giáo hội Latinh. Tuy nhiên ngài qua đời trước khi chỉ thị về ngày lễ được thực hiện. Do đó, phải tới năm 1317 dưới triều đại của Giáo hoàng John XXII ngày lễ này mới được chính thức thêm vào lịch Phụng vụ Giáo hội hoàn vũ.
Ngay từ khi thành lập, Lễ Mình Máu Thánh được ấn định vào Thứ Năm sau Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi, và hiện vẫn tiếp tục được cử hành tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, vào năm 1969 ngay sau Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã cho phép các Hội đồng Giám mục lựa chọn dời ngày lễ này từ Thứ Năm sang Chúa Nhật sau lễ Chúa Ba Ngôi.
Rước kiệu Thánh Thể
Khi thực sự trở nên phổ biến, một trong những khía cạnh phụng vụ chính của lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô là cuộc rước kiệu Mình Thánh.
Rước kiệu vốn là một hình thức cầu nguyện phụng vụ có tầm quan trọng trong Kinh thánh. Trong Cựu ước, đã diễn ra các cuộc rước Hòm Giao ước, và các cuộc hành hương nghi lễ đến các địa điểm thánh thiêng, đặc biệt là Đền thờ ở Giêrusalem. Khi đi rước, người Do Thái ca ngợi Thiên Chúa bằng các bài Thánh vịnh kết hợp với âm nhạc và vũ điệu. Ví dụ, Talmud mô tả các cuộc rước vào 7 ngày của lễ các Đền Tạm, trong đó mọi người sẽ rước các cành dương liễu quanh bàn thờ, hát một câu kinh của Thánh vịnh 118, 25 làm điệp khúc. Trong Tân Ước, đám đông qui tụ ca ngợi trong cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem, mà chúng ta quen gọi là cuộc rước vào Chúa Nhật Lễ Lá.
Về mặt thần học, những cuộc rước cho phép các Kitô hữu tôn vinh Thiên Chúa, làm chứng trước công chúng về đức tin, và nhắc nhở tín hữu là những người hành hương trên hành trình dương thế bước theo Chúa Giêsu trên “Con đường” (một tên gọi ban đầu của Giáo hội).
Thánh Basil (+ 379) ở phương Đông và Thánh Ambrôsiô (+ 397) ở phương Tây cung cấp một số tài liệu tham khảo sớm nhất về các cuộc rước phụng vụ trong Giáo hội Công giáo. Cả 2 vị đều tuyên bố rằng những cuộc rước này đã được thực hiện trong nhiều năm, kèm theo những bài hát mừng.
Dù thế, việc rước kiệu Mình Thánh Chúa công khai chỉ trở nên phổ biến khi người ta nghi ngờ sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Vào thời Trung cổ, những cuộc rước Mình Thánh Chúa được coi là có tầm quan trọng cả trong Giáo hội và xã hội. Các cuộc rước Thánh Thể long trọng liền ngay lễ Mình Máu Thánh Chúa được Công đồng Trentô khuyến khích để nhắc lại niềm tin của Giáo hội về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể.
Trong cuộc rước, giáo dân và giáo sĩ đi theo sau vị giám mục, người mang Mình Thánh trong mặt nhật, thường được che bởi một chiếc lọng, diễu hành qua các đường phố. Các tín hữu quỳ tại vị trí bên ngoài nhà của họ khi đoàn rước đi qua, như một cách tín hữu Công giáo công khai tuyên xưng đức tin và thể hiện việc tin nhận lời Chúa: “Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta vì sự sống thế gian” (Ga 6, 51).
Vào đầu những năm 1300, các cuộc rước Mình Thánh Chúa được kết thúc bằng Phép lành cho dân chúng.
Trong những thập kỷ gần đây, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khôi phục tập tục cuộc rước Mình Thánh của Đức giáo hoàng được tiến hành sau thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateran, để đi tới Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.
Theo Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, các cuộc rước Thánh Thể cho thấy: “Đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy thân xác để trở thành bạn đồng hành của chúng ta, cần phải được rao truyền khắp nơi, đặc biệt là trên đường phố và khu xóm của chúng ta, như một biểu hiện của tình yêu biết ơn và như một nguồn hạnh phúc vô tận” (Mane Nobiscum Domine, số 18). Cũng trong lăng kính này, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nhìn nhận, các cuộc rước Mình Thánh Chúa cho phép chúng ta “hòa mình vào Chúa Kitô trong thói quen hàng ngày của cuộc sống, để Người có thể bước đến nơi chúng ta bước đi, và sống ở nơi chúng ta đang sống”. Còn với Đức giáo hoàng Phanxicô, cuộc rước Thánh Thể trên các đường phố mang lại cho chúng ta, “không chỉ niềm vui khi cử hành mầu nhiệm vinh quang của Bí tích Thánh Thể, mà còn ca tụng, bày tỏ lòng biết ơn vì Chúa Kitô đã nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Mình và Máu Thánh của Người”.
Ngày nay, hầu hết các cuộc rước kiệu Thánh Thể thường kết thúc bằng việc Chầu Mình Thánh.
Chầu Mình Thánh
Trong suốt 300 năm đầu của Kitô giáo, không có các hoạt động Chầu Thánh Thể được tổ chức riêng biệt ngoài các buổi thờ phượng vào Chúa Nhật. Cho đến khoảng năm 313, sau khi chấm dứt giai đoạn bị cấm đạo, việc xây dựng các nhà thờ được tiến hành rộng rãi và Mình Thánh dành riêng cho bệnh nhân thường được lưu giữ trong phòng thánh. Nhiều thế kỷ tiếp theo, Mình Thánh được di dời ra khỏi phòng thánh và được cất giữ ở các vị trí xung quanh và phía trên bàn thờ trong nhà thờ.
Các chuyên gia lịch sử Giáo hội đồng ý rằng việc tôn thờ Thánh Thể dành riêng trong nhà tạm được bắt đầu vào cuối thế kỷ XI hoặc XII. Khi tín hữu cầu nguyện kéo dài 40 giờ trong Tam Nhật Phục sinh. Con số 40 tượng trưng cho thời gian Chúa Giêsu nằm trong mộ.
Sau này, việc trưng bày Mình Thánh Chúa ngoài Thánh Lễ, tức là đem Mình Thánh Chúa từ Nhà tạm và đặt trên bàn thờ trong một thời gian, mà ngày nay chúng ta gọi là Chầu Thánh Thể, phải đến khoảng năm 1600, Giáo hội mới ban hành những hướng dẫn chi tiết để tiến hành.
Khi việc sùng kính kết thúc ở một nhà thờ này, Mình Thánh Chúa được rước đến một nhà thờ khác, và được đặt trên bàn thờ trong 40 giờ cầu nguyện khác. Sau đó Mình Thánh Chúa lại được mang đến nhà thờ tiếp theo, v.v.
Từ những nỗ lực ban đầu này, việc Chầu Thánh Thể đã mở rộng đến các giáo xứ, nhà nguyện và nhà thờ Công giáo trên khắp thế giới.
Thánh ca Thánh Thể
Không lâu trước khi ban hành sắc lệnh năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urban IV đã giao cho Thánh Tôma Aquino, đang là nhà thần học của Giáo hoàng, soạn các bản văn phụng vụ mới cho ngày lễ Mình Thánh Chúa.
Cho đến nay, nhiều bản văn dành cho lễ Mình Máu Thánh do Thánh Tôma Aquino sáng tác, vẫn là những bài thánh ca đóng vai trò thiết yếu và đặc trưng của ngày lễ. Ví dụ, bài Lauda Sion là Bài ca tiếp liên được đọc hoặc hát sau bài đọc thứ hai và trước Alleluia trong Thánh lễ; bài Pange Lingua, thường được hát trong cuộc rước Thánh Thể sau Thánh Lễ Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh, mà hai khổ thơ cuối cùng, có tên là Tantum ergo được hát trong khi Chầu Thánh Thể.
Những vị thánh của Bí tích Thánh Thể
Trong suốt 2.000 năm lịch sử Giáo hội, các tín hữu Công giáo luôn thể hiện lòng yêu mến, tin thờ Chúa Kitô ngự trong Bí tích Thánh Thể. Trong đó, các Thánh luôn là những người có lòng yêu mến Thánh Thể cao độ, và không ít vị hằng tha thiết và nhiệt tâm rao truyền về Bí tích Cực trọng này. Chúng ta có thể kể tên một vài vị Thánh gần gũi với chúng ta ngày nay.
- Thánh Phêrô Julian Eymard
Mặc dù phải ra-vào chủng viện nhiều lần vì sức khỏe kém, nhưng chức linh mục của Thánh Phêrô Julian Eymard đã biểu dương tình yêu và ước muốn mãnh liệt truyền bá lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể. Vượt qua biết bao trở ngại bước đầu, thánh Eymard đã thành lập 2 dòng tu để thực hiện đặc sủng mà ngài được kêu gọi nuôi dưỡng trong Giáo hội: Dòng Thánh Thể cho nam giới, và Dòng Nữ tì Thánh Thể dành cho nữ giới. Ngoài ra, nỗ lực chủ yếu của thánh nhân là tập trung vào việc giúp trẻ em chuẩn bị cho việc Rước lễ lần đầu và khuyến khích những người Công giáo đã sa ngã trở lại với bí tích hoà giải và Thánh thể. Chính điều này đã khiến ngài được biết đến như một Tông đồ của Bí tích Thánh Thể.
- Thánh Clara
Trong các bức hình, người ta thường thấy Thánh Clara đang cầm một mặt nhật hoặc bình đựng Mình Thánh. Điều này gợi nhớ lại thời điểm thánh nhân đặt Thánh Thể ở cửa trước của tu viện để ngăn chặn và đẩy lui sự tấn công nhà dòng của quân đội hoàng đế. Sự khao khát Thánh Thể của Thánh Clara càng mãnh liệt hơn, vì theo thực hành vào thời Trung cổ, tín hữu chỉ có thể được rước Thánh Thể một số ít lần trong năm. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ca ngợi rằng “Cả cuộc đời Thánh Clara là một Bí tích Thánh Thể” do thánh nữ tiếp tục ‘tạ ơn’ Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, ngợi khen, khẩn nài, dâng hiến và hy sinh”
- Thánh giáo hoàng Piô X
Đức Thánh Cha Piô X đã nỗ lực để củng cố đức tin của người Công giáo qua việc đặt ưu tiên giảng dạy giáo lý, cải cách phụng vụ, và một trong những điểm nổi bật là tăng cường lòng nhiệt thành đối với Bí tích Thánh Thể. Ngài nhấn mạnh đến việc rước Thánh Thể đều đặn và sốt sáng, vì “Sự kết hợp với Chúa Kitô được củng cố, đời sống thiêng liêng được duy trì dồi dào hơn, tâm hồn được ban tặng thêm nhiều nhân đức, và lời cam kết về hạnh phúc vĩnh cửu được ban cho người nhận một cách chắc chắn hơn”. Chính thánh nhân bãi bỏ tập quán chỉ những thiếu niên thanh niên mới được rước lễ lần đầu, khi cho trẻ em được phép rước lễ lần đầu sớm hơn, nghĩa là khoảng 7 tuổi, là độ tuổi được xem là có thể dùng lý trí.
- Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Là người nhận thức rất rõ về những hoa trái mà Bí tích Thánh Thể mang lại, Huấn quyền của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phản ánh động lực thúc đẩy việc canh tân Bí tích Thánh Thể trong đời sống Giáo hội, để người Công giáo có thể nhận ra Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và hoạt động của Giáo hội. Ngài mời gọi người Công giáo “Hãy để Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể nói với trái tim chúng ta,” vì “Chính Chúa Giêsu là câu trả lời đích thực của cuộc sống mà chúng ta đang kiếm tìm. Người là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hãy tìm kiếm Người không mệt mỏi, tiếp nhận Người không e ngại, và yêu mến Người không gián đoạn: hôm nay, ngày mai, và mãi mãi!”.
- Thánh Têrêxa Calcutta
Được biết đến với những việc bác ái anh hùng dành cho “những người nghèo nhất trong số những người nghèo,” Mẹ Têrêxa nhìn nhận rằng Mẹ và các nữ tu thuộc Dòng Thừa Sai Bác ái chẳng thể thi hành sứ mệnh của mình nếu không chầu Thánh Thể đều đặn hằng ngày. Với Mẹ, để có thể cống hiến cách trọn vẹn cho những người bị bỏ ra bên lề và túng thiếu nhất, rất cần sức mạnh từ Chúa Kitô nên phải bắt đầu và kết thúc một ngày trong sự tôn thờ Thánh Thể: “Thánh Thể đã đưa chúng tôi đến gần nhau. Chúng tôi yêu thương nhau hơn, nhưng chúng tôi yêu thương người nghèo bằng niềm tin và tình yêu lớn hơn, và sâu sắc hơn”.
- Chân Phước Carlo Acutis
Chân phước Carlo Acutis, dù qua đời khi mới 15 tuổi nhưng đã làm say đắm biết bao người Công giáo kể từ khi được phong chân phước năm 2020. Là người có một tình yêu rất nồng nhiệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, Carlo gọi Thánh Thể là “xa lộ lên thiên đàng của tôi”. Quyết tâm ưu tiên cuộc sống của mình xung quanh Bí tích Thánh Thể, cậu tham dự Thánh lễ mỗi ngày từ khi lên 7 tuổi, và luôn dành thời gian mỗi ngày để chầu Thánh Thể. Quá say mê các phép lạ Thánh Thể qua các thế kỷ, Carlo cố gắng đi thăm viếng và ghi lại các phép lạ Thánh Thể. Hơn nữa, thông qua việc dùng kỹ thuật số như một công cụ tông đồ, Carlo đã thiết kế các trang web nhằm lan tỏa tình yêu của mình đối với Thánh Thể và khuyến khích mọi người cũng làm như thế bởi vì “càng rước lễ chúng ta sẽ càng nên giống Chúa Giêsu hơn”.
***
Khi điểm lại đôi nét về việc cử hành ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, ước mong chúng ta cảm nhận tình yêu sâu thẳm mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta đến độ Người không chỉ trở nên phận người, mà còn trở nên tấm bánh bị bẻ ra, bị nghiền nát để chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Người. Cảm nghiệm được điều này có lẽ chúng ta cũng chỉ biết:
Ngước mặt để:
– tạ ơn Chúa đã ban tặng chúng ta đức tin đủ tinh tế để nhận ra tình thương cao vời của Chúa;
– tạ ơn Chúa đã ban tặng chúng ta món quà tuyệt diệu mỗi ngày là Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã đến để chia sẻ, ở lại, và nâng đỡ phận người của chúng ta;
– tạ ơn Chúa đã gieo vào tâm hồn chúng ra về lòng biết ơn: dù đó là hồng ân sự sống song hành với mất mát, chết chóc, khổ đau; dù đó là những tháng ngày bình an, hạnh phúc, vui tươi xen lẫn sóng gió, chông chênh, bệnh tật…
Cúi đầu để:
– Xin Chúa thêm lòng trông cậy giúp chúng ra nhạy bén nhận ra Chúa đang hiện diện trong mọi biến cố cuộc đời để dám phó thác mọi sự trong tay Chúa;
– Xin Chúa thêm lòng mến giúp chúng ta biết yêu mến Chúa, biết xóa mình trong Chúa, và sống bằng sức sống của Chúa;
– Xin Chúa khơi dậy khát vọng dâng hiến giúp chúng ta vượt thắng những e ngại, tính toán, cân đong đo đếm để bung tỏa niềm vui của chính Chúa cho người khác ngay trong cuộc sống đời thường của chúng ta.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: simplycatholic.com, pillarcatholic.com
và osvnews.com (13. 6. 2022)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.