Trong buổi tiếp kiến dành cho Hội đồng Tư pháp Cấp cao của Ý cùng với gia đình của họ sáng ngày 08/4/2022, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng: những người thi hành công lý phải làm chứng cho chân lý, sự tin tưởng, lòng trung thành và ý định trong sạch: đó là việc phục vụ cho phẩm giá của con người và cho công ích.
Hội đồng Tư pháp Cấp cao của Ý gồm 27 thành viên và có chủ tịch là Tổng thống Ý. Đây là cơ quan tự quản chịu trách nhiệm về việc điều hành ngành tư pháp ở Ý.
Đức Thánh Cha nói với các thành viên của Hội đồng Tư pháp Cấp cao của Ý rằng những người được ủy thác việc thi hành công lý được kêu gọi thực hiện “một sứ mạng cao cả và tinh tế”. Họ cũng được kêu gọi lắng nghe “tiếng kêu của những người không có tiếng nói và những người phải chịu sự bất công.”
Tấm gương của chân phước Rosario Livatino
Đề cao tấm gương của Chân phước Rosario Livatino, Chân phước thẩm phán đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, bị mafia giết hại dã man ở Sicilia vào năm 1990, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Chân phước: “Khi chúng ta chết, sẽ không ai đến hỏi chúng ta rằng: chúng ta đã từng là người tin như thế nào, nhưng là người có thể đáng tin như thế nào”. Ngài nói thêm rằng Chân phước Livatino đã để lại một “chứng tá đáng tin, và cho thấy ý tưởng rõ ràng về một nền tư pháp cần đạt tới.”
Công nhận phẩm giá con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm
Nhắc lại rằng chính ý tưởng về “công lý”, về việc trao cho mỗi người những gì họ đáng có, bắt nguồn từ truyền thống, nhưng Đức Thánh Cha cũng nhận xét: “Trong suốt lịch sử, có những cách khác nhau để cơ quan công lý thiết lập ‘điều đáng được’: tùy theo công lao, theo nhu cầu, theo khả năng, theo tính hữu dụng của nó.” Và “đối với truyền thống Kinh Thánh, điều đáng có là công nhận phẩm giá con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm.”
Cần phải thi hành [công lý] với lòng nhân từ
Nói về khái niệm công lý như nó được thể hiện trong nghệ thuật cổ điển – một phụ nữ bị bịt mắt cầm cán cân – Đức Thánh Cha nhận định rằng: “nó diễn tả cách ngụ ý sự bình đẳng, tỷ lệ công bằng, không thiên vị được yêu cầu trong việc thực thi công lý.” Và ngài nói thêm, “Theo Kinh Thánh cũng cần phải thi hành [công lý] với lòng nhân từ.”
Cải thiện chính mình trước hết
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Không có cuộc cải cách chính trị nào về công lý có thể thay đổi cuộc sống của những người thi hành nó, nếu trước tiên, khi đối diện với lương tâm của mình, họ không chọn ‘cho ai,’ ‘bằng cách nào’ và ‘tại sao’ phải thực thi công lý. Đó là quyết định của lương tâm một người. Đây là điều mà thánh Catarina Siena đã dạy khi nói rằng: để cải cách, trước tiên người ta phải cải thiện chính mình.” (CSR_1518_2022)
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi/
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.