Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ
Sáng thứ bảy 09/10/2021, tại Hội trường Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI với chủ đề “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Tiến trình “hiệp hành” đã được mở ra tại các Giáo hội địa phương, cụ thể là các giáo phận Công giáo trên toàn cầu. Đấng kế vị thánh Phêrô đã nhắc nguyên nghĩa của từ “synod” trong diễn văn nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục ngày 17 tháng 10 năm 2021: “Những gì Chúa yêu cầu chúng ta, theo một nghĩa nào đó, đã nằm trọn trong từ ngữ Synod. ‘Đi cùng với nhau‘ – giáo dân, mục tử, giám mục Rôma – là một khái niệm dễ diễn đạt thành lời, nhưng không dễ áp dụng”.
Đối với Đức Giáo Hoàng, Đức Ki-tô đã xây dựng Hội thánh trên nền tảng các Tông đồ trong đó Phê-rô là đá tảng. Và “như trong một kim tự tháp đảo ngược, đỉnh nằm dưới chân đế”, nghĩa là trong Thân thể của Đức Ki-tô, mỗi người đều có chỗ đứng và nhiệm vụ tương hợp với ơn gọi của họ trước mặt Thiên Chúa, một số chi thể có ơn gọi “khòm lưng” để “phục vụ anh em của mình trên đường đi” đến cứu độ.
Lấy cảm hứng từ sự kiện trên, Ủy ban Thần học Quốc tế đã đưa ra một từ ngữ mới “synodality”, hình thành bởi giới từ σύν (với) và danh từ ὁδός (con đường). Từ ngữ này chỉ ra con đường đi cùng nhau của dân Chúa. Từ những thế kỷ đầu tiên – tài liệu vẫn còn nhắc lại – cụm từ “thượng hội đồng” đã được dùng để chỉ các hội đồng Giáo hội được triệu tập ở các cấp độ khác nhau để phân biệt, dưới ánh sáng của Lời Chúa, các câu hỏi về giáo lý, phụng vụ, giáo luật và mục vụ. Thuật ngữ synodality chỉ ra “phương thức cụ thể của Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, thể hiện và thực hiện cụ thể sự hiệp thông của mình bằng cách bước đi cùng nhau, tụ họp và tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình” và Giáo hội Việt Nam đã chuyển dịch thành từ hiệp hành, bao hàm ý nghĩa mời gọi tất cả thành viên của Giáo hội Việt Nam cùng tham gia cầu nguyện, suy nghĩ và đóng góp ý tưởng dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho Synod 2021-2023.
Vì Lời Chúa là linh hồn của toàn bộ hoạt động của Giáo hội, tài liệu Synodality in the life and mission of the Church của Ủy ban Thần học Quốc tế (the International Theological Commission) đã trình bày nền tảng Kinh thánh Cựu ước cũng như Tân ước trong các số 12-23. Ở đây, tuy không trưng dẫn các phân tích của tài liệu, nhưng chúng ta chú ý đến một trong những bản văn quan trọng, đối với Ủy ban, là khuôn mẫu của Hội thánh hiệp hành, đó là: Tường thuật Công đồng tại Giê-ru-sa-lem trong Cv 15,1-35.
Cụ thể, trong số 19 của tài liệu, Ủy ban Thần học lưu ý đến sự hiện diện thường hằng của Thánh thần trong tất cả hoạt động của Hội thánh, đặc biệt là sứ vụ loan báo Tin mừng cho muôn dân qua hình ảnh các dân tộc không phải là Ít-ra-en. Các môn đệ của Chúa Giê-su, mỗi người một ơn gọi với những chức năng đa dạng, nhưng tất cả có trách nhiệm lắng nghe Thần khí và nhận thức rõ con đường phải đi, công việc phải làm (Cv 6,1-6; 10,1-48, xem Cv 5,19-21; 8,26. 29. 39; 12,6-17; 13.1-3; 16,6-7. 9-10; 20,22).
Một cách đặc biệt, từ số 20-23, tài liệu này đề cập đến Công đồng đầu tiên của Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem, được trình bày trong chương 15 của sách Công vụ, cũng như trong thư gửi tín hữu Ga-lát của Phao-lô (Gl 2,1-10), xem ngôn ngữ và cách thức của Hội thánh vào thời gian đó như “mô thức” (paradigm) cho Thượng hội đồng của Hội thánh chúng ta hiện nay. Trình thuật Cv 15,1-35 tuy ngắn gọn nhưng rất súc tích đủ để biểu đạt con đường “hiệp hành” của Hội thánh, dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần Thiên Chúa.
- Công vụ 15,1-35: Bản văn tiếng Hy-lạp và bản dịch Việt ngữ
BGT Nestle-Aland 28th edition | Chuyển dịch sang tiếng Việt bởi người viết |
1 Κaί tινeς κateλθόνteς ἀpὸ
tῆς Ἰουdaίaς ἐdίdasκον tοὺς ἀdeλfοὺς ὅtι, ἐὰν µὴ peριtµηθῆte tῷ ἔθeι tῷ Μωϋsέως, οὐ dύνasθe sωθῆνaι. |
1Có những người đến từ miền Giu- đê dạy anh em rằng: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ.” |
2 γενομένης δὲ στάσεως καὶ
ζητήσεως οὐκ ὀλίγης τῷ Παύλῳ καὶ τῷ Βαρναβᾷ πρὸς αὐτούς, ἔταξαν ἀναβαίνειν Παῦλον καὶ Βαρναβᾶν καί τινας ἄλλους ἐξ αὐτῶν πρὸς τοὺς ἀποστόλους καὶ πρεσβυτέρους εἰς Ἰερουσαλὴμ περὶ τοῦ ζητήματος τούτου. |
2 Đã xảy ra phản kháng và tranh luận không nhỏ giữa Phao-lô và Ba- na-ba với họ. Người ta bèn quyết định gửi Phao-lô, Ba-na-ba cùng một vài người khác lên gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, đề cập vấn đề đang tranh luận này. |
3 Οἱ μὲν οὖν προπεμφθέντες
ὑπὸ τῆς ἐκκλησίας διήρχοντο τήν τε Φοινίκην καὶ Σαμάρειαν ἐκδιηγούμενοι τὴν ἐπιστροφὴν τῶν ἐθνῶν καὶ ἐποίουν χαρὰν μεγάλην πᾶσιν τοῖς ἀδελφοῖς. |
3Hội Thánh đã đưa tiễn các ông. Khi ngang qua miền Phê-ni-xi và miền Sa-ma-ri, các ông tường thuật việc dân ngoại trở lại, và tạo niềm vui lớn cho tất cả các anh em. |
4 παραγενόμενοι δὲ εἰς
Ἰερουσαλὴμ παρεδέχθησαν ἀπὸ τῆς ἐκκλησίας καὶ τῶν ἀποστόλων καὶ τῶν πρεσβυτέρων, ἀνήγγειλάν τε ὅσα ὁ θεὸς ἐποίησεν μετ᾽ αὐτῶν. |
4 Tới Giê-ru-sa-lem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông tường thuật lại tất cả những gì Thiên Chúa đã làm với các ông. |
5 Ἐξανέστησαν δέ τινες τῶν ἀπὸ
τῆς αἱρέσεως τῶν Φαρισαίων πεπιστευκότες λέγοντες ὅτι δεῖ περιτέμνειν αὐτοὺς παραγγέλλειν τε τηρεῖν τὸν νόμον Μωϋσέως. |
5 Và có những người Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu, đứng lên nói rằng: “Phải cắt bì cho họ và chỉ thị họ tuân giữ luật Mô-sê.” |
6 Συνήχθησάν τε οἱ ἀπόστολοι
καὶ οἱ πρεσβύτεροι ἰδεῖν περὶ τοῦ λόγου τούτου. |
6 Các Tông Đồ và các kỳ mục đã hội họp với nhau để xem xét việc này. |
7 Πολλῆς δὲ ζητήσεως γενομένης
ἀναστὰς Πέτρος εἶπεν πρὸς αὐτούς· ἄνδρες ἀδελφοί, ὑμεῖς ἐπίστασθε ὅτι ἀφ᾽ ἡμερῶν ἀρχαίων ἐν ὑμῖν ἐξελέξατο ὁ θεὸς διὰ τοῦ στόματός μου ἀκοῦσαι τὰ ἔθνη τὸν λόγον τοῦ εὐαγγελίου καὶ πιστεῦσαι. |
7 Sau một cuộc tranh luận lớn, Phê-rô đứng lên nói với họ: “Hỡi các người anh em, anh em biết: ngay từ ngày xưa, giữa anh em Thiên Chúa đã chọn tôi để làm cho các dân ngoại nghe lời Tin Mừng và tin theo. |
8 αὶ ὁ καρδιογνώστης θεὸς
ἐμαρτύρησεν αὐτοῖς δοὺς τὸ πνεῦμα τὸ ἅγιον καθὼς καὶ ἡμῖν |
8 Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can, đã đoan chứng, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. |
9 καὶ οὐθὲν διέκρινεν μεταξὺ
ἡμῶν τε καὶ αὐτῶν τῇ πίστει καθαρίσας τὰς καρδίας αὐτῶν. |
9 Và không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, Người đã thanh tẩy lòng họ bởi đức tin. |
10 νῦν οὖν τί πειράζετε τὸν θεὸν
ἐπιθεῖναι ζυγὸν ἐπὶ τὸν τράχηλον τῶν μαθητῶν ὃν οὔτε οἱ πατέρες ἡμῶν οὔτε ἡμεῖς ἰσχύσαμεν βαστάσαι; |
10 Vậy bây giờ, tại sao anh em thử thách Thiên Chúa, để quàng lên cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi? |
11 ἀλλὰ διὰ τῆς χάριτος τοῦ
κυρίου Ἰησοῦ πιστεύομεν σωθῆναι καθ᾽ ὃν τρόπον κἀκεῖνοι. |
11 Vả lại, bởi ân sủng của Chúa Giê- su mà chúng ta tin được cứu độ, cùng một cách như họ.” |
12 Ἐσίγησεν δὲ πᾶν τὸ πλῆθος
καὶ ἤκουον Βαρναβᾶ καὶ Παύλου ἐξηγουμένων ὅσα ἐποίησεν ὁ θεὸς σημεῖα καὶ τέρατα ἐν τοῖς ἔθνεσιν δι᾽ αὐτῶν. |
12 Thế thì tất cả hội đồng im lặng. Họ lắng nghe Ba-na-ba và Phao-lô thuật lại tất cả những gì Thiên Chúa đã làm với các dấu chỉ và điều kỳ diệu nơi các dân ngoại qua họ. |
13 Μετὰ δὲ τὸ σιγῆσαι αὐτοὺς
ἀπεκρίθη Ἰάκωβος λέγων· ἄνδρες ἀδελφοί, ἀκούσατέ μου. |
13 Sau khi hai ông đã dứt lời, Gia- cô-bê đáp lời và nói: “Hỡi các người anh em, xin lắng nghe tôi: |
14 Συμεὼν ἐξηγήσατο καθὼς
πρῶτον ὁ θεὸς ἐπεσκέψατο λαβεῖν ἐξ ἐθνῶν λαὸν τῷ ὀνόματι αὐτοῦ. |
14 Si-môn đã trình bày làm sao ngay từ đầu, Thiên Chúa đã viếng thăm đón nhận giữa các dân ngoại một dân tộc mang danh Người. |
15 καὶ τούτῳ συμφωνοῦσιν οἱ
λόγοι τῶν προφητῶν καθὼς γέγραπται· |
15 Và đối với điều này, lời các ngôn sứ cũng phù hợp, như đã viết: |
16 μετὰ ταῦτα ἀναστρέψω καὶ
ἀνοικοδομήσω τὴν σκηνὴν Δαυὶδ τὴν πεπτωκυῖαν καὶ τὰ κατεσκαμμένα αὐτῆς ἀνοικοδομήσω καὶ ἀνορθώσω αὐτήν, |
16 Sau đó, Ta sẽ trở lại, và sẽ dựng lại lều Đa-vít đã sụp đổ; và những gì hoang tàn sụp đổ từ đó, Ta sẽ xây lại, và Ta sẽ dựng lại. |
17 μετὰ ταῦτα ἀναστρέψω καὶ
ἀνοικοδομήσω τὴν σκηνὴν Δαυὶδ τὴν πεπτωκυῖαν καὶ τὰ κατεσκαμμένα αὐτῆς ἀνοικοδομήσω καὶ ἀνορθώσω αὐτήν, |
17 Để mà số người còn lại của những con người và tất cả các dân ngoại với tất cả các dân tộc mang danh Ta tìm kiếm Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đấng đã làm các điều đó, |
18 γνωστὰ ἀπ᾽ αἰῶνος. | 18 tự muôn đời, đã nói. |
19 διὸ ἐγὼ κρίνω μὴ
παρενοχλεῖν τοῖς ἀπὸ τῶν ἐθνῶν ἐπιστρέφουσιν ἐπὶ τὸν θεόν, |
19“Chính vì thế, phần tôi, tôi quyết định không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa, |
20 ἀλλ᾽ ἐπιστεῖλαι αὐτοῖς τοῦ
ἀπέχεσθαι τῶν ἀλισγημάτων τῶν εἰδώλων καὶ τῆς πορνείας καὶ τοῦ πνικτοῦ καὶ τοῦ αἵματος. |
20 nhưng viết thư yêu cầu họ kiêng những thức ăn ô uế dành cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt không cắt tiết và kiêng ăn tiết. |
21 Μωϋσῆς γὰρ ἐκ γενεῶν
ἀρχαίων κατὰ πόλιν τοὺς κηρύσσοντας αὐτὸν ἔχει ἐν ταῖς συναγωγαῖς κατὰ πᾶν σάββατον ἀναγινωσκόμενος. |
21 Thật vậy, từ thời các thế hệ cổ xưa, trong mỗi thành đều có những người rao giảng Mô-sê (luật Mô- sê): được đọc trong các hội đường mỗi ngày sa-bát.” |
22 Τότε ἔδοξεν τοῖς ἀποστόλοις
καὶ τοῖς πρεσβυτέροις σὺν ὅλῃ τῇ ἐκκλησίᾳ ἐκλεξαμένους ἄνδρας ἐξ αὐτῶν πέμψαι εἰς Ἀντιόχειαν σὺν τῷ Παύλῳ καὶ Βαρναβᾷ, Ἰούδαν τὸν καλούμενον Βαρσαββᾶν καὶ Σιλᾶν, ἄνδρας ἡγουμένους ἐν τοῖς ἀδελφοῖς, |
22 Thế thì các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người giữa họ, để gửi đi An-ti-ô-khi-a với Phao- lô và Ba-na-ba. Đó là ông Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba, và ông Xi-la, là những người có uy tín trong các anh em, |
23 γράψαντες διὰ χειρὸς
αὐτῶν· Οἱ ἀπόστολοι καὶ οἱ πρεσβύτεροι ἀδελφοὶ τοῖς κατὰ τὴν Ἀντιόχειαν καὶ Συρίαν καὶ Κιλικίαν ἀδελφοῖς τοῖς ἐξ ἐθνῶν χαίρειν. |
23 đã viết bức thư mang đến bởi họ: “Tông Đồ và kỳ mục, những người anh em gửi lời chào các anh em gốc dân ngoại tại An-ti-ô-khi-a, Xy- ri và Ki-li-ki-a. |
24 Ἐπειδὴ ἠκούσαμεν ὅτι τινὲς
ἐξ ἡμῶν [ἐξελθόντες] ἐτάραξαν ὑμᾶς λόγοις ἀνασκευάζοντες τὰς ψυχὰς ὑμῶν οἷς οὐ διεστειλάμεθα, |
24 Vì chúng tôi biết rằng có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi ủy nhiệm, đến gây phiền não nơi anh em bằng những lời làm anh em xáo trộn tâm hồn, |
25 ἔδοξεν ἡμῖν γενομένοις
ὁμοθυμαδὸν ἐκλεξαμένοις ἄνδρας πέμψαι πρὸς ὑμᾶς σὺν τοῖς ἀγαπητοῖς ἡμῶν Βαρναβᾷ καὶ Παύλῳ, |
25 chúng tôi đã đồng thuận chọn một số người gửi họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng ta là Ba-na-ba và Phao-lô, |
26 ἀνθρώποις παραδεδωκόσιν τὰς
ψυχὰς αὐτῶν ὑπὲρ τοῦ ὀνόματος τοῦ κυρίου ἡμῶν Ἰησοῦ Χριστοῦ. |
26 những người đã giao phó cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. |
27 ἀπεστάλκαμεν οὖν Ἰούδαν
καὶ Σιλᾶν καὶ αὐτοὺς διὰ λόγου ἀπαγγέλλοντας τὰ αὐτά. |
22 Vậy chúng tôi gửi Giu-đa và Xi- la đến trình bày bằng chính miệng họ những điều ấy: |
28 ἔδοξεν γὰρ τῷ πνεύματι τῷ
ἁγίῳ καὶ ἡμῖν μηδὲν πλέον ἐπιτίθεσθαι ὑμῖν βάρος πλὴν τούτων τῶν ἐπάναγκες, |
28 quả thật, chắc hẳn Thánh Thần và chính chúng tôi đã quyết định không áp đặt cho anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: |
29 ἀπέχεσθαι εἰδωλοθύτων
καὶ αἵματος καὶ πνικτῶν καὶ πορνείας, ἐξ ὧν διατηροῦντες ἑαυτοὺς εὖ πράξετε. Ἔρρωσθε. |
29 là kiêng thịt cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt động vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Giữ gìn tránh các điều đó là làm tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.” |
30 Οἱ μὲν οὖν ἀπολυθέντες
κατῆλθον εἰς Ἀντιόχειαν, καὶ συναγαγόντες τὸ πλῆθος ἐπέδωκαν τὴν ἐπιστολήν. |
30 Thế thì sau khi được tiễn chân, các đại biểu xuống An-ti-ô-khi-a, triệu tập cộng đoàn lại và trao bức thư. |
31 ἀναγνόντες δὲ ἐχάρησαν ἐπὶ τῇ
παρακλήσει. |
31 Đọc thư xong, họ vui mừng vì sự an ủi đó. |
32 Ἰούδας τε καὶ Σιλᾶς καὶ
αὐτοὶ προφῆται ὄντες διὰ λόγου πολλοῦ παρεκάλεσαν τοὺς ἀδελφοὺς καὶ ἐπεστήριξαν, |
32 Giu-đa và Xi-la, chính họ là ngôn sứ, đã an ủi và củng cố anh em với nhiều diễn văn. |
33 ποιήσαντες δὲ χρόνον
ἀπελύθησαν μετ᾽ εἰρήνης ἀπὸ τῶν ἀδελφῶν πρὸς τοὺς ἀποστείλαντας αὐτούς. |
33 Sau một thời gian, họ được các anh em tiễn chân trở về bình an với những người đã gửi họ. |
34 Παῦλος δὲ καὶ Βαρναβᾶς
διέτριβον ἐν Ἀντιοχείᾳ διδάσκοντες καὶ εὐαγγελιζόμενοι μετὰ καὶ ἑτέρων πολλῶν τὸν λόγον τοῦ κυρίου. |
34 Còn Phao-lô và Ba-na-ba ở lại
An-ti-ô-khi-a giảng dạy và loan báo Tin Mừng, Lời của Chúa, với nhiều người khác. |
- Cấu trúc và chức năng của Cv 15,1-35
Cấu trúc của bản văn dựa trên nơi chốn, nhân vật và các tình tiết khác nhau xuất hiện trong trình thuật. Câu chuyện đi từ An-ti-ô-khi-a đến Giê-ru-sa-lem, sau đó lại trở về An-ti-ô-khi-a. Các nhân vật rất phong phú và đa dạng: có những nhân vật phát biểu trực tiếp trong trình thuật và những người khác được nhắc đến, hoặc hàm ý tham gia vào vấn đề một cách sinh động. Đặc biệt, Ba Ngôi Thiên Chúa lần lượt được nhắc đến như những tác nhân chính của câu chuyện. Như thế, cấu trúc trình thuật có dạng thức như sau:
– 15,1-3: Vấn đề và tranh luận tại An-ti-ô-khi-a
+15,1-2a: Cắt bì và cứu độ
+15,2b-3: Hướng giải quyết với những dấu chỉ tích cực
– 15,4-29: Đón tiếp, hội họp và thảo luận tại Giê-ru-sa-lem
+ 15,4: Giê-ru-sa-lem, đón tiếp và chia sẻ, dấu chỉ hiệp thông
+ 15,5-6: Khởi đầu Công nghị hiệp hành (Công đồng đầu tiên của Hội thánh)
+ 15,7-11: Diễn từ của Phê-rô
+ 15,12: Chứng từ của Phao-lô và Ba-na-ba
+ 15,13-21: Diễn từ của Gia-cô-bê
– 15,22-32: Hiệp hành trong dân Chúa
– 15,33-35: Sứ mệnh rộng mở
Các nhà nghiên cứu Kinh thánh đương đại đồng thuận rằng trình thuật Công đồng Tông đồ Giê-ru-sa-lem là giai đoạn trọng yếu bao quanh tâm điểm thông điệp của Luca.
Trước khi trực tiếp đi đến trình thuật của chương 15, Cv 14,27- 28 một lần nữa khẳng định cộng đoàn Ki-tô hữu tại An-ti-ô-khi-a là Giáo hội tiên khởi, nơi đó chính Thiên Chúa đã mở cửa cho “các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14,27).
Gia-cô-bê, người đã can thiệp trong trình thuật của chương 15, được nhắc đến lần đầu tiên trong Cv 12,17 chỉ đảm nhiệm cùng các kỳ mục (Cv 11,30) cộng đoàn Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem (Cv 21,17-26).
Trình thuật Cv 15,1-35 đã đóng lại phần đầu sách Công vụ và mở ra con đường rao giảng Tin mừng cho dân ngoại của Phao-lô, đặc biệt cho thế giới Tây phương (Cv 16-18). Thật vậy, sau Công Đồng Giê-ru-sa-lem (Cv 15,36), chia tay với Ba-na-ba vì Gioan Mác-cô, Phao-lô cũng được Giáo hội tín nhiệm sai đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại cùng với Xi-la. Hành trình truyền giáo lần này kéo dài tới ba năm (15,36 – 18,22).
Cấu trúc của Cv 15,1-35 tuy ngắn gọn và đơn giản nhưng đủ để diễn đạt một mặt thực tại đức tin của các Ki-tô hữu có nguồn gốc văn hóa và tôn giáo khác nhau, mặt khác đã thành công thể hiện tính “hiệp hành”dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần.
- Diễn tiến tường thuật về Cv 15,1-35
- “Hiệp hành” bắt đầu với cộng đoàn Giáo Hội địa phương (15,1-4)
Câu chuyện bắt đầu bằng một tình tiết xứng đáng để tranh luận: vấn đề cắt bì (15,1-2a). Những người đến từ Giu-đê, được xác định là những tín hữu “Pha-ri-sêu” (15,5) đã nêu lên vấn đề quan trọng của đức tin, cắt bì liên quan đến sự cứu độ (15,1). Đối với dân Ít-ra- en, cắt bì không phải là một nghi thức gia nhập vào tôn giáo, nhưng là dấu chỉ căn tính của dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Nghi thức cắt bì là bí tích giao ước (St 17,11-14). Thiên Chúa đã tuyên bố rõ ràng mối liên hệ giữa phép cắt bì và giao ước, bất kỳ vi phạm nào về điều này sẽ bị xét xử, chẳng hạn, ngay cả Mô-sê cũng đã từng bị Thiên Chúa lên án, và con của ông đã được Thiên Chúa tha chết sau khi chịu cắt bì (Xh 4,23-26). Hơn nữa, tổ tiên của những người Pha-ri-sêu đã hy sinh tính mạng của mình để tranh đấu bảo vệ lề luật (1 Mcb 1,41-64).
Như thế, vấn đề nêu lên, không chỉ liên quan đến sự khác biệt văn hóa và tập quán, nhưng chính là đức tin và căn tính của các Ki-tô hữu. Ở đây, câu chuyện đi vào chiều sâu: Ai là Đấng cứu độ? Không phải là chính Đức Ki-tô sao?
Yếu tố đầu tiên của tính hiệp hành trong Giáo Hội tiên khởi là các Ki-tô hữu gốc dân ngoại tham gia tranh luận vấn đề đức tin và căn tính của Ki-tô hữu. Hai nhân vật đại diện cho họ, chính là Phao- lô và Ba-na-ba (15,2b). Ở An-ti-ô-khi-a, lúc đó đã xuất hiện cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên gồm cả dân ngoại và các tín hữu gốc Do thái (Cv 11,19-30).
Thật vậy, trong Cv 10,1-48, chính Phê-rô là người đầu tiên vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, mở lòng mình để đi đến nhà Co-nê- li-ô (Cv 10,9-16) và kết quả là Phê-rô cùng với những tín hữu thuộc giới cắt bì đã chứng kiến tác động của Chúa Thánh Thần trên cả dân ngoại (Cv 10,44-47).
Trong chương 13 và 14, được Thánh Thần sai đi (Cv 13,2. 4.), Phao-lô và Ba-na-ba đã thành công đem Tin mừng đến cho dân ngoại, đặc biệt tác giả cho thấy bước ngoặt đầu tiên qua thái độ ghen tị tiêu cực của người Do thái trước sự đón nhận Tin mừng của dân ngoại (Cv 13,44-45): “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13,46b).
Những cuộc tranh luận sôi nổi dẫn đến một quyết định rất khôn ngoan, một quyết định mang tính Giáo hội hiệp hành, dấu chỉ của tác động Thánh Thần Thiên Chúa nơi mỗi Ki-tô hữu tự do và trách nhiệm: Phao-lô và Ba-na-ba được Giáo hội gởi đi gặp các Tông đồ và các kỳ mục ở Giê-ru-sa-lem, thành thánh của Dân Thiên Chúa. Một lần nữa, không phải Phao-lô và Ba-na-ba, cho dù họ là những người có tên tuổi, tự ý lên đường, nhưng thẩm quyền quy về Hội thánh, một Hội thánh yêu thương và nối kết, có trách nhiệm, dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần: “Hội Thánh đã đưa tiễn các ông” (15,3a). Một chi tiết khác cũng nói lên sự hiệp thông giữa các Ki-tô hữu, tuy không tham gia trực tiếp vào tranh luận, nhưng họ đồng thuận với chia sẻ bởi Phao-lô và Ba-na-ba trong niềm vui: dân ngoại trở lại ai cũng biết đó chính là kết quả hoạt động của Thánh Thần (Cv 2,1-11).
- Hiệp hành Công đồng: 15,5-29
Nhiều sử gia Kinh thánh xem những gì xảy ra ở An-ti-ô-khi-a như cuộc chạm trán giữa Phê-rô và Phao-lô khoảng giữa thế kỷ thứ I và nguồn chính của xung đột Giáo Hội được Phao-lô diễn đạt trong thư gởi tín hữu Ga-lát (Gl 2,1-21). Với cái nhìn lịch sử, họ cho rằng kể từ quan điểm của Ferdinand Christian Baur, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về sự xung đột giữa các lãnh đạo Ki-tô giáo tiên khởi; ví dụ James D. G. Dunn cho rằng Phê-rô là “cầu nối” giữa các quan điểm đối lập giữa Phao-lô và Gia-cô-bê và theo họ, kết quả cuối cùng của xung đột vẫn chưa được giải quyết, dẫn đến nhiều quan điểm Ki-tô giáo về Giao ước cho đến tận ngày nay.
Tác giả sách Công vụ, hay đúng hơn là chính Lời Thiên Chúa, cho chúng ta một cái nhìn thần học và đức tin về tính “hiệp hành” của Hội thánh.
Phái đoàn Ki-tô hữu, đại diện là Phao-lô và Ba-na-ba được Hội thánh đón tiếp tại Giê-ru-sa-lem (15,4). Từ ἐκκλησία được sử dụng như chủ từ chính diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa: không phải cộng đoàn Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem đón tiếp Phao-lô và Ba-na-ba, nhưng chính Hội thánh. Sau đó, các Tông đồ và kỳ mục được xem như các đại diện của Hội thánh. Họ đã chào đón các đại diện của cộng đoàn Ki-tô hữu An-ti-ô-khi-a với tất cả những biểu hiện có thể có của tình anh em.
Hội thánh “hiệp hành” được thể hiện qua sự chia sẻ trong tình gia đình: Phao-lô và Ba-na-ba trình bày những điều Thiên Chúa đã thực hiện. Chúng ta hiểu rằng các đại diện của Giáo hội An-ti-ô- khi-a tường trình cho các anh em của mình nghe về thành quả của họ trong dân ngoại, không phải những gì họ đã làm, mà là những gì Thiên Chúa đã làm với họ (xem Cv 14,27).
Yếu tố đầu tiên và quan trọng của Công đồng, không phải là thái độ phản kháng đối lập, nhưng là sự chào đón trong tình gia đình, đánh dấu và mở màn cho các cuộc tranh luận phải có (15,5-6). Chủ đề cắt bì đương nhiên phải được nêu lên, nhưng cách đặt vấn đề đã thay đổi: tại Công đồng, danh xưng của các đại diện đã được xác định rõ ràng, những người Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu (15,5), và trong nội dung của phát biểu, biểu đạt οὐ δύνασθε σωθῆναι, liên quan đến cứu độ đã biến mất. Như thế, nội dung tranh luận đã chuyển hướng:
✔ Một mặt, có những người Pha-ri-sêu ôn hòa không phản ứng quá khích với các Ki-tô hữu (Cv 5,34-39) và những người tin vào Đức Ki-tô như Phao-lô hay các Tông đồ của Chúa Giê-su, dù họ không thể từ chối việc cắt bì và sự trung thành với lề luật Mô-sê.
✔ Mặt khác, họ có thể áp đặt lề luật Mô-sê cho những Ki-tô hữu gốc dân ngoại được không? Chúng ta có thể dễ dàng hiểu rằng việc tuân giữ lề luật Mô-sê của các Ki-tô hữu gốc Do thái và đặc biệt là vấn đề cắt bì, một tập tục bị cấm đối với những người không phải là người Do thái trong xã hội La Mã vì bị coi như hủy hoại thân thể, đã trở thành một câu hỏi hóc búa.
Cấu trúc của Cv 15 cho phép minh chứng tính “hiệp hành” mạnh mẽ và năng động của Hội thánh qua hai diễn văn được trình bày song song của Phê-rô và của Gia-cô-bê (15,7b-11 và 15,13b-21). Trong khi đó, chỉ cần một câu đủ để nói lên tất cả những gì Thiên Chúa đã làm thông qua tường trình của Phao-lô và Ba-na-ba (15,12). Hai mục tử, Phê-rô với tư cách là vị chủ chăn đứng đầu hàng ngũ Tông đồ và một vị khác, Gia-cô-bê người anh em của Chúa theo lời của Phao-lô (Gl 1,19), chủ chăn của Giáo hội tại Giê-ru-sa-lem, được Phao-lô xem như một trong ba trụ cột của Hội thánh lúc đó (Gl 2,9a) đã “hợp xướng” triển khai luận chứng cùng một hướng duy nhất, chúng ta xem xét diễn văn dưới dạng tu từ:
✔ 15,8 (luận cứ ethos): Thiên Chúa đã chọn Phê-rô và ngài là chứng nhân của Tin mừng cho các dân ngoại (xem Cv 10, sự kiện xuất thần của Phê-rô ở chương 10 tương đồng với biến cố Ngũ tuần ở chương 2 sách Công vụ).
✔ 15,9 (luận cứ logos): Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, ban Thánh Thần cho dân ngoại cũng như cho dân Ngài (cụm từ καθὼς καὶ ἡμῖν [15,8] đã sử dụng trong 10,47; 11,15. 17). Ngài là Đấng hoàn toàn không thiên vị (15,9), đã thanh tẩy lòng dân ngoại bởi đức tin (15,9b).
✔ 15,10 (Câu hỏi tu từ): Phê-rô đặt câu hỏi cho những người nghe ngài, tự họ đã có câu trả lời – Nếu Thiên Chúa là Đấng đã thực hiện tất cả đối với dân ngoại, ai còn dám thử thách Ngài?
✔ 15,11 (Kết luận hiển nhiên và tức khắc): Chính Đức Ki-tô là Đấng cứu độ – bước ngoặt Ki-tô học (không đối lập với quan điểm của Phao-lô, xem Rm 1,16-17; 3,21-22).
Chúng ta đã nhận thấy vấn đề được giải quyết tuyệt vời, không nhờ vào tài năng hay thẩm quyền của một cá nhân, nhưng bởi Thiên Chúa Ba Ngôi. Tất cả những điều đó được diễn tả một cách rõ ràng trong diễn từ của Phê-rô. Tác giả sách Công vụ đã tinh ý cho thấy một yếu tố rất quan trọng khác, yếu tố làm chuyển hướng vấn đề ban đầu, cắt bì và cứu độ (15,1) đến kết luận Ki-tô học (15,11): đó chính là cách sử dụng động từ καθαρίζω (thanh tẩy) để biểu đạt ân sủng của Thánh Thần cho dân ngoại: Người đã thanh tẩy lòng họ bởi đức tin (15,9b). Sự thanh sạch hay thuần khiết không còn là hệ quả của sự tuân giữ nghi thức dựa trên Lề luật (xem Lv 11-18; Đnl 14), nhất là việc tuân giữ nghiêm nhặt các cấm kỵ thực phẩm (xem Cv 10,14-15. 28.; 11,8-9), nhưng kể từ nay, đến từ quyền năng của Thiên Chúa ban tặng trong đức tin, nguyên tắc cứu độ được Phê-rô khẳng định trong câu kết luận (15,11).
Nếu Lề luật Mô-sê không phải là con đường cứu độ, vậy vấn đề căn tính của dân tộc tuyển chọn thì sao? Thật tuyệt vời, chính Gia-cô-bê sẽ mang lại câu trả lời bổ sung thích đáng với diễn từ của Phê-rô (15,13-21).
Sau lời mở (15,13), Gia-cô-bê lấy lại lời của Phê-rô và diễn giải với luận đề Giáo hội học.
✔ 15,14: Thiên Chúa không những muốn dân ngoại có đức tin (15,14a), nhưng nhất là Ngài đón nhận giữa các dân ngoại một dân tộc mang danh Người (λαβεῖν ἐξ ἐθνῶν λαὸν τῷ ὀνόματι αὐτοῦ)(15,14b). 15,15 dẫn vào luận chứng Kinh thánh.
✔ 15,16-18 (Am 9,11-12): Luận chứng trích dẫn từ ngôn sứ A-mốt thừa nhận tình trạng xã hội tôn giáo của dân ngoại tương đương với dân tộc tuyển chọn Ít-ra-en.
✔ 15,19-21: Đồng thuận và yêu cầu các kiêng cữ nhưng không phải những điều cấm kỵ. Gia-cô-bê yêu cầu những kiêng cữ thích hợp với các Ki-tô hữu (1 Cr 10,14 [ngẫu tượng]; 2 Cr 6,14. 17. [vật ô uế]; 1 Cr 6,9-11; Ep 5,3). Ông đưa ra lý do tôn trọng việc đọc lề luật Mô-sê, nghĩa là đọc Torah đối với các Ki-tô hữu gốc Do thái (Ml 3,22), và chúng ta cũng thấy điều này rất hợp lý vì chính Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài vẫn đọc, trích dẫn Lề luật và lời ngôn sứ.
Với diễn từ của Gia-cô-bê, Luca cho chúng ta thấy vị chủ chăn của Giáo hội tại Giê-ru-sa-lem đặt nền tảng đức tin của mình trên Kinh thánh, Lời của chính Thiên Chúa, được Thánh Thần linh hứng, đã dẫn đưa Hội thánh trên con đường của sự thật, Đức Ki-tô, Đấng Thiên sai.
Trong “luận đề” 15,14, Luca sử dụng thuật từ λαός, một số nhà chú giải hiểu theo nghĩa thông thường đám đông, quần chúng, dân chúng; nhưng nếu làm một phân tích ngôn ngữ học, chúng ta nhận thấy trong 84 từ λαός được sử dụng trong hai tác phẩm của Lu-ca (Tin mừng và Công vụ) trên 142 từ λαός sử dụng trong Tân ước, cũng như cách dùng thuật từ này trong sách Công vụ (22 lần trong Cv 2-6 và 26 lần trong Cv 7-28), đa phần có ý chỉ dân tộc Ít-ra-en. Để xác định chắc chắn hơn, thuật từ λαός được nhiều lần dùng với từ Thiên Chúa (Lc 1,68. 77.; 2,32; 7,16; Cv 13,17). Chẳng hạn, trong Lc 1,68 Εὐλογητὸς κύριος ὁ θεὸς τοῦ Ἰσραήλ, ὅτι ἐπεσκέψατο καὶ ἐποίησεν λύτρωσιν τῷ λαῷ αὐτοῦ, xuất hiện động từ ἐπισκέπτομαι (viếng thăm) (Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Ngài). Động từ viếng thăm của Thiên Chúa trong Cựu Ước chỉ những lần Ngài can thiệp ban ơn (St 21,1; 50,24-25; Xh 3,16; Gr 29,10; Tv 65,10; 80,15; 106,4) hay sửa phạt (Xh 32,34; Is 10,12; Ed 34,11-12; Tv 59,6; 89,33). Thánh Lu-ca là tác giả duy nhất trong Tân ước dùng hình ảnh này (1,78; 7,16; 19,44).
Trong luận chứng Kinh thánh (15,16-18//Am 9,11-12), cụm từ σκηνὴν Δαυὶδ (lều Đa-vít) củng cố ý tưởng Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai – cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại. Thực vậy, đối với Luca, sấm ngôn của Na-than nói với Đa-vít: Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền (2 Sm 7-12) ứng nghiệm với Đức Giê-su Ki-tô (Lc 1,32-33).
Công đồng hiệp hành cho chúng ta thấy, Gia-cô-bê, với quan điểm chân thật phát xuất từ nguồn gốc văn hóa của ngài, hợp xướng với Phê-rô, và hoàn toàn ủng hộ Thánh ý Thiên Chúa đã làm cho dân ngoại, thông qua các chứng nhân Phao-lô và Ba-na-ba. Vị mục tử thành Giê-ru-sa-em, một trong những trụ cột của Hội thánh, đặt mình dưới sự hướng dẫn của Lời Thiên Chúa đồng hành với toàn thể dân Ngài, bất kể gốc Do thái hay dân ngoại, trên con đường loan báo Tin mừng.
Và như thế, Hội thánh tiếp tục con đường hiệp hành trong 15,22-29.
- Hiệp hành trong dân Chúa: 15,22-32
Hội thánh hiệp hành với những đại diện như các Tông đồ và kỳ mục (15,22a) dùng thẩm quyền phục vụ và đồng hành cho đến cùng đã chọn phái đoàn mới, bao gồm Phao-lô, Ba-na-ba và thêm hai nhân vật mới là Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba và Xi-la, còn gọi là Xin-va- nô trong các thư (2 Cr 1,19; 1 Tx 1,1; 2 Tx 1,1; 1 Pr 5,12) để mang thư của Hội thánh đến cho dân Chúa tại An-ti-ô-khi-a (15,22b).
Sự lựa chọn mở rộng của Hội thánh hiển nhiên không phát xuất từ lòng nghi ngờ quan điểm của Phao-lô và Ba-na-ba (1 Cr 9,1-2), có thể thay đổi bất kỳ điều gì trong quyết định đồng thuận của Công đồng. Ý nghĩa của lựa chọn và sai đi ẩn chứa tinh thần hiệp hành sâu sắc dưới tác động của Thánh Thần (15,28).
Hội thánh đã cử phái đoàn sứ giả đến, trước tiên để bày tỏ lòng tôn kính và trân trọng đối với cộng đoàn dân Chúa không những tại An-ti-ô-khi-a, nhưng mở rộng với miền Xy-ri và Ki-li-ki-a (15,23), như các giáo hội chị em và ngang hàng trong tình hiệp thông. Thứ đến để khích lệ và ủng hộ Phao-lô và Ba-na-ba (15,25-26) trong hành trình về lại cộng đoàn dân Chúa đã gởi họ đi bằng cách cử những người đại diện có uy tín như Giu-đa và Xi-la (15,22c). Cuối cùng để xứng hợp với bức thư nhân danh toàn thể Hội thánh (15,23b), các vị được gửi đi như những đại sứ trang trọng, và anh em trong cộng đoàn giáo hội tại An-ti-ô-khi-a sẽ nhận biết tầm quan trọng của thông điệp (15,27).
Câu 15,24 như một mở ngoặc nhằm xác định lại những gì không mang tính hiệp hành trong Hội thánh: nhưng người không được ủy nhiệm, gây ra những hệ lụy không phải là các dấu chỉ của Thánh Thần, họ gây xáo trộn và hoang mang các anh em trong cộng đoàn dân Chúa.
Một bức thư đáng ngạc nhiên, vì tất cả tầm quan trọng của nội dung chỉ tóm gọn trong hai câu (15,28-29), nhưng cách thức biểu đạt của các Tông đồ và mục tử trong Hội thánh-mang nhiều ý nghĩa:
✔ Các Tông đồ và kỳ mục của Công đồng hiệp hành thể hiện thẩm quyền dựa trên tác động Thánh Thần, và theo sự hướng dẫn từ Ngài: Thật vậy, Thánh Thần ngự xuống các Tông đồ để họ rao giảng phúc âm cho dân ngoại vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-4). Ngài tác động trên Co-nê-li-ô và các bạn của ông, cũng như trên Phê-rô trong Cv 10,1-48.
✔ Họ dùng lối nói của người sê-mít “μηδὲν πλέον ἐπιτίθεσθαι ὑμῖν βάρος” (không áp đặt cho anh em một gánh nặng nào khác) có nghĩa là Thánh Thần đã ban cho dân ngoại sự tự do tin vào Đức Ki-tô và trở thành dân Chúa với tư cách như những dân tộc tuyển chọn mà không cần phải tuân theo lề luật của Mô-sê.
✔ Như chúng ta đã nói trên đây, tránh gian dâm là cần thiết đối với tất cả các Ki-tô hữu mọi lúc; tránh ăn tiết và ăn thịt các động vật sát tế theo lối dân ngoại, không làm sạch máu bằng cách cắt cổ (Lv 17,13-14) nhưng bóp chết con vật (nviKTÓg) khi họ làm lễ dâng cúng cho ngẫu tượng là cần thiết và tốt cho cả Ki-tô hữu gốc dân ngoại (1 Cr 8,1-6). Các Tông đồ và các kỳ mục dùng trạng từ “cần thiết” (ẻnávaYKsg) (15,28) và cho lời khuyên khôn ngoan “giữ gìn tránh các điều đó là làm tốt rồi” (15,29), tôn trọng các tín hữu trong các cộng đoàn giáo hội mà họ được gọi để phục vụ chứ không cai trị.
✔ Thể hiện tính hiệp hành cho đến cùng, Hội thánh tiễn chân các đại biểu đi đến An-ti-ô-khi-ô (Cv 15,30). Phao-lô và Ba-na-ba trở về lại với giáo hội đã gửi họ đi, Giu-đê và Xi- la rời khỏi Giê-ru-sa-lem để đến hiệp thông với các tín hữu anh em gốc dân ngoại không những ở An-ti-ô-khi-a mà còn với các cộng đoàn trong miền Xy-ri và Ki-li-ki-a.
Tinh thần hiệp thông thể hiện trong thái độ đón nhận thư của Hội thánh: dân hài lòng một cách lạ lùng về quyết định và các lời khuyên đến từ Giê-ru-sa-lem (15,31), họ vui mừng vì được an ủi; nhất là niềm an ủi lớn lao đến từ Hội thánh.
✔ Niềm vui vì Hội thánh đã nhận ra dấu chỉ tự do và trách nhiệm, hoa quả của Thánh Thần trong việc thừa nhận đức tin và sự cứu độ từ nay không thuộc về lề luật.
✔ Niềm an ủi vì dân tìm lại được bình an vì lương tâm của họ trước đây bị xáo trộn và phiền não (15,24) bởi lời rao truyền của những người không được ủy nhiệm bởi Hội thánh.
✔ Sự bình an của Hội thánh đã được khôi phục, và điều đó đã xóa bỏ mối đe dọa chia rẽ, sẽ không có giáo hội An-ti- ô-khi-a, dưới sự điều hành của Tông đồ Phao-lô đối lập với giáo hội Giê-ru-sa-lem, với vị chủ chăn Gia-cô-bê, anh em của Chúa Giê-su.
Sự hiệp thông trong Hội thánh hiệp hành còn được thể hiện qua sự chia sẻ và đời sống thân tình với các anh em tín hữu gốc dân ngoại ở An-ti-ô-khi-a (15,32). Giu-đa và Xi-la, được Hội thánh công nhận với tư cách ngôn sứ, có nghĩa là các chia sẻ, khuyên nhủ và củng cố các tín hữu được linh hứng bởi Thánh Thần Thiên Chúa (Xh 4,11-12; Am 3,7; Lc 1,70).
Nói tóm lại, quyết định của Hội thánh thể hiện hiệp thông giữa các Tông đồ và tất cả những mục tử khác, nối kết trong tình anh em giữa các giáo hội và các mục tử ở cách xa nhau, nhưng vẫn đồng hành chung về một hướng.
- Sứ vụ hiệp hành, cùng nhau loan báo Tin mừng: 15,33. 35
Câu cuối cùng của trình thuật Công đồng Giê-ru-sa-lem, thể hiện tính hiệp hành của Hội thánh Công giáo, câu 15,33 tuy ngắn nhưng biểu đạt tất cả ý nghĩa của sứ mệnh loan báo Tin mừng hay chúng ta gọi bằng cụm từ truyền giáo hôm nay:
✔ Theo khuôn mẫu nhập thể của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa (được sai đến, sống với và loan báo Tin mừng), Giu- đê và Xi-la đã được sai đến, họ không chỉ đến và đọc bức thư của Hội thánh rồi trở về nhưng họ sống với các anh em tín hữu gốc dân ngoại ở An-ti-ô-khi-a, chia sẻ, khuyên nhủ, củng cố đức tin (15,32), và cuối cùng được các anh em tiễn chân như lúc lên đường họ được các Tông đồ và các kỳ mục của Công đồng tiễn đưa (15,30).
✔ Công đồng hiệp hành Giê-ru-sa-lem không đóng khung các tín hữu trong cộng đoàn giáo hội của họ, nhưng ngược lại, mở rộng con đường truyền giáo (15,35). Phao-lô và Ba-na- ba không những tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin mừng tại An- ti-ô-khi-a, nhưng còn tiếp tục hành trình truyền giáo sau đó (15,36-18,22).
Kết luận
Cv 15,1-35, một giai đoạn mấu chốt trong trình thuật của sách Công vụ, Lu-ca đi từ những vấn đề đức tin và thần học nghiêm trọng được tranh luận tại giáo hội địa phương, mô tả tính liên kết với Hội thánh đặt trên nền tảng các Tông đồ cùng các chứng nhân trụ cột, bằng cách gửi hai đại biểu nhiệt tâm và có thế giá Phao-lô và Ba- na-ba đến Giê-ru-sa-lem để chia sẻ và bàn thảo. Kết quả như chúng ta đã thấy, Thánh Thần đã dẫn dắt Hội thánh trên con đường hiệp hành như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã định nghĩa: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.
Hiệp thông đích thực biểu hiện qua việc đối thoại trong khác biệt, hiệp thông đến từ Thánh Thần Thiên Chúa (2 Cr 13,13). Đối thoại này đòi hỏi mỗi bên phải cởi mở, lắng nghe và khôn ngoan để đón nhận lẫn nhau, cụ thể là đối thoại giữa những Ki-tô hữu gốc Do thái, chi phối bởi lề luật Mô-sê và những Ki-tô hữu gốc dân ngoại, không sống dưới chế độ lề luật Mô-sê.
Trong Hội thánh hiệp hành, yếu tố cơ bản qua tường thuật của Cv 15,1-35 là sự tham gia của tất cả các Ki-tô hữu sống trong mọi tầng lớp của xã hội và môi trường văn hóa đa dạng. Tham gia vào tranh luận một vấn đề tuy đối lập nhưng không đối kháng. Thật vậy, cộng đoàn dân Chúa luôn có những xáo trộn, những thành viên diễn giải nhiều vấn đề tôn giáo theo nhãn quan của họ, mặc dù họ không được ủy nhiệm bởi Hội thánh, ban đầu Phao-lô và Ba-na-ba có lẽ cũng như thế, họ tham gia tranh luận với tư cách cá nhân để bảo vệ các anh em tín hữu.
Trong mọi thời đại, luôn xuất hiện những vấn đề làm hoang mang dân chúng, luôn xảy ra những sự kiện của thời đại mới và văn hóa mới liên quan đến đức tin và thần học gây tranh luận, luôn có những phản ứng nằm ngoài thể chế muốn ảnh hưởng hay thay đổi một Giáo hội nhất định. Nhưng điều đáng chú ý ở đây, trong tường thuật của Lu-ca, sự kiện Giáo hội địa phương dấn thân tham gia, lấy thẩm quyền được trao ban thực hiện hai công việc theo đúng nghĩa hiệp hành: 1) cử Phao-lô và Ba-na-ba một cách chính thức như những đại biểu nhân danh các tín hữu của Giáo hội tại An-ti-ô-khi-a, 2) đưa vấn đề liên quan đức tin đến cấp độ cao hơn, hay nói đúng hơn đến Hội thánh (Tông đồ), và Hội thánh có nhiệm vụ hội họp cầu nguyện, suy tư, phân định để nhận ra Thánh ý Thiên Chúa trên con đường hiệp hành cùng cộng đoàn dân Chúa.
Trách nhiệm của Hội thánh phổ quát, khi các Tông đồ và những vị chủ chăn được gửi đến Công đồng chung, là những người “tôi tớ” được Chúa Giê-su tuyển chọn và sai đi phục vụ cho sự hiệp nhất, lắng nghe và mời gọi các Ki-tô hữu ở trong các Giáo hội “địa phương”, sinh sống trong các môi trường văn hóa và ngôn ngữ đa dạng tham gia vào sứ mệnh của Hội thánh. Trong tường thuật Cv 15,1-35, Phê- rô, Phao-lô và Ba-na-ba, cũng như Gia-cô-bê, cùng với các kỳ mục, tuy khác nhau trong cách biểu đạt, nhưng dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, đã hợp xướng cùng nhau trong một bản giao hưởng tuyệt vời mà tác giả không ai khác hơn là chính Thiên Chúa Ba ngôi: Thiên Chúa, Chúa Giê-su và Thánh Thần.
Như vậy, Cv 15,1-35 cho chúng ta thấy, Hội thánh hiệp hành không triệu tập Công đồng hay Hội đồng để giải quyết một hay nhiều vấn đề của các Ki-tô hữu, nhưng để sống và thi hành chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho loài người, bằng cách tiếp tục thúc đẩy các Ki-tô hữu thực hiện sứ mệnh loan báo Tin mừng của Chúa Giê-su cho nhân loại, như câu kết của trình thuật Công đồng Giê-ru-sa-lem: “Còn Phao-lô và Ba-na-ba ở lại An-ti-ô-khi-a giảng dạy và loan báo Tin Mừng, Lời của Chúa, với nhiều người khác” (Cv 15,35).
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.