Lời Chúa: Ga 5, 1-3a.5-16
Nhân dịp lễ của người Do thái, Ðức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hipri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Ðức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước khuấy lên. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Ðức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng và đi!” Người ấy lập tức trở nên lành mạnh, vác chõng và bước đi. Hôm đó lại là ngày sabát. Người Do thái mới nói với kẻ được lành mạnh: “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người đã làm tôi được lành mạnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng và đi!’” Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng và đi?’” Nhưng người đã được lành mạnh không biết là ai. Quả thế, Ðức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. Sau đó, Ðức Giêsu gặp người ấy trong Ðền Thờ và nói: “Này, anh đã trở nên lành mạnh. Ðừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Anh ta đi nói với người Do thái: Ðức Giêsu là người đã làm anh được lành mạnh. Do đó, người Do thái chống đối Ðức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát.
Suy niệm:
Các Tin Mừng Nhất lãm chẳng khi nào nói đến chuyện
Đức Giêsu chữa bệnh cho ai ở vùng Giêrusalem.
Riêng Tin Mừng Gioan nói đến chuyện Ngài chữa bệnh cho một anh bất toại
tại một cái hồ, gần Cửa Chiên dẫn vào khuôn viên Đền thờ Giêrusalem.
Hồ Bếtdatha này khá lớn, có hình chữ nhật, được ngăn làm hai phần.
Chính vì thế có đến năm hành lang, nơi đây người bệnh nằm la liệt.
Họ mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền khác nhau,
nhưng ai đến đây cũng nuôi hy vọng khỏi bệnh.
Giữa bao người ốm đau tàn tật đó, dường như Đức Giêsu chỉ thấy một mình anh.
Ngài biết anh mắc bệnh đã lâu, nằm trên chõng một thời gian dài.
Ba mươi tám năm, thời gian bằng một nửa đời người.
Chính Đức Giêsu là người đến với anh và mở lời bằng một câu hỏi:
“Anh có muốn trở nên lành mạnh không ?” (c. 6).
Câu hỏi có vẻ thừa này thật ra lại chạm đến nỗi khát khao sâu thẳm của anh.
Nó đụng đến chờ đợi mòn mỏi của anh từ nhiều năm qua.
Anh bất toại không trả lời câu hỏi của Đức Giêsu, người với anh vẫn còn xa lạ.
Nhưng anh lại muốn trải lòng cho người lạ này thấy cái ngõ cụt của mình,
những lý do khiến mình phải nằm ở đây lâu đến vậy.
“Tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”: đó là lý do thứ nhất.
Tôi không có được sự trợ giúp từ phía bạn bè thân thuộc.
Tôi cô đơn, trơ trọi một mình.
Giá mà tôi có ai đó giúp tôi lúc cơ may đến…
“Lúc tôi tới đó, thì người khác đã xuống trước tôi rồi” : đó là lý do thứ hai.
Khi phải lê đi bằng chính sức của mình, thì tôi bao giờ cũng là người đến sau.
Tôi đã cố gắng nhiều lần, nhưng luôn phải cam chịu thất bại.
Bây giờ tôi còn dám tin vào mình nữa không ?
Anh bất toại mong có một người bạn đem anh xuống nước đầu tiên.
Anh mơ thấy ngày trồi lên từ hồ nước, ướt sũng, nhưng đi lại bình thường.
Anh chẳng tin rằng ngày ấy là hôm nay.
Người bạn anh mong đang ở gần, kéo anh ra khỏi nỗi cô đơn.
Anh sẽ được khỏi bệnh mà người vẫn khô ráo.
“Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !”: đây là lời mời hay mệnh lệnh ?
Bất ngờ, nhanh chóng và dễ dàng, anh đã đứng lên và đi được.
Cái chõng đã vác anh, bây giờ anh vác nó.
Hãy nhìn những bước đi đầu tiên của người ba mươi tám năm bất toại.
Anh đã trở nên lành mạnh, dù anh không xin hay bày tỏ lòng tin nào (cc. 6, 9,14).
Giêsu đến với anh như một người bạn làm anh trở nên lành mạnh (cc. 11,15).
Vì chữa bệnh cho anh này vào ngày sabát, Ngài đã bắt đầu bị chống đối (c.16).
Hôm nay Đức Giêsu cũng hỏi tôi: Con có muốn trở nên lành mạnh không?
Con có muốn ra khỏi sự bất toại kinh niên của mình không ?
Ngài mời tôi đứng lên và mạnh dạn bước đi, bỏ lại quá khứ tội lỗi.
Sau khi được chữa lành, ngài dặn tôi đừng phạm tội nữa (c. 14).
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.