Cha Karl Rahner
‘Lên đường’ là một trong các hoạt động hằng ngày thông thường nhất, thông thường đến nỗi chúng ta không bao giờ nghĩ tới, cho đến khi có chuyện giới hạn hay cản trở bước chân chúng ta. Do đó khả năng ‘lên đường’ bỗng dưng trở thành lợi thế kỳ diệu, một ân huệ trời ban. Hữu thể người, không như cây cỏ, không bị cột chết vào môi trường chung quanh. Hữu thể người có thể tìm môi trường cho chính mình, có thể đổi thay chọn một môi trường khác và thế là bỏ đó, họ lên đường. Cảm thức tự do của khả năng ‘lên đường’ hiển nhiên cả khi chúng ta lên đường qua lối đường hằng ngày ta thường đi, dù đó là lộ trình đã được định sẵn do công việc. Tất cả những hành trình khơi dậy tâm trạng một người ‘rong chơi’, người ‘khám phá’, người không cần biết mình đang đi đâu, và càng chẳng nghĩ gì khi sẽ đến nơi ấy. Tuy nhiên, đến lúc nào đó, ta cảm thấy mình muốn nhằm một mục đích rõ rệt chứ không chỉ là lang thang vô định.
Đôi khi ta nói về một cuộc ‘lên đường’ hay một ‘lộ trình’ cho đời người. Lúc này, chúng ta gặp trong Kinh Thánh sự việc các Kitô hữu được biết đến trước tiên như những người ‘thuộc về một Con Đường’ (Cv 9: 2). Khi Kinh Thánh muốn khắc ghi trong ta rằng chúng ta không nên chỉ nghe Lời Thiên Chúa nhưng phải thực hành, là nói cho chúng ta phải không chỉ sống trong Thánh Thần, nhưng còn ‘bước đi’ trong Thánh Thần. Hơn nữa, một trong các yếu tố được quý trọng lâu đời nhất trong cử hành công cộng, cả ngoài đời lẫn tôn giáo, là diễu hành. Cũng vậy, đời người thường được mô tả như cuộc hành hương, và hành hương chắc chắn liên quan đến vô số những lần lên đường khác thường.
Đây là một ít những chỉ dẫn (sẽ còn nhiều hơn nữa) mà đời sống chúng ta giống như hiện tượng lên đường giản dị tự nhiên hằng ngày. Hoạt động thuần thể lý của sự di chuyển liên tục này cảnh báo chúng ta rằng chúng ta không có nơi cư ngụ nào bền vững. Chúng ta vẫn là những người đang đi trên đường hướng về một nơi, nhưng chưa chắc con đường nào, là những người hành hương, những người lang thang giữa hai thế giới, là những hữu thể trong trạng thái chuyển tiếp, bị cuốn trôi đi bởi động lực ngoại tại nào đó, nhưng vẫn còn giữ được khả năng dẫn dắt và định hướng hành trình của mình. Tuy nhiên chúng ta không luôn luôn thành công đi về được điểm hẹn chúng ta dự phóng cho mình.
Vì thế chúng ta thấy rằng sự tiến triển của hữu thể người, vốn tự do và trách nhiệm, trải ra trên những bước đường hằng ngày, định hình toàn thể hiện hữu người. Lòng tin tỏ ra cho Kitô hữu mục đích của hiện hữu và đảm bảo cho người ấy sẽ đạt đích. Người ấy không ngừng được nâng đỡ trong đời bởi quyền năng, quyền năng ý thức về mình và ý thức về việc không thể hoàn thành ý định của mình, một quyền năng từng tìm kiếm, từng tin tưởng sẽ khám phá ra mục tiêu vào khúc cuối đường, bởi vì (và làm sao nó có thể khác được?) mục tiêu đó là chính Thiên Chúa, là biến cố quang lâm, trong Đấng Kitô, là ‘bước đến’ không thể tránh được trong tương lai riêng của mỗi chúng ta.
Vậy chúng ta phải tiếp tục ‘lên đường’, tiếp tục tìm mục tiêu của chúng ta. Đấng Thánh, về phần Người, sẽ đến và tìm chúng ta, nếu chúng ta nhắm đến cùng Người, bước đi trên con đường của Người. Khi chúng ta đã gặp Người, đúng hơn, khi Người đã gặp chúng ta, chúng ta nghiệm ra rằng cuộc gặp gỡ này đã từng được định liệu bởi quyền năng, quyền năng mang chúng ta về cùng Thiên Chúa, và nghiệm ra rằng quyền năng ấy khuấy động trong ta là dấu chỉ Thiên Chúa đã đến trước gặp ta. Và quyền năng ấy là thực tại chúng ta gọi là ân sủng của Thiên Chúa.
Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân chuyển ngữ
Nguồn: giaophanxuanloc.net (25.02.2022)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.