Đức Lêô nói với người cao tuổi: Hy vọng là nguồn vui

Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi – được cử hành hằng năm vào Chúa nhật gần lễ thánh Gioakim và Anna, ông bà của Chúa Giêsu – ức Giáo hoàng Lêô chia sẻ suy tư về niềm hy vọng và tuổi già.

Trước buổi cử hành Năm Thánh nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi – năm nay rơi vào ngày 27-7, Đức Giáo hoàng Lêô viết rằng: “Hy vọng là một nguồn vui liên lỉ, bất kể tuổi tác”, và thêm rằng: “Khi niềm hy vọng ấy được tôi luyện qua những thử thách suốt cả cuộc đời, nó trở thành nguồn hạnh phúc sâu xa.”

Trong Sứ điệp cho ngày này, Đức Giáo hoàng Lêô suy niệm dựa trên Kinh Thánh về tuổi già, khởi đi từ các nhân vật như Ápraham và Sara, Dacaria và Êlisabét, cũng như Môsê – tất cả đều được Thiên Chúa mời gọi trong tuổi già để tham gia vào kế hoạch cứu độ của Người.

“Năm Thánh mà chúng ta đang cử hành giúp chúng ta nhận ra rằng: hy vọng là một nguồn vui liên lỉ, bất kể tuổi tác. Khi hy vọng ấy được tôi luyện qua những thử thách suốt cuộc đời, nó trở thành một nguồn hạnh phúc sâu xa.”

Người cao tuổi, dấu chỉ của niềm hy vọng

Lịch sử cứu độ được thuật lại trong Kinh Thánh cho thấy rằng, trong mắt Thiên Chúa, “tuổi già là thời gian của phúc lành và ân sủng, và người cao tuổi là những chứng nhân đầu tiên của niềm hy vọng.”

Nhìn đời sống của Giáo hội và thế giới như sự tiếp nối giữa các thế hệ, Đức Giáo hoàng Lêô nói rằng người cao tuổi, dù cần được người trẻ nâng đỡ, vẫn có thể là người hướng dẫn và làm chứng cho người trẻ, giúp họ “xây dựng tương lai bằng sự khôn ngoan.”

Di sản “quý giá” nơi người cao tuổi – như tấm gương đức tin, lòng đạo đức, đức hạnh công dân, sự dấn thân xã hội và nhiều điều khác – sẽ luôn là “nguồn khơi dậy lòng biết ơn và lời mời gọi kiên trì.”

“Thiên Chúa dạy chúng ta rằng, trong mắt Người, tuổi già là thời gian của phúc lành và ân sủng, và đối với Người, người cao tuổi là những chứng nhân đầu tiên của niềm hy vọng.”

Hy vọng dành cho người cao tuổi

Đồng thời, Đức Giáo hoàng Lêô cũng nói rằng người cao tuổi cũng cần có hy vọng.

Ngài nhắc rằng Năm Thánh theo truyền thống là thời điểm giải thoát, và mọi người được mời gọi giúp người cao tuổi “được giải thoát, đặc biệt là khỏi nỗi cô đơn và bị bỏ rơi.”

Ngài nói rằng trong xã hội hiện đại, người cao tuổi quá thường xuyên bị gạt ra bên lề và quên lãng.

“Trước thực trạng này,” ngài giải thích, “cần có một sự thay đổi, thể hiện qua việc toàn thể Giáo hội cùng chung tay gánh vác trách nhiệm.”

Ngài nhấn mạnh rằng mỗi giáo xứ đều được mời gọi nâng đỡ người cao tuổi, “xây dựng các mối tương quan có thể khơi lại niềm hy vọng và phẩm giá nơi những ai cảm thấy bị lãng quên.”

Đặc biệt đối với người cao tuổi, niềm hy vọng Kitô giáo “thúc đẩy chúng ta hành động để mang lại sự trân trọng và tình thương mà họ xứng đáng được hưởng.”

Ngài nhắc lại ước muốn của Đức Phanxicô là tìm đến những người cao tuổi sống một mình, và nhấn mạnh rằng ngài đã thiết lập cơ hội lãnh ơn toàn xá cho những ai không thể đến Rôma bằng cách viếng thăm người cao tuổi trong Năm Thánh.

Lý do để hy vọng

Đức Giáo hoàng Lêô tiếp tục khích lệ người cao tuổi nuôi dưỡng hy vọng, khẳng định rằng ngay cả khi tuổi đã cao, ai cũng có thể yêu thương và cầu nguyện.

“Tình yêu dành cho người thân… không phai nhạt khi sức lực suy giảm”, nhưng ngược lại, “làm sống lại nghị lực và đem lại hy vọng cùng sự an ủi.”

“Chúng ta có một sự tự do mà không khó khăn nào có thể lấy đi: đó là tự do để yêu thương và cầu nguyện. Ai cũng có thể yêu thương và cầu nguyện, mọi lúc, mọi nơi.”

Những “dấu chỉ của hy vọng” này, theo ngài, “mang lại cho chúng ta sự can đảm” và nhắc nhở rằng bất kể tuổi già, “con người nội tâm” của chúng ta vẫn không ngừng được canh tân.

“Càng lớn tuổi,” Đức Giáo hoàng nói, “chúng ta càng hãy tiến bước trong sự tín thác vào Chúa,” được canh tân qua việc cầu nguyện và tham dự Thánh lễ hằng ngày; và “chúng ta hãy yêu thương trao lại đức tin mà mình đã sống suốt bao năm,” không ngừng ngợi khen Thiên Chúa và vun đắp sự hiệp nhất giữa con người với nhau.

“Bằng cách đó,” Đức Giáo hoàng Lêô kết luận, “chúng ta sẽ là những dấu chỉ của niềm hy vọng, bất kể tuổi tác.”

Tác giả: Christopher Wells

biên dịch từ Vatican News