
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.
Linh mục Mỹ Sơn giáo phận Long Xuyên
Bài bốn
THÁNH VỊNH 8
Ngây ngất khi khám phá mình được yêu thương
Phần 1
1 Phần nhạc trưởng. Có hoạ đàn thành Gát. Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.
2 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
Uy phong Ngài vượt quá trời cao.
3 Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
4 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?
6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân :
8 Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
9 nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
10 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
Tôi không biết mình có thể truyền đạt những gì cảm nhận được về thánh vịnh này không. Thực vậy, thánh vịnh 8 không chỉ đơn thuần là một bài ca ngợi khen, mặc dù tôi vẫn thường đọc như một bài hát ca tụng ngợi khen Thiên Chúa. Chắc chắn đó là bài ca ngợi khen và chúng ta đã thấy có hai thái độ: ca tụng và than vãn. Hai thái độ này là nhịp điệu của cầu nguyện phát xuất từ con người: ca tụng vì được sống, than vãn vì cuộc sống tàn tạ, nên cầu nguyện để Thiên Chúa sự sống cứu độ.
Lần này, chúng ta không đứng trước lời ca tụng Thiên Chúa vì sự cao cả của công trình sáng tạo, cũng không đứng trước một chiêm ngắm vì sự cao cả của con người. Bởi vậy, có thể tìm thấy một phần lớn thánh vịnh này trong bài ca tạo vật của Thánh Phanxicô. Bài ca tạo vật là chiêm ngắm của một người ngắm nhìn chung quanh mình và thấy những công trình của Thiên Chúa trong mặt trời, mặt trăng, các vì sao, và cất tiếng ca ngợi khen người anh em gió, người chị em nước, người anh em lửa, người mẹ đất, ngợi khen những ai tha thứ, và người chị em là cái chết.
Dường như động lực trung tâm của thánh vịnh này, cũng là bài ca ngợi khen, là một điều gì khác, và tôi muốn thử diễn tả điều này bằng cách áp dụng thánh vịnh này cho một nhân vật kinh thánh. Nhân vật đó rất có thể là người đầu tiên đã sống điều đó.
Thánh vịnh này chắc chắn phát xuất từ một chiêm ngắm ban đêm, một đêm ở Đông phương, trong xứ Palestine, một đêm đầy sao, với bầu trời rất sáng. Nhưng đây không phải chỉ là một chiêm ngắm đầy chất thơ của trời đêm, dường như nó nảy sinh từ một biến cố đau buồn của con người.
Tôi tưởng tượng đó là Đa-vít khi ông còn là một chiến binh phục vụ Saolê: vào một lúc nào đó, ông cảm thấy mình bị nhà vua phản bội, bị vệ binh của vua săn đuổi và trốn chạy vào sa mạc Giuđa. Trong sa mạc đầy hang động, khe sâu, triền dốc này, Đa-vít trốn chạy vào đó và đêm tối ập xuống. Ông dừng lại và cảm thấy cô độc; quân thù đã mất dấu, tuy nhiên, ông cứng đờ ra vì sợ hãi; có một điều gì đó xảy đến với ông và không còn cách nào để sửa lại nữa. Ông đã mất niềm tin vào nhà vua; ông cảm thấy dường như Thiên Chúa đã bỏ rơi ông, ông thấy mình trơ trọi trong cái lạnh của sa mạc và của đêm tối.
Và rồi, ông ngước mắt lên và nhìn bầu trời phía trên, những ngôi sao tuyệt diệu ngày nay còn làm chúng ta vui thú khi nhìn ngắm chúng ở sa mạc Giuđa, chúng sáng đến độ chói mắt. Khi đó, Đa-vít bắt đầu suy nghĩ: Thiên Chúa cao cả biết bao, bao la biết bao! Và chuyện đời tôi sao bé nhỏ đến thế. Phải, tôi cho rằng mình quan trọng, tôi tin tôi là một ai đó, và rồi, số phận tôi đã đi đến khúc ngoặc. Nhưng tôi là gì trước vũ trụ bao la này? Trước sự vĩnh cửu của Thiên Chúa? Trước sự giầu có vô tận mà Lời Thiên Chúa phủ đầy bầu trời?
Trong khi Đa-vít thả hồn theo sự chiêm niệm này, ông dần dần cảm thấy bình an, ông quên đi những bất hạnh, quên đi quá khứ; ông thấy mình tan biến vào sự ngắm nhìn công trình của Thiên Chúa, và vào lúc nào đó, ông suy nghĩ: nhưng mà tôi được Thiên Chúa yêu thương! Tất cả vũ trụ này được dành cho tôi, Thiên Chúa nhớ đến tôi, Thiên Chúa không thể quên tôi, Thiên Chúa viếng thăm tôi.
Sự kỳ diệu của thánh vịnh là như vậy: con người cảm thấy sự nghèo nàn của mình, sự mỏng dòn của mình, và thình lình, khám phá thấy mình ở trung tâm của vũ trụ, của tình yêu Thiên Chúa, của sự Chúa viếng thăm.
Bản văn viết: “con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” Và qua hai câu: Chúa nhớ đến nhân loại, Chúa viếng thăm nhân loại, tác giả thánh vịnh thoáng qua trong tâm trí toàn bộ lịch sử cứu độ: Thiên Chúa nhớ đến dân Người. Như Đức Trinh Nữ nói điều đó trong kinh Magnificat: “Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, vì Người nhớ lại lòng thương xót…” và Giacaria trong Benedictus: “Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Người”. Như vậy, con người Đa-vít – và tất cả những ai cầu nguyện bằng thánh vịnh này – đối diện với cảnh bao la vô tận của công trình Thiên Chúa tạo dựng đã quên đi chính mình trong giây phút, và hiểu rằng mình được yêu thương, rằng trong vũ trụ bao la này mình là một đối tượng được ưa thích hơn hết cách đặc biệt, ông cảm thấy lịch sử cứu rỗi đang diễn ra trong ông; lịch sử cứu rỗi này diễn ra bởi vì Thiên Chúa nhớ lại những lời đã hứa. Ngài không bao giờ bỏ rơi một ai và hơn nữa, Ngài còn viếng thăm từng người và đổ tràn niềm vui trong tâm hồn họ đúng lúc.
Con người trong chương trình của Thiên Chúa
Từ sự thán phục này, dần dần tận đáy lòng Đa-vít nảy sinh sự tin tưởng chắc chắn, thế giới này được tạo dựng cho ông. Một quyền lực trên công trình do bàn tay Thiên Chúa tạo thành đã được ban tặng cho con người: “… đặt muôn loài muôn sự dưới chân: Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.” Như vậy, con người này tìm lại được tự do của mình. Trước đó, ông cảm thấy mình là kẻ trốn chạy, là nô lệ của hoàn cảnh; giờ đây, khi nhìn về Thiên Chúa với niềm tin chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu mình, ông tìm lại được vị trí đúng của mình, vị trí của một con người tự do, có khả năng làm biến đổi lịch sử, có khả năng sử dụng mọi sự để lớn lên trong chân lý và công bằng.
Như vậy, thánh vịnh 8 là một thánh vịnh ca tụng, nhưng ca tụng một Thiên Chúa, Đấng, trong vũ trụ bao la, vô hạn này, đã yêu thương con người bé nhỏ biết chừng nào và đã trao cho con người ấy một trách nhiệm lớn lao.
Con người cảm nhận cách sâu xa được Thiên Chúa yêu thương và trao trách nhiệm: lịch sử được đặt vào tay của con người. Lời tán tụng mở đầu và kết thúc thánh vịnh: “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !” không chỉ là một sự chiêm ngắm, hầu như tách rời khỏi tạo vật; mà là kinh nghiệm sâu xa của người cảm thấy mình được yêu thương và tìm được vị trí đúng của mình trong vũ trụ, trong lịch sử, tìm lại được con đường của mình giữa mọi sự và trên mọi sự.
Dường như động lực chính của thánh vịnh được diễn tả bằng câu hỏi trung tâm: “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?” Tất cả thánh vịnh thành hình với cấu trúc, với hình dạng rõ ràng của nó đều do nhận thức sâu xa này; thánh vịnh được chia làm hai phần, trong đó, câu hỏi này là trung tâm điểm.
– Trong phần thứ nhất (câu 2-5), chúng ta khởi đi từ vũ trụ, công trình của Thiên Chúa, để đến với con người, một tạo vật bé nhỏ lạc lõng.
– Trong phần thứ hai (câu 6-10), chúng ta khởi đi từ con người được Thiên Chúa yêu mến, để một lần nữa mở ra cái nhìn về vũ trụ, trong đó con người là trung tâm điểm.
Qua những suy nghĩ trên, chúng ta có thể thấy một nhân loại học ẩn sau thánh vịnh xoay quanh 3 quan niệm lớn; 1/ Thiên Chúa sáng tạo, 2/ con người được yêu thương hết mực, 3/ vũ trụ, công trình của Thiên Chúa được trao ban cho con người. Ba công thức đơn giản, nhưng nó cho thấy một bức tranh nhân loại học và thái độ của con người. Con người không đơn độc, không ai trong chúng ta đơn độc; con người là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, và mỗi người trong chúng ta được Thiên Chúa đặt vào trung tâm của vũ trụ, một vũ trụ mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta trách nhiệm trông coi bởi yêu thương và tin tưởng.
Đó là cách đọc thánh vịnh 8 được đề nghị: kinh nghiệm mình được yêu thương hết mực, giữa một vũ trụ cực kỳ phức tạp, hoặc có thể là thù nghịch, hoặc chúng ta muốn nhúng tay vào vũ trụ đó như những tên trộm và như những kẻ phá hoại tạo vật. Nếu thánh vịnh chỉ đem đến cho chúng ta cái nhìn của một con người đối diện với vũ trụ, thì con người hoặc sẽ bị vũ trụ đè bẹp, hoặc sẽ căng thẳng kinh khủng và phi thường nhằm khuất phục vũ trụ và điều khiển nó. Một mưu tính như vậy chỉ làm cạn kiệt vũ trụ và làm cho vũ trụ chống lại con người.
Trái lại, cái nhìn của thánh vịnh, đem đến cho chúng ta một vũ trụ là công trình của Thiên Chúa được trao phó cho con người không phải để sử dụng tuỳ thích, hoặc để chống lại chính mình hay người khác, hoặc để đi sự sụp đổ của chính mình, nhưng để làm cho vũ trụ trở thành bài ca ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.
Với cách nhìn này, chúng ta cũng có thể nói đến cái nhìn trong Bài ca tạo vật của thánh Phanxicô, nếu chúng ta nghĩ rằng bài ca này không phải là bài ca của một người chiêm ngắm vũ trụ trong sự yên tĩnh của cái nhìn bình an, nhưng là bài ca của một người mù tối và đang hấp hối, sức lực tàn tạ bởi bệnh tật, tuy nhiên lại tìm được sức mạnh để nhận biết sự cao cả của Thiên Chúa, lòng nhân ái của Ngài, tình yêu thương của Ngài hiện diện trong mọi biến cố của cuộc sống.
Chúng ta có thể tìm hiểu thánh vịnh 8 trong sức mạnh đầy kịch tính của nó, bởi vì nó không nảy sinh từ sự chiêm ngắm đơn thuần mà từ một kinh nghiệm sống.
[1] Chuyển ý từ Carlo Maria Martini, “Le désir de Dieu, Prier les psaumes”, Cerf, Paris, 2004. Nhóm dịch thuật.