
Tân Giáo hoàng Lêô XIV, người Mỹ Robert Francis Prevost đi theo bước chân của Đức Phanxicô, người tiền nhiệm của ngài.
Khi tên ngài được xướng lên ở Quảng trường Thánh Phêrô, nhiều người không biết ngài, họ thì thầm: “Ngài là ai vậy?”, “Prevost là ai?”. Các nhà vatican học đã thấy ở ngài là ứng viên nghiêm túc có khả năng đoàn kết và xoa dịu Giáo hội. Nhưng với đa số giáo dân, Robert Francis Prevost, giáo hoàng thứ 267, Giáo hoàng Mỹ đầu tiên là một ẩn số. Khi khói trắng bay lên ở nóc Nhà nguyện Sistine ngày 8 tháng 5 sau 6 giờ chiều, nhiều người vẫn còn cá cược vào Hồng y Pietro Parolin, cựu nhân vật số hai của Đức Phanxicô và là ứng viên nổi bật nhất của cuộc bầu cử. Tốc độ mật nghị nhanh chóng (bốn vòng bỏ phiếu trong 24 giờ) ) lẽ ra là lợi thế của ngài.
Và Robert Prevost, 69 tuổi, Dòng Thánh Augustinô với tông hiệu là Lêô XIV đã được bầu. Lựa chọn này là tiếp nối con đường của Đức Lêô XIII, giáo hoàng xây dựng học thuyết xã hội qua Thông điệp Tân sự Rerum novarum năm 1891. Đây là lời hứa của một triều giáo hoàng gắn liền với thời hiện đại, quan tâm đến người nghèo, người ở bên lề, người bị loại trừ ở những vùng ngoại vi như Đức Phanxicô thường hay nói. Đức Lêô XIV đã nồng nhiệt tri ân Đức Phanxicô.
Ngài tuyên bố: “Chúng ta phải cùng nhau tìm cách để là một Giáo hội truyền giáo, là người giáo dân luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay để tiếp nhận tất cả những ai cần lòng bác ái, cần sự hiện diện, cần đối thoại và cần tình thương của chúng ta.”
Với nét mặt xúc động rõ rệt, ngài kêu gọi “hòa bình” trên thế giới, ngài nhắc lại từ hòa bình mười lần. Linh mục Dòng Tên David McCallum mô tả ngài là “người nhút nhát và khiêm nhường”, ngài nói tiếng Ý pha chút giọng địa phương, ngài nói mạnh mẽ và tự tin. Ngài không e ngại trước đám đông, không choáng trước huy hoàng của Rôma: ngài là hồng y của giáo triều, được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giám mục tháng 1 năm 2023. Ở địa vị này, ngài xây mối quan hệ với các Giám mục trên khắp thế giới và chứng minh khả năng lãnh đạo của ngài.
“Giáo hoàng người Mỹ” mang một ý nghĩa to lớn trong thế giới chịu sự quản lý thất thường của Tổng thống Donald Trump. Ngài đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Hoa Kỳ khi ông trục xuất người di cư hàng loạt và bừa bãi. Tối thứ năm, Tổng thống Trump đã ca ngợi “đây là một vinh dự to lớn” cho nước Mỹ. Nhưng sự chung sống giữa hai nhân vật này sẽ rất tế nhị. Tòa Giám mục Hoa Kỳ đã bất đồng quan điểm với chính quyền Trump về vấn đề người di cư.
Cô Leila Brown, 23 tuổi và người chị đi từ tiểu bang Washington cho biết: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng chúng tôi có một Giáo hoàng người Mỹ. Tôi nghĩ Giáo hội sẽ e ngại vì trao quá nhiều quyền cho người Mỹ trong bối cảnh quốc tế.” Nhưng chắc chắn Giáo hoàng Robert Francis Prevost là Giáo hoàng của Châu Mỹ hơn là của Hoa Kỳ. Ngài bỏ tiếng Ý trong vài giây, ngài chuyển qua tiếng Tây Ban Nha chào “giáo phận Chiclayo thân yêu” của ngài ở Peru, ngài đã làm giám mục ở đây 8 năm. Ngài có hộ chiếu Peru và đã sống ở đất nước này 30 năm.
Là người chủ trương dung hợp văn hóa, ngài là Giáo hoàng của chủ nghĩa tổng hợp. Có lẽ chính vì khát vọng thống nhất và xoa dịu này mà ngài được bầu làm giáo hoàng.
Sự tinh tế của các biểu tượng
Với các Hồng y gắn bó với di sản của Jorge Bergoglio, ngài là người kế thừa tiêu biểu. Ngài là một trong những hồng y ủng hộ mạnh mẽ Đức Phanxicô. Tháng 9 năm 2023, ngài được Đức Phanxicô phong hồng y. Trong bài phát biểu đầu tiên ở ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, ngài đã hai lần chào người tiền nhiệm và noi gương Đức Phanxicô khi ngài nhắc đến nhu cầu “đối thoại, gặp gỡ, xây cầu”. Trong một ẩn dụ dưới dạng chương trình hành động, ngài đề cập đến “tính đồng nghị” được Đức Phanxicô yêu thích. Ngài đã tham dự Thượng Hội đồng về tương lai Giáo hội năm 2023 và 2024, ngài nhấn mạnh: “Chúng ta cần có một Giáo hội công đồng, một Giáo hội đi tới.” Là nhà truyền giáo, người của thục địa, ngài mến Đức Phanxicô vì các đức tính của một mục tử. Trong một phỏng vấn hiếm hoi với Vatican News tháng 5 năm 2023, ngài tuyên bố: “Chúng ta thường quan tâm đến việc giảng dạy giáo lý mà quên bổn phận đầu tiên của chúng ta là truyền đạt vẻ đẹp và niềm vui khi được biết Chúa Giêsu.” Cũng trong phỏng vấn này ngài giải thích quá trình lựa chọn giám mục nên “cởi mở hơn để lắng nghe các thành viên khác trong cộng đồng”. Đủ để làm vui lòng những người theo “Bergoglia”, họ mong muốn có một Giáo hội cởi mở hơn trong quản lý và ít giáo sĩ hơn.
Qua cách dùng các biểu tượng tinh tế, ngài tiếp cận được với những người bất bình với Đức Phanxicô, nhất là những người bảo thủ. Trên ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, ngài mặc trang phục theo nghi lễ truyền thống, áo mozetta đỏ và khăn choàng thêu hình Thánh Phêrô và Thánh Phaolô.
Năm 2013, Đức Phanxicô chỉ mặc áo chùng trắng đã tạo được một phong cách cho triều của ngài: giản dị, khiêm nhường, nhưng cũng xáo trộn và độc đoán với những người chỉ trích ngài. Trong các phiên họp chung trước mật nghị, một số hồng y đã nói lên mong chờ một hình thức quản lý hòa bình hơn, ít mang tính cá nhân hơn, dù có thể làm mất đi phần nào hào nhoáng.
Giáo sư lịch sử Giáo hội Roberto Regoli tại Giáo hoàng Học viện Gregorian ở Rôma phân tích: “Chiếc áo dòng là biểu tượng, là thông điệp mạnh mẽ cũng như lời nói. Đức Lêô đã trấn an những người ở trong và ở ngoài Giáo hội. Ngài gởi đi thông điệp về tính hiệp nhất và cân bằng. Ngài nhắc lại một cách rõ ràng về nhu cầu hiệp nhất trong Giáo hội: Tôi xin cám ơn anh em hồng y đã chọn tôi làm người kế vị Thánh Phêrô và đồng hành với anh em như một Giáo hội thống nhất, luôn tìm kiếm hòa bình và công lý.”
Ngài là tu sĩ của Dòng tu khổ hạnh Augustinô, nổi bật với tinh thần trung thành truyền thống cũng như lòng bác ái huynh đệ, kiến thức vững chắc về giáo luật và giáo triều, tất cả góp phần xây dựng một hình ảnh uy tín. Là người đã đứng đầu Bộ Giám mục, ngài tiếp xúc với nhiều giáo sĩ trên khắp thế giới. Vị trí này giúp ngài hiểu các hướng đi của các văn hóa khác nhau tạo nên Giáo hội hoàn vũ. Ông David McCallum trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị cho biết: “Ngài là người của lắng nghe. ngài tận tâm với nhiệm vụ. Ngài biết cách đưa ra những quyết định khó khăn.”
Sợi dây xã hội
Sinh năm 1955, ngài lớn lên ở Dolton, một vùng ngoại ô của người lao động ở phía nam Chicago. Thân phụ của ngài gốc Pháp và Ý, là trung úy hải quân trong Thế chiến thứ hai, sau này ông là hiệu trưởng và là giáo lý viên. Mẹ của ngài làm thủ thư, bà hoạt động tích cực trong giáo xứ.
Ngài là nhà khoa học được đào tạo chính thức, ngài học ở trường Đại học Công giáo Villanova (Pennsylvania), ngài có bằng toán học ở đây. Sau đó, ngài theo học thần học tại Liên hiệp Thần học Công giáo ở Chicago trước khi vào Dòng Thánh Augustinô, tại đây ngài chịu chức năm 1982, khi mới 27 tuổi. Sau đó, ngài học giáo luật tại Giáo hoàng Học viện Thánh Tôma ở Rôma trước khi bắt đầu sự nghiệp ở Nam Mỹ.
Vì thiên chức của ngài là truyền giáo, năm 1985, ngài rời Dòng Thánh Augustinô để đi Peru, tại đây ngài sống như một nhà truyền giáo cho đến năm 1999. Sau đó, ngài về lại Mỹ, tiếp quản Tỉnh dòng Âugustinô Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành ở Trung Tây, trước khi về lại Rôma để làm Bề trên Tổng quyền Dòng trong 12 năm. Ở địa vị này, ngài giám sát 2.500 anh em ở nhiều châu lục và quản lý một tổ chức toàn cầu.
Năm 2014, ngài về lại Peru, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Giám quản tông tòa Giáo phận Chiclayo. Sau đó ngài là Giám mục chính thức của giáo phận này. Ngài có trách nhiệm khôi phục trật tự cho một vùng lãnh thổ và đặc biệt là một Giáo hội bị nhiều căng thẳng. Vào thời điểm đó, Giám mục đoàn bị chia rẽ vì vụ án của hai giám mục: một bị buộc tội vi phạm trẻ em, người kia có hạnh kiểm bất xứng.
Năm 2015 ngài vào quốc tịch Peru. Ngày thứ năm 8 tháng 5, nhiều báo ở Peru chạy tít: “Giáo hoàng là người Peru!” Tổng thống lâm thời Dina Boluarte của Peru lên tiếng “đây là ngày lịch sử của Peru!”
Ở đất nước này, chức giám mục của ngài không dễ dàng. Năm ngài vào quốc tịch, vụ bê bối Sodalicio nổ ra, vụ này là vụ bê bối tình dục quan trọng nhất của lịch sử Giáo hội Peru. Tháng 4, ngài đề nghị giải thể Sodalicio vài tuần trước khi Đức Phanxicô qua đời. Hồng y đã không ngần ngại can thiệp vào đời sống chính trị của đất nước Peru. Bản chất xã hội của ngài được thể hiện rõ vào tháng 2 năm 2023, khi ngài lên tiếng trong quá trình đàn áp các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống lâm thời Dina Boluarte: “Quyền biểu tình phải được tôn trọng. Có những người dân cảm thấy mình bị lãng quên, bị phớt lờ. Họ có những nhu cầu chính đáng.”
Ngài là người bênh vực cho người dân ở mọi tầng lớp xã hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)