
Trước khi cử hành phụng vụ đêm Vọng Phục Sinh, rất ít nghi thức phụng vụ được cử hành công khai, toàn Giáo hội đắm mình trong một bầu khí thinh lặng sâu sắc.
Sau khi tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh, toàn thể Giáo hội chìm vào thinh lặng. Mình Thánh Chúa được đặt lại trong Nhà Tạm và lưu giữ ở đó cho đến khi cử hành nghi thức Vọng Phục Sinh vào đêm thứ Bảy.
Tại nhiều giáo xứ, một cử hành đạo đức được hình thành từ lâu: người ta dựng nên một nhà mồ để đặt tượng xác Chúa Giêsu, và các tín hữu được mời gọi đến cầu nguyện trước mộ Chúa và kết hiệp cùng nỗi đau đớn của Người. Trong nhiều thế kỷ, hầu như không có nghi thức phụng vụ công khai nào được cử hành trước đêm Vọng Phục Sinh, cả Giáo hội đắm mình trong thinh lặng tuyệt đối từ chiều Thứ Sáu cho đến đêm muộn Thứ Bảy Tuần Thánh.
Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội thậm chí còn quy định một ngày chay nghiêm ngặt vào Thứ Bảy Tuần Thánh, không cho phép dùng bất kỳ thức ăn nào để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Nhiều tín hữu còn ở lại nhà thờ suốt đêm Thứ Sáu Tuần Thánh để canh thức cạnh huyệt mộ của Đức Giêsu. Một bài giảng từ thế kỷ thứ II đã mô tả bầu khí chung này của Giáo hội vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh:
“Điều gì đang xảy ra? Hôm nay, khắp mặt đất chìm trong một sự thinh lặng vô biên, một lặng yên đầy tĩnh mịch, một sự thinh lặng lớn lao vì Nhà Vua đang ngủ; cả thế gian đang run rẩy mà vẫn lặng yên, vì Thiên Chúa đã yên nghỉ trong xác phàm và đánh thức những người đã an nghỉ từ muôn thuở. Thiên Chúa đã chết trong xác phàm, và cõi âm phủ run rẩy.’’
Một trong những lý do cho sự ‘thinh lặng lớn lao’ này là để cùng đi vào nỗi thống khổ trong sự chết của Chúa Giêsu và cảm nghiệm sự mất mát sâu sắc mà các tông đồ chắc hẳn đã trải qua. Hãy dừng lại một chút và suy nghĩ về điều đó.
Dù Chúa Giêsu đã nhiều lần loan báo về sự Phục Sinh của Người, các tông đồ hẳn là vẫn hoài nghi khi đối diện với cái chết của thầy mình. Có lẽ các ngài đã tự hỏi: “Nếu Người là Đấng Mêsia, tại sao Người lại chết? Chẳng phải Người đã nói rằng Người sẽ từ cõi chết sống lại sao?” Thứ Bảy Tuần Thánh, vì thế, được xem như một ngày của thử thách đức tin – giữa hoài nghi và đau khổ, là ngày mà chính các môn đệ cũng không biết nên làm gì hay nên tin vào điều gì.
Ngay cả Đêm Vọng Phục Sinh cũng khởi đầu trong sự thinh lặng, giữa bóng tối bao trùm toàn thể không gian phụng vụ. Tuy nhiên, Tin Mừng trọng đại là Chúa Giêsu – Ánh Sáng thế gian đã thực sự sống lại, xua tan bóng tối và mọi hoài nghi mà chúng ta có thể đã mang trong lòng. Giáo hội bừng lên trong niềm vui trọn vẹn của mầu nhiệm Phục Sinh, âm nhạc vang vọng, chuông ngân rộn rã, và ánh sáng rực rỡ lan tràn, nâng tâm hồn chúng ta lên với Thiên Chúa.
Chỉ khi đã cảm nghiệm sự tĩnh lặng của Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta mới có thể thực sự cảm nhận trọn vẹn niềm hân hoan huy hoàng của Đêm Vọng Phục Sinh. Mỗi phần của Tam Nhật Thánh đều mang ý nghĩa sâu xa, và khi chúng ta thực sự dấn thân cách trọn vẹn vào hành trình ấy, tâm hồn chúng ta được biến đổi theo một cách khó có thể diễn tả thành lời.
Nguồn: Aleteia
Tác giả: Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Nam Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên