

PHÚC CHIẾU
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ CANH TÂN
HỌC VIỆN GIÁO HOÀNG NGOẠI GIAO
Thừa tác vụ Phêrô, trong sứ mạng phục vụ toàn thể Giáo hội, luôn thể hiện mối quan tâm huynh đệ đối với các Giáo hội địa phương và các Mục tử của họ, để họ có thể cảm nghiệm được sự hiệp thông trong chân lý và ân sủng mà Chúa đã thiết lập như là nền tảng của Giáo hội Ngài.
Trong nỗ lực không ngừng nhằm đem sự gần gũi của Đức Giáo hoàng đến với các dân tộc và các Giáo hội, các vị Đại diện Tòa thánh được cử đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, và tại đó các ngài trở thành điểm tham chiếu. Các ngài là những người gìn giữ sự chăm sóc mục vụ phát xuất từ trung tâm đến các vùng ngoại biên, hầu đưa các vùng ấy tham dự vào sức sống truyền giáo của Giáo hội, rồi từ đó đưa họ trở lại trung tâm với những nhu cầu, suy tư và nguyện vọng của họ. Ngay cả trong những thời điểm mà bóng tối của sự dữ dường như bao trùm mọi hành động bằng sự hỗn loạn và ngờ vực, các vị Đại diện Tòa thánh vẫn là “con mắt tỉnh thức và sáng suốt của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô đối với Giáo hội và thế giới” (Đức Phanxicô, Diễn văn dành cho các vị Đại diện Tòa thánh, ngày 17/09/2016). Được mời gọi để làm cho quốc gia nơi các ngài được sai đến cảm nhận được sự hiện diện của Giám mục Rôma – “Nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình của sự hiệp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu.” (Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, số 23), các ngài thi hành một tác vụ mục vụ phản ánh tinh thần linh mục, phẩm chất nhân bản, và khả năng chuyên môn của mình.
Bên cạnh hoạt động vừa mang tính linh mục vừa mang tính loan báo Tin mừng này, được đặt vào việc phục vụ các Giáo hội địa phương, sứ vụ được giao phó cho các nhà ngoại giao của Đức Giáo hoàng còn bao gồm cả việc đại diện cho ngài trước các cơ quan công quyền. Khía cạnh này trong công việc của các vị Đại diện Tòa thánh thể hiện việc thi hành quyền tự nhiên và độc lập trong hoạt động ngoại giao, vốn cũng là một phần của thừa tác vụ Phêrô, và việc thực thi quyền này cần được tôn trọng theo các quy tắc của luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng cho đời sống của cộng đồng các quốc gia (x. Giáo Luật, điều 362).
Thời đại của chúng ta cho thấy rằng sứ vụ này không còn giới hạn trong những quốc gia, nơi mà sự hiện diện của Giáo hội đã được bén rễ lâu dài nhờ việc rao giảng Tin mừng, mà còn được thực hiện tại những nơi mà Giáo Hội vẫn chỉ là một cộng đoàn non trẻ và đang phát triển; hoặc trong các diễn đàn quốc tế, nơi mà Tòa thánh, qua các vị đại diện của mình, theo sát các cuộc thảo luận, đánh giá các lập luận và, dưới ánh sáng của chiều kích đạo đức và tôn giáo đặc thù của mình, đưa ra những nhận định về các vấn đề lớn có liên quan đến hiện tại và tương lai của gia đình nhân loại.
Để thi hành sứ vụ một cách hiệu quả, các nhà ngoại giao phải không ngừng dấn thân vào một chương trình đào tạo vững chắc và liên tục. Việc chỉ thu thập kiến thức lý thuyết là chưa đủ, mà cần phát triển một phương pháp làm việc và một lối sống giúp các ngài nhận thức được những động lực sâu xa của các mối quan hệ quốc tế, cũng như được tôn trọng trong việc diễn giải những khát vọng và thách đố mà một Giáo hội ngày càng mang tính hiệp hành phải đối diện. Chỉ nhờ vào sự quan sát cẩn trọng đối với thực tại luôn biến chuyển, cùng với việc áp dụng sự phân định khôn ngoan, người ta mới có thể đánh giá được ý nghĩa của các biến cố và đề xuất những giải pháp cụ thể. Về phương diện này, những phẩm chất như sự gần gũi, biết lắng nghe cách sâu sắc, chứng tá, tinh thần huynh đệ và đối thoại là hết sức thiết yếu. Những phẩm chất này cần được kết hợp với sự khiêm tốn và hiền lành, để các linh mục – đặc biệt là các nhà ngoại giao Tòa thánh – có thể sống trọn vẹn hồng ân chức linh mục đã lãnh nhận, theo hình ảnh Đức Kitô Mục Tử Nhân Lành (x. Mt 11, 28-30; Ga 10, 11-18).
Ngày nay, tất cả những điều này đòi hỏi một sự chuẩn bị thích hợp hơn với nhu cầu của thời đại dành cho các linh mục được tuyển chọn kỹ lưỡng – những người đến từ nhiều giáo phận khác nhau trên thế giới, đã được đào tạo trong các ngành khoa học thánh và có kinh nghiệm mục vụ bước đầu – khi họ chuẩn bị để tiếp tục sứ vụ linh mục của mình trong ngành ngoại giao phục vụ Tòa thánh. Điều này không chỉ đơn thuần là cung cấp một nền giáo dục học thuật và khoa học ở trình độ cao, mà còn phải đảm bảo rằng hoạt động của các ngài mang tính giáo hội, và tất yếu phải gắn liền với thực tại của thế giới hôm nay, “nhất là trong thời đại chúng ta, vốn được ghi dấu bởi những thay đổi nhanh chóng, liên tục và sâu rộng trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ” (Tông hiến Veritatis Gaudium, Lời mở đầu, số 5).
Trong suốt ba trăm năm qua, nhiệm vụ đặc thù này đã được thực hiện bởi Học viện Giáo hoàng Ngoại giao, một cơ sở đào tạo đã vượt qua biết bao thăng trầm của lịch sử và hiện được nhìn nhận như là “trường đào tạo ngoại giao của Tòa thánh”, nơi đã đào tạo nên nhiều thế hệ linh mục đặt ơn gọi của mình vào việc phục vụ sứ vụ Phêrô thông qua công việc tại các cơ quan Đại diện Tòa thánh và Phủ Quốc vụ khanh. Để Học viện có thể chu toàn tốt hơn mục tiêu vì đó mà nó được thiết lập, và theo gương các vị Tiền nhiệm khả kính của tôi, tôi quyết định cập nhật lại cơ cấu tổ chức của Học viện và chuẩn y, dưới hình thức đặc biệt, (in forma specifica), bản Quy chế mới – vốn là phần không thể tách rời của Phúc chiếu này.
Do đó, tôi thiết lập Học viện Giáo hoàng Ngoại giao như một Học viện theo mô hình Khoa (ad instar Facultatis) chuyên về nghiên cứu Khoa học Ngoại giao, qua đó mở rộng số lượng các cơ sở tương tự đã được quy định trong Tông Hiến Veritatis Gaudium (xem Quy định áp dụng, điều 70).
Được ban cho tư cách pháp nhân công quyền (x. Veritatis Gaudium, điều 62 § 3), Học viện sẽ được điều hành theo các quy định chung hoặc riêng của Giáo luật có liên quan, cũng như các quy định khác do Tòa thánh ban hành dành cho các cơ sở giáo dục đại học của mình (x. cùng văn kiện, Quy định Áp dụng, điều 1 § 1).
Nhờ thẩm quyền của Tòa thánh (x. Veritatis Gaudium, các điều 2 và 6; Quy định Áp dụng, điều 1), Học viện sẽ được quyền cấp các văn bằng học thuật bậc hai và bậc ba trong lĩnh vực Khoa học Ngoại giao.
Học viện sẽ thực thi sứ mạng đào tạo của mình theo những hình thức tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực đặc thù là Khoa học Ngoại giao, bao gồm các ngành học như: luật, lịch sử, chính trị và kinh tế, cũng như các ngôn ngữ được sử dụng trong quan hệ quốc tế, và các lĩnh vực nghiên cứu có liên quan. Trong tiến trình canh tân này, cần đặc biệt lưu tâm để chương trình đào tạo có sự kết nối chặt chẽ với các ngành học thuộc lãnh vực Giáo hội, với phương pháp làm việc của Giáo triều Rôma, với các nhu cầu của các Giáo hội địa phương, và rộng hơn nữa, với công cuộc loan báo Tin mừng, với các hoạt động của Giáo hội, cũng như với mối tương quan của Giáo hội với văn hóa và xã hội loài người (x. cùng văn kiện, điều 85; Quy định Áp dụng, điều 4). Thật vậy, đây là những yếu tố cấu thành cấu thành bổ sung cho hoạt động ngoại giao của Tòa thánh cũng như cho khả năng hoạt động, trung gian, vượt qua các rào cản nhằm phát triển những lộ trình đối thoại và thương thuyết cụ thể, để bảo đảm hòa bình, tự do tôn giáo cho mọi tín hữu, và trật tự giữa các quốc gia.
Hơn nữa, tôi tuyên bố rằng, do bản chất là một cơ sở học thuật được thiết lập đặc biệt để đào tạo các nhà ngoại giao Tòa thánh, và vì mục đích của các chương trình đào tạo và nghiên cứu của mình, Học viện Giáo hoàng Ngoại giao, trên mọi phương diện, là một phần không thể tách rời của Phủ Quốc vụ khanh, trong khuôn khổ của cơ quan này, Học viện hoạt động và gắn bó cách đặc biệt (x. Tông hiến Praedicate Evangelium, điều 52 § 2)
Các quy định của Phúc chiếu này có hiệu lực ngay lập tức, đầy đủ và ổn định, bất chấp mọi điều khoản trái ngược, kể cả những điều đáng được đề cập cách đặc biệt.
Ban hành tại Rôma, Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 25 tháng Ba, Lễ Truyền tin của Chúa, năm 2025, năm thứ mười ba triều Giáo hoàng của tôi.
PHANXICÔ
———–
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (15/04/2025)