Đức Tổng Giám mục Fisichella: Cha giải tội chào đón người đến xưng tội, tìm kiếm người còn xa cách Giáo hội

Trong bài giảng Thánh lễ Ngày Năm Thánh của các Thừa sai Lòng Thương xót vào ngày 30/3/2025 , Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella khuyến khích các linh mục trở thành những cha giải tội mở rộng trái tim và tâm trí để chào đón người đến với chúng ta và đi tìm những người vẫn còn xa cách Giáo hội. Nhắc lại tình yêu của người cha thương xót phục hồi phẩm giá cho đứa con hoang đàng, ngài nói: “Tình yêu quên đi tội lỗi, và sự tha thứ buộc chúng ta phải hướng thẳng đến tương lai”.

Chúng ta không hiểu được “giá trị của sự gần gũi với Chúa”

Suy tư về dụ ngôn người cha thương xót trong Phúc Âm thánh Luca, Đức Tổng Giám mục Fisichella nói rằng chúng ta giống người con thứ, đòi thừa kế, vì muốn “tự do, tự chủ, tự tồn tại”, nhưng hậu quả là thất bại. Bởi vì “xa Thiên Chúa và nhà của Người là Giáo hội”, chúng ta sẽ đi theo “con đường dẫn chúng ta đến những điều vô ích, đến việc sử dụng những suy nghĩ phù phiếm và xa cách với nguồn tình yêu”.

Chúng ta cũng giống người con cả, cảm thấy “tức giận và oán giận” khi em mình trở về. Chúng ta cũng muốn được điều gì đó cho những năm tháng phục vụ trung thành, đến mức “nhầm lẫn việc phục vụ cách nhưng không và biến nó thành vũ khí chống lại Chúa”. Chúng ta không hiểu được “giá trị của sự gần gũi với Chúa”.

Cuộc sống linh mục phải biểu lộ tình yêu của Chúa Cha

Đối với các linh mục, Đức Tổng Giám mục Fisichella nhấn mạnh rằng “khi chúng ta quen với thánh chức của mình, mọi thứ trở nên hiển nhiên, lặp đi lặp lại” và chúng ta không cảm nhận được “cảm giác hiệp thông với Chúa”. Nếu chúng ta “nhận thức được ân sủng được ban cho chúng ta để luôn ở bên Người mỗi ngày”, thì cuộc sống linh mục của chúng ta sẽ là sự biểu lộ rõ ràng tình yêu của Chúa Cha. Vì lý do này, “chúng ta được kêu gọi kiên trì với Chúa để chia sẻ mọi sự với Người”.

Linh mục đón tiếp người đến với mình, tìm kiếm người ở xa mình

Ngài mời gọi các linh mục hãy học tình phụ tử của Chúa Cha trong dụ ngôn, và “biết hướng mắt nhìn về phía xa để thấy ngay sự hiện diện của những người ở xa và đang đến gần; phải “ngay lập tức từ bỏ sự thiển cận” trong suy nghĩ và hành vi “để mở rộng trái tim và tâm trí để có thể đến với những người đến với chúng ta”.

Hơn nữa, cũng giống như người cha “chạy đến gặp con mình”, vị linh mục không ngồi trong tòa giải tội, “nhưng biết đến gặp con mình khi con còn ở xa vì ông đã nhận ra con mình đã trở về nhà”. Và trong vòng tay dành cho người con tội lỗi, chúng ta hiểu được “tình yêu quên đi tội lỗi, và sự tha thứ buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào tương lai” để sống thật tốt. Người cha cũng bày tỏ lòng kiên nhẫn đối với người con trưởng, không phải bằng cách la mắng, nhưng yêu cầu anh điều gì đó đòi hỏi dấn thân hơn. Đó là “nhận ra rằng tình yêu thay đổi cuộc sống; rằng sự tha thứ khôi phục lại một cuộc sống mới; rằng chia sẻ là hoa trái của lòng quảng đại đã được ban cho chúng ta”.

Hòa giải trọn vẹn: nhận ra mỗi người đều là con Chúa

Cuối cùng, Đức Tổng Giám mục Fisichella kết luận, “hai người con phải nhận ra rằng họ là anh em” và cùng nhau trở về nhà Cha, vì chỉ khi cùng nhau “chúng ta mới có thể mang lại tình yêu vĩ đại của Chúa Cha”. Không ai có thể ở “ngoài nhà Cha”, cuộc sống vô nghĩa là một hình phạt: với sự hòa giải trọn vẹn và toàn diện, mỗi anh em có thể khám phá lại rằng họ là những người con.

Mỗi Thừa sai Lòng Thương xót là “một công cụ đặc biệt của sự hòa giải”. Họ có nhiệm vụ nhắc nhở mọi người, như Chúa Giêsu đã làm với dụ ngôn này, “tình yêu của Thiên Chúa bao la biết bao” và khác biệt biết bao.

Nguồn: vaticannews.va/vi