Tìm thấy chính mình trong máng cỏ

Giáng sinh đã làm thế giới thay đổi như thế nào? Chúng ta sẽ ra sao nếu không có Lễ Giáng sinh đầu tiên?

2025 năm trước, Thiên Chúa đã trở thành con người, và điều đó đã thay đổi mọi thứ. Chúng ta coi cảnh máng cỏ thân thương là điều hiển nhiên, nhưng nếu không có hang đá với những người chăn chiên và những vị đạo sĩ thì sao? Chúng ta có thể sống sót khi không có những món ăn và thức uống dành riêng cho đêm Giáng Sinh và không có vòng hoa Giáng Sinh, nhưng nếu không có Emmanuel, Đấng làm cho Thiên Chúa ở “cùng chúng ta”, thì chúng ta sẽ ra sao?

Thánh Phaolô cho chúng ta thấy thực tế phũ phàng của cuộc sống không có Đấng Cứu Thế khi ngài nhắc nhở người Êphêsô về tình trạng của họ trước khi chịu phép rửa tội:

“Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung… buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác… đã chết vì sa ngã… không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này” (Êphêsô 2:1-5, 12).

Đơn giản là chúng ta sẽ bị lạc lối trong một thế giới đen tối, bị bỏ rơi với nguồn tài nguyên ít ỏi của mình.

Tội lỗi của Adam và Eva đã đảo lộn thế giới. Adam và Eva được cho ở một nơi được bảo vệ và được đáp ứng mọi nhu cầu, đặc biệt là mong muốn sâu sắc nhất của họ là được hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng họ muốn nhiều hơn thế, muốn nắm được sự hiểu biết toàn năng vốn không được phép, họ muốn trở nên giống Thiên Chúa theo cách của riêng họ. Và vì vậy, những bản năng thấp kém hơn của cuộc sống, vốn phải phụ thuộc vào những điều cao cả hơn, đã nổi loạn, kéo sự ngay thẳng của chúng ta xuống bóng tối. Nhân loại sa ngã giờ đây chủ yếu hướng đến “cái tôi”, đến sự thỏa mãn những ham muốn của riêng mình hơn bất cứ điều gì khác, về cơ bản là biến chính bản thân mình thành thần tượng của mình.

Lễ Giáng sinh sửa chữa mọi thứ bằng cách dạy chúng ta logic ngược lại của món quà hy sinh. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa vốn là sự sống viên mãn, đã hạ mình xuống, trở thành người hầu cho các thụ tạo phản loạn của Ngài. Thánh Phaolô cũng mang đến cho chúng ta tin mừng, dạy chúng ta rằng Lễ Giáng sinh, sự ra đời của Con Thiên Chúa trong thế giới đen tối này, kéo chúng ta ra khỏi chế độ nô lệ của chính bản thân mình như thế nào: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Chúa Kitô Giêsu. Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2:3-7). Nếu không có Lễ Giáng sinh, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong một ý chí quyền lực vô ích, mò mẫm một cách mù quáng để tự tạo ra căn tính và ý nghĩa cho chính mình.

“Tôi là ai?” và “Tại sao tôi tồn tại?” Đây là những câu hỏi then chốt của con người. Động vật không đặt ra những câu hỏi này; chỉ có những sinh vật biết suy nghĩ và định hình số phận của mình thông qua sự lựa chọn tự do mới có thể đặt ra những câu hỏi này. Mặc dù là những câu hỏi muôn thuở, nhưng chúng đã trở nên cấp thiết hơn nhiều trong thế giới hiện đại, nơi mà những dấu hiệu xác nhận căn tính trong quá khứ, vốn được lấy từ Giáo hội, gia đình và văn hóa, đã trở nên mỏng manh. Đây là lý do tại sao một lần nữa chúng ta phải cảm nghiệm mặc khải về sự nhập thể của Con Thiên Chúa vào thế giới.

Khi chúng ta cố trả lời những câu hỏi cơ bản nhất của cuộc sống, chúng ta trở nên bất an và thậm chí có thể tuyệt vọng trước sự có vẻ vô nghĩa như vậy. Chỉ bằng cách ngắm nhìn máng cỏ, chúng ta mới có thể trả lời những câu hỏi đó. Chúng ta có thể đã từ bỏ Thiên Chúa, nhưng Chúa Hài Đồng chứng minh rằng Ngài không từ bỏ chúng ta. Chúng ta có thể đưa ra những định nghĩa hợp lý về ý nghĩa của việc trở thành một con người, chẳng hạn như con người là “một loài động vật có lý trí”, nhưng lời nói không đủ để diễn tả sự kiện Giáng sinh này, vốn có khả năng thay đổi thực tại. Là một con người có nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi Đấng vô hạn đã hạ mình xuống để kéo chúng ta trở lại hiệp thông với Ngài. Chỉ khi quỳ gối, ngắm nhìn Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, chúng ta mới có thể khám phá ra Thiên Chúa yêu quý chúng ta đến mức nào và mời gọi chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh cửu của Ngài.

Máng cỏ mang đến một dấu chỉ cho toàn thế giới về ý nghĩa của cuộc sống con người – tình yêu tự trút bỏ mình ra không cách triệt để – một chướng ngại vật đối với nhiều người, giống như Thập giá. Hêrôđê đại diện cho những kẻ nắm quyền lực của thế gian vẫn sống bằng cách sử dụng bạo lực hết mức có thể, cố gắng xây dựng một vương quốc trường tồn cho chính mình một cách vô ích. Lễ Giáng sinh dạy chúng ta rằng những người bé nhỏ cuối cùng sẽ chiến thắng. Các nạn nhân vô tội của Hêrôđê, bị sát hại trong cuộc tìm kiếm Đấng Mêsia, giờ đây đang trị vì trong vinh quang. Những người chăn chiên nghèo khổ, ít học, đã nhận được lời công bố đầu tiên về Tin Mừng chứa đựng bước ngoặt quyết định lịch sử. Đến lượt mình, họ trở thành những người đầu tiên công bố Tin Mừng cho những người khác: “Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2:20).

Chúng ta gọi Chúa Giêsu là Hoàng tử Bình an. Ngài đã có thể thay đổi lịch sử và thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của việc làm người, nhưng chúng ta cũng cần tự mình cảm nghiệm điều đó. Chúng ta có thể tìm thấy sự mãn nguyện cho cõi lòng bất an của mình trong dịp Giáng sinh này không? Một đàng là tận hưởng lễ kỷ niệm, gợi lại thời thơ ấu ngây ngô của chúng ta, và đàng khác là từ bỏ cuộc truy tìm không ngừng cái tôi riêng tư của mình và từ bỏ việc cố sức lưu danh mình cho hậu thế. Máng cỏ lại không đủ giá trị để Thiên Chúa trao đổi với con người chúng ta hay sao? “Thiên Chúa đã trở thành con người để con người có thể trở thành Thiên Chúa” Thánh Athanasiô giải thích như thế.

Nhưng để chấp nhận sự trao đổi này, chúng ta phải trở nên giống như những trẻ nhỏ, nhận được từ Chúa Cha ân huệ căn bản của Ngài: tháp nhập vào Người Con thần thánh của Ngài như là các chi thể của Thân Thể Ngài. Đây mới là con người mà chúng ta được dựng nên để trở thành trong cốt lõi của căn tính chúng ta. Đó là chân lý vĩ đại nhất mà con người chúng ta có thể hình dung ra được và là chân lý duy nhất có thể lật ngược thế giới này trở lại đúng chiều.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ: catholicworldreport.com (12/12/2024)

Hình: Ben White @benwhitephotography/Unsplash.com