Chúa Nhật 31 thường niên năm B – Torah và Luật Lệ Do-Thái

Đức Chúa chính là nguồn gốc của mọi Lề Luật ngay cả những luật về phong tục của một dân tộc. Vì vậy có những vụ án mang tính dân sự cũng được quyết định trước Thiên Chúa (x. Xh 22,7-8) hoặc được phân xử trước Thánh Điện (x. 1 V 8,31-32). Người xét xử tức là thẩm phán có thể là tư tế, ông không chỉ xét xử trong phạm vi luật lệ thiêng liêng mà còn cả trong những vụ án dân sự và hình sự…

Tin Mừng theo thánh Mác-cô 12,28b-34

Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.”… (Mc 12,28-34)

Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Thường Niên năm B kể chuyện một kinh sư đến với Chúa Giê-su và hỏi Người rằng điều răn nào lớn nhất và đứng đầu các điều răn (x. Mc 12,28b). Câu chuyện giữa Chúa Giê-su và vị kinh sư không mang tính tranh luận, mà như một cuộc đối thoại trong tương quan thầy trò, dĩ nhiên ở đây người thầy là Chúa Giê-su. Để trả lời vị kinh sư, Chúa Giê-su đã trích dẫn những điều luật trong Cựu Ước về lòng yêu mến Thiên Chúa (x. Đnl 6,4-5) và yêu thương tha nhân (x. Lv 19,18b). Vị kinh sư đã hoàn toàn đồng ý với câu trả lời của Chúa Giê-su và còn thêm rằng giới răn yêu thương còn quan trọng hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ (x. Mc 12,32-33). Cuối cùng Chúa Giê-su khen ngợi ông ấy và tuyên bố rằng ông rất gần với Nước Thiên Chúa (x. Mc 12,24).

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và vị kinh sư có thể được minh họa bởi câu chuyện trong sách Talmud là sách ghi chép luật lệ của Do-thái giáo và những câu chuyện đạo đức. Một người dân ngoại đến với ráp-bi Hillel và nói : “Thầy có thể nào nói cho tôi hiểu toàn bộ Torah trong khoảng thời gian tôi đứng bằng một chân không ạ ?” Vị ráp-bi trả lời : “Điều gì anh ghét nhất thì anh đừng làm cho người thân cận, đó là toàn bộ Torah… hãy đi và học làm điều đó.” (sách Tô-bi-a cũng lấy lại câu này ở 4,15). Còn Chúa Giê-su, cũng dạy về nguyên tắc trên nhưng theo hướng tích cực hơn hẳn : “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm như thế cho họ, vì đó là Lề Luật và các Ngôn sứ” (Mt 7,12), các học giả Kinh Thánh đã gọi câu này là khuôn vàng thước ngọc.

Trong bài học hỏi Kinh Thánh này, chúng ta tìm hiểu xem Lề Luật của Do-thái giáo gồm những gì và có ảnh hưởng ra sao đối với chúng ta là những Ki-tô hữu.

1. Từ ngữ Lề Luật

Danh từ Lề Luật có nguồn gốc từ tiếng Híp-ri Torah(תּוֺרָה) với nhiều nghĩa như : sự hướng dẫn, giáo huấn, lề luật. Trong Cựu Ước, tùy ngữ cảnh mà người ta hiểu từ Torah được dùng theo nghĩa nào. Salomon Schechter, một học giả và thần học gia Do-thái cho rằng bản Hy-lạp LXX đã dịch từ này là nomos(νόμος) chỉ với nghĩa lề luật là một sự thiếu sót, vì theo ông từ nomos chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh pháp l‎ý và quy tắc, trong khi Torah không chỉ đề cập đến năm quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh là Ngũ Thư (Pentateuch), mà còn mang ý nghĩa rộng lớn hơn, bao gồm tất cả giáo lý, luật lệ và nguyên tắc đạo đức trong truyền thống Do-thái. Ngoài ra, Torah còn mang ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa và cuộc sống tâm linh trong khi từ “nomos” không diễn tả ‎ý nghĩa này.

Sau đây, xin đề ra một số ý nghĩa của từ Torah phù hợp với từng ngữ cảnh.

– Giáo huấn : “Đừng sao nhãng giáo huấn của thầy.” (Cn 4,2) ; Sách Gióp chỉ nhắc đến từ Torah một lần ở 22,22a và mang nghĩa là giáo huấn : “Hãy đón nhận giáo huấn miệng Thiên Chúa phán ra…”.

– Lời dạy bảo : “Dân tôi hỡi, hãy lắng nghe lời dạy bảo của tôi” (Tv 78,1) ; “Lời dạy của mẹ con đừng gạt bỏ” (Cn 1,8).

Như vậy, trong nhiều trường hợp, Torah chỉ đơn giản là “những hướng dẫn về nguyên tắc đạo đức” của những bậc khôn ngoan, của các hiền nhân dành cho hậu thế (x. Cn 13,14).

– Lề luật : Torah mang ‎nghĩa Lề Luật trong một số ngữ cảnh nhất định, ngoài ra cũng rất khó có sự thống nhất giữa các ngôn ngữ. Tuy nhiên, nhiều lần từ Torah được dùng với nghĩa là lề luật : Luật Mô-sê (x. 1 V 2,3), sách Luật của Mô-sê (x. Nkm 8,1), sách Luật của Thiên Chúa (x. Gs 24,26)Lề Luật Chúa (Tv 1,2), Lề Luật Thiên Chúa (Nkm 10,29-30).

2. Từ ngữ Lề Luật trong Do-thái giáo

Để diễn tả Lề Luật trong Do-thái giáo, ngoài từ Torah, còn có một số thuật ngữ khác như sau :

– miswa(מִצְוָה) có nghĩa là “điều răn” hay “lệnh truyền” (x. St 26,5 ; Xh 15,26), thường được hiểu là một chỉ dẫn cụ thể của Thiên Chúa mà người ta phải tuyệt đối tuân hành.

– mispát(מׅשְפָּט) có nghĩa là “phán quyết” hay “quyết định” (x. Đnl 4,45 ; 25,1 ; Is 58,2).

– êdut(עֵדוּת) trong thời Xuất hành từ này mang nghĩa là một lời chứng giao ước hay “Chứng Ước” (x. Xh 16,34…Ds 18,2), sau đó từ ê-dut mang ‎ý nghĩa là “chỉ thị” hay “thánh ý” .

– khukka(חֻקָּה) có nghĩa là “quy tắc” hay “thánh chỉ” (x. Lv 23,14 ; Đnl 6,2 ; 1 V 11,34 ; Tv 18,23).

– pikkudim(פּׅקּוּדׅים) có nghĩa là “huấn lệnh” từ này chỉ gặp 24 lần trong Tv, mà 21 lần ở Tv 119,4.15.27.40…

– dabar(דָּבָר) thuật ngữ này có nhiều nghĩa : “lời nói, sự việc, điều…”. Từ da-bar được sử dụng rất nhiều trong Cựu Ước (2167 lần), đặc biệt là khi biểu thị “lời phán” của Thiên Chúa và để nói lên sự trang trọng của lề luật như Mười Điều Răn ở Xh 20,1 : “Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây.” Điều đó cho thấy từ này cũng nhấn mạnh rằng lề luật là sự mặc khải ý định của Đức Chúa, chính vì thế nó mang tính cách chắc chắn.

– dat(דָּת) đây là từ A-ram chỉ gặp ở trong sách Ét-ra (6 lần) và Đa-ni-en (8 lần) có nghĩa là “Lề Luật của Thiên Chúa” (x. Er 7,12.14.21.25) hoặc “lệnh của vua” (Er 7,26 ; Đn 2,15).

Tìm hiểu những từ ngữ trên đây giúp chúng ta nhận ra rằng ngay từ thời đầu, Do-thái giáo đã có nhiều từ ngữ để diễn tả về những giới răn, lề luật, cho thấy sự phong phú trong từ ngữ, tất cả nhằm giúp con người nên hoàn thiện. Cũng như từ Torah, những từ ngữ vừa liệt kê không chỉ giới hạn trong một nghĩa duy nhất, mà tùy ngữ cảnh, các từ sẽ có nghĩa thích hợp.

3. Nguồn gốc của Lề Luật trong Do-thái giáo

Đức Chúa chính là nguồn gốc của mọi Lề Luật ngay cả những luật về phong tục của một dân tộc. Vì vậy có những vụ án mang tính dân sự cũng được quyết định trước Thiên Chúa (x. Xh 22,7-8) hoặc được phân xử trước Thánh Điện (x. 1 V 8,31-32). Người xét xử tức là thẩm phán có thể là tư tế, ông không chỉ xét xử trong phạm vi luật lệ thiêng liêng mà còn cả trong những vụ án dân sự và hình sự.

Lề Luật không chỉ là những quy tắc áp đặt trên dân, nhưng phản ánh một lối sống, giúp cộng đồng Do-thái duy trì bản sắc văn hóa và tôn giáo của họ. Qua việc tuân thủ Lề Luật, người Do-thái thể hiện lòng tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội. Từ đó, Lề Luật trở thành nền tảng cho đời sống tâm linh và đạo đức của cộng đồng Do-thái giáo.

Trở lại bài Tin Mừng, khi trả lời câu hỏi của vị kinh sư, Chúa Giê-su đã nhắc lại hai giới răn quan trọng mà người Do-thái đạo đức nào cũng đọc 3 lần mỗi ngày trong kinh She-ma, đó là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người đồng loại. Câu trả lời của Chúa Giê-su là một bằng chứng cho thấy giá trị lâu bền của Lề Luật, đúng như lời khẳng định của Người : “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Chúa Giê-su luôn có thiện cảm với những người tuân giữ Lề Luật cách đúng đắn : Chúa khen vị kinh sư trả lời khôn ngoan (x. Mc 12,34) và đem lòng yêu mến người thanh niên giàu có là người đã tuân giữ các giới răn từ thuở bé (x. Mc 9,21).

Câu trả lời của Chúa Giê-su cho vị kinh sư về điều răn yêu thương đặt ra một tiêu chuẩn thần học và đạo đức. Nó dựa trên niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất và không có ai khác ngoài Người. Qua mệnh lệnh “phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa”, Đức Giê-su tóm tắt nền tảng đạo đức của Torah và đem đến cho các Ki-tô hữu lòng trân trọng di sản của Do-thái giáo là Cựu Ước. Mệnh lệnh yêu thương là một đáp trả tình yêu mà Thiên Chúa đã thể hiện với chúng ta : “Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước !” (1 Ga 4,19). Tình yêu này đã được bộc lộ cách đặc biệt qua Chúa Giê-su : “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9). Sau hết Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân lớn hơn tất cả mọi điều răn khác và luôn đi đôi với nhau.

Kết luận

Thánh vịnh 119 là Thánh vịnh dài nhất trong 150 Thánh vịnh và chứa đựng tất cả những từ ngữ diễn tả Lề Luật mà trong mỗi câu sẽ xuất hiện một trong các từ ấy. Tác giả mời gọi con người sống theo Lề Luật để nên hoàn thiện và được Thiên Chúa ban phúc lành. Chúng ta cùng cầu nguyện bằng đoạn mở đầu của Thánh vịnh này :

Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật phápChúa Trời.
Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.
Họ không làm điều ác,
nhưng cứ đường lối Chúa mà đi.
Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,
truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.
Ước mong sao con hằng vững bước
theo thánh chỉ Ngài ban.
Để con không xấu hổ
khi nhìn lại các mệnh lệnh của Ngài.
Con thành tâm dâng lời cảm tạ
vì được biết những quyết định công minh.
Thánh chỉ Ngài, con xin tuân giữ,
xin Ngài đừng nỡ bỏ rơi con.
Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng ?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.
Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài,
xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.
Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ,
để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.
Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng,
thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.
Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại,
các quyết định miệng Ngài phán ra.
Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng
hơn là được tiền rừng bạc bể.
Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền,
đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa.
Con vui thú với thánh chỉ Ngài
chẳng quên lời Ngài phán.

Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga, CND