Trả lời:
Mến chào bạn,
Câu hỏi của bạn làm tôi liên tưởng ngay đến sự khác biệt về cách hành xử trong gia đình ba thế hệ của tôi mỗi khi có sự cố cúp điện. Đối với cha mẹ tôi, việc cúp điện không thành vấn đề, bởi lẽ trước đây ông bà chỉ xài đèn dầu trong một thời gian dài. Riêng tôi thì khác, vì từ nhỏ đã quen tiện nghi nhờ các thiết bị điện nên mỗi lần cúp điện là tôi gần như “treo máy”, chẳng làm được gì, dù thực tế có những công việc không nhất thiết phải dùng đến điện. Từ kinh nghiệm đó tôi có thể hình dung mấy đứa cháu của tôi và những người bạn đồng trang lứa với chúng sẽ phản ứng như thế nào nếu không có internet. Thế hệ trẻ ngày nay sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ thông tin phát triển bùng nổ nên những phương tiện truyền thông qua internet trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” hay “bất khả phân ly” với chúng cũng là điều dễ hiểu.
Hiện tượng này đáng vui mừng hay đáng lo ngại? Câu trả lời là: Tùy. Xét cho cùng thì điện lưới hay internet cũng như các loại thiết bị chỉ là phương tiện, chúng tốt hay xấu tùy vào cách con người sử dụng. Chẳng hạn như nếu được dùng đúng mục đích thì con dao là dụng cụ hữu ích cho việc làm bếp, còn không thì nó trở thành một loại vũ khí nguy hiểm. “Văn hóa sự chết” mà bạn nói đến thực ra đã bắt đầu ngay từ khi ông bà nguyên tổ phạm tội bất tuân lệnh Chúa rồi chứ không phải đợi đến thời hiện đại mới phát sinh. Chúng ta gọi đó là tội. Tội lỗi đã xâm nhập thế gian và không ngừng bành trướng “văn hóa sự chết” của nó qua mọi nơi trong mọi thời. Các phương tiện truyền thông ngày nay chỉ làm vạch rõ bộ mặt chết chóc đó một cách rõ nét và phổ quát hơn trước đây mà thôi. Như thế vấn đề chúng ta cần quan tâm ở đây không phải là thiết bị hay phương tiện truyền thông, mà là cách con người sử dụng chúng.
Vậy cụ thể là người trẻ phải “hòa nhập” vào bối cảnh thời đại mới này như thế nào để có thể đề kháng trước “văn hóa sự chết” đang lan tràn nhanh chóng trên không gian mạng? Theo tôi, trước hết chúng ta không nên quá bi quan trước hiện tượng sự dữ hoành hoành trên thế giới này, cách riêng là qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ bằng cái chết và sự phục sinh của Người. Những ai đã đón nhận sự sống mới trong Đức Giêsu nhờ đức tin thì sẽ không phải lo sợ trước thế lực sự dữ hay sự chết, dù nó được biểu hiện dưới bất cứ hình thức hay trong môi trường nào đi nữa. Do đó, Chúa Giêsu chính là chìa khóa giải đáp vấn đề chúng ta đang đặt ra. Chính Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Người sẽ giúp chúng ta đánh bại mưu chước sai trái, dối trá và chết chóc của ma quỷ. Nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng của Chúa Giêsu, bóng tối của “văn hóa sự chết” không đủ sức làm hại chúng ta. Cụ thể, ở đây tôi xin gợi ý ba điểm xét như ba khí cụ giúp chúng ta sử dụng phương tiện truyền thông một cách đúng đắn, đó là tình yêu, khôn ngoan và sự tự do.
Chúa Giêsu mặc khải cho loài người nhận biết khuôn mặt của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu. Con đường chúng ta “hội nhập” vào thế giới mạng xã hội cũng phải là con đường tình yêu, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Giáo lý Hội thánh Công giáo đã lấy lại định nghĩa của thánh Tôma Aquinô về tình yêu: “Yêu là muốn điều thiện cho người khác” (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1766). Theo đó, tình yêu luôn giúp cổ võ và làm phát sinh sự sống, là đối trọng với “văn hóa sự chết”. Vậy, chúng ta phải tự xét xem mình có tham gia mạng xã hội với con tim đong đầy yêu thương không? Những điều chúng ta chia sẻ hay cách chúng ta tương tác trên mạng xã hội có thực sự là vì muốn mang lại điều tốt cho người khác hay không?
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần cảnh báo về “văn hóa selfie”, tức là làm mọi cách để được chú ý hay nổi tiếng mà không quan tâm đến nhu cầu của người khác, đặc biệt là những người sống bên lề xã hội. Để chống lại xu hướng đó, thay vì nghĩ cách để có được nhiều tương tác thì chúng ta nên chú ý hơn đến giá trị đóng góp xây dựng cộng đồng từ nội dung chúng ta chia sẻ trên mạng xã hội. Chia sẻ những câu chuyện đẹp trong đời thường, những lời nói hay kiểu tương tác giúp động viên an ủi người khác, giúp nhau học hỏi mở rộng hiểu biết… là những điều tốt đẹp chúng ta có thể làm dễ dàng hơn trước đây nhờ sự phát triển của công nghệ, cách riêng là mạng xã hội. Tóm lại, chúng ta càng lan tỏa yêu thương thì “văn hóa sự chết” sẽ càng bị khuất phục, dù trên phương tiện truyền thông hay ở bất cứ môi trường nào khác.
Khí cụ tiếp theo chính là sự khôn ngoan. Chúa cho con người trí khôn để tạo ra những tiện nghi giúp cuộc sống được dễ dàng hơn, trong đó công nghệ thông tin truyền thông là một ví dụ điển hình. Khoảng cách địa lý dường như không còn là trở ngại lớn nữa khi người ta có thể dễ dàng kết nối liên lạc với nhau. Theo đó, việc xây dựng các mối quan hệ xã hội hay giao dịch kinh doanh vươn tầm xa hơn rất nhiều so với thời chưa có Internet. Tuy nhiên, chính trong môi trường đó lại phát sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi bị lợi dụng bởi những kẻ xấu. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài phải “đơn sơ như bồ câu” nhưng đồng thời cũng phải biết “khôn như rắn”. Giống như con rắn xưa đã cám dỗ ông bà nguyên tổ phạm tội bất tuân lệnh Chúa thì ngày nay ma quỷ cũng nhắm vào những thói xấu của con người một cách tinh vi nhờ sự trợ giúp rất đắc lực của mạng xã hội. Như tôi đã nói ở trên, mạng xã hội tự nó không tốt cũng không xấu, vấn đề là do cách con người sử dụng.
Sự khôn ngoan đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo nhận ra xu hướng tội lỗi mà mạng xã hội đang lôi kéo chúng ta bước theo hay sa đà vào. Cách tính toán của trí thông minh nhân tạo (AI) dễ dàng phát hiện điều mỗi người chúng ta quan tâm nhiều nhất. Nếu chúng ta ngã theo điều xấu thì nó sẽ giới thiệu thêm nhiều cái xấu hấp dẫn tương tự nữa, đến một lúc nào đó chúng ta không có đủ sức thoát ra được. Ví dụ, nếu chúng ta thích xem phim ảnh khiêu dâm thì thông tin chúng ta nhận được từ mạng xã hội sẽ tràn ngập phim ảnh khiêu dâm, cứ như thể không còn nội dung nào khác đáng cho chúng ta quan tâm nữa. Ngược lại, nếu chúng ta quan tâm đến những nội dung lành mạnh thì những thông tin xấu sẽ bị lấn át và dần dần ít xuất hiện hơn.
Chúng ta biết như thế để có phương án đối phó ngăn chặn ngay khi “văn hóa sự chết” mới chớm ảnh hưởng, không cho nó cơ hội lan tỏa và khuynh đảo đời sống của mình hay người khác. Điều này lại đòi hỏi sự trưởng thành của mỗi người trong khả năng phân định giữa điều tốt và điều xấu, vốn cũng là một biểu hiện của sự khôn ngoan. Ví dụ như có những clip giúp giải trí sau những giờ học tập hay làm việc căng thẳng nhưng cũng có những clip chỉ tạo ra sự hưng phấn kích thích thần kinh và khiến chúng ta mất nhiều thời gian cho chúng một cách vô ích. Cũng vậy, con người cũng rất cần sự khôn ngoan khi tiếp cận và xử lý thông tin trên mạng xã hội để biết được đâu là tin thật hay tin giả, đâu là âm mưu của một nhóm truyền thông đang cố lèo lái dư luận. Có như thế chúng ta mới thoát khỏi những thế lực đen tối là tay sai của sự dữ đang hoành hành trên các phương tiện truyền thông.
Điều cuối cùng và cũng có lẽ là điều quan trọng nhất giúp chúng ta sử dụng phương tiện truyền thông một cách hiệu quả đó chính là sự tự do. Con người có tự do để chọn lựa và hành động theo những gì đúng với phẩm giá Chúa ban cho mình. Trái với tự do chính là lệ thuộc. Khi người ta quá lệ thuộc vào mạng xã hội đến mức nghiện, không có không được, thì khi đó họ đã đánh mất tự do. Thuật ngữ “phương tiện truyền thông” tự nó cũng đã xác định một ranh giới rõ ràng về vai trò của mạng xã hội. Đúng là cuộc sống con người không thể thiếu sự kết nối hay truyền thông. Tuy nhiên, người ta có thể kết nối với nhau qua nhiều “phương tiện” khác nữa chứ không chỉ giới hạn trong không gian mạng.
Con người luôn có nhu cầu kết nối bằng việc trực tiếp nhìn thấy ánh mắt nụ cười hay lắng nghe tiếng nói của nhau. Ngay cả với những nhóm hoạt động online người ta vẫn có nhu cầu offline để gặp gỡ trò chuyện với nhau mỗi khi có dịp. Đó là chưa kể có rất nhiều câu chuyện cuộc sống hay những mảnh đời không bao giờ được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Nếu ai đó cho rằng họ không thể sống được nếu không có internet thì rõ ràng là cuộc đời họ đã bị cầm tù trong phạm vi giới hạn của thế giới mạng xã hội. Mạng xã hội với đặc tính năng động của nó dễ khiến con người ta mất ý thức về giới hạn không gian và thời gian. Theo đó, khi con người ta cho rằng thế giới mạng là tất cả (không gian) cuộc sống thì họ đã đánh mất cơ hội tương tác với những con người ở bên cạnh họ hàng ngày. Cũng vậy, khi con người bị thúc bách phải hoạt động (bất chấp thời gian) trên mạng xã hội thì họ quên mất rằng thể xác con người cần thời gian để nghỉ ngơi hay vận động thể dục thể thao tăng cường sức khỏe. Một người tự do là một người luôn luôn ý thức rõ và biết đặt ra giới hạn về không gian và thời gian sử dụng mạng xã hội trong đời sống của mình.
Bạn thân mến, tôi chia sẻ với bạn những điều trên đây với tư cách là một người đã phải chật vật để “hòa nhập” với sự phát triển chóng mặt của công nghệ truyền thông. Tôi cũng phải thừa nhận sự nhỏ bé yếu đuối của mình trước sự tấn công rất tinh vi và mạnh mẽ của “văn hóa sự chết” trên không gian mạng. Tuy nhiên, chúng ta không có cách nào khác hơn là phải đối diện với thực tế, nhờ ơn Chúa giúp. Tôi tin rằng nếu chúng ta có niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa và quyết tâm noi gương Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có đủ tình yêu, khôn ngoan và sự tự do để chung tay xây dựng Nước Trời là “văn hóa sự sống”, “văn hóa gặp gỡ” ngay trong môi trường truyền thông.
WHĐ (24/9/2024)