Huấn dụ Chúa nhật 16 Thường Niên năm B (21.07.2024) – Sự nghỉ ngơi và lòng thương cảm

Trưa Chúa Nhật ngày 21/7, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã có bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 16 Thường Niên năm B. Sau đây là toàn văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

KINH TRUYỀN TIN

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, ngày 21.07.2024

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Mc 6,30-34) kể lại rằng các tông đồ trở về sau khi được sai đi, đã tụ họp quanh Chúa Giêsu và kể cho Người nghe những gì họ đã làm; rồi Người nói với họ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (c. 31). Tuy nhiên, dân chúng hiểu ý nên khi thầy trò vừa rời khỏi thuyền thì Chúa Giêsu thấy đám đông đang đợi Người, Người chạnh lòng thương và bắt đầu giảng dạy họ (xem câu 34).

Vì vậy, một mặt là lời mời nghỉ ngơi, mặt khác là lòng thương của Chúa Giêsu dành cho đám đông. Chúng dường như là hai mặt không thể dung hòa được, nhưng thực ra chúng lại đi cùng nhau: sự nghỉ ngơi và lòng thương cảm. Chúng ta dừng lại một chút để suy tư về điều này.

Chúa Giêsu lo lắng về sự mệt mỏi của các môn đệ. Có lẽ Người đang thấy được một mối nguy hiểm có thể liên quan đến cuộc sống và hoạt động tông đồ của chúng ta, chẳng hạn như khi lòng nhiệt thành cho sứ mạng hay công việc, cũng như vai trò và nhiệm vụ được giao phó khiến chúng ta trở thành nạn nhân của chủ nghĩa hoạt động, quá lo lắng về những việc phải làm và kết quả. Và điều xảy ra là chúng ta bị kích động và đánh mất những điều cốt yếu, có nguy cơ kiệt sức và rơi vào trạng thái mệt mỏi về thể xác và tinh thần. Đó là một lời cảnh báo quan trọng cho cuộc sống của chúng ta, cho xã hội, vốn thường là tù nhân của sự vội vàng, nhưng cũng là lời cảnh báo cho Giáo hội và cho việc phục vụ mục vụ: chúng ta hãy cẩn thận với sự độc tài công việc!

Điều này có thể xảy ra với những nhu cầu trong gia đình, ví dụ như người cha vì lo cơm áo cho gia đình bị buộc phải vắng mặt cho công việc, phải hy sinh thời gian lẽ ra dành cho gia đình. Họ thường phải rời nhà từ sáng sớm, khi con cái còn đang ngủ, và trở về nhà tối muộn, khi chúng đã ngủ. Đây là một sự bất công xã hội. Trong gia đình, bố và mẹ phải có thời gian dành cho con cái, để làm cho tình yêu gia đình lớn lên và không rơi vào sự độc tài công việc. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều gì có thể làm để giúp những người bị buộc phải sống như vậy.

Đồng thời, việc nghỉ ngơi được Chúa Giêsu đề nghị không phải là một lối chạy trốn thế gian, một sự rút lui vào hạnh phúc cá nhân; ngược lại, khi thấy những người bơ vơ, Người chạnh lòng thương. Và vì thế, từ Tin Mừng, chúng ta biết rằng hai thực tại này – sự nghỉ ngơi và lòng thương cảm – có mối liên hệ với nhau: chỉ khi chúng ta học được cách nghỉ ngơi thì chúng ta mới có thể có lòng thương cảm. Thật vậy, chỉ có thể có một cái nhìn cảm thông, có thể nắm bắt được nhu cầu của người khác, nếu trái tim chúng ta không bị hao mòn bởi sự lo âu về công việc, nếu chúng ta biết dừng lại và, trong im lặng tôn thờ, đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.

Vì thế, anh chị em thân mến, chúng ta có thể tự hỏi: tôi có biết cách dừng lại trong những ngày sống của mình không? Tôi có biết dành một chút thời gian để ở lại với chính mình và với Chúa không, hay tôi luôn vội vàng với những việc phải làm? Chúng ta có biết tìm một chút “sa mạc” nội tâm giữa những ồn ào và sinh hoạt thường ngày không?

Xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh giúp chúng ta “nghỉ ngơi trong Chúa Thánh Thần” ngay cả trong mọi hoạt động hàng ngày của chúng ta, biết sẵn sàng và cảm thông với người khác.

—-

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến Thế vận hội Olympic Paris đã khai mạc sáng nay, và sau đó là Thế vận hội Paralympic. Ngài nói rằng: Thể thao cũng có một sức mạnh xã hội rất lớn, có khả năng quy tụ cách ôn hoà mọi người từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Ngài cầu chúc cho sự kiện này trở thành một dấu chỉ của một thế giới hội nhập mà chúng ta muốn xây dựng, và các vận động viên trở thành những sứ giả của hoà bình. Đức Thánh Cha cũng ước mong, theo truyền thống lâu đời, các Thế vận hội Olympic trở thành cơ hội để thiết lập các lệnh ngừng bắn trong các cuộc chiến, thể hiện ước muốn chân thành cho hoà bình.

Kế đến, Đức Thánh Cha chào các tín hữu từ khắp nơi đến đọc Kinh Truyền Tin với ngài tại quảng trường thánh Phêrô. Và ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho hoà bình ở Ucraina, Palestine, Israel và nhiều nước khác đang trong chiến tranh.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Nguồn: vaticannews.va/vi