“Cầu nguyện là thiết lập tình bạn với Chúa, bằng cách thường xuyên trò chuyện riêng tư với Ngài, Đấng mà chúng ta biết là yêu thương chúng ta.” Đây là một trong những câu nói của thánh nữ Têrêsa thành Avila mà tôi yêu thích nhất, một người phụ nữ vô cùng thông thái.
Khi còn nhỏ, quan điểm của tôi về cầu nguyện rất cứng nhắc và khuôn mẫu. Nhờ sự gương mẫu của cha mẹ và các thầy cô giáo Công giáo, tôi thuộc kinh Tin Kính, kinh Kính Mừng, kinh Lạy Cha, kinh Hãy Nhớ, kinh Sáng Danh… Bạn nói đến kinh nào là tôi biết kinh đó. Tôi thuộc làu các hình thức cầu nguyện theo cấu trúc như kinh Mân Côi, đàng Thánh Giá và tham dự thánh lễ, nhưng những gì tôi trải qua lại quá an toàn hoặc ít đụng chạm tới những bộn bề của cuộc sống. Tôi lấp đầy giờ Chầu Thánh Thể bằng lời kinh Mân Côi, Lectio Divina hoặc các lời nguyện và suy tôn Thánh Thể, rồi sau đó nhanh chóng kết thúc giờ cầu nguyện bằng những lời nguyện cá nhân. Mặc dù tất cả các phương pháp cầu nguyện này đều tốt lành và hữu ích, nhưng chúng ta nên ưu tiên dành cho Chúa không gian để đáp lại.
Không có lời cầu nguyện nào là hoàn hảo cả. Thực tế thì đôi khi cầu nguyện có thể và trở nên lộn xộn. Giống như trong các mối quan hệ với con người, những cuộc trò chuyện có thể trở nên rối tung khi chúng ta tức giận, sợ hãi hoặc thất vọng về một tình huống hay một người nào đó. Tôi nghĩ rằng nhiều lần chúng ta cố gắng lảng tránh những cảm xúc này trong cầu nguyện. Chúng ta nghĩ rằng mình phải thể hiện bản thân tốt nhất, hoàn hảo nhất trước mặt Chúa, nhưng đó không phải điều Ngài mong muốn. Chúa biết bản chất con người của chúng ta – Ngài dựng nên ra chúng ta – vì vậy chúng ta đừng sợ Ngài quay lưng lại khi chúng ta nói ra những thử thách và đau khổ của mình cho Ngài biết. Chúa muốn chúng ta thành thật và bày tỏ hết những mỏng giòn, yếu đuối với Ngài, giống như với người bạn thân nhất. Điều này có nghĩa là, đôi khi chúng ta có thể bước vào cầu nguyện trong cơn giận dữ với Chúa vì một điều gì đó đang diễn ra trong cuộc sống của mình, hãy cứ thế mà cầu nguyện. Hãy kêu lên với Chúa, khóc với Chúa, và sẵn sàng để Ngài đón nhận trọn vẹn con người bạn. Chỉ khi chúng ta thực sự chân thành với Chúa trong cầu nguyện thì mối quan hệ giữa ta với Ngài mới có thể phát triển. Đó là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện, đó là để củng cố mối quan hệ với Cha trên trời.
Bây giờ, có thể bạn sẽ thắc mắc, điều này thực sự diễn ra như thế nào? Tôi có thể nói với bạn một điều chắc chắn rằng: việc cầu nguyện của mỗi người mỗi khác, nhưng mục tiêu cuối cùng là đi vào sự hiện diện thánh thiêng của Chúa. Tôi khuyên bạn mỗi ngày hãy dành riêng một khoảng thời gian để trò chuyện với Chúa. Đó có thể là 30 phút trong khi đi đến nơi làm việc, 10 phút đầu tiên của buổi sáng hoặc thậm chí 20 phút trước khi đi ngủ; nhưng hãy cố gắng dành riêng khoảng thời gian cụ thể này để cầu nguyện mỗi ngày. Bạn có thể nghĩ rằng lịch trình của mình quá bận rộn để cầu nguyện hàng ngày, nhưng thưa bạn, ngay cả Chúa Giêsu cũng dành thời gian nghỉ ngơi khỏi việc chữa bệnh, giảng dạy, rao giảng và thực hiện phép lạ để cầu nguyện. Cách cầu nguyện tốt nhất, đơn giản nhất và hiệu quả nhất là ở một mình với Chúa và nói chuyện với Ngài từ trái tim. Và tôi có thể hứa rằng khi bạn dành thời gian cho những cuộc trò chuyện này với Chúa, mọi thứ khác sẽ đi đúng hướng.
Lời khuyên khác của tôi khi bạn đi sâu hơn vào mối quan hệ với Chúa là hãy phó thác mọi sự trong cuộc sống của bạn cho Ngài. Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2611 nói rằng: “Lời cầu nguyện của đức tin không hệ tại ở chỗ thưa: ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’, nhưng là sẵn lòng thi hành thánh ý của Chúa Cha. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Người đem vào lời cầu nguyện sự quan tâm cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa”. Khi cầu nguyện, chúng ta nên trình bày mọi niềm vui, tạ ơn, thử thách, đau khổ, lo lắng và mối quan tâm, nhưng chúng ta cũng nên sẵn sàng và mong muốn phó thác những điều đó cho Chúa, và tin rằng Ngài có một kế hoạch cho cuộc sống của chúng ta. Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta bơ vơ hay mãi mãi trong đau khổ vì Ngài là một Thiên Chúa nhân từ; chúng ta phải có lòng tin! Nếu bạn đang vật lộn với tư tưởng buông bỏ hoàn toàn, tôi khuyên bạn nên đọc Kinh Cầu Tín Thác, làm tuần Cửu nhật Dâng mình cho Chúa Giêsu, hoặc thậm chí chỉ cần chiêm ngắm linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.
Tôi cũng muốn nhân cơ hội này để củng cố sự tốt lành và cần thiết của việc cầu nguyện theo cấu trúc trong cuộc sống của chúng ta. Tôi không đề nghị bạn từ bỏ Kinh Mân Côi hay Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, bởi vì đây là những công cụ cầu nguyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện của chúng ta nơi Nước Trời. Tôi muốn lưu ý rằng những công cụ thánh thiện này không phải là mục đích cuối cùng. Tôi khuyến khích bạn mở lòng cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn lời cầu nguyện của bạn, và đừng để lời cầu nguyện theo cấu trúc trở thành phương tiện duy nhất để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa.
Lời khuyên cuối cùng của tôi là hãy cầu xin những điều lớn lao. Không có ước muốn nào là quá lớn đối với Chúa, vì vậy hãy cho Ngài biết những nhu cầu của bạn! Giống như trong bất kỳ mối quan hệ nào đặt tình yêu lên đầu, Chúa là Đấng yêu thương chúng ta luôn mong muốn tuôn đổ hồng ân dồi dào cho mỗi người chúng ta. Khi cầu nguyện, hãy cho Ngài biết những nhu cầu của bạn! Xin Chúa ban Thánh Thần của Ngài xuống trên bạn! Xin Ngài hướng dẫn bạn khi chọn trường đại học, xin việc hoặc tìm kiếm bạn đời. Hãy cho Chúa biết những ước muốn của bạn và lặng lẽ chờ đợi Ngài trả lời, bởi vì cầu nguyện luôn được cho là cuộc trò chuyện giữa chúng ta và Chúa, giúp tình bạn thiêng liêng triển nở.
Tác giả: Fr. Jpseph M. Esper
Chuyển ngữ: Lê Minh
Chuyển ngữ từ: Catholic Exchange
Nguồn: dongten.net