Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan

Tại Dinh Tông toà sáng thứ Hai, ngày 27.05, Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn khoảng 100 Tăng sĩ Phật giáo đến từ Wat Phra Cetuphon, ngôi chùa hoàng gia đầu tiên và rất nổi tiếng ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Sau đây là toàn văn Việt ngữ Lời chào mừng của Đức Thánh Cha:

LỜI CHÀO MỪNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TRONG BUỔI TIẾP PHÁI ĐOÀN TĂNG SĨ PHẬT GIÁO THÁI LAN

Hội trường Clementine

Thứ Hai, ngày 27 tháng 05 năm 2024

Thưa quý cao Tăng,

Thưa quý chư Tăng,

Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui mừng được chào đón quý vị nhân chuyến thăm này nhằm củng cố tình hữu nghị lâu dài của chúng ta.

Tôi nhớ lại với lòng biết ơn về chuyến thăm đất nước của quý vị từ ngày 20 đến ngày 23.11.2019, và sự đón tiếp nồng hậu mà anh chị em dành cho tôi. Tôi giữ mãi kỷ niệm về Đức Tăng thống Vương quốc Phật giáo Thái Lan, xin chuyển tới ngài lời chào thăm trìu mến của tôi.

Nói về những sự kiện gần đây đã củng cố thêm tình bằng hữu lâu bền của chúng ta, tôi rất vui khi nghe biết về Hội thảo chuyên đề Phật giáo-Kitô giáo lần thứ VII được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 11 năm ngoái, quy tụ hơn 150 tham dự viên từ nhiều nơi ở châu Á để suy tư về chủ đề “Karuna và Agape trong đối thoại nhằm chữa lành nhân loại và trái đất bị tổn thương”. Hiện nay nhân loại và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, thực sự bị tổn thương! Biết bao cuộc chiến tranh, biết bao người đã mất tất cả và buộc phải chạy trốn. Biết bao trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Tuy nhiên, như quý vị đã nhấn mạnh trong cuộc Hội thảo, “chúng ta vững tin rằng, giữa những đám mây đen, những ai bám rễ sâu vào truyền thống tôn giáo tương ứng của mình và sẵn sàng làm việc cùng nhau có thể mang lại tia hy vọng cho một nhân loại đang tuyệt vọng”. (Tuyên bố cuối cùng của Bộ Đối thoại Liên tôn, Hội thảo Phật giáo-Kitô giáo lần thứ VII, ngày 16.11.2023).

Trong Hội thảo, quý vị đã nhấn mạnh 3 điểm căn bản mà tôi muốn lặp lại: thứ nhất, quý vị tuyên bố rằng: “Không ai có thể được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau, vì chúng ta liên kết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau”. Dưới ánh sáng của chân lý này, tôi mời gọi quý vị hãy hợp tác với tất cả mọi người: xã hội dân sự, thành viên của các tôn giáo khác, chính phủ, tổ chức quốc tế, cộng đồng hàn lâm và khoa học, cùng tất cả những ai quan tâm để thúc đẩy tình hữu nghị giúp duy trì hòa bình và tình huynh đệ, cũng như xây dựng một thế giới dung nạp hơn. Thứ đến, quý vị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục dành cho tất cả mọi người, nhất là giới trẻ và trẻ em, “trong các mối tương quan chăm sóc và chia sẻ với người khác và với môi trường”. Cuối cùng, quý vị đã xác tín, “chúng ta tin rằng cầu nguyện và thiền định có thể xoay chuyển tình thế bằng việc thanh lọc con tim và tâm trí chúng ta; tạo nên lòng nhân ái, thương xót và tha thứ ở những nơi có oán giận và báo thù, đồng thời tạo nên tinh thần tôn trọng và quan tâm đến người khác và trái đất”. Tôi rất vui mừng vì ngày mai quý vị sẽ cầu nguyện cho hòa bình tại Vương cung thánh đường Santa Maria ở Trastevere.

Tôi chân thành cảm ơn quý vị vì nghĩa cử tốt đẹp khi đến Vatican và tôi khuyến khích quý vị tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác, đặc biệt là với Giáo hội Công giáo tại Thái Lan, trên tinh thần tình bằng hữu lâu dài. Tôi cầu xin muôn vàn phước lành thiêng liêng tuôn tràn trên quý vị và tất cả người dân trên Vương quốc cao quý của quý vị. Cảm ơn rất nhiều!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (27. 05. 2024)