Thượng Hội đồng về hiệp hành không giống như các Thượng Hội đồng Đông Phương

Đức cha Manuel Nin tham dự Ngày Công giáo Đức lần thứ 102 tại Castle Square ở Stuttgart, Nam Đức, ngày 26/05/2022.

 (Hình: Thomas Kienzle / AFP via Getty Images)

THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ HIỆP HÀNH KHÔNG GIỐNG NHƯ CÁC THƯỢNG HỘI ĐỒNG ĐÔNG PHƯƠNG

Edward Pentin

Đức cha Manuel NinGiám mục Công giáo Hy Lạp Byzantine nhấn mạnh rằng Thượng hội đồng trên hết có nghĩa là cùng đi với Đức Kitô và cảnh báo chống lại “Chủ nghĩa nghị viện Kitô giáo”.

Bất kể những tuyên bố trái ngược, Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới về hiệp hành không giống bất kỳ Thượng hội đồng nào của các Giáo hội Đông phương – vốn giống một tiến trình nghị viện, thiếu mục tiêu rõ ràng và mạch lạc, một giám mục Công giáo Hy Lạp sẽ tham dự Thượng hội đồng cho biết.

Trong một bài bình luận hôm mồng 03/08 được đăng trên trang web của Miền Phủ doãn Tông tòa Công giáo Hy Lạp, Đức cha Manuel Nin, giám mục Miền Phủ doãn Tông tòa Công giáo Hy Lạp Byzantine tại Hy Lạp, đã bày tỏ một số quan ngại về Đại hội Thượng hội đồng Giám mục, phiên họp đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày mồng 04 – 29/10/2023 và phiên họp thứ hai sẽ vào tháng 10/2024. Phiên họp sắp tới đánh dấu một bước đột phá đáng kể so với các Đại hội Thượng Hội đồng trước đây, khi giờ đây một nhóm giáo dân được chọn tham gia sẽ được phép bỏ phiếu.

Đức cha Manuel thừa nhận rằng việc thực thi thẩm quyền này có “chiều kích hiệp hành” trong đó các quyết định được đưa ra ở “cấp độ hiệp đoàn hoàn toàn thuộc về các giám mục của Thượng Hội đồng”, nhưng ngài nhấn mạnh rằng nếu Tây phương hiểu hiệp hành như là nơi “mọi người, giáo dân và giáo sĩ, cùng nhau hành động để đi đến một số quyết định mang tính giáo hội, giáo lý, giáo luật, kỷ luật, bất kể đó là gì, thì rõ ràng là tính hiệp hành như vậy không hiện hữu ở Đông phương”.

Ngài cảnh báo rằng tính hiệp hành trong tất cả các Giáo hội Kitô, cả Đông và Tây phương, không thể là một kiểu phản ánh thế giới hiện đại, theo đó Giáo hội trở nên giống như một “nền dân chủ phương Tây hiện đại, có thể là nghị viện, nơi mọi người có thể nói mọi điều”. Ngài nói, đời sống của Giáo hội “chưa bao giờ là một hình thức dân chủ trong đó mọi người quyết định mọi việc theo nguyên tắc đa số”.

Theo Đức cha Manuel, “Chủ nghĩa nghị viện Kitô giáo” như vậy có thể dẫn đến việc xây dựng một “Giáo hội học hình chóp”, bởi vì nó mời gọi rất nhiều giáo dân và không giáo sĩ (non-clerics) tham gia vào quyền bầu cử, gạt ra bên lề hoặc quên đi tính hiệp đoàn giám mục trong các vấn đề điều hành và đời sống của Giáo Hội.

Ngài lưu ý thêm rằng “việc thiếu vắng sự minh bạch chắc chắn” về ý nghĩa của tính hiệp hành, và nhận thấy rằng toàn bộ tiến trình, bắt đầu ở cấp quốc gia và Châu lục vào năm 2021-22, là một chỗ thích hợp “nơi mà ai cũng có thể thể hiện bản thân về bất cứ điều gì, thậm chí đề xuất các vấn đề và ý kiến vốn thường dành độc quyền của Giám mục Rôma”.

Với tư cách là một giám mục Công giáo Đông phương, Đức cha Manuel nói rằng, điều khiến ngài hết sức bối rối là những tuyên bố được “nhiều” người đưa ra, “ngay cả cả bởi những người có thẩm quyền”, khi nói rằng: “Anh chị em ở Đông phương luôn có tính hiệp hành” không giống như Giáo hội ở phương Tây.

Nhưng chúng ta đang nói về tính hiệp hành nào?” Đức cha Manuel đặt câu hỏi và cảnh báo về việc nhầm lẫn giữa tính hiệp hành với tính hiệp đoàn giám mục của các thượng hội đồng trong các Giáo hội Đông phương.

Ngài nói, tính hiệp đoàn giám mục “gắn liền với việc thực thi quyền bính, thừa tác vụ mục vụ, phục vụ trong Giáo hội Kitô, diễn ra trong Đại hội của các giám mục thuộc một Giáo hội cụ thể và do một Thượng phụ, Tổng giám mục hoặc Tổng giám mục chính toà đứng đầu”.

Theo Đức cha, “các quyết định trong các Giáo hội này được đưa ra bởi Đại hội các giám mục (hầu như luôn được gọi là “hội đồng” hoặc đôi khi là “công nghị giáo phẩm”) thuộc một Giáo hội Đông phương”. Và ngài giải thích rằng, những cuộc họp như vậy được triệu tập bởi các giám mục chủ tọa nhằm đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến “cuộc hành trình Kitô được các mục tử thực hiện vì lợi ích của các tín hữu, về mặt tinh thần và vật chất”.

Trái lại, ngài lưu ý rằng Thượng hội đồng về hiệp hành là một “cuộc đi lên mang tính hiệp đoàn” của giáo dân và giáo sĩ nhưng ngài tự vấn: “Đi đến đâu? Để đạt mục đích gì?” Ngài cũng đưa ra câu hỏi: những người tham gia đi cùng ai?

Đức cha chỉ ra rằng từ synod bắt nguồn “trực tiếp từ tiếng Hy Lạp và có nghĩa là ‘đi cùng’”, nhưng ngài nói thêm rằng điều phải được “làm rõ ngay lập tức để suy tư của chúng ta về tính hiệp hành không đi lạc lối” là ý nghĩa và đối tượng thực sự của tiếp đầu ngữ syn (“với”) trong tiếng Hy Lạp. Ngài viết:

Nó không ám chỉ cuộc hành trình mà ám chỉ ai đó cùng đi và hoàn tất hành trình đó. Đó là đối tượng hoặc nhân vật với ai” tiếp đầu ngữ syn” kết nối chúng ta và đưa chúng ta lại với nhau.

Đức cha nhấn mạnh nó không đề cập đến con đường, cũng không đề cập đến giáo dân hay giáo sĩ, nhưng tiếp đầu ngữ syn “kết nối chúng ta là những Kitô hữu và đưa chúng ta đến với một Ngôi vị là Đức Kitô”.

Cuộc hành trình cùng với Đức Kitô

Đức cha khẳng định: Vì thế, điều trước hết cần làm rõ:

Đó không phải là “cuộc tuần hành của tất cả mọi người cùng nhau” mà là “cuộc tuần hành của tất cả mọi người cùng với Đức KitôChúng ta đừng quên rằng yếu tố “với Đức Kitô này được hoàn tất trong Giáo hội, được nuôi dưỡng và sinh động bởi Thánh Thể là Mình và Máu châu báu của Người.

Ngài nói tiếp, tính hiệp hành ở Đông và Tây phương là một trải nghiệm sống động, và hành trình “hiệp hành” luôn là một phần của đời sống Kitô hữu bởi vì đời sống của mỗi người đã lãnh phép Rửa là một “cuộc hành trình cùng với Đức Kitô, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống”. Việc bước đi này của những người đã chịu phép Rửa với Đức Kitô là “điều quan trọng cần nhấn mạnh”, và đó là điều cần được “khôi phục lại vị trí hàng đầu trong đời sống Kitô hữu của chúng ta”.

Đức cha nhớ lại câu chuyện được cho là của Thánh Antôn viện phụ, một vị ẩn tu sa mạc của Giáo hội sơ khai, người đã nghĩ rằng những dấu chân trên cát là của mình, nhưng sau đó đã khám phá ra rằng những dấu chân không phải của mình mà là của “Đấng đi bên cạnh Antôn, và là Đấng nâng đỡ thánh nhân trong những lúc yếu đuối”.

Ngài cũng nhắc lại lối sống đan tu, cả ở Đông và Tây phương, như một “mô hình của tính hiệp hành” vốn cho phép người ta để cho mình “được Tin Mừng hướng dẫn”, cùng với những hướng dẫn tâm linh trần thế, để “cùng đi với Đức Kitô trong việc tìm kiếm Thiên Chúa“. Đức cha kể lại câu chuyện về Đức cố Hồng y Giacomo Biffi của Bologna, vị đã cảnh báo trong Năm Thánh 2000 về mối nguy hiểm “che khuất hoặc thậm chí quên mất Đấng là lý do duy nhất cho Năm Thánh”.

Kết thúc bằng câu hỏi, “vậy thì tính hiệp hành là gì?” Đức cha Manuel nói rằng đối với ngài, đó là

Hành trình của tất cả chúng ta, những người đã lãnh phép Rửa trong Đức Kitô, đã lắng nghe Tin Mừng của Người, cử hành đức tin, lãnh nhận ân sủng trong các Bí tích, kể cả qua anh chị em của mình – một cuộc hành trình được trực tiếp hướng dẫn và đồng hànhthậm chí đôi khi được các mục tử vác trên vai, cùng nhau bước theo dấu chân của Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.

Đức cha Manuel lặp lại,

Thượng Hội đồng là cuộc hành trình với Đức Kitô, Đấng là người bạn đồng hành duy nhất của tất cả chúng ta như là những thành viên của Thân mình Người là Giáo hội. Đừng bao giờ quên căn tính của vị chủ tế – Đức Kitô.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (24/08/2023)