Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên
Giống như thời các ngôn sứ trong Cựu ước, ở mỗi giai đoạn của lịch sử Giáo Hội, Thiên Chúa lại gửi đến những vị lãnh đạo phù hợp. Nhờ vậy, mà Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập luôn đứng vững trước những phong ba bão táp của trần gian. Đức tin Kitô giáo khẳng định: “Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập và không ngừng nâng đỡ Giáo Hội thánh thiện của Người nơi trần gian, một cộng đoàn đầy niềm tin, cậy, mến, như một cơ cấu hữu hình, nhờ đó Người thông truyền chân lý và ân sủng cho mọi người. Nhưng Giáo Hội vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ chế phẩm trật, vừa là Nhiệm Thể Đức Kitô, là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng đoàn thiêng liêng, là Giáo Hội tại thế đồng thời cũng là Giáo Hội dư tràn của cải trên trời, dù vậy, không được nhìn Giáo Hội như hai thực thể, nhưng đúng hơn, tất cả chỉ làm nên một thực tại đa phức, được kết thành từ yếu tố nhân loại và thần linh” (Lumen Gentium, số 8). Thật vậy, Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa, vừa mang yếu tố thần linh, vừa mang yếu tố nhân loại. Cơ cấu nhân sự và con người, chỉ là một khía cạnh của Giáo Hội. Giáo Hội chính là Thân thể huyền nhiệm của Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Thân thể đó.
Thêm vào đó, Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Chỉ có một Giáo Hội của Đức Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, Giáo Hội mà Đấng Cứu Độ chúng ta, sau khi sống lại, đã ủy thác cho Phêrô chăn dắt, đồng thời cũng trao cho Phêrô và các Tông đồ khác nhiệm vụ truyền bá và cai quản Giáo Hội (x. Mt 28,18), và Người cũng thiết lập Giáo Hội nên như “cột trụ và điểm tựa của chân lý” đến muôn đời (1 Tm 3,15). Giáo Hội ấy được tổ chức như một công đồng xã hội trên trần gian, được bảo toàn trong Hội Thánh Công Giáo, được cai quản bởi Đấng Kế vị thánh Phêrô và các Giám mục hiệp thông với ngài” (Lumen Gentium, số 8).
Ngày 13 tháng 3 năm nay, chúng ta kỷ niệm 10 năm Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Giáo Hoàng, trước sự ngạc nhiên của cả thế giới. Ngài là tu sĩ dòng Tên đầu tiên trong lịch sử được bầu lên ngai toà thánh Phêrô, và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latin. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Đức Giáo Hoàng Phanxicô được bầu, với sự đồng ý của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, ngày 6 tháng 3 năm 2023, Tổng Giáo phận Hà Nội tổ chức thánh lễ tạ ơn, cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và bày tỏ tâm tình yêu mến hiệp thông của cộng đoàn Công giáo tại Việt Nam đối với Đấng kế vị thánh Phêrô. Cùng với sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Zalewski, còn có quý Đức Cha trong Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh và quý Đức Cha thuộc Giáo tỉnh Hà Nội. Thánh lễ tạ ơn cũng có sự hiện diện của các vị khách đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, khoảng 20 vị đại sứ thuộc Ngoại giao đoàn tại Hà Nội, đông đảo linh mục, tu sĩ và giáo dân Hà Nội.
Trong bài chia sẻ Lời Chúa, dựa trên lời ngôn sứ Êdêkien về các mục tử, và Tin Mừng thánh Gioan về việc Chúa tuyển chọn thánh Phêrô “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga, 21-23), Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã phân tích sứ mạng của Đấng Kế vị thánh Phêrô, như mối dây hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội hoàn vũ. Sức mạnh của Giáo Hội không hệ tại ở những sư đoàn, sự hùng mạnh về kinh tế và ảnh hưởng xã hội, nhưng ở Đức tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Đức Giêsu chỉ đòi hỏi nơi thánh Phêrô tình yêu và trung thành. Người không đòi phải có sức mạnh quân sự và ảnh hưởng trần thế. Sau Thánh lễ, một bữa tiệc thân mật được tổ chức trong tinh thần bằng hữu hiệp thông.
Cùng với việc dâng Thánh lễ tạ ơn cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những hoạt động của ngài, trong thời gian 10 năm, kể từ khi ngài được bầu. Đã có nhiều nhà chuyên môn và nhiều quan sát viên diễn tả cảm nhận về vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công giáo. Người viết bài này chỉ xin trình bày một vài suy tư rất đơn sơ về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, như tâm tình yêu mến và hiệp thông đối với Đấng Kế vị thánh Phêrô.
Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng của những ngạc nhiên: Sau những ngày bàng hoàng do việc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm, thế giới Công giáo vui mừng vì đã có Giáo Hoàng mới. Niềm vui đi kèm với sự ngạc nhiên, vì vị tân Giáo Hoàng này không mang y phục như các vị tiền nhiệm, mà chỉ mặc chiếc áo dài (Soutane) trắng đơn sơ. Ngài vẫn mang cây thánh giá mà ngài đã mang nhiều năm, từ khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, rồi Hồng Y San Roberto Bellarmino (Argentina). Điều đặc biệt hơn nữa, trước khi ban phép lành cho dân chúng đang tụ họp đông đảo tại quảng trường thánh Phêrô, vị tân Giáo Hoàng xin mọi người cầu nguyện cho mình. Ngay từ những ngày đầu của triều đại Giáo Hoàng, ngài đã đưa Giáo Triều Rôma đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: ngài tự trả tiền chi phí cho những ngày lưu trú tại nhà đón tiếp thánh Matta. Ngài di chuyển bằng xe hơi rất đơn sơ. Ngài không ở trong cung điện Giáo Hoàng như các vị tiền nhiệm từ nhiều thế kỷ, mà vẫn ở nhà khách, nhà thánh Matta cho đến hiện nay.
Trên đây mới chỉ là một vài nét thể hiện phong cách của vị Giáo Hoàng trong đời sống và tại nơi cư trú thường ngày. Điều làm thế giới ngạc nhiên hơn nữa, đó là sự gần gũi, bình dân, cởi mở của ngài. Ngài gọi điện hoặc viết thư trả lời ngay cả đối với một số cá nhân. Một vị Giáo Hoàng khi được bầu đã ở tuổi 76, và chỉ có một lá phổi vì trước đó đã phẫu thuật, nhưng lại rất mạnh mẽ và tinh tường. Giáo huấn của Ngài không dừng lại ở những chủ đề Đức tin và Giáo Hội, nhưng còn liên hệ đến mọi lãnh vực của cuộc sống. Ngài quan tâm đến người di dân, đến môi trường sinh thái. Với tước hiệu Phanxicô, Đức Thánh Cha muốn sống theo tinh thần của vị thánh nghèo, quan tâm đến môi trường, yêu mến thiên nhiên và nhận ra lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua mọi tạo vật. Ngài đã làm những “điều” khiến thế giới kinh ngạc: rửa chân cho các tù nhân, ôm ấp người dị dạng, hôn chân các vị lãnh đạo Nam Sudan để cầu xin hòa bình cho dân chúng.
Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng cải cách: Đức tin là một phạm trù bền vững bất di bất dịch, vì đó là ân ban của Thiên Chúa, nhưng cách trình bày Đức tin thì cần phải canh tân cho phù hợp với thời đại. Giáo Hội của Chúa Kitô cần phải thay đổi trong cơ cấu và trong phương thức làm việc, để trở nên gần gũi với mọi nền văn hóa, hầu làm cho chất men Tin Mừng thấm nhập mọi môi trường cuộc sống. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thao thức điều này. Ngài là vị Giáo Hoàng chú trọng đến việc canh tân Giáo Hội, khởi đi từ canh tân Giáo triều Rôma. Ngài cũng thiết lập những cơ quan mới của Tòa Thánh, rút gọn thời gian tổ chức các Thượng Hội đồng. Các giáo hội địa phương giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng Giáo Hội, như tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 đã chứng minh điều đó. Đức Thánh Cha luôn trăn trở làm thế nào để Giáo Hội Chúa Kitô mang khuôn mặt mới, phù hợp với thời đại, chứ không phải là một đồ cổ rất giá trị, nhưng lại thường xuyên cất trong tủ kính. Chúng ta đều quen thuộc câu nói của ngài: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 49). Giáo Hội mà Đức Phanxicô mơ ước là Giáo Hội mở rộng cánh cửa để đi ra với thế giới và để đón nhận thế giới đến với mình. Ngài muốn một Giáo Hội lấm láp vì phục vụ và làm việc hơn là một Giáo Hội trắng trẻo, vàng vọt và yên ổn trong chiếc ghế bành êm ấm của mình.
Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng của thập giá: Đi theo Đức Giêsu là đi trên con đường thập giá. Như chính Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Mt 16,24). Khi chủ trương cải cách trong cơ cấu tổ chức và phương thức truyền giáo, Đức Phanxicô vấp phải rất nhiều phản ứng, bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội. Từ khoảng hai thập niên trở lại đây, những vụ bê bối do lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ, đã gây nên nhiều tổn thương nghiêm trọng trong Giáo Hội. Với cương vị là người đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha vừa cương quyết nghiêm khắc trong việc đưa ra những quyết định có liên quan, vừa thể hiện lòng thương xót cảm thông đối với những người trót lầm lỗi và nhất là đối với những nạn nhân. Nhiều cơ quan thông tin đã lợi dụng những vụ bê bối trong Giáo Hội để trình bày những hình ảnh tiêu cực thảm hại về Giáo Hội. Sự lạm dụng dẫn đến thiếu công bằng trong nhận định, thiếu kiểm chứng trong thông tin. Giáo Hội Công giáo không chỉ có những vụ lạm dụng tình dục, mà còn biết bao thành viên thánh thiện, những hoạt động truyền giáo và bác ái tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp từ nhiều thế hệ.
Trong triều đại Giáo Hoàng của mình, Đức Phanxicô đã trải qua hai năm đại dịch Covid-19. Chúng ta hẳn còn nhớ hình ảnh của một vị Giáo Hoàng, vào lúc 6 giờ chiều ngày 27 tháng 3 năm 2020, trong buổi cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô. Chưa bao giờ thế giới chứng kiến một buổi cầu nguyện ảm đạm như vậy. Một vị Giáo Hoàng, với sự hiện diện chỉ khoảng 10 người phụ tá, dâng lời cầu nguyện trong chiều mưa lất phất và trong làn gió lạnh giá, cho thế giới hết đại dịch. Cùng với đại dịch là những vấn đề nổi cộm của thế giới hôm nay, như di dân, thiên tai, chiến tranh tại Ucraina, xung đột sắc tộc tại nhiều nơi trên thế giới. Trong những thử thách gian nan đó, vị Giáo Hoàng của chúng ta vẫn can đảm, tín thác cậy trông vào lòng Chúa thương xót. Qua sự gần gũi, hiệp thông cầu nguyện, Đức Thánh Cha là gương mẫu về lòng can đảm và là nguồn khích lệ cho những người đang gặp thử thách gian truân. Để can đảm đối diện trước những thử thách gian nan, vị Giáo Hoàng của chúng ta luôn mang một niềm xác tín nơi thập giá Chúa Kitô, và ngài tìm được sức mạnh nơi Đấng chịu đóng đinh. Ngài đã viết: “Thánh Giá cho chúng ta một kho tàng mà không có sự gì khác có thể mang lại: đó là sự chắc chắn về tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu cao vời đến nỗi Ngài đã bước xuống vũng lầy tội lỗi của chúng ta và tha thứ, đã đi vào đau khổ của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng”. Cũng trong chiều hướng ấy, nơi khác, ngài đã viết: “Với Chúa Kitô, sự ác, đau khổ, và cái chết không có tiếng nói cuối cùng, bởi vì Ngài ban cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thánh Giá từ một công cụ của sự thù ghét, thất bại và sự chết thành một dấu chỉ của tình yêu, chiến thắng và sự sống.”
Khi viết những dòng này, người viết nhớ đến cuộc yết kiến Đức Thánh Cha nhân dịp Ad Limina của các Giám mục Việt Nam, tháng 3 năm 2018. Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha rất quan tâm đến Giáo Hội Việt Nam. Ngài ân cần thăm hỏi, khích lệ động viên các Giám mục. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến ơn gọi linh mục và tu sĩ tại Việt Nam, đồng thời nêu lên những nguyên tắc cần thiết trong nhiệm vụ đào tạo nhân sự cho tương lai của Giáo Hội.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu Giáo Hoàng, chúng ta hiệp lời tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị Giáo Hoàng của thời đại, can đảm thực thi nhiệm vụ ngôn sứ trong mọi hoàn cảnh. Ước chi thế giới Công giáo biết thành tâm đón nhận giáo huấn của ngài, để cùng xây dựng một Giáo Hội hiệp hành, nơi Giáo Hội ấy, anh em không cùng tôn giáo dễ dàng nhận ra những chứng từ sống động về Thiên Chúa Tình Yêu.
Hà Nội, ngày 6 tháng 3 năm 2023
+ Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.