Tiếp kiến chung 08-3-2023 – Giáo lý loan báo Tin Mừng 06 – Truyền giáo là việc phục vụ mang tính Giáo hội

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 8/3/2023, Đức Thánh Cha đã trình bày với các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô bài giáo lý về chủ đề: Loan báo Tin Mừng là việc phục vụ của Giáo hội. Dựa trên sắc lệnh Ad gentes – Đến với Muôn dân – của Công đồng chung Vatican II, Đức Thánh Cha nói rằng mỗi người được rửa tội có vai trò độc nhất trong việc loan báo Tin Mừng và việc loan báo này là sứ vụ của Giáo hội, được thực hiện với tư cách là Giáo hội.

Đức Thánh Cha nhận định rằng lòng nhiệt thành truyền bá Tin Mừng không thể tách rời khỏi chiều kích Giáo hội, vì đây là chiều kích bảo vệ sứ điệp Kitô giáo khỏi bị bóp méo và khỏi bị chạy theo những lợi ích và lối suy nghĩ trần tục.

Dựa trên Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vatican II về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, trong đó trình bày mọi công cuộc truyền giáo đều bắt nguồn từ tình yêu bao la của Thiên Chúa là Cha chúng ta, được tuôn đổ trên thế giới qua các sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và được kéo dài trong sứ mạng loan báo của Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu rằng là “những môn đệ truyền giáo”, tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi theo gương tình yêu hy sinh quên mình của Chúa Kitô bằng cách làm chứng một cách sáng tạo và thuyết phục cho sự thật và sức mạnh hòa giải của lời Người, không chỉ cho cá nhân mà còn cho cuộc sống của toàn thể gia đình nhân loại chúng ta.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy rằng “công đồng” đầu tiên trong lịch sử Giáo hội đã được triệu tập tại Giêrusalem vì một vấn đề liên quan đến việc rao giảng Tin Mừng, nghĩa là loan báo Tin Mừng cho những người không phải là người Do Thái. Vào thế kỷ XX, Công đồng chung Vatican II đã trình bày Giáo hội như Dân Chúa lữ hành trong thời gian và vì bản chất truyền giáo của Giáo hội (x. Sắc lệnh Ad Gentes, 2). Có một cầu nối giữa Công đồng đầu tiên và Công đồng cuối cùng, về việc loan báo Tin Mừng, một cây cầu mà kiến ​​trúc sư là Chúa Thánh Thần. Hôm nay chúng ta lắng nghe Công đồng Vatican II để khám phá ra rằng việc rao giảng Tin Mừng luôn là một việc phục vụ mang tính Giáo hội, không bao giờ được thực hiện cách đơn độc, không bao giờ biệt lập hay theo chủ nghĩa cá nhân. Việc loan báo Tin Mừng luôn được thực hiện trong Giáo hội, nghĩa là trong cộng đồng và không chiêu dụ tín đồ bởi vì đó không phải là truyền giáo.

Đảm bảo tính xác thực của lời loan báo của Kitô giáo

Thật vậy, người loan báo Tin Mừng luôn truyền đạt những gì mình đã nhận được. Thánh Phaolô là người đầu tiên viết điều đó: Tin Mừng mà ngài loan báo và các cộng đoàn đã đón nhận và họ nắm vững, cũng chính là Tin Mừng mà chính Thánh Tông Đồ đã đón nhận (x. 1Cr 15,1-3). Chúng ta lãnh nhận đức tin và loan truyền đức tin. Tính năng động của Giáo hội trong việc truyền tải Thông điệp này là điều ràng buộc và đảm bảo tính xác thực của lời loan báo của Kitô giáo. Chính Thánh Phaolô viết cho tín hữu Galát: “Nếu chính chúng tôi hoặc một thiên thần từ trời xuống loan báo cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi” (1,8).

Tránh cám dỗ tìm những điều dễ dàng nhưng thứ yếu

Do đó, chiều kích Giáo hội của người loan báo Tin Mừng tạo nên một tiêu chuẩn để kiểm chứng lòng nhiệt thành tông đồ. Một xác minh cần thiết, bởi vì cám dỗ thực hành “một mình” luôn rình rập, đặc biệt là khi con đường trở nên khó khăn và chúng ta cảm thấy sức nặng của sự dấn thân. Cũng nguy hiểm không kém là cám dỗ đi theo những con đường giả dạng giáo hội và dễ dàng hơn, chấp nhận lối lý luận của thế gian về những con số và khảo sát, dựa vào sức mạnh của những ý tưởng, chương trình, cơ cấu của chúng ta, “những mối quan hệ quan trọng.” Điều này là không đúng; nó giúp đỡ một chút nhưng điều chính yếu là cái khác. Đó là sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban cho anh chị em để loan báo sự thật về Chúa Giêsu Kitô, để loan báo Tin Mừng. Những thứ khác chỉ là thứ yếu.

Sắc lệnh Ad Gentes

Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha mời gọi: Giờ đây, thưa anh chị em, chúng ta hãy tham dự trực tiếp hơn vào trường học của Công đồng Vatican II, bằng cách đọc lại một số điểm của Sắc lệnh Ad Gentes (AG) – Đến với Muôn dân, văn kiện về hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Những văn bản này hoàn toàn vẫn còn nguyên giá trị của chúng ngay cả trong bối cảnh phức tạp và đa dạng của chúng ta.

Tình yêu của Chúa Cha dành cho mọi người

Trước hết, Sắc lệnh Đến với Muôn dân mời gọi chúng ta hãy xem tình yêu của Thiên Chúa Cha là nguồn mạch, tình yêu mà “vì lòng nhân từ thương xót vô biên tạo dựng chúng ta và vì ân sủng, mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh quang của Người. Người đã rộng rãi tuôn ban và còn không ngừng tuôn ban lòng nhân từ, đến độ như là Đấng tác tạo muôn loài, cuối cùng Người trở nên “tất cả trong mọi loài” (1Cr 15,28), để Người được vinh hiển và đồng thời chúng ta được hạnh phúc. (số 2). Đoạn văn này là cơ bản, bởi vì nó nói rằng tình yêu của Chúa Cha dành cho mọi người. Tình yêu của Chúa không chỉ dành cho một nhóm nhỏ, không, nó dành cho tất cả mọi người. Hãy ghi nhớ thật kỹ điều này trong tâm trí anh chị em: tất cả mọi người, không loại trừ ai, Chúa phán như vậy. Và tình yêu này dành cho mọi người, là tình yêu dành cho mọi người nam nữ qua sứ mạng của Chúa Con, Đấng trung gian cứu rỗi và là Đấng Cứu Chuộc chúng ta (x. AG, 3), và nhờ sứ mạng của Chúa Thánh Thần (x. AG, 4), Đấng hoạt động trong mỗi người, cả người đã rửa tội lẫn người chưa rửa tội.

Giáo hội trung thành với con đường của Chúa Kitô

Hơn nữa, Công đồng nhắc lại rằng nhiệm vụ của Giáo hội là tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô, Đấng “đã được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, vì thế – Sắc lệnh nói tiếp – điều cần thiết là Giáo hội, luôn luôn dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Kitô, cũng phải tiến bước trên chính con đường Chúa Kitô đã đi, con đường của nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân mình đến độ sẵn lòng chịu chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người (AG, 5). Nếu Giáo hội vẫn trung thành với “con đường” này, nếu chúng ta vẫn trung thành với con đường này, thì sứ mạng của Giáo hội là “sự biểu lộ hay nói cách khác là sự hiển linh ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần gian và trong lịch sử nhân loại” (AG, 9).

Mỗi người đã được rửa tội là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng

Anh chị em thân mến, những gợi ý ngắn gọn này cũng giúp chúng ta hiểu chiều kích Giáo hội của lòng nhiệt thành tông đồ của mỗi môn đệ truyền giáo. Lòng nhiệt thành tông đồ không phải là một sự nhiệt tình, nó là một cái gì khác, nó là một ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta phải gìn giữ bởi vì nơi Dân Chúa lữ hành và loan báo Tin Mừng không có những chủ thể tích cực hay thụ động. “Mỗi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Giáo hội và trình độ giáo dục về đức tin của họ, là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng” (Tông huấn Evangelii gaudium, 120). Nếu bạn không loan báo Tin Mừng, nếu bạn không làm chứng, nếu bạn không làm chứng về Phép Rửa mà bạn đã lãnh nhận, về đức tin mà Chúa đã ban cho bạn, thì bạn không phải là một Kitô hữu tốt.

Tìm kiếm những cách thức mới để loan báo Tin Mừng

Nhờ phép Rửa tội đã lãnh nhận và từ đó được tháp nhập vào Giáo hội, mọi người đã được rửa tội tham dự vào sứ vụ của Giáo hội, và theo cách này, tham dự vào sứ vụ của Chúa Kitô Vua, Tư tế và Ngôn sứ. Sứ vụ này “là duy nhất và không thay đổi ở mọi nơi và trong mọi tình huống, ngay cả khi nó không được thực hiện theo cùng một cách do những hoàn cảnh khác nhau” (AG, 6). Điều này mời gọi chúng ta đừng trở nên cứng nhắc hoặc hóa đá; lòng nhiệt thành truyền giáo của người tín hữu cũng được diễn tả như một cuộc tìm kiếm sáng tạo những cách thức mới để loan báo và làm chứng, những cách thức mới để gặp gỡ nhân loại bị tổn thương mà chính Chúa Kitô đã mang lấy. Tóm lại, những cách thức mới để phục vụ Tin Mừng và phục vụ nhân loại. Loan báo Tin Mừng là một việc phục vụ. Nếu một người tự gọi mình là người rao giảng Tin Mừng mà không có thái độ đó, tấm lòng đó của người tôi tớ, và tin rằng mình là ông chủ, thì người đó không phải là người rao giảng Tin Mừng; họ là một người đáng thương.

Đón nhận và chia sẻ

Trở về với suối nguồn tình yêu của Chúa Cha và sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần không đóng kín chúng ta trong những không gian tĩnh lặng cá nhân. Trái lại, nó dẫn chúng ta đến chỗ nhận ra tính nhưng không của món quà sự sống viên mãn mà chúng ta được mời gọi, một hồng ân mà chúng ta ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa, đồng thời dẫn chúng ta đến việc sống trọn vẹn hơn bao giờ hết những gì chúng ta đã lãnh nhận và chia sẻ nó với những người khác, với tinh thần trách nhiệm và cùng nhau đi trên những con đường, đôi khi quanh co và khó khăn của lịch sử, trong khi chờ đợi sự viên mãn của nó trong sự tỉnh thức và chuyên cần.

Buổi tiếp kiến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho các tín hữu.

Hồng Thủy – Vatican News

Nguồn: vaticannews.va/vi

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi