Thầy đến để kiện toàn (12.02.2023 – Chúa Nhật VI Thường Niên A)

LỜI CHÚA: Mt 5, 17-37
 
Hôm ấy, trên một ngọn núi kia, Ðức Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
 
Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Ðồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả heat đồng xu cuối cùng.
 
Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn toàn thân phải sa hỏa ngục. Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.
 
Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Ðức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Ðừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Ðức Vua cao cả. Ðừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”
 
SUY NIỆM
 
Người Do-thái coi trọng Luật Chúa đã ban cho ông Môsê,
từ núi thánh Xinai, giữa mây mù, khói lửa và sấm chớp (Xh 19,16-19).
Ông Môsê được Chúa sai làm người phát ngôn cho Ngài.
Ông có đủ thẩm quyền để giải thích Luật Chúa cho dân Ítraen,
vì ông là người đã lên núi gặp Chúa, đã nhận Luật chép trên bia đá,
và đã ở lại trên núi bốn mươi ngày đêm (Xh 24,18; Đnl 9,9).
 
Tuy nhiên, Đức Giêsu hẳn làm các môn đệ ngỡ ngàng
khi Ngài tuyên bố: Anh em đã nghe ông Môsê nói như thế này
với dân Ítraen ngày xưa, để giải thích cho họ về Luật Chúa.
Ngày nay, Thầy cho anh em một cách giải thích khác về Luật.
Hãy sống theo giáo huấn mới mẻ của Thầy.
Quả thật, Đức Giêsu có uy quyền hơn ông Môsê nhiều.
Môse chỉ là một thụ tạo gần gũi Thiên Chúa trong một thời gian,
Còn Đức Giêsu là Con Một luôn ở trong lòng Thiên Chúa Cha (Ga 1,18).
Vì thế Ngài biết rõ và truyền đạt trung thành ý muốn của Thiên Chúa.
 
Thầy không đến để bãi bỏ Luật mà Thiên Chúa đã ban qua ông Môsê,
Thầy đến để kiện toàn, và làm cho Luật ấy được nên trọn (Mt 5,17).
Đức Giêsu đã kiện toàn Luật Môsê bằng những đòi hỏi nội tâm.
Ngài không ngừng lại ở hành vi bên ngoài,
Ngài đòi chúng ta đi vào bên trong trái tim mình.
Không giết người bằng gươm dao, chưa đủ.
Còn cần tránh cả sự giận dữ vốn là cội rễ của tội sát nhân (1 Ga 3,15),
hơn nữa cần tránh cả những lời nói nhục mạ kẻ khác (Mt 5,21-23).
Không ngoại tình với vợ người khác, chưa đủ.
Còn cần tránh cả ngoại tình trong cái nhìn thèm muốn chiếm đoạt,
đó là thứ ngoại tình không ai biết, vì nằm tận trong tim (Mt 5,28).
 
Đức Giêsu còn đưa ra những đòi hỏi tận căn về việc giữ Luật.
Ngài đòi để lễ vật lại trước bàn thờ để đi làm hòa với anh em,
không phải với người anh em mà chính mình đang bất hòa,
nhưng với người anh em đang gây cho mình nhiều rắc rối.
Phải làm hòa trước đã, rồi mới dâng lễ sau (Mt 5,23-24).
Hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa đòi hiệp thông trước với anh em.
Bằng lối nói cường điệu, Đức Giêsu đòi người môn đệ
phải dứt khoát tránh dịp tội, tránh cớ làm cho mình sa ngã.
Thà bỏ đi một phần quý giá như mắt phải hay tay phải,
còn hơn là  toàn thân phải chịu hư mất đời đời (Mt 5,29-30).
Chúng ta không nên hiểu câu nói trên theo nghĩa đen,
nhưng lại không được quyền làm yếu đi sức mạnh của hình ảnh ấy. 
 
Đức Giêsu đã dám đưa ra một giải thích khác với Môse về ly dị.
Ngài không coi ly dị là chuyện được phép.
Người đàn ông thời đó có nhiều tự do để ly dị vợ,
lắm khi chỉ vì một lý do cỏn con.
Ngài cho thấy mình biết rõ ý định ban đầu của Thiên Chúa (Mt 19,4),
nên Ngài cương quyết bảo vệ tính bất khả phân ly của hôn nhân.
 
Bài Giảng trên Núi của Đức Giêsu vẫn có tính thời sự,
vì chạm đến những vấn đề nóng bỏng ngày nay của chúng ta:
thù hận, giết người, ngoại tình, ly dị, thiếu trung thực…
Chỉ khi sống những giáo huấn của Đức Giêsu một cách nghiêm túc,
chúng ta mới giải quyết được những vấn đề lớn của thế giới.
Chỉ khi để cho tình yêu thấm vào mọi tương quan,
chúng ta mới thực sự là người mở lòng đón lấy Nước Trời.
 
CẦU NGUYỆN
 
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
 
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
 
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
 
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
 
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau.
 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Năm 2020

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi