Lời Chúa: Mc 6, 14-29
Khi ấy, vua Hêrôđê nghe biết về Ðức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Ðó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Ðó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”. Kẻ khác nói: “Ðó là ông Êlia”. Kẻ khác nữa lại nói: “Ðó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”. Vua Hêrôđê nghe thế, liền nói: “Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!”
Số là vua Hêrôđã sai đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hêrôđê nể sợ ông Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con”. Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Ðầu Gioan Tẩy Giả”. Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm”. Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, và khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
Suy niệm:
Như mọi con người khác ở trên đời,
con người của Hêrôđê bị giằng co giữa cái xấu và cái tốt.
Vấn đề là ông ta sẽ ngả theo cái nào.
Hêrôđê biết Gioan là người công chính thánh thiện nên sợ ông.
Hêrôđê đã bảo vệ che chở cho Gioan và thich nghe ông nói,
dù những điều đó làm Hêrôđê hết sức bối rối (c. 20).
Nhưng Hêrôđê cũng là người đã sai bắt Gioan và xiềng ông trong ngục,
chỉ vì Gioan dám nói: “Nhà vua không được lấy vợ của anh mình.”
Rõ ràng cái ác trong Hêrôđê đã thắng cái thiện, cái xấu đã thắng cái tốt.
Hêrôđê thuộc loại người “nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận,
nhưng không đâm rễ, mà là những kẻ nông nổi nhất thời…” (Mc 4, 16-17).
Chính vì thế khi gặp thử thách thì ông vấp ngã ngay.
Hêrôđê còn quỵ ngã một lần nữa nặng hơn.
Ngày sinh nhật của ông cũng là ngày chết của một vị ngôn sứ.
Khi con gái bà Hêrôđia biểu diễn một điệu múa làm vui lòng mọi người,
Hêrôđê đã lỡ thề hứa một điều thiếu khôn ngoan,
trước mặt bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê:
“Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23).
Không biết lúc đó Hêrôđê đã say chưa,
nhưng chắc chắn nhà vua đã quên một điều quan trọng.
Ông quên mình chỉ là một tiểu vương nắm vùng Galilê và Pêrê (Lc 3,1),
nên ông không có quyền cho đất hay chia đất.
Bà Hêrôđia đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này để trả thù Gioan.
Bà nói với cô con gái xin đầu Gioan Tẩy giả (c. 24).
Hẳn điều này là một bất ngờ lớn đối với Hêrôđê .
Lập tức ông bị đặt vào thế giằng co xâu xé.
Một mặt ông hết sức đau buồn vì quý mạng sống của Gioan.
Mặt khác ông lại không muốn thất hứa với cô bé,
một lời hứa đã trót nói ra công khai trước mặt quan khách dự tiệc.
Hêrôđê có dám chịu đánh mất chút danh dự của mình không
khi khiêm tốn xin rút lại lời thề hứa vội vàng, bồng bột?
Ông có dám nhận mình đã sai và chịu mất mặt không?
Tiếc quá! Hêrôđê đã không có được can đảm này.
Như người thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi (Mc 10, 22),
Hêrôđê cũng sẽ buồn suốt đời vì cái chết do ông gây ra.
Như Hêrôđê, sau này Philatô cũng chịu áp lực khi ông xử án Đức Giêsu.
Ông cũng phạm đúng tội của Hêrôđê trước đám đông (Mc 15, 15),
coi ghế ngồi của mình quý hơn mạng sống của Đức Giêsu, người vô tội.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.