Đức Thánh Cha Phanxicô: Chúng ta không thể loan báo Tin Mừng nếu không làm chứng về sự hiệp nhất

Sáng ngày 19/1/2023, gặp gỡ Phái đoàn Đại kết từ Phần Lan, Đức Thánh Cha nói rằng “chúng ta không thể rao truyền Danh Chúa Giêsu một cách xứng đáng nếu không làm chứng cho vẻ đẹp của sự hiệp nhất, dấu ấn của các môn đệ Chúa Kitô.”

Các thành viên của phái đoàn thuộc các Giáo hội Tin Lành Luther, Công giáo, Chính Thống và cả Tin Lành Methodist, đã đến Rôma để mừng lễ Thánh Henry, một vị thánh gốc người Anh được cả Giáo hội Tin Lành Luther và Công giáo Phần Lan mừng kính.

Sau khi cảm ơn lời chia buồn về sự qua đời của Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI, Đức Thánh Cha đề cập đến hình ảnh Biển Baltic đã được đại diện phái đoàn nói đến, nơi là “một nguồn của sự sống bị các hành động của con người đe doạ, một nơi gặp gỡ đã bị trở nên bất ổn cách đau đớn vì bầu khí đối đầu do sự tàn bạo vô nghĩa của chiến tranh gây nên”.

Kitô hữu là tác nhân hòa giải cho thế giới 

Từ hình ảnh của nước, điều nhắc các Kitô hữu về ơn hoà giải nhận được qua bí tích rửa tội, Đức Thánh Cha nhắc rằng Con Thiên Chúa, khi dìm mình trong dòng nước sông Jordan, đã bày tỏ ý muốn hoàn toàn hoà mình vào thân phận con người của chúng ta. Và cả chúng ta, được rửa tội trong Đức Kitô, được hoà nhập với Người nhờ ân sủng, và trở nên con cái Thiên Chúa, trở nên anh chị em của nhau. Khi lãnh nhận phép rửa, chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa, với tha nhân và toàn thể thụ tạo. Do đó, Đức Thánh Cha nói: “Là những người con được hoà giải, chúng ta được kêu mời không mệt mỏi hoạt động cho sự hoà giải giữa chúng ta với nhau, và là tác nhân hòa giải trong thế giới của chúng ta.”

Hoà mình vào vết thương của những người khốn khổ

Đức Thánh Cha nhận định rằng chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay, “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng” (Is 1,17), có liên quan với bí tích rửa tội của chúng ta, điều mời gọi chúng ta thực hiện những hành động công bằng và những cử chỉ gần gũi với nạn nhân của bất công, sự gạt bỏ ra ngoài lề, các hình thức áp bức, đặc biệt là chiến tranh. Ngài mời gọi các chứng nhân của niềm tin vào Chúa Kitô, “có bổn phận hoà mình trong những vết thương của tất cả những người đang khốn khổ. Và hãy cùng nhau làm điều này.”

Cầu nguyện và làm việc chung: chứng tá để thế gian tin vào Chúa Kitô

Cuối cùng, theo Đức Thánh Cha, khi cùng cử hành sự hiệp thông đại kết của tất cả các thánh chúng ta nhận ra việc cầu nguyện với nhau, nỗ lực làm việc và kiên trì đối thoại để vượt qua những chia rẽ, và nên một, theo ý Chúa, là điều quan trọng để thế gian tin (x. Ga 17,21). (CSR_237_2023)

Hồng Thủy

vaticannews.va

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi