Đức Hồng y Czerny: Lựa chọn ưu tiên của Giáo hội dành cho người nghèo không phải là ý thức hệ

Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 400 năm của Bộ Truyền Giáo, nay là Bộ Loan báo Tin Mừng, ĐHY Czerny, SJ, Bộ trưởng Bộ phục vụ và phát triển con người toàn diện, nhận định rằng: “Lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo không phải là ý thức hệ cũng không tương ứng với tầm nhìn chính trị của Giáo hội, ngược lại, nó là một lựa chọn phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô”.


📷
 ĐHY Czerny: Lựa chọn ưu tiên của Giáo hội dành cho người nghèo không phải là ý thức hệ  (Yurko Hanchuk)

Bài phát biểu hôm 9/12 của ĐHY Czerny, SJ, có tựa đề “Phúc âm hóa và Phát triển Con người Toàn diện”. Hội nghị được tổ chức tại Mainz, Đức, bởi Viện Nghiên cứu Truyền giáo Quốc tế ( IIMF) và Tạp chí Nghiên cứu Truyền giáo và Tôn giáo (ZMR).

Trong bài phát biểu, ĐHY Czerny, SJ nhấn mạnh rằng: “Giáo hội đã nhận từ Chúa Giêsu sứ mạng làm dậy men đời sống xã hội bằng men Tin Mừng”. Ngài nhắc lại rằng Giáo huấn xã hội của Giáo hội đã phát triển như một sự hiểu biết hữu cơ về những thách thức xã hội sâu sắc của cuộc Cách mạng Công nghiệp, nhờ sự dấn thân xã hội của nhiều giáo dân Công giáo, những người đã bắt đầu “Phong trào Công giáo” vào thế kỷ 19 thế kỷ.

Từ ‘Rerum Novarum’ đến ‘Gaudium et Spes’

Sự dấn thân này đã đơm hoa kết trái trong các thông điệp xã hội của các Giáo hoàng trong thế kỷ 19 và 20, cụ thể là thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) về nguồn vốn và lao độngcủa ĐGH Leo XIII (1891), và thông điệp Quadragesimo Anno (Tứ Thập Niên) về tái cấu trúc trật tự xã hội của Đức Piô XI (1931), được Công đồng Vatican II đón nhận và đặc biệt đưa vào Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes năm 1965 về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại.

ĐHY giải thích rằng trọng tâm của tài liệu quan trọng này là ý tưởng rằng Giáo hội “có thể và phải được làm phong phú nhờ sự phát triển của đời sống xã hội loài người” và rằng “việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi một sự dấn thân kiên quyết đối với sự thăng tiến con người và bảo vệ phẩm giá con người.”

Từ ‘Evangelii Nuntiandi’ đến ‘Fratelli Tutti’

Đức Hồng Y Czerny, SJ tiếp tục giải thích về cách những ý tưởng này đã được phát triển thêm bởi các tài liệu giáo hoàng sau đó: tông huấn Evangelii nuntiandi (Loan báo Tin mừng)(1965) của ĐGH Phaolô VI và Populorum Progressio (Phát triển Các Dân tộc) (1967) đã chỉ ra rằng sự phát triển đích thực là không thể tách rời khỏi “những giá trị cao hơn của tình yêu, tình bạn, cầu nguyện và chiêm niệm.”

Trong thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan Tâm Đến Vấn Đề Xã Hội) (1987), Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đào sâu khái niệm phát triển này khi nói rằng sự gia tăng tài sản và tạo ra của cải vật chất không thực sự mang nghĩa tăng trưởng nếu nó hàm ý rằng người ta và các quốc gia phớt lờ những đau khổ của những người yếu nhất hoặc tệ hơn là xem họ như “cái giá phải trả” cho sự gia tăng thịnh vượng.

ĐGH Biển đức XVI trong thông điệp Caritas in Veritate (Đức ái trong sự thật) (2009) kêu gọi sự hợp tác lớn hơn giữa các thị trường, các quốc gia và xã hội dân sự để đảm bảo tái phân phối của cải và tăng cường “tư duy quà tặng”.

ĐHY tiếp tục bài phát biểu với một phân tích sâu sắc về giáo huấn xã hội của Đức Thánh Cha Phanxicô và những lời phê bình lặp đi lặp lại của ngài về “mô hình kỹ trị” và “xã hội vứt bỏ” ngày nay. Ngài đặc biệt tập trung vào Tông huấn Evangelii Gaudium về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (2013), và hai Thông điệp Laudato Si’: về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta (2015) và Fratelli tutti về tình huynh đệ và tình bạn xã hội (2020).

Cuối cùng, Đức Hồng Y Czerny, SJ tóm tắt bài phát biểu của mình bằng lời của thánh Gioan Kim Khẩu: “Nếu bạn không tìm thấy Chúa nơi khách lạ, nơi người tị nạn, nơi người nghèo, thì bạn cũng sẽ không tìm thấy Người trong Bí tích Thánh Thể”.

Văn Cương, SJ 

vaticannews.va

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi