Chúa Nhật Gaudete: Sống lời mời gọi “hãy vui lên”

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng còn được gọi là “Chúa Nhật Gaudete”. Từ “Gaudete” trong tiếng Latinh có nghĩa là “vui mừng”, được trích từ Ca nhập lễ của thánh lễ Chúa Nhật này: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Chúa đã gần đến” (Pl 4, 4-5).

Chính trong âm vang của lời mời gọi này, thay cho lễ phục màu tím, linh mục có thể mặc màu hồng, và cây nến thứ ba trên vòng hoa Mùa Vọng cũng có màu hồng, tất cả nhằm biểu thị niềm vui khi chúng ta đã đi được nửa chặng đường của hành trình chờ đợi ngày Giáng sinh. Thật vậy, bước vào Mùa Vọng, chúng ta cầu xin để có ý chí mạnh mẽ tiến bước. Trong tuần thứ hai, chúng ta xin ơn trợ giúp để vượt thắng những trở ngại trên hành trình. Có thể nói, trong hai tuần đầu tiên, trọng tâm được tóm tắt trong cụm từ “Chúa sắp đến”. Nhưng với tuần thứ ba, trọng tâm chuyển sang cụm từ “Chúa đã gần đến”. 

Tuy nhiên, lời mời gọi “Hãy vui lên” có ý nghĩa gì? Liệu chúng ta có thể “vui” khi thấy mình yếu hèn, đổ vỡ, bất lực, … chăng? Liệu chúng ta có thể “vui” khi thấy mình chông chênh và mọi thứ dường như nằm ngoài tầm kiểm soát chăng?, Liệu chúng ta có thể “vui” khi những đau khổ, bất công, tang thương vẫn ngày qua ngày tồn tại trong cuộc sống và trong thế giới chăng?

Nhưng nếu Lời Chúa mời gọi: “Hãy vui lên”, thì chắc hẳn niềm vui này là có thực, vì Thiên Chúa sẽ chẳng đòi hỏi chúng ta điều gì mà chính nó là hão huyền và bất khả thi.

Thánh Phaolô đưa ra 3 gợi ý giúp chúng ta cảm nghiệm được niềm vui này.

  1. 1.Chúng ta phải cầu nguyện không ngừng

Niềm vui của Kitô hữu không đơn thuần là một trạng thái cảm xúc, hay là điều có thể đạt được bằng nỗ lực của con người mà là một ân ban. Nói cách khác, niềm vui ấy là điều chúng ta nhận được từ mối tương quan cá vị với Thiên Chúa.

Việc cầu nguyện giúp chúng ta duy trì mối tương quan này khi nhận ra rằng chúng ta cầu nguyện không phải chỉ vì chúng ta cần Chúa giúp giải quyết vấn đề mà vì chúng ta muốn được ở trong, và trưởng thành hơn trong mối tương quan với Thiên Chúa. Thật vậy, lời cầu nguyện kiên trì và khiêm tốn cho thấy thiện chí cũng như sự sẵn sàng của chúng ta để đón nhận từ nơi Thiên Chúa một niềm vui liên lỉ ngay cả khi chúng ta thấy như tình trạng không được cải thiện, niềm vui sâu xa vượt lên trên mọi thú vui phù du, chóng qua của trần thế.

Mẫu gương của Mẹ Maria là động lực giúp chúng ta trải nghiệm niềm vui này khi biết hướng lòng lên Thiên Chúa trong lời cầu nguyện như Mẹ đã làm tại tiệc cưới Cana: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3).

  1. 2.Chúng ta cầnlàm theo ý Chúa

Người có niềm vui là người biết làm theo ý Chúa với lòng biết ơn. Cho dù điều kiện sống có ra sao, chúng ta vẫn có thể tạ ơn Thiên Chúa và tìm cách thực thi ý muốn của Ngài, như thánh Phaolô khuyên dạy: “Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4, 6). Chúa Giêsu bảo đảm rằng chính sự trung thành với ý muốn của Người làm cho chúng ta nên thân thiết với Ngài: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 50).

Trái tim biết ơn của Mẹ Maria cũng giúp chúng ta nhìn thấy những lý do để tạ ơn khi Mẹ đã không tìm kiếm niềm vui trong hoàn cảnh hay thành tích của mình mà chỉ tìm kiếm niềm vui trong sự tín thác, vì “Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1, 49). Và Mẹ cũng thúc giục chúng ta biết làm theo ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả trong những tình huống bế tắc, và có đủ lý do để lo lắng, hoài nghi nhất “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).

  1. 3.Chúng ta cầnphân định tâm linh.

Bất kể điều gì xảy ra, nếu được bắt nguồn từ Đức Giêsu, sẽ có sức lan tỏa niềm vui vượt lên trên bất kỳ niềm vui nhất thời nào do thế gian mang lại. Nhưng làm sao để chúng ta nhận biết được Đức Giêsu? Kinh nghiệm của Thánh Gioan Tẩy Giả có thể soi sáng cho chúng ta.

Biết Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả nhận thức được căn tính đích thực của mình trong Đức Kitô, “Tôi không phải là Ðấng Kitô… Tôi không phải là Vị ngôn sứ… Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Ðức Chúa đi” (x. Ga 1, 20-23). Biết Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả nhận thức được sứ mạng của mình trong Đức Kitô, “Tôi đây làm phép rửa trong nước” (Ga 1, 27).  Biết Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả nhận thức được rằng chỉ mình Đức Kitô là Đấng có thể mang Thần Khí của niềm vui đến thế giới này, “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Lc 3, 16). Do đó, chính khi nhận biết Đức Giêsu, cũng như căn tính, và sứ mạng của mình, Gioan Tẩy Giả có được niềm vui nội tâm trong Đức Kitô: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Ðó là niềm vui của tôi, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3, 29-30).

Do đó, để cảm nhận được niềm vui này, chúng ta phải thường xuyên tự vấn: suy nghĩ, ước muốn, cảm xúc của tôi đến từ đâu và nó đang dẫn tôi đến đâu: hướng về Chúa hay xa rời Ngài? Về điều này, thánh Phaolô cũng nhắc nhở: “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5, 21-22). Việc phân định như vậy cho phép chúng ta giữ lại những gì tốt đẹp, chân thật và tốt lành để cảm nếm niềm vui thiêng liêng khi loại bỏ những điều giả dối, xấu xa, và gian ác nhập nhoè trong thế giới mà chúng ta đang sống. Do đó,  nếu mải mê tìm kiếm niềm vui bằng việc theo đuổi, tôn vinh, và bám víu vào những thần tượng giả tạo, dưới bất cứ hình thức nào, chúng ta sẽ bị lạc lối và chẳng thể cảm nhận niềm vui như Chúa mời gọi.

Ngoài ra, chúng ta cần học nơi Mẹ để phân định điều gì đến từ Thiên Chúa và điều gì không, như Mẹ đã phân định kỹ càng những lời chúc tụng của Thiên thần Gabriel trước khi ưng thuận: “bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1, 29).

Ba bước này sẽ giúp chúng ta nhận ra và cảm nghiệm rằng:

– Thiên Chúa, Đấng không chỉ mời gọi chúng ta vui luôn mà Ngài còn trung thành thực hiện điều đó. (x. 1 Tx 5, 24). Chính Thiên Chúa làm cho niềm vui này trở nên khả thi và luôn có đó bên chúng ta. Vì thế, chúng ta chỉ có thể vui luôn khi cảm nhận được sự thành tín của Thiên Chúa, Đấng sẽ ban thưởng cho đức tin và sự kiên nhẫn của chúng ta, nhưng chúng ta phải biết sẵn sàng đón nhận và thăng hoa những khó khăn, thử thách xảy đến trong đời sống thường ngày của mình.

– Thiên Chúa, Đấng không chỉ mời gọi chúng ta vui luôn, mà Ngài còn hiện diện với chúng ta nơi Đức Giêsu – Emmanuel – Thiên Chúa ở với chúng ta. Do đó, chúng ta không cần phải đợi cho đến khi không còn những phấn đấu cá nhân, khi tự kiểm soát được cuộc sống của mình, khi thế giới ít hỗn loạn hơn,…. Vấn đề là làm sao để, giống như Gioan Tẩy Giả, chúng ta cũng biết Đức Giêsu, nhờ đó, có thể nhận ra căn tính,  sứ mạng, và vận mệnh của mình nơi Người. Đây là hy vọng về niềm vui, vốn không thể tìm thấy trong những điều chúng ta theo đuổi, mà chỉ có trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.

– Thiên Chúa, Đấng không chỉ mời gọi chúng ta vui luôn, mà Ngài còn ban những gì cần thiết để chúng ta có được niềm vui vĩnh cửu. Qua bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu không ngừng tự hiến bất chấp sự bất trung của chúng ta. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng chìa khóa của niềm vui là biết trao hiến và phục vụ người khác cách vô vị lợi. Thiên Chúa ở trong những ai biết yêu mến và tâm hồn họ tràn ngập niềm vui. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã có lần đề cập:

Chẳng phải Mẹ Têrêsa Calcutta là một chứng nhân khó quên về niềm vui Tin Mừng đích thực trong thời đại chúng ta đó sao? Mẹ sống hàng ngày với sự khốn khổ, sự mất phẩm giá và sự chết. Tâm hồn của Mẹ trải qua những thử thách của đêm tối đức tin, nhưng Mẹ đã mang đến cho mọi người nụ cười của chính Thiên ChúaTrong một bài viết, Mẹ nói rất rõ: “Chúng ta nóng lòng chờ đợi thiên đàng, nơi Thiên Chúa ngự trị, nhưng chúng ta có thể cảm nếm niềm vui thiên đàng ngay lúc này, tại đây, trên trái đất này. Hạnh phúc với Chúa có nghĩa là yêu thương như Ngài, giúp đỡ như Ngài, cho đi như Ngài, và phục vụ như Ngài”

***

Trong hành trình sống sự chờ đợi Đức Giêsu, qua việc tưởng niệm về quá khứ hồng phúc khi Người đến trần gian trong đêm Giáng Sinh, và hướng đến tương lai hy vong khi Người tái lâm để kết thúc lịch sử, chúng ta có thể bị chao đảo giữa muôn nỗi khổ đau, buồn phiền của phận người. Do đó, việc cử hành ngày Chúa nhật Gaudete là một lời nhắc nhở chúng ta sống trọn vẹn giây phút hiện tại qua việc mở lòng để đón nhận, cảm nghiệm, và lan tỏa niềm vui do chính Thiên Chúa ban tặng: một niềm vui không do chúng ta nắm bắt hoặc tạo ra; một niềm vui không ai và không gì có thể lấy đi, vì đó là niềm vui của người gặp được Chúa Kitô ngang qua những thăng trầm của cuộc đời.

Nếu vậy, thì, chúng ta “Hãy vui lênChúa đã gần đến!”

Theo: aleteia.org (16. 12. 2018);
 aleteia.org (13. 12. 2020); và

catholicexchange.com (14. 12. 2022)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi