Như đã định hướng từ ban đầu, chúng ta không tìm cách phân tích Thông điệp Laudato si’ và không đưa Thông điệp này của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào chiều hướng nghiên cứu mang tính học thuật, cũng không tìm hiểu khía cạnh chính trị-kinh tế xã hội, đúng hơn chúng ta cố gắng tìm kiếm lợi ích từ Thông điệp này bằng cách đọc và tìm ra những phương thế để sống tinh thần Laudato si’ như một lối sống Tin Mừng theo cách thức mới trong đời sống hằng ngày giữa hoàn cảnh hiện nay của thế giới.
Tiếp nối đường hướng mục vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô gợi hứng trong Thông điệp Laudato si’, chúng ta tiếp tục lắng nghe tiếng kêu rên xiết của trái đất và tiếng khóc than thê thảm của người nghèo. Nhờ đó, chúng ta có thể dành sứ vụ của mình ưu ái cho người nghèo, những con người đang mang trong mình những nỗi đau khổ về việc khan hiếm nước sạch, phá rừng, thực phẩm thiếu an toàn, ô nhiễm môi trường, v.v. Chúng ta được phép đưa ra những sáng kiến về cách thức mới để thực hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại như chính mình.
Bên cạnh áp dụng tinh thần Laudato si’ vào môi trường sinh thái trong đời sống ngày của mọi người, đặc biệt những người tín hữu Kitô giáo, xây dựng một môi trường thiên nhiên xanh – sạch – đẹp tại nơi mình đang sinh sống, chúng ta được thúc đẩy áp dụng tinh thần của Thông điệp này vào môi trường tâm lý và xã hội thông qua những dự án hỗ trợ người nghèo.
Đối với môi trường tâm lý, chúng ta cố gắng thực hiện sự hoà giải và chữa lành theo tinh thần thương xót và bác ái của Tin Mừng. Giữa chúng ta cần thực hiện:
– sự hòa giải và chữa lành thật sự giữa anh chị em trong gia đình và cộng đoàn, góp ý và sửa sai trong tình yêu thương huynh đệ qua việc đối thoại và chia sẻ với nhau, tìm các giải pháp giải quyết vấn đề phù hợp tinh thần bác ái Kitô giáo;
– thực hiện sự tôn trọng và bình đẳng giữa anh chị em trong gia đình và cộng đoàn đức tin, giáo xứ;
– năng thăm viếng, quan tâm và chăm sóc đặc biệt những anh chị em cao niên, đang đau ốm bệnh tật hoặc đang bị tổn thương;
– không nói xấu về người vắng mặt, giữ sự bình đẳng và công bằng với anh chị em, quan tâm tới công bằng xã hội với mọi người được chúng ta thuê mướn;
– bày tỏ tính lịch thiệp, nhã nhặn, hiếu khách, cởi mở và giao hảo với mọi người.
Đối với môi trường xã hội, đặc biệt đối với những người nghèo và người di dân, chúng ta nỗ lực:
– quan tâm tình hình môi trường xã hội, đặc biệt chú ý tới những tác động đến người nghèo;
– liên đới với người nghèo qua việc chia sẻ;
– sẵn sàng và ưu tiên phục vụ những người nghèo và những người nhập cư trong khu vực của chúng ta đang sinh sống và hoạt động;
– quan tâm và chăm sóc mục vụ nhiều hơn những người con di dân của giáo xứ;
– gây nhận thức trách nhiệm xã hội, tình liên đới qua việc giảng dạy, tổ chức học hỏi giáo huấn xã hội của Giáo Hội và thông điệp Laudato si’.
Dự án cụ thể hỗ trợ những người nghèo
Xây dựng một chương trình hỗ trợ lâu dài cho những người nghèo.
Chương trình này sẽ giúp các Giáo Hội địa phương và các ân nhân của Giáo Hội có cơ hội cải thiện phẩm chất đời sống của những người nghèo khổ, những người cô thân yếu thế, già yếu bệnh tật và di dân.
– Giáo dục: thực hiện các chương trình khuyến học vi mô và vĩ mô.
– Y tế: chăm sóc và cải thiện sức khỏe con người bằng cách truyền đạt kiến thức sức khỏe phổ thông cho dân chúng, khám bệnh và phát thuốc.
– Ăn uống: hỗ trợ lương thực, thực phẩm và quần áo, cung cấp nước sạch để uống và sinh hoạt; tổ chức các bữa ăn cho những người nghèo đói.
– Nơi ở: sữa chữa hoặc làm nhà mới cho những người nghèo khổ và/hoặc già yếu neo đơn.
– Nhân quyền: bảo vệ quyền lợi của những người nghèo và cô thân yếu thế; liên đới, hiệp thông và thăm viếng đồng cảm với người nghèo lúc họ đang bị mất quyền lợi chính đáng.
Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.