Tám vị giáo hoàng khác thời hiện đại – Đức Lêô XIII (1878–1903), Đức Piô X (1903–14), Đức Bênêđictô XV (1914–22), Đức Piô XI (1922–39), Đức Piô XII (1939–58), Đức Phaolô VI (1963–78), Đức Gioan Phaolô II (1978–2005) và Đức Bênêđictô XVI (2005–2013)– đã tạo ảnh hưởng riêng lên Giáo hội mà các ngài thừa hưởng trong thời đại của mình. (Đức Gioan Phaolô I chỉ làm giáo hoàng ba mươi ngày vào năm 1978). Tuy nhiên, phần lớn mối bận tâm của các ngài là nội bộ Giáo hội, vốn đã bị vùi dập, phá đổ và chia rẽ trong suốt 19 thế kỷ. Vì vậy, nhiều vị tiền nhiệm của các ngài qua các thời đại đã xây dựng các bức tường phòng thủ và gửi quân đội đi chinh phục thay vì mở cửa và thuyết phục các linh hồn đến với Đức Kitô nhân lành. Quả thật, những vị giáo hoàng thời hiện đại này đối mặt vô số mối đe dọa đối với đức tin, mà không có sẵn quyền lực trần thế và thẩm quyền thiêng liêng đã bị suy giảm, mặc dù các ngài đã dũng cảm cố gắng (dẫu không phải lúc nào cũng thành công) để giành lại nền tảng đạo đức mà những người kế vị thánh Phêrô trước đó đã có.
Đức Gioan XXIII (1881–1963) lên ngôi giáo hoàng trong một thế giới đã sống sót qua chủ nghĩa quốc xã (Nazism) và diệt chủng Do Thái (Holocaust) – nếu kể đầy đủ – và một cuộc thế chiến tàn khốc trước đó. Bên cạnh chủ nghĩa phát xít và quốc xã, ngài còn đối đầu với chủ nghĩa cộng sản, cuộc chiến tranh lạnh, việc chạy đua vũ trang nguyên tử, và xung đột dân sự nhiều nơi trên thế giới. Khoa học và công nghệ có những bước phát triển vượt bậc ở phương Tây, và dân số trên hành tinh đang bùng nổ, đặc biệt là ở các quốc gia chưa phát triển hay là “Thế giới thứ ba”. Ngài đã khá chú ý và chuẩn bị cho Thế giới thứ ba này. Hầu hết 40 năm sứ vụ ngài làm việc nơi các nước thuộc thế giới thứ ba, cách xa giáo triều Rôma nơi thường gây ra hội chứng sợ không gian hẹp (claustrophobia).
Giáo hội thời của ngài đã sống sót qua hai cuộc thế chiến, và nhiều người bên trong hệ thống lãnh đạo phẩm trật cảm thấy rằng Giáo hội nên hạn chế đối đầu với “những kẻ thù” như chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa hiện đại – đang ra sức tái chiến các trận đánh của những thế kỷ trước nhưng không bằng bất kỳ vũ khí mới nào trong kho vũ khí của chúng.
Ngài không phải là dân Rôma, bên ngoài vòng tròn quyền lực nội bộ, khiến ngài không chỉ có ít khả năng được bầu lên giáo hoàng mà còn khó có thể là ứng cử viên tạo nên cách mạng. Ngài đã 77 tuổi khi được bầu làm giáo hoàng Rôma. Là một nhà ngoại giao ở Bungary, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm trước và trong thế chiến II, ngài không quá gây ấn tượng với các giáo sư hoặc các vị chỉ huy quân đội, cũng như các bề trên ở Vatican. Có lẽ từ “khó có thể” đã được xăm trên trán ngài.
Tuy nhiên, Giuseppe Roncalli đã vững vàng nhờ kinh nghiệm đa dạng trong suốt cuộc đời: một sự tổng hòa phong phú về địa điểm, con người và hoàn cảnh. Ngài lớn lên giữa những người nông dân ở tỉnh Bergamo; phục vụ cùng những người lính chân chất; làm việc với những người gây quỹ cho một bộ quan trọng của Vatican; nói chuyện với các Kitô hữu Chính thống bị bao vây ở Bungary; và đến với người Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người cộng tác với cộng sản Pháp, những người cộng sản ở Pháp và Ý. Ngài tôn trọng và phục vụ các linh mục-thợ, bất kể họ có được Rôma ủng hộ hay không.
Cách thực tế và thân thiện, ngài giữ ngọn lửa đời sống thiêng liêng luôn thắp sáng qua việc cầu nguyện, những việc lành thầm lặng, với một sự hài hước đầy thông minh và trào phúng. Về khả năng trực giác, ngài được đào tạo về thần học và lịch sử Giáo hội nhưng không bao giờ thông minh vượt trội; thay vào đó ngài định vị các mối tương quan nhân bản trong và ngoài Giáo hội với các kỹ năng và thiên hướng được mài giũa qua nhiều thập kỷ trong Bộ ngoại giao Vatican.
Việc thăng tiến lên chức vụ tối cao và quyền lực nhất của Kitô giáo năm 1958 đáng kinh ngạc và khó xảy ra của một nhà ngoại giao ao làng từ vùng nông thôn nước Ý, cách nào đó làm lu mờ ý nghĩa lịch sử đối với những gì diễn ra ngay sau khi Roncalli đăng quang giáo hoàng với tước hiệu Gioan XXIII. Khi kêu gọi mở một Công đồng Vatican mới –một cuộc qui tụ tất cả các giám mục về một nơi và là công đồng đầu tiên kể từ năm 1870– ngài đã phá tan mọi dự tính trước đó, cho rằng triều đại giáo hoàng của ngài sẽ là một sự chuyển tiếp hoặc không có biến cố gì xảy ra.
Vào ngày cuối tháng 5 năm 1963, trong những giây phút cuối đời, Đức Roncalli tiếp đón các hồng y. Ngài nói với mỗi vị rằng ngài “sắp phải rời đi”, như thể mình đang bắt đầu một hành trình và sẽ không gặp bạn bè và cộng sự trong một thời gian. Hoàn thành vai trò là pastor et nauta, mục tử và hoa tiêu, một ngư phủ lưới người, và đưa “Con thuyền thánh Phêrô” (Barque of Peter – một thuật ngữ cổ được sử dụng để mô tả Giáo hội và chức vị giáo hoàng, ám chỉ đến chuyên môn của vị tông đồ như là ngư phủ) ra biển thế giới, giờ đây, gần như một mình, chính ngài có thể bước ra biển vĩnh hằng. Ngài xin rước của ăn đàng (viaticum –Rước lễ lần cuối, nghĩa là Đức Kitô “đi cùng bạn”– a via tecum), và chẳng bao lâu sau dừng lại trên hành trình cuối cùng bên kia chân trời vĩnh cửu.
Nhưng không phải trước đó ngài đã nói với nhiều người rằng ngài hiến dâng cuộc đời “cho thành công của công đồng đại kết và cho hòa bình nhân loại”, đây thực sự là ước nguyện của ngài khi hấp hối. Cho đến cuối đời, ngài lặng lẽ kiên định với viễn tượng căn bản của mình. Không phải lúc nào trực giác cũng thể hiện rõ ràng, nhưng nó thể hiện trong Công đồng Vatican II và nơi tình yêu đầy hy vọng dành cho mọi người thiện chí như được diễn tả trong Thông điệp Hòa bình trên thế giới (Pacem in terris – 1963). Giờ đây, đến cuối cùng vẫn không có sự mơ hồ nào, với sự sáng suốt của một người sắp ra đi, ngài lặp đi lặp lại ước nguyện, “rằng công trình vĩ đại này sẽ thành công rực rỡ”.
Đức Giáo hoàng Gioan XXIII là một nhà cách mạng dịu dàng. Không phải là vị chủ chăn tạm thời mà Giáo hội mong đợi, theo thần học gia dòng Tên John Courtney Murray, Đức Gioan XXIII đã tạo nên một bầu khí trong đó, “rất nhiều điều không thành công – những kiểu thức cũ trong suy nghĩ, hành vi, cảm nhận. Chúng không bị thách thức hay bác bỏ, nhưng chỉ lắng xuống.
Một Giáo hội nguyên khối (monolithic) thời Trung cổ sẽ không – có lẽ không thể – chống lại một phong trào mang tính lịch sử, được giáo hoàng thúc đẩy, hướng tới sự năng động và đa dạng. Tuy nhiên, thật đau lòng, Mẹ Giáo hội sẽ thay đổi. Và sau đó Giáo hội sẽ phải đối mặt với sự phản ứng và phòng thủ nội bộ không tránh khỏi vốn theo sau bất kỳ cuộc cách mạng văn hóa hay tâm linh nào.
Ngài từ đâu đến? 25 năm đầu đời từ khi sinh ra, lớn lên và chịu chức linh mục được ghi chép cẩn thận, trong suốt những năm đó không có gì nổi bật. Ngài là người con không chỉ của dòng họ Roncalli ở thị trấn Sotto il Monte tỉnh Bergamo thuộc miền bắc nước Ý, mà theo nghĩa đen còn là người con của Giáo hội, từ ngày chào đời. Dường như không ai quan tâm hỏi phải chăng ngài đã luôn được định sẵn cho ơn gọi linh mục như lẽ tự nhiên như hơi thở trong cuộc đời ngài.
Angelo Giuseppe Roncalli xuất thân từ vùng đất núi đồi, từ tấm lòng của một gia đình truyền thống ngoan đạo và đầy nhiệt huyết, gồm mười hai anh chị em (ba người đã mất sớm) và vô số bà con họ hàng gần. Ngài lớn lên dưới ảnh hưởng trực tiếp và không ngừng của Giáo hội Công giáo Rôma thời Đức Giáo hoàng Lêô XIII, một trong những vị giáo hoàng có khả năng và tiến bộ nhất trong hai thế kỷ qua. Ngay khi cậu thanh niên Roncalli trưởng thành và không lâu trước khi thụ phong linh mục, Đức Piô X được bầu làm giáo hoàng và trong hơn 10 là bức tường thành chống lại những người theo chủ nghĩa hiện đại, rồi kế tiếp ngay trước thế chiến I là vị giáo hoàng uyên bác, Đức Bênêđictô XV.
Cậu thanh niên Roncalli cảm nghiệm nhiều sự tiếp nối hơn là thay đổi trong Giáo hội thánh thiện và bền bỉ, mặc dù những chiều hướng thần học và các giá trị hiện đại nổi lên tấn công pháo đài đã được chống đỡ bởi Công đồng Trentô vào thế kỷ XVI và Công đồng Vatican I (1869–70) của Đức Piô IX, tập trung vào nội bộ, trong đó xác định ơn bất khả ngộ của giáo hoàng tại thời điểm đó và cho mọi thời đại. Lòng đạo đức đã thắng sự truy vấn trong Giáo hội mà Roncalli trưởng thành, nhưng ngài cảm thấy thôi thúc bước theo con đường nghiên cứu và suy tư lịch sử nuôi dưỡng trí óc tốt và con tim quảng đại của ngài – qua thời gian – với những hiểu biết về khía cạnh nhân bản và tổ chức trong Mẹ Giáo hội thánh thiện mà ngài yêu mến.
Tuy nhiên, trước khi hy vọng hiểu về Đức Gioan XXIII, cần phải nhớ rằng dường như không có những nghi ngờ và suy đoán nơi người chủng sinh hay vị tân linh mục này. Không có chỗ cho việc đùa giỡn với những trò tiêu khiển thế gian hay trò chơi trí tuệ trong cuộc đời dâng hiến cho đức tin của chính mình, của gia đình, và của những người mà ngài tìm đến phục vụ và cầu nguyện cho. Cuộc sống quá quý giá, và ngắn ngủi đối với hầu hết mọi người, và ơn cứu độ là chung cuộc cho người Kitô hữu trung thành. Chấm hết.
Và ngài đã đi đâu? Từ thế giới nhỏ hẹp của một ngôi làng miền núi, và thậm chí của tỉnh Bergamo, một thủ phủ nhỏ nhưng nổi tiếng ở đông bắc thành phố Milanô với những truyền thống trứ danh về âm nhạc, thánh thiện và đấu tranh, ngài chuyển đến Rôma, con tim sống động của Giáo hội, sau đó đến những vai trò ngày càng mở rộng đến sân khấu ngoại giao châu Âu trước khi xuất hiện, vào cuối đời, với tư cách là “giáo hoàng của thế giới”. Ngài cũng trực tiếp trải qua thế chiến I, nơi các chiến hào, với tư cách một hạ sĩ quan không chuyên nghiệp và vị tuyên úy trẻ trong quân đội Ý. Đây là một tiến triển đáng chú ý của người lữ khách với khởi đầu không mấy may mắn, nếu có thể nói như vậy.
Có thể nói, ngài nối tiếp từ gia đình đến gia đình, từ gia đình máu mủ ruột thịt đến nhóm huynh đệ trong chủng viện và đời linh mục, đến “gia đình” rộng lớn gồm các tín hữu vùng Balkan và Pháp quốc, cho đến người dân ở Venice, nơi ngài làm thượng phụ (pater familias). Ngài luôn luôn cố gắng duy trì liên lạc với gia đình Roncalli ở Sotto il Monte, gồm cha mẹ ngài, cả hai đều mất vào những năm 1930 (khi ngài 50 tuổi), các anh chị em, và các cháu. Cuối cùng, với tư cách Giáo hoàng (il Papa) và Đức thánh cha, gia đình của ngài mở rộng ra toàn cầu, đến các ngôi làng miền núi ở châu Phi và châu Á và các thành phố ở châu Mỹ, nơi mà ngài không bao giờ có thể hy vọng trực tiếp viếng thăm như những người kế vị ngài sẽ làm.
Ai và điều gì hình thành nên tính cách của ngài? Khi còn là một cậu bé, dường như ngài được đánh động bởi sự thánh thiện (một từ cần được giải thích và khám phá sâu hơn trong bối cảnh và thời đại của ngài) từ bên ngoài. Như mọi người nói ngài là một đứa bé và là một người tốt lành. Tiếp đến, làm thế nào ngài trở thành vị Giáo hoàng tốt lành là câu chuyện rất cần được kể lại cho thế hệ mới.
Nhóm Sao Biển
Chuyển ngữ từ: Greg Tobin, “Chapter One: Pastor and Nauta, Shepherd and Navigator,” in THE GOOD POPE – The Making of a Saint and the Remaking of the Church, The Story of John XXIII and Vatican II (New York: HarperCollins Publishers Inc., 2012), EPub Edition, 12–16.
Greg Tobin
Nguồn: stellamaris.edu.vn (09.10.2022)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.